California tìm giải pháp chống hạn

California đang tìm các biện pháp cơ bản để giải quyết nạn hạn hán nghiêm trọng hiện nay. Ý tưởng thì nhiều, một số ý tưởng có nhiều triển vọng nhưng cũng có những giải pháp còn khá lạ lẫm.

California đang khốn khổ vì hạn hán. Hạn hán kéo dài làm cho đồng ruộng khô nẻ và  hóa đơn tiền nước của các dư dân California tăng vọt. Tuy nhiên người dân ở bang này không chịu để mất mầu xanh đến mức họ phun mầu lên bãi cỏ vườn nhà.

Theo ước tính của các chuyên gia làm việc tại Viện nghiên cứu NASA Jet Propulsion Laboratory thuộc California Institute of Technology, thì để thoát khỏi nạn hạn hán kéo dài từ nhiều năm nay, California cần có trên 11 nghìn tỷ lít nước, chính xác là: 11.356.235.352.000.000.000 lít.

Từ hàng chục năm qua, người dân California đã biết nước sẽ trở nên khan hiếm. Bang này tràn trề ánh mặt trời và có biển cả rộng mênh mông trải dài dọc miền duyên hải phía tây nhưng lại thiếu nước sinh hoạt. Nạn hạn hán kéo dài bốn năm qua càng làm cho tình trạng thiếu nước ngọt trở nên trầm trọng hơn.

Những cơn mưa rào thoáng qua và ngay cả hiện tượng El Niño cũng không xoay chuyển nổi tình hình. Tuy trong tháng 11 vừa qua, lượng mưa ở San Diego tương đương lương mưa cả năm nhưng cơn khát vẫn còn lớn hơn. Điều này dẫn đến tình huống trớ trêu đối với cơ quan chính quyền, ở miền nam California một mặt người ta phải chuẩn bị chống hỏa hoạn mặt khác do hiện tượng El Nino người ta phải  tính đến nguy cơ bão lụt và mưa lớn kéo dài, có nghĩa là người ta vừa phải chống hạn vừa phải đề phòng bão lụt cùng một thời điểm.

California đang tìm các biện pháp cơ bản để giải quyết nạn hạn hán nghiêm trọng hiện nay. Ý tưởng thì nhiều, một số ý tưởng có nhiều triển vọng nhưng cũng có những giải pháp còn khá lạ lẫm.

Dự trữ nước từ xa

Tìm  những nguồn nước mới là một cách để cân đối sự thiếu hụt nước. Câu hỏi đặt ra là, nguồn nước trong tương lai ở đâu, ông Terry Trapp, giám đốc điều hành Alaska Bulk Water thường trả lời bằng một câu ngắn ngủi: “Từ Blue Lake ở Sitka!”

Cái hồ này ở tận Alaska cách Los Angeles khoảng 8,5 giờ bay. Nếu chỉ theo ý kiến ông chủ doanh nghiệp này thì tới đây sẽ có tầu thủy thường xuyên vận chuyển nước ăn  từ hồ Sitka ở tây nam Alaska tới hải cảng ở Long Beach hay Los Angeles nhằm cung cấp nước cho những vùng bị hạn hán ở California. Hồ Sitka dư thừa nước ngọt và công ty  Alaska Bulk Water Company được quyền lấy 34 tỷ lít nước từ hồ nhằm mục tiêu kinh doanh.

Trong thực tế thì xe vận tải chở nước đã được sử dụng từ lâu. Báo chí địa phương đăng tải nhiều câu chuyện về những người làm nghề vận chuyển nước bằng xe tải cỡ bự để cung cấp nước chủ yếu cho các chủ trang trại ở California. Trước mắt đây là một trong nhiều giải pháp tạm thời và có lẽ không thể trở thành một giải pháp lâu dài.

Hy vọng vào biển cả

Sử dụng nước biển được coi là một giải pháp lâu dài. Người dân ở California đã đưa vào sử dụng các cơ sở khử mặn  nước biển làm nước nước ăn.  Thứ hai vừa qua thị trấn Carlsbad gần thành phố San Diego với trên một triệu dân đã khai trương cơ sở khử muối nước biển. Đây là một dự án khổng lồ ngốn vô vàn tiền của. Thị trấn  Carlsbad đầu tư gần một tỷ đôla cho cơ sở khử mặn nước biển này tuy vậy mỗi ngày cũng chỉ sản xuất được khoảng 50 triệu gallon nước ăn, thỏa mãn nhu cầu về nước của 7% dân cư  địa phương. Dân địa phương dự đoán tới đây hóa đơn tiền nước sẽ tăng vọt.

Tái chế nước thải là giải pháp thích hợp?

Tại California có nhiều dự án tương tự – thí dụ cơ sở khử muối trong nước biển bằng điện mặt trời ở gần San Francisco, nhằm giảm chi phí năng lượng. Những dự án này có thể có ý nghĩa hơn về mặt tài chính so với dự án Carlsbad, được khởi động cách đây 25 năm và do một số sai sót trong quy hoạch nên kết quả thu được ít hơn so với dự tính.

Tại Santa Barbara, một  địa phương ven biển, người ta đã chi khoảng 40 triệu đôla để tái kích hoạt một cơ sở khử muối nước biển cũ sau khi lắp đặt thiết bị kỹ thuật mới. Vấn đề là: nhà máy khử muối nước biển “cũ”này thực ra mới xây dựng năm 1992, nhưng chỉ sau ba tháng vận hành nhà máy đã phải nghỉ hưu vì chi phí năng lượng quá lớn. Vì vậy lần này nhiều người tỏ ra hoài nghi liệu đầu tư như vậy có thành công hay không hay chỉ vì giờ đây hạn hán quá nghiêm trọng. Chi phí quá lớn cho các dự án ở Carlsbad hay Santa Barbara dù sao cũng làm cho các địa phương ở California ái ngại trước giải pháp khử muối.

Thay vì khử mặn trong nước biển, một số nhà nghiên cứu khác lại chú ý nhiều đến vấn đề tái chế nước thải để sử dụng lại. Một nghiên cứu của Quỹ WateReuse Research Foundation, tiến hành năm 2014 cho thấy, trong năm 2020 ở California người ta có thể tái chế nước thải từ đó mỗi ngày có thể khai thác trên 3,7 tỷ lít nước sạch nếu như có đủ kinh phí. Lượng nước sạch  này có thể thỏa mãn nhu cầu của 8 triệu người dân California. Ông Doug Owen, chủ tịch Quỹ khẳng định giải pháp này là an toàn và ít t tốn kém nhất. 

Trong thực tế, kinh nghiệm đối với lĩnh vực này chưa có bao nhiêu do đó còn thiếu tính thuyết phục đối với chính quyền địa phương ở California.

Trong khi chính quyền và các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chống hạn thích hợp, thì hạn hán đang thay đổi lối sống của cư dân tại đây. Nạn hạn hán nghiêm trọng có ý nghĩa như thế nào  đối với các hộ gia đình ở California thể hiện rõ nhất ở hai sự việc rất đơn giản, đó là: bãi cỏ trước vườn nhà và hóa đơn tiền nước.

Những gia đình có vườn ở California có thói quen, mỗi ngày phun nước hai lần cho bãi có và vườn cây trước nhà. Hiện nay do tình trạng hạn hán nghiêm trọng chính quyền thành phố yêu cầu không dùng nước sạch để tưoi vườn. Tuy nhiên nếu không tưới thì bãi cỏ xanh sẽ nhanh chóng bị khô héo chuyển thành nâu. 

Ngày nay khi nạn hạn hán đã trở thành một nguy cơ thực sự đối với cuộc sống chính quyền địa phương buộc phải nới lỏng một số quy định về chăm sóc vườn cây, thí dụ không bắt buộc cỏ phải xanh tốt.

Tuy vô cùng khan hiếm nước, bãi cỏ trong vườn vẫn tươi xanh. Giải pháp là người dân đã mua một loại dung dịch có mầu xanh để phun lên cỏ, nhờ đó bãi có có được mầu xanh mát mắt.

Tóm lại các giải pháp tái chế nước thải và khử muối nước biển làm nước ăn thực sự có ý nghĩa. Và những thay đổi trong lối sống hàng ngày của cư dân California là hết sức đúng đắn. Thí dụ một số thành phố, công viên và các doanh nghiệp đã trồng các loại xương rồng và các loại cây sa mạc khác vốn chịu nắng nóng và không đòi hỏi phải tưới tắm để tạo mầu xanh và cũng khá bắt mắt. Tuy vậy việc sử dụng lãng phí nước vẫn còn khá phổ biến. Ở những nơi có tình trạng khô hạn nghiêm trọng và kéo dài thì vấn đề thay đổi tư duy trong người dân là hết sức quan trọng. Điều này này bắt đầu từ những việc làm thông thường, nhỏ nhặt nhất, thí dụ không nhất thiết mỗi gia đình phải có vườn và bãi cỏ xanh tốt. Những giải pháp hay, những ý tưởng lớn sẽ không có ý nghĩa khi cư dân California không thay đổi lối sống quen thuộc của mình đối với vấn đề nước.

Hoài Nguyễn   dịch

Theo Tuần kinh tế Đức

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)