Cần chính sách đạo đức khoa học mạnh hơn cho các nghiên cứu của Liên hiệp Châu Âu

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science cho thấy các chính sách “nghiên cứu và đổi mới sáng tạo có trách nhiệm” trong chương trình Chân trời 2020 (Horizon 2020) thường ít có tác động với chính trị và xã hội. Điều này cho thấy, muốn tạo ra sự thay đổi nào đó, khoa học cần có những quan tâm thực sự đến xã hội hơn.

Có rất nhiều ví dụ cho những đột phá khoa học với ý định tốt nhưng bị đem sử dụng cho mục đích xấu. Khi những đổi mới sáng tạo (ĐMST) của chúng ta vừa có sức mạnh ngày càng lớn lại vừa có đầy những vấn đề đạo đức còn chưa biết tới thì chúng ta không thể xem nhẹ hoặc bỏ mặc ảnh hưởng của chúng đối với xã hội, môi trường, và thậm chí đối với cả ý nghĩa của chuyện làm người.

Việc triển khai các liệu pháp dựa trên kỹ thuật biến đổi di truyền cũng phải tính đến khả năng chấp nhận và những hệ quả lâu dài đối với môi trường và xã hội

Do đó, trong nhiều năm qua, Uỷ ban Châu Âu (EC) đã yêu cầu những người được nhận kinh phí nghiên cứu phải tính đến ảnh hưởng xã hội từ công việc của mình – một sáng kiến trong chương trình Chân Trời 2020 (Horizon 2020)1 mà EC gọi là “nghiên cứu và ĐMST có trách nhiệm” (RRI: responsible research and innovation). Ý định thì tốt, nhưng nghiên cứu của chúng tôi công bố trên tạp chí Science2 cho thấy vẫn việc thực thi vẫn còn thiếu. Đang chuẩn bị cho chương trình nghiên cứu lớn Chân Trời Châu Âu (Horizon Europe) sắp tới, đây là lúc EC cần tư duy lại chiến lược của mình.

“Nghiên cứu và ĐMST có trách nhiệm” là gì?

Các mục tiêu này của EC có một lịch sử đáng chú ý. Năm 2014, tại một hội nghị do Italia – nước lúc đó đang là Chủ tịch Liên hiệp Châu Âu (EU) – tổ chức, Tuyên bố Roma đã được thảo ra để thúc đẩy việc tích hợp quyền con người và các giá trị xã hội vào các quyết định về nghiên cứu và ĐMST của Châu Âu. Các quyền và nguyên tắc này gồm có tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp quyền cũng như những vấn đề khác đã được xác định trong Hiệp ước LisboaHiến chương EU về những quyền cơ bản. Tuyên bố Roma nói rằng những thành tựu xuất sắc trong khoa học cùng những ĐMST bền vững và như kỳ vọng chỉ có thể đạt được khi được xã hội ủng hộ, chấp nhận. Nhưng ngày nay, ta đang thấy hiện tượng rất nhiều thành phần chủ đạo trong xã hội đang rời xa hay mất lòng tin vào khoa học, những người làm khoa học, cũng như chính quyền và những người làm chính sách. Vậy làm cách nào ta có thể đảo ngược xu hướng này để cải thiện không chỉ quan hệ của xã hội với khoa học và còn cả quan hệ của khoa học với xã hội?

Chính sách Nghiên cứu và ĐMST có trách nhiệm (RRI) là một trong những khuôn khổ EC tạo ra để đạt mục tiêu trên. Khuôn khổ này đề ra 6 vấn đề chủ chốt và những người được nhận kinh phí từ chương trình Chân Trời 2020 phải xem xét khi tiến hành nghiên cứu: giao thiệp với công chúng (public engagement), bình đẳng giới (gender quality), giáo dục khoa học và hiểu biết khoa học cơ bản (science education and science literacy), truy cập mở (open access), đạo đức (ethics), và quản trị (governance).

Những lỗ hổng trong cách thực thi của EU?

Vậy chính sách này hiệu quả đến đâu? Liệu nó đã được những người nhận kinh phí nghiên cứu biến thành hành động chưa? Để trả lời những câu hỏi này, nhóm chúng tôi (nhờ một đề tài do Chân Trời 2020 cấp kinh phí) đã kiểm tra hàng trăm tài liệu của EC, phỏng vấn 257 người được nhận kinh phí làm đề tài khoa học, và dùng các thuật toán (algorithm) ngôn ngữ tự nhiên để phân tích các mục tiêu đề ra cho 6 năm của các đề tài do Chân Trời 2020 cấp kinh phí – tổng cộng là 13.644 đề tài.

Chúng tôi nhận thấy rằng tuy các giá trị xã hội và đạo đức được tích hợp khá tốt vào các chính sách ở mức tuyên bố và chiến lược, nhưng chúng lại được thể hiện kém hơn ở mức độ thực thi, chẳng hạn như trong các đợt nhận đăng ký và xét duyệt đề tài. Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên là các giá trị xã hội và đạo đức hầu như chỉ được thực hiện hời hợt ở các đề tài nghiên cứu thực tế do những người làm nghiên cứu tiến hành, thể hiện qua việc chúng gần như không được ghi vào mục tiêu đề tài.

Biểu đồ giới hạn của “nghiên cứu có trách nhiệm” trong chương trình Chân Trời 2020: Novitzky và cộng sự biểu thị 6 mục tiêu chủ chốt (trái) và 3 mục tiêu “mở” (phải) mà EC đề ra cũng như mức độ từng mục tiêu này được các đề tài cụ thể của Chân Trời 2020 nhắc đến – từ hời hợt (màu đỏ) cho đến cao (màu xanh). Xem thêm số liệu cụ thể tại: https://doi.org/10.1126/science.abb3415.  

Kết quả cho thấy một trong những nguyên nhân là những người làm nghiên cứu không hiểu rõ khái niệm “RRI”, và nếu có nhắc đến cụm từ này thì họ cũng dùng nó như một lối biểu đạt vô nghĩa. Sự hiểu biết không rõ ràng này không chỉ dẫn đến nhận thức và đào tạo thiếu đầy đủ và còn khiến khuôn khổ RRI tiếp tục biến đổi – nó trở thành một khái niệm động, tối nghĩa, khó hiểu và khó thực hiện. Đồng thời, khuôn khổ RRI còn phải cạnh tranh với các mục tiêu khác của EC trong chương trình Chân trời 2020, tức là: nghiên cứu phải xuất sắc, có ảnh hưởng đến xã hội, và có giá trị kinh tế. Các chương trình mục tiêu này đưa đến việc thiếu quyết đoán và thoả hiệp, và hệ quả là không thể tích hợp nhất quán các giá trị xã hội vào các chương trình hành động và đề tài nghiên cứu của Chân trời 2020.

Như chúng tôi đã nói trong công bố trên Science: “Tuy những kết quả này không có ý nói rằng những người làm nghiên cứu là vô trách nhiệm, nhưng chúng đưa ra những câu hỏi về mức độ thành công từ cách tiếp cận của EC nhằm đưa các mục tiêu quy chuẩn trách nhiệm vào nghiên cứu và ĐMST”.

Đề xuất thực tế

Kết quả kém trong triển khai chính sách vào thực tế này làm nổi bật nhu cầu nâng cao mức độ liên kết giữa hai giai đoạn trên. Để thực hiện được việc này, ta phải đảm bảo rằng những giá trị xã hội và đạo đức phải được thể hiện rõ là được tích hợp đầy đủ – đây được coi là một yêu cầu bắt buộc (quy chuẩn) để được nhận kinh phí nghiên cứu và để tuân thủ chính sách quản trị của bên cấp kinh phí nghiên cứu. Ngoài ra, ta phải phát triển các công cụ dài hạn để xây dựng hiểu biết và nhận thức chung về tầm quan trọng của RRI cho tất cả những đối tượng có liên quan bao gồm các nhà khoa học và tất cả các thành viên xã hội. RRI phải dịch chuyển từ vị trí là một “vấn đề xuyên suốt” (cross-cutting issue) như cách gọi của EC hiện nay thành một “mối quan tâm chiến lược” (strategic concern) trong việc đề ra và thực thi chính sách. Cách làm này sẽ chỉ đạo tốt hơn việc điều phối đề ra ưu tiên và phân bổ kinh phí cùng các nguồn lực khác cho các đề tài nghiên cứu và ĐMST có trách nhiệm trong thực tiễn lẫn lý thuyết.

Cần phải có các chuyên gia đa ngành, những người có hiểu biết đặc biệt về quan hệ giữa khoa học và xã hội, để quyết tâm thực hiện việc tích hợp và thực hành các giá trị xã hội và đạo đức về mọi mặt của chương trình Chân trời Châu Âu. Việc áp dụng toàn diện ở mọi cấp độ như thế sẽ cải thiện mức độ tin cậy và hiểu biết về nghiên cứu và ĐMST trong mọi thành phần xã hội.

Nếu ta chỉ học được một bài học từ các hệ quả ở Châu Âu của đại dịch COVID-19 thì đó phải là không có “mẹo nhanh công nghệ” nào xử lý được những thử thách xã hội lớn mà có thể bỏ qua các giá trị xã hội. Để đưa giải pháp của mình vào thực tế thành công, những người làm nghiên cứu, giới doanh nghiệp, và những người làm chính sách không thể nào chỉ phát triển rồi triển khai công nghệ ĐMST mà không tính đến các giá trị xã hội, khả năng chấp nhận và những hệ quả lâu dài đối với môi trường và xã hội. Câu chuyện này không chỉ xảy ra cho các ứng dụng di động (app) theo dõi giãn cách xã hội, mà còn cho cả những giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI), các liệu pháp dựa trên kỹ thuật biến đổi di truyền, công nghệ nano, và các công nghệ mới thường có tác động đột phá thay đổi hành vi.

Khế ước xã hội với khoa học bị xói mòn sẽ làm giới hạn khả năng các xã hội dân chủ khắp thế giới ứng phó với những thách thức tương lai. Một sự tích hợp và điều chỉnh mạnh mẽ chính sách nghiên cứu và ĐMST để kết hợp các giá trị xã hội sẽ khẳng định vai trò toàn cầu của Châu Âu trong phát triển khoa học, ĐMST với mục tiêu được chấp nhận về mặt đạo đức và có trách nhiệm về mặt xã hội.

Tóm lại, chúng ta cần tích hợp và thực thi tốt hơn các giá trị xã hội và đạo đức trong những đề tài nghiên cứu và ĐMST cụ thể để đảm bảo xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa khoa học và xã hội.

Để được như vậy, ở mức độ chính sách, chúng ta cần: (1) Đầu tư dài hạn cho khả năng chấp nhận trách nhiệm xã hội của những đối tượng liên quan; (2) Coi giá trị xã hội và đạo đức trong chính sách nghiên cứu và ĐMST Châu Âu là một mối quan tâm chiến lược, cùng những yêu cầu nhất quán và bắt buộc phải tích hợp mối quan tâm này vào các đợt đăng ký xin kinh phí đề tài, các tiêu chí chọn lựa đề tài và đánh giá đầu ra; và (3) Thiết lập và thể hiện sự ủng hộ chính thức đối với các chuyên gia đa ngành phấn đấu thúc đẩy sự liên kết và tích hợp cụ thể các giá trị xã hội, đạo đức vào nghiên cứu và ĐMST, như thông qua Chương trình khuôn khổ 9 của Châu ÂuChân Trời Châu Âu1.

Nguyễn Trịnh Đôn dịch

Nguồn: https://sciencebusiness.net/framework-programmes/viewpoint/needed-tougher-ethics-policies-eu-research-projects

—-

 [1] Các chương trình khuôn khổ cho nghiên cứu và phát triển công nghệ (gọi tắt là “chương trình khuôn khổ” – FP) là các chương trình phân bổ kinh phí nghiên cứu đầu tư khoa học – công nghệ của Liên hiệp Châu Âu (EU). Chương trình Chân Trời 2020 (Horizon 2020) là FP thứ 8, cấp kinh phí cho giai đoạn 2014–2020 với tổng trị giá gần 80 tỷ euro từ ngân sách cùng một lượng kinh phí đáng kể thu hút từ các nguồn tư nhân. FP thứ 9 có tên gọi Chân Trời Châu Âu (Horizon Europe) dự kiến sẽ có ngân sách hơn 90 tỷ euro, cấp kinh phí cho giai đoạn 2021–2027.

[2] Bài này tóm tắt kết quả và quan điểm của công bố trên tạp chí Science có tựa đề “Nâng cao tính liên kết giữa chính sách nghiên cứu với giá trị xã hội” (Improve alignment of research policy and societal values) do Peter Novitzky đứng tên đầu cùng các đồng nghiệp từ Hà Lan, Mỹ, Áo, và Đức. https://doi.org/10.1126/science.abb3415

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)