Cần chú trọng đến sự đa dạng di truyền nếu muốn phục hồi rừng hiệu quả
Hằng năm, chúng ta mất khoảng 10 triệu ha rừng. Trong số các nỗ lực nhằm phục hồi đất đã bị suy thoái hay các khu đất trống đồi trọc, có Bonn Challenge – với mục tiêu khôi phục 350 triệu ha đất vào năm 2030. Tuy nhiên, những nỗ lực đó đã bỏ qua một yếu tố quan trọng nếu muốn đạt được thành công lâu dài, đó là đưa sự đa dạng di truyền vào trong các nỗ lực phục hồi
Nếu thu thập 1000 hạt giống từ hai cây gần nhau trong cùng một vườn ươm, những hạt giống đó rất có thể sẽ có quan hệ ‘họ hàng’ với nhau. Điều này sẽ làm giảm đáng kể xác suất chúng sinh sản và tạo ra hạt giống mới trong rừng. Ảnh: phys
Chú trọng đến đa dạng di truyền bao gồm việc trồng các loài cây có cấu tạo di truyền khác nhau cũng như đa dạng về cấp độ loài, có khả năng thích nghi với môi trường địa phương. Nếu chỉ trồng các loài giống nhau, chúng sẽ không thể sinh sản hay mọc cây con mới. Christopher Kettle, một nhà sinh thái học và cũng là nhà di truyền học tại Liên minh Đa dạng Sinh học Quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) giải thích:
“Nếu thu thập 1000 hạt giống từ hai cây gần nhau trong cùng một vườn ươm, những hạt giống đó rất có thể sẽ có quan hệ ‘họ hàng’ với nhau. Điều này sẽ làm giảm đáng kể xác suất chúng sinh sản và tạo ra hạt giống mới trong rừng. Về cơ bản, dự án khôi phục này đã thất bại ngay từ bước khởi đầu. Đó là lý do chúng ta cần đặt sự đa dạng di truyền như một thành phần quan trọng của các dự án phục hồi.”
Nghiên cứu mới trên tạp chí Frontiers in Forest and Global Change cho thấy rằng việc đầu tư để đảm bảo tính đa dạng về mặt di truyền cho cây trồng thực sự có thể giảm chi phí tổng thể lên đến 11% cho các dự án phục hồi. Mặc dù những mục tiêu đầy tham vọng như Bonn Challenge đã thu hút được sự cam kết của ngày càng nhiều quốc gia, nhưng việc trồng các loại cây có giá trị cao, lớn nhanh, như cây tếch hoặc bạch đàn, với số lượng lớn, thực sự có thể làm giảm đa dạng di truyền và gây suy yếu các nỗ lực phục hồi.
“Các khu rừng nhiệt đới có tính đa dạng di truyền thấp phải đối diện với nhiều rủi ro lớn”, Kettle cho biết. “Khả năng thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu lẫn khả năng chống chịu sâu bệnh và mầm bệnh mới của chúng đều kém. Chúng sẽ tạo ra ít hạt và quả hơn, đồng thời gây tác động tiêu cực đến sinh kế cộng đồng và khả năng tạo thu nhập. Đầu tư vào đa dạng di truyền là phương thức hợp lý để tạo các ảnh hưởng tích cực về mặt kinh tế và sinh thái, chi phí sẽ thấp hơn mà lại hiệu quả về mặt lâu dài.”
Hiệu quả về lâu dài
Danny Nef, một chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu và những thay đổi kinh tế – xã hội tại Alliance và ETH Zurich, cho rằng đầu tư vào đa dạng gen là việc làm quan trọng mặc dù chi phí ban đầu có thể cao hơn. “Việc thu thập hạt giống sẽ khiến chi phí tăng cao hơn một phần ba, nhưng lợi ích lâu dài về mặt sinh thái và kinh tế xã hội mà điều này đem lại dự kiến sẽ vượt xa phần chi phí bổ sung đó.”
“Điều khiến tôi ngạc nhiên trong quá trình viết bài báo này, đó là tôi đã không tìm thấy bất kỳ một nghiên cứu nào trước đó xem xét tính đa dạng di truyền trong chi phí phục hồi. Tại sao lại không? Chẳng có lý do gì để không đầu tư thêm một chút lúc ban đầu, và lợi ích về lâu dài mà nó mang lại còn lớn hơn thế.”
“Lợi ích tổng thể mà chúng ta thu được từ việc phục hồi rừng về lâu dài sẽ ở quy mô toàn cầu”, Gottor nói. “Đây là lý do vì sao chúng tôi lại đầu tư vào hạt giống chất lượng tốt ngay từ ban đầu, bởi chúng sẽ mang lại lợi ích lớn hơn.”
Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng “đây là lời kêu gọi khẩn cấp đối với các chính sách phục hồi, hãy lưu ý đến sự đa dạng ở cấp độ loài và di truyền khi lên kế hoạch cho các dự án phục hồi.”
“Chúng tôi không xem việc trồng càng nhiều cây càng tốt là hiệu quả, mà hãy thiết lập một quần thể cây về lâu dài, điều này sẽ giúp đảm bảo tính bền vững của vốn đầu tư”. Họ nói thêm rằng việc phát triển năng lực cho những người chịu trách nhiệm thực hiện các nỗ lực phục hồi đất cũng là một yếu tố then chốt nếu muốn các dự án này thành công.
Hà Trang tổng hợp
Nguồn: Forest restoration action must prioritize diversity over scale for cheaper, long-term success
Forest landscape restoration and the Bonn Challenge in Eastern and South-east Europe