Cần để ý đến bức tranh lao động việc làm rộng hơn
Tôi hoan nghênh việc Tổng cục Thống kê (TCTK) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với sự giúp đỡ của ILO tiến hành thống kê và công bố các chỉ số lao động việc làm, cho dù bộ số liệu này còn cần được cải thiện. Bởi vậy tôi lấy làm tiếc khi dư luận gần đây công kích con số thất nghiệp 1.84% mà không để ý đến bức tranh lao động việc làm rộng hơn, tuy nhiên lỗi một phần do chính Bộ LĐTBXH.
Số liệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp được TCTK đưa vào báo cáo kinh tế xã hội mỗi tháng cuối quí trong vài năm lại đây, tuy nhiên Bộ LĐTBXH chỉ bắt đầu xuất bản ấn phẩm về các số thống kê này từ quý 1/2014. Ba ấn phẩm đầu tiên được bộ này công bố trong các cuộc họp báo có rất nhiều thông tin hữu ích về thị trường lao động chứ không chỉ có số liệu thất nghiệp. Trong khi các ấn phẩm của TCTK về lao động việc làm những năm trước và hai ấn phẩm đầu hầu như không tạo sự chú ý, ấn phẩm thứ ba bất ngờ bị báo chí và nhiều chuyên gia “soi” vì tỷ lệ thất nghiệp quá thấp, chỉ 1.84% so với trung bình 5-6% ở nhiều nước phát triển.
Công bằng mà nói con số này đúng là thấp thật và tôi đồ rằng các cán bộ thống kê đã rất miễn cưỡng phải công bố nó. Họ biết sẽ phải hứng chịu búa rừu dư luận, bởi xã hội khó có thể chấp nhận một nền kinh tế đang èo uột như hiện tại mà con số này lại thấp đến vậy. Như đổ thêm dầu vào lửa, bài trả lời phỏng vấn TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTBXH, đã bị báo chí tường thuật lại với những cái tít rất giật gân: “Việt Nam khác thế giới: Bán trà đá không coi là… thất nghiệp!” hay “Viện Khoa học Lao động: ‘Thất nghiệp từ xưa đến nay chỉ có giảm'”.
Dù TS Hương và một số chuyên gia đã cố gắng giải thích, dường như báo chí và dư luận xã hội vẫn “bất mãn” với con số 1.84%. Điều này nhiều khả năng sẽ làm Bộ LĐTBXH dè dặt hơn trong việc giới thiệu những ấn bản thống kê của họ trong thời gian tới. Đây sẽ là thiệt thòi cho những người làm công tác thống kê mà tôi tin có rất nhiều người làm nghiêm túc, và cho cả xã hội nói chung khi một nguồn thông tin quan trọng không được đoái hoài tới. Bởi vậy muốn mọi người có cái nhìn chính xác hơn về thống kê lao động việc làm cũng như cổ vũ cho TCTK và Bộ LĐTBXH tiếp tục điều tra và công bố những chỉ số này.
Trước hết tôi tin vào khẳng định của TS Hương là định nghĩa thất nghiệp của VN tuân thủ theo thông lệ quốc tế, chính xác hơn là tuân thủ theo định nghĩa của ILO. Nếu mẫu điều tra của VN trong quý 2/2014 là 50,000 hộ gia đình như TS Hương công bố thì có thể nói mẫu này khá lớn khi so với sample của Mỹ là 60,000 hộ gia đình cho một đất nước có dân số đông gấp ba lần VN. Trên thực tế theo thông tin tại website của TCTK có năm mẫu này lên đến 173,000 hộ (2007). Mặc dù chưa được chi tiết như Handbook of Methods của Mỹ, TCTK đã rất cố gắng (với sự trợ giúp của UNDP) đưa toàn bộ bản hỏi và phương pháp điều tra lên mạng. Với những thông tin nói trên tôi đánh giá cuộc điều tra này khá chất lượng, ít nhất về mặt thiết kế và tổ chức khảo sát. Tất nhiên chất lượng điều tra thực địa và xử lý số liệu có thể có vấn đề, nhưng với sự giúp đỡ của ILO và UNDP những con số thống kê được công bố có lẽ không quá xa chuẩn quốc tế.
Vậy tại sao tỷ lệ thất nghiệp của VN lại thấp như vậy?
Theo tôi lý do quan trọng nhất chính là ở cái “chuẩn quốc tế” Standards and Guidelines on Labour Statistics của ILO, trong đó bao gồm một Resolution 1982 liên quan đến các định nghĩa về lao động và thất nghiệp mà VN cố gắng theo đuổi. Không khó có thể đoán bộ tiêu chuẩn này dựa vào tiêu chuẩn thống kê của Mỹ và các nước phát triển khác. Bởi vậy những định nghĩa quan trọng như thất nghiệp hay thu nhập bình quân (hourly rate) có đặc thù của một nền kinh tế công nghiệp với phần lớn nhân công lao động làm thuê theo hợp đồng cho các đơn vị kinh tế cố định (công ty, nhà xưởng, cửa hàng).
Nói theo một chuyên gia quốc tế thất nghiệp ở các nước nghèo là một điều “xa xỉ”, hầu như chỉ có những người rất giầu mới có thể cho phép mình không lao động. Do vậy có thể đoán các nước nghèo có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp chứ không riêng gì VN. |
Áp dụng máy móc định nghĩa của ILO vào thị trường lao động VN hẳn nhiên những người bán trà đá, hàng rong, hay chạy xe ôm sẽ không bị coi là thất nghiệp. Không chỉ VN mà ở hầu hết các nước nghèo người lao động không thể không làm việc vì cơ chế bảo hiểm xã hội quá ít hoặc không tồn tại. Nói theo một chuyên gia quốc tế thất nghiệp ở các nước nghèo là một điều “xa xỉ”, hầu như chỉ có những người rất giầu mới có thể cho phép mình không lao động. Do vậy có thể đoán các nước nghèo có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp chứ không riêng gì VN.
Trên thực tế tỷ lệ thất nghiệp 1.84% là bằng chứng cho thấy người lao động VN phải làm bất cứ công việc gì với bất cứ mức thu nhập như thế nào để tồn tại. Nói theo lý thuyết kinh tế structural unemployment rate của VN (và các nước nghèo khác) rất thấp, có lẽ xấp xỉ bằng không. Quan sát của TS Hương về việc tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tục rất có thể là sự sụt giảm của structural unemployment rate, cho thấy cuộc sống của người lao động ngày càng bấp bênh, không có gì đáng tự hào.
Điều này có thể thấy rõ hơn qua một thống kê khác về lao động việc làm: tỷ lệ lao động dễ tổn thương (người nội trợ, lao động tự do như bán trà đá, chạy xe ôm). Cũng giống như những nước nghèo khác tỷ lệ này của VN là >60% và Cambodia, >50% ở Thailand, so với các nước phát triển <10%. Đây mới là một trong những chỉ số mà báo chí, dư luận, và những người làm chính sách VN phải lưu tâm thay vì chăm chăm vào phê phán tỷ lệ thất nghiệp.
Vì vậy tôi rất mong các nhà báo và các chuyên gia kinh tế tập trung hơn vào các số liệu khác trong các ấn phẩm thống kê về lao động việc làm của TCTK và Bộ LĐTBXH. Ví dụ một sự dịch chuyển rất đáng quan tâm trong thị trường lao động VN trong quý 2/2014. Đó là thị trường xây dựng đang ấm dần lên trong khi thương mại dịch vụ và tài chính tiếp tục bế tắc?