Cần một chính sách toàn diện để tăng tỷ lệ nhựa tái chế

Bất chấp các hệ thống tái chế tiên tiến và chương trình thu hồi chai lọ đang ngày càng phổ biến ở Hoa Kỳ, tỷ lệ chai nhựa tái chế ở quốc gia này trên thực tế lại rất thấp.

Đó là kết luận do một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đưa ra sau khi họ tiến hành nghiên cứu tỷ lệ tái chế của PET, loại nhựa thường được sử dụng trong các chai đựng đồ uống. Trong công bố được đăng tải trên Journal of Industrial Ecology, các tác giả cũng đề xuất một số cách để cải thiện tình trạng này.

Theo GS Elsa Olivetti, người đứng đầu dự án, tỷ lệ tái chế hiện tại của chai PET, hay polyethylene terephthalate, trên toàn quốc là khoảng 24% và con số này không đổi trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng với một chương trình thu hồi chai lọ toàn quốc, tỷ lệ này có thể tăng lên 82%, với gần hai phần ba số chai PET được tái chế thành các chai mới, chi phí ròng có thể chỉ là 1 xu/1 chai khi số lượng tái chế lớn.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét tỉ lệ thu gom và tái chế chai PET ở các bang khác nhau trong Hoa Kỳ, cũng như ở các quốc gia khác, những nơi có và không có các chính sách thu hồi chai lọ và chương trình tái chế tại chỗ, cũng như đầu vào và đầu ra của các công ty tái chế với phương pháp khác nhau.

Họ phát hiện ra rằng các chương trình thu hồi chai lọ hoạt động rất hiệu quả ở những khu vực được được triển khai, song hiện tại số lượng chai thu gom vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu do ngành công nghiệp bao bì đề ra.

Việc tái chế PET rất thành công nếu xét về mặt chất lượng, với các sản phẩm mới được làm từ vật liệu tái chế có các đặc tính gần giống như của vật liệu nguyên sinh. Các thương hiệu cũng chứng minh rằng các chai mới có nguồn gốc hoàn toàn từ rác thải tiêu dùng đủ tiêu chuẩn an toàn. Song bước thu gom chai đã sử dụng là một nút thắt cổ chai quan trọng khiến các nhà máy không có đủ vật liệu để tái chế. Theo nhóm nghiên cứu, với các chính sách đúng đắn, chúng ta vẫn có thể thay đổi tình thế.

Theo GS Olivetti, “một bài học mà chúng tôi đã rút ra được, đó là nếu muốn chính sách thực sự được triển khai hiệu quả, bạn phải quan tâm đến không chỉ nhu cầu, mà còn cả nguồn cung nữa. Chúng ta phải cân nhắc về phản ứng và hành vi của nhiều tác nhân trong hệ thống một cách toàn diện”.

Nhóm nghiên cứu đã phát triển các mô hình kinh tế dựa trên số liệu về tỷ lệ thu gom ở các bang có chương trình thu hồi, yêu cầu về nội dung tái chế và các chính sách khác. Tổng kết lại, họ phát hiện rằng, nếu số lượng tái chế đủ lớn, chi phí tái chế nằm trong hệ thống thu hồi chai lọ toàn quốc sẽ chỉ còn khoảng 1 xu mỗi chai. Chương trình thu hồi này không nhất thiết phải ở quy mô quốc gia, mà đó có thể là một chương trình hành động do các bang riêng lẻ quyết định, GS Olivetti nói.

Các quốc gia khác đã thành công hơn nhiều trong việc triển khai các hệ thống thu hồi dẫn đến tỷ lệ chai thu thập được ở mức rất cao. Ví dụ, một số quốc gia châu Âu thu gom được hơn 90% chai PET để tái chế. Nhưng ở Hoa Kỳ, chưa đến 29% chai nhựa được thu gom, và sau khi xét đến tổn thất trong chuỗi tái chế, chỉ khoảng 24% trên tổng số chai được thực sự được tái chế, theo số liệu từ nghiên cứu. Dù 73% người Mỹ có thể tiếp cận thùng rác tái chế, nhưng hiện tại chỉ có 10 bang có các hệ thống thu hồi chai lọ.

Để thực sự mang lại hiệu quả, theo GS Olivetti, các chính sách không nên chỉ tập trung vào nỗ lực tăng tỷ lệ tái chế, mà còn cần quan tâm đến toàn bộ các bước trong quy trình và các bên liên quan khác nhau. Ngoài ra, cần triển khai các chính sách khác như quy định tái chế và trách nhiệm của nhà sản xuất.

Ở giai đoạn này, chúng ta nên tập trung vào các dòng rác cụ thể để hoạt động tái chế được tối ưu nhất.

Nghiên cứu cho biết thêm, “một điểm quan trọng khác nữa đó là cần tìm ra những yếu tố quan trọng để theo dõi vòng đời của vật liệu được tái chế. Chẳng hạn, nên cân nhắc đến tính tuần hoàn, giảm chất thải, và đảm bảo những yếu tố đó kết hợp chặt chẽ với nhau”.

Hà Trang tổng hợp

https://news.mit.edu/2024/increasing-rate-of-plastics-recycling-0703

https://www.icis.com/explore/resources/news/2021/07/06/10660235/insight-how-the-us-can-achieve-high-plastic-recycling-rates

———————————————

1.https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jiec.13496

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)