Cần phải đúng nơi, đúng lúc

Khác hẳn với sự ảm đạm của những năm trước đây, trong thời gian gần đây, tiến trình cổ phần hóa (CPH) dường như đã lên đến cao trào khi mà không chỉ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh thuần túy được đem đấu giá mà ngay cả các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị hoạt động công ích, những bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu... cũng bắt đầu được cân đong đo đếm để bán. Vấn đề đặt ra là cần phải hiểu đúng bản chất của CPH và có cách hành xử hợp lý, nếu không, những hậu quả khôn lường đang chờ ở phía trước là điều khó tránh khỏi.

Cổ phần hóa tất cả sẽ mang lại hiệu quả?
CPH các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam hay Trung Quốc và tư nhân hóa ở các nước Đông Âu là một tiến trình tất yếu trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung do nhà nước làm tất cả sang nền kinh tế thị trường mà ở đó chủ yếu do khu vực tư nhân đảm nhiệm với sự tham gia một cách hạn chế của khu vực công. Nguyên nhân dẫn đến việc CPH là do mô hình doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả vì không giải quyết được mâu thuẫn giữa người sở hữu và người điều hành, cộng với sự nhập nhằng giữa cơ quan quản lý và cơ quan chủ quản.
Do nền kinh tế vận hành theo cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp trong một thời gian khá dài, những nguyên lý nền tảng không được tuân thủ nên rất nhiều trục trặc xảy ra, nhìn đâu cũng có vấn đề. Chính điều này đã tạo ra cảm giác rằng tất cả những gì có sự nhúng tay của nhà nước đều không hiệu quả. Cách tốt nhất là nhà nước không nên tham gia vào bất cứ hoạt động nào của nền kinh tế mà cứ để thị trường tự nó vận động theo lý thuyết Bàn tay vô hình của Adam Smith.
Thực ra, quan điểm nhà nước đứng ngoài là tương đối cực đoan. Nếu thị trường có thể hoạt động một cách hoàn hảo thì điều này là đúng, nhưng trên thực tế, thị trường luôn có những khiếm khuyết và thất bại nên không ít thì nhiều, ở bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần  có sự hiện diện của nhà nước trong các hoạt động kinh tế. Vấn đề ở đây là nhà nước nên tham gia với mức độ nào.
Lý luận tham gia của nhà nước vào các hoạt động kinh tế hết sức đơn giản. Đối với những hoạt động kinh tế thuần túy, không có các thất bại thị trường và có thể giám sát được thì nhà nước không cần tham gia mà chỉ đóng vai trò cảnh sát. Ngược lại, đối với những hoạt động có thất bại thị trường, nhất là các loại hàng hóa công không thể quy định hay giám sát việc tuân thủ thì nhà nước nên tham gia, thậm chí là kiểm soát toàn bộ. Thị trường các loại hàng hóa thông thường là ví dụ cho trường hợp thứ nhất, trong khi bảo đảm quốc phòng an ninh là ví dụ cho trường hợp ngược lại.
Trong những trường hợp còn lại, ở giữa hai thái cực, mức độ tham gia của nhà nước như thế nào sẽ tùy thuộc vào sự rõ ràng và tính có thể giám sát hoạt động của thị trường.
Thành công hay rơi vào vòng tròn thất vọng?
Về lý thuyết thì có thể phân biệt được những hoạt động nhà nước nên tham gia toàn bộ, tham gia một phần hay không nên tham gia. Nhưng trong thực tế, đây không phải là điều dễ dàng.
Có những hoạt động tưởng chừng nhà nước thực hiện sẽ hiệu quả nhưng kết quả lại hết sức thất vọng. Khi đó, người ta lại cho rằng đáng ra phải để cho tư nhân làm, nhưng rồi kết quả cũng không như mong đợi. Vòng tròn thất vọng “Thất bại nhà nước – Thất bại tư nhân” cứ lặp đi lặp lại mà không có lối thoát. Thất bại của việc vận hành hệ thống cấp thoát nước vào những năm 1980-1990 ở Cancún, Mehico hay việc tư nhân hóa ồ ạt hệ thống tài chính ở các nước Nam Mỹ vào những năm 1980 là những minh chứng hết sức sống động cho vòng tròn thất vọng này.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những dịch vụ mà trước đây không ai nghĩ rằng tư nhân có thể tham gia, nhưng ở một số nước việc để cho tư nhân thực hiện lại hết sức thành công. Quản lý nhà tù ở một số nước phát triển và công nghiệp quốc phòng ở Mỹ là những ví dụ điển hình.
Tại sao việc vận hành hệ thống cấp thoát nước đơn giản như vậy lại không thành công ở Cancún, trong khi quản lý các nhà tù phức tạp như vậy thì tư nhân lại thực hiện được? Câu chuyện ở đây là do môi trường thể chế. Nếu môi trường thể chế càng mạnh thì khả năng quy định và giám sát việc tuân thủ càng tốt. Khi đó, nhà nước sẽ giảm dần việc tham gia trực tiếp của mình mà để khu vực tư nhân thực hiện các dịch vụ sẽ tốt hơn. Ngược lại, nếu môi trường thể chế chưa tốt mà vội vã để cho khu vực tư nhân tham gia vào những hoạt động khó quy định và giám sát tất yếu sẽ nhận được kết quả không như mong đợi.
Trở lại Việt Nam
CPH các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh thông thường là việc làm tất yếu. Nhưng trong điều kiện môi trường thể chế chưa hoàn thiện như hiện nay, việc CPH bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu… là điều cần xem xét một cách cẩn trọng. Đây là các hoạt động có ngoại tác tích cực, trong khi khả năng quy định giám sát chưa khả thi thì việc để cho khu vực tư nhân, những người vì mục tiêu lợi nhuận thực hiện toàn bộ và nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát có khả năng sẽ tác động không tốt đến toàn xã hội.
Để kết thúc bài viết, tác giả xin đưa ra quan điểm cá nhân rằng nếu Việt Nam vội vã tiến hành tư nhân hóa các loại hình tổ chức mang tính phúc lợi xã hội, cung cấp các dịch vụ cơ bản cho một bộ phận không nhỏ các tầng lớp trong xã hội ở thời điểm hiện nay thì khả năng xảy ra những Cancún nhiều hơn là vì mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh. Trong nền kinh tế thị trường, có thể đem bán nhiều thứ, nhưng không có nghĩa là thứ gì cũng có thể bán được. Cần phải đúng nơi và đúng lúc.

Huỳnh Thế Du

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)