Cây đũa thần TPP ?
Kết thúc đàm phán TPP lại là khởi đầu của một chuỗi hành trình mới. Các câu hỏi được đặt ra: Việt Nam cam kết gì và khi nào TPP có hiệu lực.
Cuộc chơi khắc nghiệt
Gần sáu năm đàm phán, 19 vòng chính thức cùng với hàng chục vòng không chính thức, cuối cùng, tại Atlanta, Mỹ, ngày 5/10/2015, TPP đã tuyên bố kết thúc đàm phán.
Là thành viên có trình độ phát triển yếu nhất trong 12 nước tham gia TPP, vấn đề của Việt Nam hiện tại là phải chuẩn bị cho một cuộc chơi mới đầy khắc nghiệt.
Có thể nhận thấy có rất nhiều điểm mới đối với Việt Nam. Xóa bỏ thuế nhập khẩu là điều rất bình thường trong các FTA, và TPP cũng không là ngoại lệ, nhưng xóa bỏ thuế xuất khẩu lại là điều từ trước đến nay chưa xảy ra. Các vấn đề như đấu thầu quốc tế, mua sắm chính phủ với tư duy chọn bỏ thay vì chọn cho như trước đây cũng đã thay đổi. Thiết bị y tế đã qua sử dụng là một cam kết mới khi mà từ trước đến nay luật Việt Nam chỉ mới cho phép nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng. Vấn đề lao động và công đoàn cũng là một điểm “quan trọng và nhạy cảm, và như lời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu trong cuộc họp báo ở Atlanta, là tuân theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Sẽ khá khó khăn cho một số hộ gia đình trồng cà phê, lao động thủ công mỹ nghệ… khi nếu chiếu theo sự khắt khe của quy định “cấm sử dụng lao động trẻ em”.
Sở hữu trí tuệ sẽ là một rào cản rất khó vượt qua cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, một trong những nội dung trong chương này, gây tranh cãi cho đến phút cuối cùng, đó chính là thời hạn bảo hộ độc quyền dữ liệu thuốc sinh học.
Thuốc sinh học, dùng phân biệt với các loại thuốc truyền thống có nguồn gốc từ hóa học, khá đa dạng là những loại thuốc như vaccine, thuốc điều trị ung thư và các liệu pháp như insulin, và là những loại biệt dược đắt đỏ, thường dùng để điều trị trong thời gian dài, hoặc cả đời. Bảo hộ độc quyền dữ liệu đồng nghĩa với việc loại thuốc generic1 giá rẻ lại mất thêm thời gian dài mới có thể được đưa ra thị trường, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thuốc giá rẻ của người nghèo. Sở dĩ vấn đề rắc rối là luật của nhiều quốc gia rất khác nhau. Có tới năm nước chưa có điều khoản bảo hộ chuyện này, năm quốc gia khác quy định thời hạn năm năm. Mốc năm năm là sự giằng co và cuối cùng là tám năm, và một thời hạn “quá độ” từ ba đến 10 năm cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Số liệu của Bộ Y tế cho thấy năm 2014, Việt Nam tiêu thụ một lượng thuốc trị giá gần ba tỉ USD, trong đó lượng thuốc sản xuất ở trong nước chỉ đáp ứng chừng một nửa. Trong 178 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm thì có 78 công ty sản xuất đông dược, còn 100 công ty còn lại sản xuất tân dược. Hầu như toàn bộ đều sản xuất thuốc generic.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, chi tiêu thuốc trung bình của người Việt Nam còn rất thấp, chỉ 30 USD năm 2014, so với mức 186 USD trung bình thế giới. Nay, với việc bảo hộ dữ liệu độc quyền thuốc sinh học, các công ty dược sẽ phải chờ thêm một khoảng thời gian tám năm nữa mới có thể thể tiếp cận các dữ liệu để sản xuất thuốc generic mới để cung cấp phiên bản giá rẻ cho người bệnh. Trong khi đó, mảng thuốc đặc trị vẫn là sân chơi của các nhà sản xuất nước ngoài.
Một vướng mắc khác cũng phải chờ các quyết tâm chính trị, và kéo dài đến phút cuối đó là mở cửa thị trường sữa. New Zealand, cùng với Australia, đã gây sức ép mạnh mẽ đòi Mỹ mở cửa thị trường này, từ đó làm bàn đạp tiến công Canada, Mexico, và cả Nhật Bản. Mỹ chỉ đồng ý một khi Canada mở cửa sản phẩm này cho sữa từ Mỹ. Canada thì lại đang bảo hộ ngành này rất kiên quyết… Và những sự nhượng bộ phút cuối đã khiến cho ai nấy thở phào.
Những tưởng đấy là chuyện của các ông lớn, nhưng thực ra sẽ có những tác động không nhỏ đến thị trường Việt Nam. Bò sữa đang là một ngành chăn nuôi mang lại khá nhiều lợi nhuận cho các trang trại và nông hộ, với số lượng lên đến hơn 250.000 con hồi tháng Tư năm nay, đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Giá sữa tươi Việt Nam sản xuất đang đắt gấp đôi giá sữa tại châu Âu và châu Đại Dương, và với việc thuế suất sẽ về 0%, người tiêu dùng được lợi nhưng ngành chăn nuôi bò trong nước sẽ không thể cạnh tranh lại với các công ty nước ngoài.
Ngay cả ngành dệt may, được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, cũng đứng trước những thách thức. Ngành này dự định năm 2015 sẽ xuất khẩu một lượng hàng kỷ lục, trị giá 27-28 tỉ USD, trong đó khoảng 11 tỉ USD sẽ vào thị trường Mỹ. Thuế suất vào thị trường Mỹ sẽ về 0% trong TPP, nhưng để được hưởng mức thuế này, doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc “từ sợi trở đi”. Trong khi đó, với hơn 5.000 doanh nghiệp dệt may trong nước, phần lớn vẫn chỉ làm công đoạn “cắt và may”, tức là gia công, và chỉ một số ít trong đó có đầu tư cho khâu sợi, dệt và nhuộm. Tỉ lệ “từ sợi trở đi” của Việt Nam chỉ mới đáp ứng chừng 10-15%.
Ngành da giày cũng được cho là sẽ tăng tốc với TPP, tuy nhiên ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam cho biết, với chừng 650 doanh nghiệp thì khối FDI, dù chỉ với 25% số lượng, nhưng chiếm đến 75% giá trị xuất khẩu. Việt Nam sản xuất 42% lượng giày của Nike, 39% giày Adidas trên thế giới, và điều đáng nói là cả hai công ty này đang có kế hoạch đưa robot vào sản xuất, như vậy sẽ gây tác động không nhỏ đến người lao động. Năm 2013, hãng Nike từng tự động hóa một phần sản xuất và cho thôi việc 100.000 công nhân.
Khi nào TPP có hiệu lực?
Một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng. Với những tác động to lớn như thế, nhưng khi nào thì TPP mới có hiệu lực thi hành?
Câu trả lời thật đơn giản: TPP sẽ có hiệu lực 60 ngày kể từ khi tất cả các nước thành viên đã thông qua TPP. Các bên dự liệu, sau khi kết thúc đàm phán, cần ít nhất 12-18 tháng để cơ quan lập pháp của 12 nước thành viên thông qua. Thông tin mới nhất cho thấy thời điểm để các bên làm điều đó tối đa là hai năm, nghĩa là đến 2018 mới có hiệu lực.
Nhưng giả sử sau hai năm mà vẫn chưa thông qua được thì sẽ giải quyết như thế nào? Phía Nhật Bản đã đưa ra một đề xuất, và theo như tuyên bố của phía Australia, một phương án khác được đưa ra. Đó là, sau hai năm, phải có ít nhất sáu nước thành viên có GDP chiếm trên 85% tổng GDP của tất cả 12 nước TPP thông qua Hiệp định. Điều đó có nghĩa là cho dù được 11 thành viên thông qua, nhưng nếu thiếu Mỹ hoặc Nhật Bản thì cũng không thể thi hành, vì cả Mỹ và Nhật Bản đã chiếm đến 80% GDP của TPP.
Khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ thì hàng rào kỹ thuật được dựng lên. Cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Ông Diệp Thành Kiệt nhận định một chiếc bẫy có thể giăng ra là “chúng ta nhìn thấy cơ hội và muốn nắm bắt, nhưng không thể, và đành ngồi nhìn cơ hội trôi qua”.
Cảnh báo đó không thừa khi tám năm trước, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với khát vọng hóa rồng. Và những tổng kết trong mấy năm qua đều nhắc đến việc bỏ lỡ các cơ hội đi ra biển lớn. Nay thì nước biển đã tràn đến ao nhà, và các doanh nghiệp sẽ đối mặt với những sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
WTO không phải là một cây gậy thần. TPP cũng vậy. Nhưng điều có thể thấy trên đường dài là TPP mang lại một cơ chế minh bạch, một chế tài nghiêm minh. Chính điều đó sẽ là áp lực để cải cách thể chế, và là vũ khí để giới doanh nghiệp buộc mình phải nâng cao năng lực cạnh tranh. “Doanh nghiệp thì có một truyền thống xấu: kinh doanh theo cơ hội, có cơ hội là lợi dụng sự thay đổi chính sách để trục lợi, không có chiến lược bài bản. Khi thể chế minh bạch thì doanh nghiệp buộc phải có chiến lược bài bản, dài hạn. Ban đầu, mọi việc có thể khó, nhưng đó là con đường phải đi. Không còn con đường nào khác”, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh trong một cuộc trò chuyện với giới doanh nhân tại TP.HCM.
—————————————————
1 Thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ.