Cấy ghép tế bào mũi giúp chó bị liệt đi được

Các nhà khoa học đã chữa khỏi cho những con chó bị liệt chân sau bằng cách tiêm cho chúng các tế bào được nuôi dưỡng từ niêm mạc mũi của chúng.

Các con chó tham gia thử nghiệm đều bị tổn thương cột sống, khiến chân sau của chúng bị liệt.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Cambridge tỏ ra lạc quan một cách thận trọng rằng phương pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị chấn thương cột sống ở con người.

Nghiên cứu này lần đầu tiên thử nghiệm việc cấy ghép trên các chấn thương thật chứ không phải trên các động vật phòng thí nghiệm.

Trong nghiên cứu do Hội đồng Nghiên cứu Y khoa (MRC) tài trợ và được đăng trên tạp chí thần kinh học Brain, các con chó được cấy ghép tế bào khứu giác ensheathing (một loại tế bào thần kinh đệm) được lấy từ niêm mạc mũi của chúng. Những tế bào đã được nuôi và nhân ra trong vài tuần ở phòng thí nghiệm.

Có 34 chú chó tham gia thử nghiệm. Trong đó có 23 chú được cấy tế bào vào chỗ bị thương, số còn lại chỉ được tiêm một dung dịch trung tính.

Nhiều con chó trong số được cấy ghép tế bào cho thấy sự cải thiện đáng kể và đã có thể đi được trên máy tập chạy với sự hỗ trợ của dây đai. Trong khi đó, không con chó nào trong nhóm kia sử dụng lại được chân sau.

Giáo sư Robin Franklin, nhà sinh học tái sinh ở Wellcom Trust, viện  nghiên cứu tế bào gốc của MRC, và là một đồng tác giả của báo cáo, khẳng định: “Những kết quả chúng tôi đạt được hết sức thú vị, bởi lần đầu tiên chúng cho thấy việc cấy các loại tế bào này vào tủy sống bị tổn thương nặng có thể đem lại những cải thiện lớn.

“Chúng tôi tự tin rằng phương pháp này có thể giúp phục hồi ít nhất một chút khả năng vận động của người bệnh bị tổn thương tủy sống, nhưng để đi đến chỗ có thể phục hồi tất cả các chức năng bị mất là một chặng đường dài.”

Các nhà nghiên cứu cho rằng các tế bào được cấy ghép đã tái tạo các sợi thần kinh trên khắp vùng bị thương tổn của tủy sống. Điều này giúp các con chó sử dụng được trở lại chân sau và phối hợp được chuyển động với chân trước.

Giáo sư Geoffrey Raisman, Chủ tịch Trung tâm Tái tạo thần kinh của Đại học London, người đã tìm ra các tế bào khứu giác ensheathing vào năm 1985, nói: “Đây không phải là cách điều trị tổn thương tủy sống ở người, điều này có thể còn xa lắm. Nhưng đây là tiến bộ đáng khích lệ nhất sau một số năm và là bước đi có ý nghĩa trên con đường tiến đến mục tiêu đó.”

Theo ông, lợi ích trước mắt của nghiên cứu vẫn còn hạn chế: “Phương pháp này giúp một con chó bị thương đi lại được với chân sau của nó, nhưng để phục hồi các chức năng cao hơn bị mất đi do tổn thương tủy sống – như chức năng của chân trước, chức năng bài tiết, chức năng điều tiết thân nhiệt – thì phức tạp hơn và vẫn còn là một chặng đường dài phía trước.”

Jasper, chú chó chồn 10 năm tuổi là một trong những chú chó tham gia thử nghiệm. Anh May Hay, chủ nhân của Jasper, nói: “Trước khi Jasper được điều trị chúng tôi phải đẩy nó đi trên một chiếc xe đẩy vì chân sau của nó bị liệt. Giờ thì nó chạy quanh nhà, quanh vườn và có thể đuổi kịp những con chó khác. Điều này thật tuyệt vời.”

Nguyễn Huyền dịch t
http://www.bbc.co.uk/news/health-20365355

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)