Cây lúa Việt Nam có gì đẹp ?
Gần 50 năm trước, câu hát trong bài Hai chị em của nhạc sỹ Hoàng Vân “Hỡi ai đã đi năm châu bốn biển, Hỏi rằng có gì đẹp trong cây lúa Việt Nam?” ngân lên chan chứa niềm vui và tự hào về “kỷ lục” năm tấn một héc ta trên cánh đồng Thái Bình. Đóng góp vào đột phá ấy là công sức của rất nhiều nhà nghiên cứu, kỹ sư và nông dân, trong đó không thể không kể đến một cái tên, giáo sư Bùi Huy Đáp.
Giáo sư Bùi Huy Đáp viết nhiều sách, riêng về lúa, 2 cuốn “Cây lúa miền Bắc Việt Nam” (1964) và “Cây lúa Việt Nam” (1981) của ông mang tính kinh điển và thuộc loại “bách khoa toàn thư” của nghề trồng lúa nước. Ngoài ra, ông còn có “Lúa Việt Nam trong vùng Nam và Đông Nam châu Á” (1978), “Văn minh lúa nước và kĩ thuật trồng lúa Việt Nam” (1985), “Ca dao tục ngữ với khoa học nông nghiệp”(1999), “Nông nghiệp Việt Nam bước vào thế kỷ 21” (1998). Hầu hết các cuốn sách này đều có mặt trong các thư viện quốc tế.
Cách tiếp cận độc đáo
Ngày nay, chúng ta đều biết đến giáo sư Bùi Huy Đáp, người được mệnh danh là người đặt nền móng cho ngành canh nông Việt Nam, và những dấu ấn làm thay đổi phương pháp canh tác và mùa vụ canh tác. Ít ai biết rằng, khi mới tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Đông dương với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp nhiệt đới khóa 1, thì mẹ ông, một bà mẹ-nông dân tinh tường cho rằng con bà chỉ “…mới là kỹ sư canh nông đường nhựa!”. Với một ngành thực hành như nông nghiệp, những kiến thức thu nhận trong trường không đủ, dù nó từ những nhà khoa học lớn như P. Gourou, J. Fromaget, Y. Henry, R. Dumont, E.M. Castagnol, Pièrre Gourou…, vì thế ông tiếp tục thụ giáo lão nông Xã Xướng và các “giáo sư” nông dân trên đồng ruộng Bách Cốc quê nhà để hiểu về đồng ruộng. Sự hội tụ của giáo dục nông học Pháp tiên tiến với tinh túy kinh nghiệm gieo trồng truyền thống Việt Nam làm nên một Bùi Huy Đáp vừa uyên thâm trong lý luận, vừa sáng tạo trong thực tiễn sau này. Ông thường khái quát một cách sinh động phương pháp tiếp cận trong nông nghiệp dựa trên hai nền tảng này của mình “Hỏi nông dân, hỏi cây cỏ; Khoa học từ quần chúng mà ra, trở lại phục vụ quần chúng”.
Những gặp gỡ kiến thức Đông Tây như vậy đem lại cho giáo sư Bùi Huy Đáp một cái nhìn độc đáo và thấu đáo trong công việc, đặc biệt trong những vấn đề về cây lúa. Không chấp nhận những lý thuyết giáo điều, áp đặt, ông luôn tỉnh táo kiểm nghiệm những vấn đề lý thuyết trong thực tiễn đồng ruộng Việt Nam. Do đó, vào cuối những năm 1950, ông và nhà nông học Lương Định Của đều nhận ra ngay biện pháp “cấy dồn lúa” của Trung Quốc là phản khoa học và năng suất lúa mà truyền thông Trung Quốc lúc đó đưa ra là không tưởng. Trong lúc phong trào “Nhảy vọt” ở Trung Quốc đang nóng, ở Việt Nam, một số người hối thúc thử nghiệm “cấy dồn lúa” ở Việt Nam, thậm chí có bài thơ cũng được viết phụ họa “Nghe lúa ở Trung Hoa mỗi mẫu là mười bảy tấn, đang bàng hoàng chưa nghĩ kịp bài ca, mười bốn ngày sau bỗng nghe lúa Trung Hoa, mỗi mẫu là hai mươi mốt tấn,… Lúa ơi lúa, ngươi tỏa mừng tha thiết, ngươi lùa vào tâm trí của ta. Ngươi nói tin mừng, ôi cây lúa Trung Hoa!”1. Lúc đó, ông vẫn bình tĩnh đề xuất cấy dầy vừa phải và rút cục thực tế chứng minh là ông đã đúng.
Thói quen hệ thống tài liệu, cập nhật thông tin và kết quả khảo sát luôn được ông ghi chép kịp thời nên vừa có tính thời sự vừa có giá trị lâu dài. Ở bất cứ đâu ông đều điều tra các tri thức bản địa, tổng kết kinh nghiệm truyền thống của nông dân địa phương. Ngay từ cuối những năm 1970, khi đất nước thống nhất và có dịp vào ĐBSCL, ông đã chăm chú nghe bà con nông dân kể về kinh nghiệm canh tác. Việc đúc rút kinh nghiệm thực tế của họ và những hiểu biết của mình đã gợi cho ông một sáng kiến có thể áp dụng trên toàn quốc: chuyển đổi từ một vụ năng suất thấp (chỉ 1,5 – 1,6 tấn/ha) sang hệ thống canh tác mùa vụ mới, gồm vụ Đông – Xuân, vụ Hè-Thu và một phần lúa mùa, qua đó có thể đưa năng suất cả năm lên gấp khoảng bốn lần. Kiến nghị này được Chính phủ chấp nhận đưa vào kế hoạch các tỉnh và ngay sau đó diện tích lúa Đông-Xuân và Hè-Thu ở Tây Nam Bộ mở rộng xa hơn mong đợi của ông, đưa sản lượng lúa của vùng lên cao gấp bội.
“Cuộc cách mạng xanh” lúa xuân
Có lẽ, cụm từ “cuộc cách mạng xanh” được dùng đầu tiên ở Việt Nam là từ báo cáo “Cây lúa vụ Xuân và cuộc cách mạng xanh ở miền Bắc Việt Nam” mà giáo sư Bùi Huy Đáp trình bày tại hội nghị khoa học quốc tế về cây lúa ở Bắc Kinh (1968). ông viết báo cáo này dựa trên những quan sát của ông và cộng sự trên thực tế canh tác vào đầu những năm 1960, khi thấy các giống lúa xuân cao cây đều cho năng suất cao hơn lúa chiêm truyền thống. Từ đề xuất làm ruộng thí nghiệm ở hai tỉnh Nam Hà và Thái Bình của ông, Hải Hậu trở thành huyện đầu tiên đạt 5 tấn thóc/ha và Thái Bình thành tỉnh đạt 5 tấn thóc/ha đầu tiên ở miền Bắc. Năm 1968, giáo sư Bùi Huy Đáp đánh dấu sự nghiệp của mình bằng việc nghiên cứu kỹ thuật gieo trồng giống lúa xuân ngắn ngày (IR8), yếu tố quan trọng để hình thành vụ lúa xuân và mở thêm vụ Đông ở miền Bắc (giống lúa IR8 ở miền Bắc gọi là Nông nghiệp 8, ở miền Nam gọi là giống Thần nông). Cây lúa xuân thấp cây cho năng suất cao (tiềm năng đến 8 tấn/ha) đã thay thế giống lúa chiêm dài ngày, cao cây, dễ đổ, năng suất thấp. Do đó, giáo sư Bùi Huy Đáp đề nghị cho mở rộng vụ lúa Xuân ra toàn miền Bắc, làm mạ khay, mạ sân chủ động cung cấp đủ mạ theo lịch thời vụ. Hội tụ đủ các yếu tố đó, thời gian sản xuất lúa xuân được rút ngắn lại, số ngày dư ra cho phép tăng thêm vụ Đông.
Không ai ngờ rằng, việc áp dụng giống lúa mới và cơ cấu mùa vụ mới theo sáng kiến của giáo sư Bùi Huy Đáp đã làm thay đổi diện mạo của canh tác lúa nước Việt Nam. Việc có thêm vụ Đông khiến xã viên đề nghị hợp tác xã mượn đất, nhờ vậy sản lượng lương thực nâng lên đột biến. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cơ chế “khoán hộ” của ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú từ chỗ bị phê phán lại được chấp nhận, và đưa thành chỉ thị 100 của Trung ương Đảng (tháng 1/1981), một thay đổi lớn trong quyền sử dụng đất. Thành công của “lúa Xuân – vụ Đông” tiếp tục tác động đến chính sách với sự ra đời Nghị quyết 10 (tháng 4/1988) của Đảng thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ – một cuộc cách mạng trong quan hệ sản xuất.
Tôi vẫn còn nhớ năm 1980, khi nghiên cứu chất hữu cơ đất lúa ngập nước ở Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), tôi gặp một nghiên cứu viên người Pháp cùng bộ môn Hóa học đất dưới sự chỉ dẫn của giáo sư F.M. Ponnamperuma. Anh ấy bảo: “Tôi đọc Bùi Huy Đáp, Nguyễn Khắc Viện, Hữu Ngọc,… trên Études Vietnamiennes rồi. Mấy chục năm trước Việt Nam từng xuất khẩu gạo sang châu Phi, nay có những chuyên gia lúa tầm cỡ như Bùi Huy Đáp, mà lại thiếu ăn đến mức phải nhập bột mì là sao, vô lý, vô lý!”. Tôi thấy đắng lòng, không trả lời được, đành chỉ nói theo “Đúng là vô lý!”.
Vì vậy phải nói rằng những thành quả lớn từ “cuộc cách mạng xanh” ở Việt Nam khiến bạn bè quốc tế thán phục. Tiến sĩ S.N. Prasad, người Ấn Độ, Trưởng bộ môn Canh tác của IRRI nhắc đi nhắc lại rằng IR8 đi vào cơ cấu cây trồng ở đồng bằng Bắc Bộ thật là ấn tượng.
Năm 1990, Viện Nông hóa Thổ nhưỡng bắt đầu tham gia Mạng lưới Đất dốc và đất chua châu Á (ASIA-LAND NETWORK) của Tổ chức Nghiên cứu Quản lý Đất quốc tế (IBSRAM). Lần đầu tiên Việt Nam có báo cáo tại Hội nghị hằng năm tại Bangkok, tôi trình bày đề cập sự kiện Việt Nam đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo, không ngờ phần thảo luận bị kéo dài, hội trường xoay sang tin mới này mà quên cả trao đổi nội dung chính của báo cáo là quản lý đất. TS Marc Latham, người Pháp, Giám đốc IBSRAM, nói lời kết: “Bất ngờ, ấn tượng, khó tin, nhưng là sự thật. Chúc mừng Việt Nam !”. Ông cũng nói thêm: lúa và đất lúa đã vậy, thì với đất dốc chắc các bạn sẽ làm tốt.
Khi tham gia Chương trình hợp tác Pháp-Việt “Nghiên cứu so sánh hệ thống nông nghiệp châu thổ sông Hồng và vùng đồng bằng Camague, Pháp”, tại phòng thí nghiệm của giáo sư A.P. Conessa ở Montpellier, có một đồng nghiệp thuộc phái hữu Le Pen không ưa gì Việt Nam hỏi: “Việt Nam đủ lương thực chứ?”, tôi đáp: “Quá đủ, còn thừa, xuất khẩu hơn hai triệu tấn đấy”. Lần khác, khi tôi tham gia soạn Hiệp định 3 bên Việt Nam-FAO-Sénégal năm 1997, các bạn Sénégal bảo: “Dân tôi chỉ biết ăn sắn, được biết đến cơm là nhờ gạo Việt Nam xuất sang từ những năm 1930, bây giờ Việt Nam đã xuất khẩu gần ba triệu tấn gạo, thật kỳ diệu”. Năm 2010, đến Sudan trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Nghiên cứu Nông nghiệp hai nước, các bạn bảo: “Chuyên gia nhiều nước đến rồi, không thành công, phải mời các bạn, vì Việt Nam dẫn đầu thế giới về lúa gạo là nhờ nghiên cứu gắn với công tác khuyến nông theo phương pháp Bùi Huy Đáp”. Tên tuổi Bùi Huy Đáp được nhắc đến nhiều ở các nước châu Phi Pháp ngữ nhờ các công trình được trích dẫn của ông phần nhiều bằng tiếng Pháp và phương pháp Bùi Huy Đáp.
Trong cuộc đời làm khoa học của mình, giáo sư Bùi Huy Đáp nghiên cứu nhiều đối tượng cây trồng nhưng cây lúa vẫn là nơi ông đặt nhiều tâm huyết. Có lẽ, những tâm huyết ấy của ông đã đem lại sức sống mới và vẻ đẹp mới cho cây lúa, “cây ấm no” mà ngày nay trở thành một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, như trong câu hát “Có gì đẹp trong cây lúa Việt Nam”. □
—
Bài viết sử dụng tư liệu với sự đồng ý của Viện Môi trường Nông nghiệp.
Chú thích
1. Bài thơ “Nỗi mừng nghe tin lúa” của Xuân Diệu.
Bèo hoa dâu là một cống hiến của Nông học Việt Nam cho Nông học nhiệt đới ẩm thế giới. Kinh nghiệm quí báu của nông dân Bích Du (Thái Bình) về thả bèo dâu trong ruộng lúa được kỹ sư Nguyễn Công Tiễu khảo cứu và lần đầu tiên được ông giới thiệu bí mật thể cộng sinh cố định N “Azolla-Anabaena” tại Hội nghị Khoa học Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại York Jakarta (Indonesia, 1927). Viện trưởng Bùi Huy Đáp cùng với GS Đào Thế Tuấn hướng dẫn KS Trần Quang Thuyết ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam (nay là Viện KH Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu trong nhiều năm và đúc kết thành giải pháp nuôi bèo dâu trong nghề trồng lúa những năm 1960-1990. Những năm 1980, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) nghiên cứu đi sâu chuyên đề này. Mặc dù ở ta các yếu tố tăng vụ, dùng phân đạm nhiều, công lao động đắt lên làm cho bèo dâu không còn vai trò như trước; nhưng TS Iwao Watanabe, C.P. Mamaril, J.C. Bunoan của IRRI đánh giá rất cao giải pháp sinh học này vì ở rất nhiều nước vẫn còn cần bèo dâu trong hệ thống lúa-bèo, lúa-bèo-vịt…