CES 2015: Cảm biến và kết nối
 Gắn cảm biến vào tất cả các thiết bị, kết nối mọi vật dụng trên nền tảng Internet là điều mà người ta nhận thấy rõ ràng trong CES 2015 – Hội chợ hàng điện tử tiêu dùng quốc tế diễn ra trong năm ngày từ 4-9/1 tại Las Vegas, Mỹ.
Mọi vật đều thông minh
Khi những người tham dự CES thường xuyên bắt đầu cảm thấy chán vì năm nào cũng quen thuộc với sự góp mặt của các tập đoàn điện tử như Sony, LG, SamSung… cùng những sản phẩm “dễ đoán” như TV LED thì năm nay, họ có dịp ngạc nhiên với một xu hướng: “Internet of things” – vạn vật kết nối trong các thiết bị gia dụng.
Theo dự báo, phải mất vài chục năm nữa, viễn cảnh về vạn vật kết nối mới trở thành hiện thực, khi ấy, tất cả các vật dụng xung quanh con người đều được gắn một máy tính và kết nối với nhau trên nền tảng internet. Tuy nhiên, tại hội chợ công nghệ CES, người ta thấy viễn cảnh này không xa đến thế, hàng trăm vật dụng gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của con người đều trở nên “thông minh”: bàn chải Bluetooth điều chỉnh để người dùng không chà răng quá mạnh; bình sữa trẻ em hướng dẫn người dùng góc độ cầm chai chuẩn xác; ấm pha trà/cà phê cho phép pha và điều chỉnh nhiệt độ đồ uống từ xa; bóng đèn được điều chỉnh bằng wifi qua điện thoại thông minh kết hợp loa và camera chống trộm, ổ cắm điện chỉ truyền điện khi nhận được phích cắm; vòng cổ cho vật nuôi thông báo địa điểm và tình trạng của chúng cho người chủ qua ứng dụng di động, pedal xe đạp có gắn GPS và các cảm biến cho phép xác định vị trí của xe, đo khoảng cách tới địa chỉ cần đến đồng thời theo dõi tốc độ đạp xe, cảnh báo khi xe bị trượt bánh… Các thiết bị trên đều được kết nối wifi và xử lý thông tin bằng một ứng dụng trên di động, nhờ vậy, các dữ liệu về hiệu quả hoạt động của người dùng sẽ được gửi về điện thoại thông minh của họ. Ví dụ, với bình sữa trẻ em nói trên, bố mẹ có thể biết được lượng sữa và thời gian ăn của con khi “giao phó” cho người trông trẻ hoặc với chiếc bàn chải Bluetooth, người sử dụng có thể nhận được thông tin đánh giá về cách đánh răng của mình trên điện thoại thông minh.
Không chỉ nổi bật với các vật dụng “internet of things” gần gũi hằng ngày, CES 2015 còn được chú ý với những thiết bị đeo trên người (wearables). Khi Apple thông báo sẽ tung ra đồng hồ thông minh vào năm nay, không có gì lạ khi những sản phẩm đeo trên người trở nên phổ biến và trở thành xu hướng ở hội chợ hàng điện tử tiêu dùng 2015. Phần lớn những sản phẩm này đều được sử dụng để đo lường sự vận động và sức khỏe của người dùng, đồng thời phân tích những dữ liệu này và gửi tới các thiết bị di động thông minh bằng wifi hoặc Bluetooth: các đồng hồ đeo tay và tai nghe theo dõi bước đi, giấc ngủ, cảm xúc; mũ đọc “sóng não” để đo độ thư dãn của người đội và nếu phát hiện thấy người đội căng thẳng, sẽ gửi dữ liệu qua một ứng dụng của điện thoại thông minh để bật một bản nhạc jazz xoa dịu và thư giãn người dùng. Ngoài ra, một chiếc nhẫn có tên gọi là Ring của công ty Logbar ở Nhật, vào năm 2014 từng gọi vốn từ cộng đồng thành công với gần 900.000 USD (gấp bốn lần so với dự kiến) trên nền tảng Kickstarter, cho phép người đeo chỉ cần “viết lên không khí” để ra lệnh đóng/mở rèm cửa, bật/tắt hệ thống đèn và TV, thậm chí có thể viết chữ trên điện thoại, máy tính bảng từ xa.
“Vạn vật kết nối không phải là khoa học viễn tưởng mà là thực tế khoa học”, Boo-Keun Yoon, tổng giám đốc của SamSung, phát biểu tại CES 2015. Ông cho biết, internet of things sẽ biến đổi cách mà chúng ta sống: “ Mỗi người là trung tâm thế giới công nghệ của riêng họ và vạn vật kết nối sẽ tự khắc thích nghi và biến đổi theo cách người ta muốn”.
Cảm biến thống trị
Những năm gần đây, CES dần thay đổi diện mạo: với tên gọi là một hội chợ công nghệ hàng tiêu dùng nhưng năm nay, ngạc nhiên là có những công ty có vẻ chẳng liên quan gì tới lĩnh vực này cũng có gian hàng dựng ở đây: các tập đoàn ô tô như Ford, Toyota, Chervolet, Mercedes Benz; các công ty thời trang như Adidas, Ralph Lauren…, thậm chí cả chuỗi cửa hàng ăn nhanh Mc Donnald và hãng truyền hình CBS cũng tới đây góp mặt.
Ngày đầu tiên của CES 2015 là một loạt các bài phát biểu đến từ chủ tịch của những tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới. Họ giới thiệu và thậm chí còn cho phép người đến dự thử ngồi trên dòng xe mới tưởng như chỉ có trong phim viễn tưởng: xe tự lái. Giờ đây, tài xế chỉ cần đặt điểm đến và ngồi ở băng ghế sau để xe của mình tự động di chuyển, tránh các chướng ngại vật trên đường và tự tìm chỗ đỗ xe khi tới nơi. Các công ty thời trang tới CES 2015 để giới thiệu các mẫu quần áo thể thao: từ mũ cho đến tất đều được gắn cảm biến để theo dõi và điều chỉnh lượng mồ hôi, máu lưu thông, nhịp tim của người tập thể thao và thông báo cho họ về chế độ luyện tập thông qua các thiết bị di động. Những hãng truyền hình, giải trí và chuỗi nhà hàng ăn nhanh Mc Donalds tới CES 2015 để tìm cách nâng cấp dịch vụ của mình bằng cách tích hợp công nghệ, đặc biệt là các hãng truyền hình, giải trí. Sự xuất hiện của Oculus Rift với thiết bị cho phép người dùng tương tác với thế giới game ảo như thực được Facebook mua lại với giá 2 tỷ USD trong năm 2014 khiến nhiều sản phẩm tương tự xuất hiện trong CES 2015. Bây giờ, không chỉ bước vào thế giới game, các sản phẩm mới cho phép người dùng bước vào và tương tác trực tiếp với cả các chương trình TV đòi hỏi các hãng truyền hình phải tạo ra các show truyền hình tương tác mới trong tương lai. Bên cạnh đó, hết thời người dùng phải “dò kênh” để tìm chương trình mình thích, với công nghệ phân tích dữ liệu người dùng quen thuộc vẫn được sử dụng bởi các trang web xem video trực tuyến, người dùng hiện nay sẽ được “gợi ý chính xác” mình nên xem gì trước khi đưa ra quyết định.
CES – con quái vật khó hiểu
Với diện tích trưng bày là 2.000 ha – tương đương với 35 sân bóng đá và có 3.500 công ty tham gia trưng bày sản phẩm, và tổ chức từ sáng đến đêm liên tục trong năm ngày từ 4-9/1 vừa qua, CES (Consumer Electronic Show) là hội chợ hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới thế giới. Tuy nhiên, việc trưng bày sản phẩm ở CES không hề hào nhoáng như người ta vẫn tưởng tượng. Đỗ Hoài Nam, CEO của SeeSpace, từng tới CES 2014 để giới thiệu InAir (thiết bị kết hợp giữa TV và internet, tự nhận diện, “bóc tách” dữ liệu từ các chương trình TV để kết nối với các trang liên quan trên Internet, thêm thông tin cho người dùng), chia sẻ: “CES như một sở thú! Vô số những thứ láo nháo, những sản phẩm giá trị đã ít lại còn thường bị lẫn lộn trong bể những thứ láo nháo ấy”.
Anh cho biết, với những công ty sản xuất (product companies), CES là bắt buộc nên gần như ai cũng phải trưng bày sản phẩm của mình ở hội chợ công nghệ này. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hầu hết các công ty chỉ chạy theo xu hướng mà không có tầm nhìn. “Điều này làm CES trở thành một cái chợ hỗn loạn và náo nhiệt nhưng tìm kiếm cái thực sự hay thì rất khó”, anh nói.
Những tập đoàn lớn như Samsung, Intel… sẵn sàng tiêu hàng chục triệu USD cho những ngày ở Las Vegas nhằm tạo bàn đạp để có thể tung ra các sản phẩm trong năm. Tuy nhiên, với các công ty nhỏ hơn thì anh Hoài Nam cho rằng, cần phải cân nhắc kỹ bởi có rất nhiều công ty tới CES để rồi chứng kiến đầy những sản phẩm “me too”, tức là giống hệt mình. Khi đó, họ mới nhận ra đã bỏ một khoản tiền lớn để đóng góp vào sự “láo nháo” chứ không hề đem lại một kết quả nào cho mình.“
Sai lầm nghiêm trọng nhất mà rất nhiều công ty mắc phải là đến CES chỉ là để góp vào sự “láo nháo” nhưng lại quảng cáo bản thân là sản phẩm giá trị. Sản phẩm chưa sẵn sàng nhưng vẫn đưa lên để cạnh tranh với sản phẩm đã hoàn thiện rồi”. Theo anh, tuy cũng có những công ty chưa có sản phẩm nhưng vẫn đến CES để tự đánh giá so với mặt bằng chung và có những chiến lược hiệu quả hơn cho sản phẩm nhưng nên đến CES với sản phẩm hoàn chỉnh thay vì sản phẩm dở dang. “Tóm lại, CES là một con ‘quái vật’ hết sức khó hiểu. Trừ khi có mục đích rất cụ thể thì nhìn chung là không nên tới. Apple là một ví dụ, họ từ chối tới CES nhưng năm nào cũng tạo ra tiếng vang khi tung ra sản phẩm”.
Tại CES 2015, Misfit Wearables và Bkav là hai công ty Việt Nam tham gia trưng bày sản phẩm. Misfit được biết đến với Shine – sản phẩm đeo trên người nhỏ gọn như đồng xu để theo dõi hoạt động và giấc ngủ của người đeo từng gọi được 100.000USD trên trang gọi vốn cộng đồng Indiegogo ngay trong 10 giờ đồng hồ đầu tiên. Tại hội chợ công nghệ hàng tiêu dùng năm nay, Misfit kết hợp với hãng thời trang Swarovski tạo ra hai phiên bản có chức năng giống như Shine nhưng vỏ được làm bằng pha lê màu trắng và pha lê màu tím, riêng phiên bản pha lê tím có thể hoạt động nhờ ánh sáng tự nhiên và nhân tạo. Tuy ở CES năm nay, theo tờ The Washington Post xu hướng thiết bị đeo trên người được coi là nỗi thất vọng lớn với những sản phẩm “giông giống nhau”, Misfit là một trong số rất ít các công ty đem lại hi vọng cho thị trường nhờ hợp tác thiết kế với một hãng thời trang cao cấp. Ngoài Misfit, lần đầu tiên Bkav tham gia CES với hai sản phẩm: thiết bị nhà thông minh đã được sử dụng rộng rãi tại các căn hộ cao cấp gần đây và điện thoại thông minh do công ty tự thiết kế và chế tạo. Tuy nhiên, sản phẩm được trưng bày ở CES 2015 mới chỉ là phiên bản thử nghiệm. |