Cha mẹ có thể cải thiện khả năng học toán của con cái
Một nghiên cứu mới của các nhà tâm lý học tại Đại học Sussex chỉ ra, một trong những yếu tố quan trọng tác động đến thành tích học tập của học sinh tiểu học không phải là cảm xúc của học sinh dành cho trường học hoặc giáo viên, mà là kỹ năng học thuật của phụ huynh và mối quan hệ của họ với con cái.
Bản thân các tác giả nghiên cứu cũng rất ngạc nhiên khi phát hiện ra hầu như không có mối liên hệ nào giữa trường học, các yếu tố liên quan đến giáo viên trong trường tiểu học với khả năng toán học của học sinh. Họ đưa ra kết luận này sau khi không tìm thấy sức ảnh hưởng đáng kể nào từ một môi trường học tích cực, mối quan hệ cởi mở giữa giáo viên và học sinh hoặc các khía cạnh tích cực trong tính cách của giáo viên đến thành tích học tập môn toán.
Tác giả chính của nghiên cứu, Danielle Evans (ĐH Sussex) cho biết “một loạt các nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng của cha mẹ là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp dự đoán kết quả học tập của học sinh. Nhưng so với cấp tiểu học, vai trò của trường học, giáo viên ở cấp trung học có phần quan trọng hơn, họ chính là những người góp phần tạo ra môi trường dạy học tích cực và công bằng, đặc biệt là ở các trường trung học – nơi học sinh phải đối mặt với những khó khăn trong quá trình chuyển tiếp cấp học và hòa nhập với một môi trường học tập mới”.
Khác biệt giữa học sinh cấp tiểu học và cấp trung học
Trong một nghiên cứu thuộc loạt bài báo xuất bản trên Royal Society, nhóm đã tiết lộ yếu tố dự báo quan trọng nhất liên quan đến trường học – và cũng là yếu tố duy nhất mà các nhà khoa học có thể chứng minh được – có thể dự báo khả năng toán học của học sinh tiểu học chính là thái độ của các em đối với môn học.
Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ ở bậc tiểu học thích học toán thu nhặt được một lượng kiến thức nhiều hơn hẳn so với những đứa trẻ không thích môn này, nhất là vào thời điểm chúng lên cấp hai. Kết quả nghiên cứu còn tiết lộ, những đứa trẻ thích học toán và cảm thấy nó hữu ích, thú vị và quan trọng sẽ đạt điểm cao hơn so với những đứa trẻ cảm thấy toán học thật nhàm chán. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý, kết quả này không khẳng định đây là mối quan hệ nhân quả.
Nghiên cứu đã khám phá các yếu tố dự báo về khả năng học toán ở cấp tiểu học và trung học bằng cách tập trung vào môi trường học đường và ảnh hưởng của trường học đến trẻ, mối quan hệ thầy trò, tính cách giáo viên, thái độ đối với môn toán, cảm nhận về giáo viên… thông qua câu trả lời của gần 7.000 học sinh.
Các tác giả nhận thấy, học sinh cấp hai học toán tốt hơn nếu cảm thấy giáo viên của mình là những người công tâm. Tuy nhiên, vốn kiến thức của giáo viên đó lại không có tác động đáng kể đến thành tích của học sinh. Việc được học một giáo viên mà học sinh cho rằng có sự hiểu biết sâu sắc về môn học, luôn nỗ lực khiến tiết học trở nên thú vị, hoặc thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của toán học lại không phải là yếu tố đáng kể giúp dự đoán khả năng học toán của học sinh.
Khác với cấp tiểu học, các nhà nghiên cứu nhận thấy trải nghiệm của học sinh ở cấp trung học có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đến thành tích học tập của học sinh. Họ tin rằng phát hiện này liên quan đến nghiên cứu trước đó về tác động của quá trình chuyển cấp, từ đó tác động tiêu cực đến mối quan hệ thầy trò. Trẻ em phải thích nghi từ việc có một giáo viên phụ trách suốt cả năm học sang việc tương tác với nhiều giáo viên khác nhau trong một ngày.
Cô Evans cho biết, “Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng và giá trị của việc cải thiện thái độ của trẻ em đối với môn toán, bởi nó có thể giúp cải thiện trình độ học vấn. Chúng tôi khuyến khích mọi người ứng dụng các chương trình kích thích sự say mê của trẻ dành cho toán học”.
“Phát hiện của chúng tôi cũng nhấn mạnh, các trường trung học nên giúp học sinh cảm thấy thoải mái nhất có thể bằng cách đem lại một bầu không khí học đường thân thiện và tích cực hơn. Chúng tôi nhận thấy một kết quả đáng ngạc nhiên là các em có thành tích cao có thể có cảm xúc tiêu cực đối với trường cấp hai của mình. Nói cách khác, học sinh đạt thành tích cao môn toán chưa chắc đã cảm thấy hạnh phúc dưới mái trường trung học của họ”.
Anh Thư dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2020-10-parents-schools-key-maths-success.html