Chẩn bệnh cho van Gogh

130 năm sau cái chết của danh họa Vincent van Gogh, các học giả vẫn còn tranh cãi về động cơ tự hủy hoại của ông. Mới đây, một nhóm các nhà khoa học tại trường đại học Y Groningen, Hà Lan, đã có công bố về những triệu chứng tâm thần của danh họa.


 Chân dung tự họa của van Gogh với cái tai bị cắt vẽ năm 1889. Nguồn: wikipedia

Một trong những khoảnh khắc được biết đến nhiều nhất trong lịch sử nghệ thuật là khi Vincent van Gogh tự cắt tai một ngày trước lễ Giáng sinh năm 1888. Nhưng tại sao ông lại làm vậy? Thật không dễ trả lời bởi giai đoạn cuối đời của van Gogh hết sức rối rắm và phức tạp. Đó có thể là nguyên nhân dẫn đến việc ông tự bắn vào ngực mình ngày 27/7/1890 và qua đời sau đó hai ngày. Do không có tài liệu nào ghi lại chính xác toàn bộ quá trình phát bệnh của ông nhưng nhiều người tin, thời kỳ bi kịch bắt đầu từ khi ông tự cắt tai ở Arles, khiến ông phải vào bệnh viện điều trị từ tháng 12/1888 đến tháng 5/1889, rồi chuyển đến dưỡng trí viện Saint-Rémy-de-Provence vào tháng 5/1889, nơi ông cảm thấy “hoàn toàn không ý chí, không khao khát bất cứ thứ gì”. Sau khi ở tại Saint-Rémy gần một năm mà không phục hồi, ông được chuyển đến Auvers-surOise nhưng nơi này không mang lại sự nhẹ nhõm, khuây khỏa trong tâm trí như ông mong muốn. Không lâu trước khi qua đời ở tuổi 37, ông có viết “Đời tôi đã bị ăn mòn đến tận gốc rễ”.

Nhiều giả thiết đã được đặt ra, ví dụ như van Gogh hủy hoại mình sau khi biết tin em trai Theo đính hôn, do tranh cãi và va chạm với Paul Gauguin – họa sĩ ở cùng nhà với ông thời gian đó, hoặc lâm vào tình trạng ảo giác liên miên. Một số quan điểm đã được in thành sách như Breaking Van Gogh: Saint-Rémy, Forgery, and the $95 Million Fake at the Met (James Ottar Grundvig), Van Gogh’s Ear: The True Story (Bernadette Murphy), Studio of the South: Van Gogh in Provence (Martin Bailey)… Năm 2016, bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam cũng tổ chức một cuộc triển lãm về căn bệnh tinh thần của họa sĩ “On The Verge of Insanity: Van Gogh and His Illness”.

Mới đây qua công trình “New vision on the mental problems of Vincent van Gogh; results from a bottom-up approach using (semi-)structured diagnostic interviews” xuất bản trên tạp chí International Journal of Bipolar Disorders, một nhóm các nhà nghiên cứu Hà Lan đã đưa ra giải thích về hành động bất ngờ đó cũng như trải nghiệm về rối loạn cảm xúc ở phạm vi rộng hơn của van Gogh trước khi ông tự tử.

 

Tìm trong những bức thư

 

Ngay từ tiêu đề của bài báo, các nhà nghiên cứu Groningen đã cho thấy mình áp dụng cách tiếp cận từ dưới lên với các phỏng vấn chẩn đoán (bán) cấu trúc để tìm hiểu và phán đoán những vấn đề về tâm thần cũng như chứng rối loạn tâm thần của ông.

Khi bắt tay vào tìm hiểu vấn đề, giáo sư tâm lý Willem Nolen và đồng nghiệp phát hiện ra là từ trước đến nay, các học giả còn chưa tiến hành tìm hiểu một cách đầy đủ vấn đề dựa trên những phản hồi của chính họa sĩ và những thông tin về bệnh tình của ông còn sót lại ngày nay. Do đó, họ đã phỏng vấn ba nhà lịch sử nghệ thuật, những người vốn biết rõ con người van Gogh qua những bức thư và thông tin từ bác sĩ đã điều trị cho ông.

Trong suốt cuộc đời mình, ngoài vẽ thì van Gogh còn có một niềm say mê là viết thư, chia sẻ quan điểm và cảm xúc với em trai và bạn bè. Không biết đích xác ông viết bao nhiêu bức thư nhưng hiện còn sót lại 900 bức, trong đó 820 bức gửi em trai Theo. Những bức thư tràn đầy xúc cảm chân thật này là cánh cửa để người ta bước vào thế giới tâm hồn riêng biệt của van Gogh. “Trong đó, ông miêu tả những gì mình nếm trải trong suốt cuộc đời, bao gồm cả những vấn đề tâm lý”, các nhà nghiên cứu giải thích vì sao họ lại lựa chọn bằng chứng từ những bức thư, “mặc dù chúng ta biết rõ ràng là van Gogh viết cho em trai chứ không phải cho bác sĩ để kể cho em biết điều mình đang phải chịu đựng hoặc để cân bằng tâm lý”.


Bức Café Table With Absinthe, 1887. Nguồn: Bảo tàng Van Gogh, Amsterdam, Hà Lan.

Theo lý giải của các nhà nghiên cứu Hà Lan, manh mối của mọi việc bắt đầu hé lộ. Từ thông tin ghi lại của các bác sĩ, họ có thể thấy họa sĩ có vô số chứng bệnh. Felix Rey, bác sĩ của ông ở Arles, gọi cơn khủng hoảng tâm lý đầu tiên khi ông cắt tai trái là “một trạng thái kích động nhất thời” và đổ lỗi cho lối sống dùng nhiều chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá và chế độ dinh dưỡng nghèo nàn. Trong một báo cáo theo yêu cầu của cảnh sát trưởng Arles, bác sĩ Albert Delon viết “tôi thấy người đàn ông này trong trạng thái bị kích thích cực độ do mê sảng, anh ta chỉ nhận ra người xung quanh trong một khoảnh khắc rồi lại rơi vào một cơn ảo giác”. Trong khi đó, Jules Urpar – bác sĩ phụ trách dưỡng trí viện Saint-Rémy-de-Provence, thì ghi là “kết quả của một chứng nghiện cấp tính với cơn mê sảng phổ biến”. Một bác sĩ khác cũng ở Saint-Rémy là Théophile Peyron, người trực tiếp điều trị cho họa sĩ, đề xuất nguyên nhân là chứng động kinh khi ghi rõ vào hồ sơ bệnh án “các cơn động kinh đột phát giữa những quãng ngắt dài”.

Có lẽ, ngay từ khi mới trưởng thành, van Gogh đã có nhiều vấn đề về tâm lý. Cha ông từng tiết lộ “nó luôn luôn có khuynh hướng u uất”. Khi ngoài đôi mươi và sống ở London bằng nghề giới thiệu tranh, ông thường xuyên ủ rũ, xa lánh người khác và chú ý đến các vấn đề tôn giáo. Đây là một phần lý do khiến ông phải bỏ nghề. Trong thời kỳ ở Amsterdam, ông viết thư kể cho em trai “Đầu anh thi thoảng lại đau như búa bổ, bừng bừng như sốt còn ý nghĩ của anh thì hỗn loạn… cảm giác sợ hãi gia tăng… đêm qua anh lại tự quật mình lần nữa”. Hành vi của van Gogh kỳ lạ đến mức cha ông từng phải lên tiếng bảo con mình phải tới dưỡng trí viện ở Geel nhưng ông từ chối.

Các trạng thái tâm lý và suy nghĩ của van Gogh thay đổi nhanh đến lạ lùng. Vào cuối năm 1881, từ Etten, ông đã viết rất nhiều lá thư cho em trai và bạn bè với phần tái bút còn dài hơn cả phần nội dung chính của thư. Vào cuối năm 1883, ông miêu tả mình “bị ngợp trong cảm giác căng thẳng tột độ, chán nản và thậm chí là tuyệt vọng”.

Kể từ năm 1888 van Gogh chuyển đến Arles, nơi chứng kiến sự bùng nổ nghệ thuật của ông và cả tình bạn thất thường với Gauguin, người quyết định rời đi sau sáu tuần vì “không thể sống cạnh nhau mà không gây rắc rối cho nhau vì sự xung khắc về tính cách, trong khi cả hai đều cần yên tĩnh để làm việc”. Trong đêm 22/12, hành động rời đi của Gauguin dẫn đến một cuộc khủng hoảng tinh thần khiến vào đêm 23/12, van Gogh cắt tai trái và trao nó cho một cô gái tuổi khoảng 19, 20 trong một nhà thổ – hành động mở màn cho chuỗi ngày nhập viện của ông diễn ra sau đó “thi thoảng lại tràn ngập sự căng thẳng đến khủng khiếp mà không rõ nguyên nhân…” và “có những khoảng khắc anh như bị xoắn vặn trong sự nhiệt thành hoặc nỗi điên dại hay dự cảm lạ lùng của một nhà tiên tri Hy Lạp trên chiếc ghế ba chân”.

 

Van Gogh bị bệnh gì?

 

Các nhà nghiên cứu Hà Lan đã đề xuất những triệu chứng có ở ông đều có mối liên hệ với một thời gian dài kiêng rượu. Họ cho biết thêm, hai cơn mê sảng diễn ra sau đó liên quan đến quyết tâm cai nghiện của van Gogh thực sự là “những đợt trầm cảm nghiêm trọng (trong đó ít nhất một đợt có hiểu hiện rối loạn tâm thần) khiến ông không thể hồi phục hoàn toàn, cuối cùng dẫn đến tự sát”.

Theo nhận xét của họ, những người từng uống như hũ chìm thường đi kèm với chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, dẫn đến nguy cơ rủi ro cho chức năng não, trong đó bao gồm những vấn đề tâm thần. Hơn nữa, việc ngừng đột ngột sau một quãng thời gian uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến mê sảng. Do đó, có khả năng cơn rối loạn tâm thần ngắn đầu tiên của van Gogh ở Arles vào những ngày sau vụ tự cắt tai là từ việc ông ngừng uống rượu. Qua giai đoạn khó khăn đó, van Gogh không còn uống nữa và ông cũng không lặp lại trạng thái mê sảng này nữa.

Trên thực tế, kể từ năm 1886 trở đi, van Gogh là một kẻ nghiện rượu. Ông từng cố gắng uống ít đi nhưng không thành công. Ngoài rượu vang, ông thường uống những loại có độ cồn nặng hơn như absinthe – một loại rượu nặng được chưng cất từ nhiều loại thảo mộc, trong đó có khổ ngải (Artemisia absinthium). Trong bức tranh Café Table With Absinthe vẽ năm 1887, van Gogh đã vẽ lên một bầu không khí mơ hồ đáng sợ, sắc thái xanh lá cây pha lẫn xanh lam nhạt của nó đem lại một trạng thái tinh thần ốm o khủng khiếp.


Tĩnh vật. 1889. Nguồn: Bảo tàng Kröller-Müller, Otterloo, Hà Lan.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan cũng vẽ ra một bức tranh khá rõ về sức khỏe tâm thần của họa sĩ với rất nhiều yếu tố liên quan đến chứng rối loạn lưỡng cực và rối loạn nhân cách ranh giới. Van Gogh vẫn được cho là mắc chứng rối loạn lưỡng cực qua miêu tả của em trai Theo “một người tài năng một cách kỳ diệu, nhạy cảm và dịu dàng, đồng thời là một người ái kỷ và vô cảm”. Việc cai rượu, thiếu dinh dưỡng và những căng thẳng về quan hệ xã hội như bất hòa với Gauguin và cộng đồng nhỏ ở Arles đã dẫn ông đến hành động tự hủy hoại mình. Trạng thái tâm thần phức tạp của van Gogh cũng từng là chủ đề của một hội thảo năm 2016 với sự tham gia của 35 chuyên gia do Bảo tàng Van Gogh tổ chức cũng chưa thể chỉ ra một cách chính xác nguyên nhân của các trạng thái bệnh tật này.

Công trình trên tạp chí International Journal of Bipolar Disorders đã bác bỏ một số giả thiết liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt của van Gogh. Đây là một trong những chứng bệnh đầu tiên được chẩn đoán sau khi ông qua đời nhưng các nhà nghiên cứu Hà Lan đã cho rằng ông không có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh đó trước vụ cắt tai ở tuổi 35, cũng như trong quãng thời gian giữa các đợt loạn thần trong 15 tháng cuối đời.

Họ cũng loại đi ảnh hưởng của bệnh giang mai, ngay cả khi ông đã từng điều trị bệnh lậu và Theo qua đời sáu tháng sau cái chết của anh trai mình do nhiễm bệnh này. Không có bằng chứng nào trong các ghi chép của bác sĩ điều trị cho van Gogh. Đồng thời, họ cũng nghi ngờ giả thiết ông bị nhiễm độc carbon monoxide, một chất khí không màu, không mùi, bắt cháy và có độc tính cao, phát thải từ đèn khí gas trong ngôi nhà ở Arles. “Không hề có bất cứ ghi chép nào về trường hợp nhiễm độc carbon monoxide ở Arles cả”, họ viết như vậy trong bài báo.

“Đã có hàng trăm bài báo về điều kiện tâm thần của van Gogh nhưng vẫn vô cùng khó khăn để xác định các nguyên nhân của bệnh tật,” Martin Bailey, một chuyên gia về van Gogh trao đổi qua email với artnet News về bài báo mới. “Công trình do các chuyên gia xuất sắc thực hiện tất nhiên đóng vai trò quan trọng và dựa trên kết quả của một nghiên cứu cẩn trọng về các triệu chứng bệnh của van Gogh. Tuy nhiên không có nghĩa đó là kết luận cuối cùng về vấn đề thách thức này”.

Giáo sư Willem Nolen lường trước được những giới hạn của nghiên cứu do mình thực hiện. “Tất nhiên, chúng tôi không thể phỏng vấn chính van Gogh”, ông viết như vậy trong công bố.

Bất kể van Gogh mắc chứng bệnh nào thì không ai có thể quên ba năm cuối đời của họa sĩ lại là quãng thời gian nghệ thuật đáng nhớ nhất với hơn 30 bức tự họa và loạt bảy tranh hoa hướng dương. “Trong ba đêm liền, anh chỉ đứng vẽ và ngủ vào ban ngày. Dường như với anh, màn đêm lại sống động và giàu sắc màu hơn cả ban ngày… Nhiều lúc anh thấy mình ở trạng thái minh mẫn kinh khủng vào những ngày trời đẹp nhưng cũng có lúc anh không còn nhận thức được chính bản thân mình nữa, bức tranh cứ thế hiện ra như trong một giấc mơ. Anh thực sự sợ hãi là có thể sẽ rơi vào tâm trạng u uất khi những ngày xấu trời đến”, ông viết thư gửi em.

Có thể tâm trạng mẫn cảm đã đem lại điều gì đó cho van Gogh. “Bất chấp tất cả những vấn đề dẫn đến các chứng bệnh, chúng tôi vẫn có thể nhấn mạnh rằng van Gogh không chỉ là một họa sĩ vĩ đại và có ảnh hưởng trong lịch sử hội họa mà còn là người thông minh với trí lực, kiên cường và bền bỉ”, các nhà nghiên cứu Hà Lan kết luận. □

 

Tô Vân tổng hợp

Nguồn:  https://journalbipolardisorders.springeropen.com articles/10.1186/s40345-020-00196-z

https://www.theguardian.com/artanddesign/2020/nov/03/study-links-van-goghs-bouts-of-delirium-to-alcohol-withdrawal

https://news.artnet.com/art-world/van-gogh-delirium-triggered-by-alcohol-withdrawal-1920539

Tác giả

(Visited 136 times, 1 visits today)