Chẩn bệnh qua nét vẽ
Có khi nào bạn tự hỏi “các nhà khoa học thưởng thức nghệ thuật như thế nào?”. Có thể bạn không biết rằng họ đã phát hiện ra những điều mà giới nghệ thuật thường bỏ qua.
Các kiệt tác mỹ thuật thường khơi gợi nhiều ý tưởng sáng tạo cho nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ như những bức họa mà họa sĩ, kiến trúc sư Viktor Hartmann gửi nhà soạn nhạc Modest Mussorgsky đã trở thành gợi ý để nhà soạn nhạc sáng tác tổ khúc piano Pictures at an Exhibition (Những bức tranh trong phòng triển lãm), sau này trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc của Modest Mussorgsky và được nhà soạn nhạc Moris Ravel chuyển soạn cho dàn nhạc.
Vậy còn các nhà nghiên cứu, họ nhìn thấy những gì qua lăng kính khoa học? Có khi nào góc nhìn của họ trùng khớp với cái nhìn của giới nghệ thuật? Câu trả lời thú vị hơn người ta tưởng. Hàng thập kỷ qua, nhiều công trình nghiên cứu đã rọi ánh sáng mới vào các kiệt tác nghệ thuật, để bật ra những thông tin mà giới nghệ thuật thường bỏ qua. “Các bác sĩ, các nhà nghiên cứu y khoa thường thấy nhiều điều mà giới lịch sử nghệ thuật có thể lướt nhanh bởi lẽ họ đến với một tác phẩm nghệ thuật mà không có những khái niệm y học chuyên ngành”, Karen Goodchild, người phụ trách Khoa Nghệ thuật và Lịch sử nghệ thuật trường Wofford ở Spartanburg, Nam Carolina, trả lời The Wall Street Journal.
Truy tìm những manh mối mới từ các bức họa là một công việc thú vị. Nhiều trường y, trong đó có Harvard và Yale, đã tổ chức nhiều khóa học để giúp các bác sĩ hướng họ vào việc tìm ra các chi tiết quan trọng qua quan sát những bức họa nổi tiếng. Trong thế giới của tia X, cộng hưởng từ và các công cụ hỗ trợ khám bệnh khác, việc chẩn đoán căn bệnh mà các nhân vật trong những bức họa có thể đem lại nhiều kinh nghiệm cho họ. Đó là lý do mà nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có Michael Baum, một trong những chuyên gia hàng đầu về ung thư của Anh, có thói quen dẫn sinh viên tới Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Anh, dạo qua các kiệt tác ở đây là tìm hiểu những biểu hiện của bệnh tật của các nhân vật trong tranh lọt vào tầm mắt. Ông chỉ cho các bác sĩ tương lai thấy cách hiểu biết về y học và nghệ thuật đem lại cái nhìn mới vào các bức vẽ cổ điển để bóc tách thông tin hữu dụng. “Hàng tá bài báo khoa học đã được các sinh viên của tôi viết ra và xuất bản trên những tạp chí chuyên ngành sau những chuyến đi này, trải rộng từ bệnh giang mai đến bệnh Paget trên xương sọ”, Baum nói. “Đó là một cách xuất sắc để học hỏi kiến thức ngành y và đánh giá nghệ thuật”.
Những diễn dịch của Baum và các đồng nghiệp khác của ông dựa trên những manh mối nghệ thuật và y học mà họ đúc rút qua nhiều năm tìm hiểu. Qua con mắt của họ, nhiều gian trưng bày tranh như phòng chờ khám của một bác sĩ: các bức họa của Monet ngày một tối hơn cho đến khi bệnh đục thủy tinh thể được chữa trị khiến các bức họa của ông sáng lên lần nữa; những bức vẽ đầy nhiễu loạn của van Gogh cho thấy nỗi giày vò vì bệnh giang mai; tác phẩm của Renoir vẫn được hoàn thành bất chấp việc ông đã gần như tê liệt vì căn bệnh thấp khớp và không thể cầm một cây cọ lên quá vai; Rembrandt mắc bệnh mù lập thể (Stereoblindness), một căn bệnh không có khả năng nhìn thấy hình ảnh ba chiều do không còn khả năng đón nhận chiều sâu thị giác lập phương bằng việc kết hợp và so sánh các hình ảnh từ hai mắt; sự biến dạng trên các khuôn mặt của Bacon tạo cảm giác không thoải mái của người thưởng ngoạn bởi theo các nhà khoa học thần kinh, các chi tiết biến dạng do biểu hiện của chúng trái ngược với những chờ đợi của não bộ dành cho cơ thể, còn theo các giáo sư nhãn khoa thì Bacon đang chịu một rối loạn thần kinh hiếm gặp là dysmorphopsia – chứng nhìn biến dạng do u màng não…
Dưới đây là một số phân tích các tác phẩm nghệ thuật dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu y khoa.
Bệnh viêm đa cơ trong bức họa về thực nghiệm bơm chân không
Năm 1789, họa sĩ Joseph Wright of Derby vẽ “An Experiment on a Bird in the Air Pump” (Một thí nghiệm về con chim trong bơm chân không), thể hiện mối quan tâm của mình với cuộc cách mạng công nghiệp và những tiên tiến khoa học của thời kỳ Khai sáng. Bức họa được treo ở Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Anh kể từ năm 1863 và được coi là một kiệt tác của hội họa Anh.
Bức họa tái tạo một trong những thực nghiệm bơm chân không của Robert Boyle – nhà triết học tự nhiên, hóa học, vật lý, một trong những người đặt nền móng cho hóa học hiện đại, người đi tiên phong về phương pháp khoa học thực nghiệm hiện đại và phát hiện ra mối liên hệ giữa áp suất và thể tích chất khí (định luật Boyle). Trong thực nghiệm này, một con vẹt xám Úc đang lả đi vì thiếu không khí trong bình thủy tinh trước một nhóm người quan sát với những biểu hiện quan tâm khác nhau: một trong hai cô gái lo ngại quan sát số phận của con chim, cô gái còn lại đau khổ trong sự an ủi và giải thích của người cha, hai quý ngài (một cảm thấy sốt ruột vì thời gian làm thực nghiệm) và một cậu bé chú ý thật sự, hai kẻ yêu nhau chỉ quan tâm đến nhau. Nhà khoa học ở trung tâm nhìn thẳng ra ngoài bức tranh vì chờ đợi người xem quyết định liệu tiếp tục bơm chân không làm chết con vẹt xám hay để không khí lùa vào để giữ sự sống của con vẹt. Bức họa như phép ẩn dụ về việc những hiểu biết khoa học và tiến trình của nó đôi khi bắt nguồn từ những hi sinh “xấu xí” cũng như phép ẩn dụ về các quan điểm xã hội tới thực tế khoa học khác nhau như thế nào và thi thoảng chúng cũng bỏ qua tính xác thực của khoa học.
Trong công trình “Dermatomyositis in Joseph Wright’s 1768 painting of the air pump experiment” (Bệnh đa cơ trong bức họa thực nghiệm hút chân không năm 1768 của Joseph Wright) xuất bản trên Clinical Rheumatology, tiến sĩ Hutan Ashrafian (Khoa Phẫu thuật và ung thư, ĐH Hoàng gia London) cho rằng, nếu nghiên cứu cẩn thận và chi tiết hơn, bức họa còn cung cấp một khía cạnh khác về mặt khoa học y học của thế kỷ 18. Ví dụ nhìn vào nhân vật người cha của cô gái đang đau khổ về số phận con vẹt, ở đốt các ngón tay trên bàn tay trái vòng qua vai con gái của ông đều mang màu đỏ. Có thể là còn có khả năng có những thay đổi về da và mụn cóc ở bàn tay trái và ban đỏ xuất hiện ở ngón trỏ và ngón cái bàn tay phải. Ông cũng lưu ý nhân vật này còn có một số dấu hiệu phát ban đỏ ở giữa khuôn mặt, bao gồm mí mắt phải, gò má trái, mũi và các vùng trên má phải và trán, nơi thường tiếp xúc với ánh sáng.
“Khi chúng ta nhìn vào bức họa với những chi tiết rõ nét như vậy, rõ ràng là người cha mang đặc điểm của chứng bệnh viêm đa cơ (Dermatomyositis)”, Ashrafian nói. Đây là một căn bệnh viêm nhiễm gây ảnh hưởng đến cả các cơ và da. Những biểu hiện bệnh lý trên da tay người cha mang phần lớn đặc điểm của bệnh sẩn Gottron (Gottrons’ papules), vốn là đặc trưng của bệnh viêm đa cơ. Có thể danh họa Joseph Wright đã ghi nhận nỗi thống khổ của người mang bệnh trước khi các nhà khoa học miêu tả nó vào năm 1891. “Việc miêu tả căn bệnh quá rõ ràng và chính xác qua bức họa có thể phản chiếu sự tồn tại trên thực tế căn bệnh này vào thời điểm đó”, Ashrafian cho biết và nói thêm, một trong những lý đo thôi thúc tác giả nhấn mạnh vào các chi tiết này cũng có thể chỉ đơn giản là ông chỉ muốn khắc họa rõ nét chân dung một nhân vật của mình.
Tuy nhiên, độ chính xác trong tác phẩm của Wright không chỉ phản chiếu những hình ảnh như đời thực của một xã hội tại thời điểm khởi đầu kỷ nguyên hiện đại mà còn có thể nó giúp ông thể hiện một ngụ ý về một căn bệnh mà có thể trong tương lai khoa học sẽ đem lại phương thức điều trị hữu hiệu.
Chứng bệnh bí hiểm trong Thế giới của Christina
Christina’s World (Thế giới của Christina), do họa sĩ Andrew Wyeth vẽ năm 1948, miêu tả cảnh đồng quê Mỹ và nhân vật trung tâm từng là hàng xóm và là bạn của họa sĩ. Ông muốn miêu tả chốn đồng quê như thiên đường, một chốn thoát khỏi cuộc sống hiện đại. Người xem có thể cảm nhận điều này thông qua sự tỉ mỉ trong từng đường cọ của ông trên từng lá cỏ và ngôi nhà ở đường chân trời. Christina rướn cả người về phía trang trại, cô muốn mời chúng ta cùng cô trở về nhà mình…
Christina ngoài đời thực là Christina Olson, sinh năm 1893. Trước thời điểm cô ra đời, nước Mỹ đã trải qua một cơn bùng phát bệnh bại liệt. Nhiều người tin rằng cô mắc bệnh bại liệt nhưng không ai biết đích xác cô thật sự mắc bệnh này không. Khi ở tuổi trưởng thành, đôi chân Olson trở nên yếu ớt và có thể là đã mất đi một số cảm giác – cô đã bị ngã gần một bếp lò ở tuổi 50 và bị bỏng mà bản thân không nhận biết được. Nhà thần kinh học Marc Patterson ở Trung tâm Mayo Clinic (Rochester, Minnesota, Mỹ) không đồng tình với kết luận là Olson mắc căn bệnh này. “Tất cả những gì mà bức tranh chỉ ra đều cho thấy điều trái ngược”, Patterson nói. Những triệu chứng của bệnh bại liệt đều có xu hướng xấu ngay tại thời điểm mắc căn bệnh và được cải thiện theo thời gian, ngược lại với biểu hiện ở Olson. Thay vào đó, Patterson tin là cô mắc bệnh Charcot-Marie-Tooth, hay còn gọi là bệnh teo cơ mác do đột biến trong gene liên quan đến cấu trúc và chức năng của các dây thần kinh chi phối bàn chân, chân, bàn tay (khoảng 2,8 triệu người trên thế giới mắc bệnh này).
Có giai thoại kể rằng, Wyeth nghĩ đến việc vẽ Thế giới của Christina trong một buổi chiều hè thanh bình khi quan sát Olson gần như kéo lê cơ thể trên mặt cỏ. Ông từng thổ lộ là mình chỉ muốn bày tỏ với mọi người “nỗ lực phi thường của cô ấy về một cuộc sống mà hầu hết mọi người đều coi là tuyệt vọng. Theo một cách nào đó, nếu người xem cảm nhận được là dù thế giới của cô ấy bị giới hạn về mặt vật lý nhưng không thể về mặt tinh thần thì tôi đã đạt được những gì mình nêu ra”.
Nhưng có một điều ít ai biết được điều mà Wyeth chưa bao giờ thổ lộ: Thế giới của Christina không chỉ để khắc họa Olson mà còn là chính chân dung Betsy, người vợ trẻ của ông. Ở tuổi đôi mươi, cô chính là nguyên mẫu cho phần đầu và cơ thể của nhân vật. Tại sao Wyeth lại làm như vậy? Chúng ta có thể giả định là họa sĩ chưa bao giờ đề nghị Olson để vẽ về tình trạng cơ thể cô chăng? Trên thực tế thì Olson rất yêu bức họa. “Andy đã đặt tôi vào nơi ông biết rằng tôi muốn thuộc về”, cô từng thổ lộ như vậy. “Giờ đây tôi không thể đi đâu được nữa, tất cả những gì tôi muốn làm là chỉ nghĩ về bức họa mà tôi đã có mặt”. Trong câu chuyện này còn nhiều bí ẩn hơn cả căn bệnh của Olson.
Trên thực tế, Olson và Wyeth vẫn còn lưu giữ tình bạn bền chặt đến cuối cuộc đời. Một năm trước khi qua đời, Wyeth trả lời trên L.A. Times là ông muốn được chôn cất cùng Olson. “Tôi muốn ở đó với Christina”, ông nói.
Một phúng dụ về Venus và Cupid
Vào năm 1545, họa sĩ Angolo Bronzino đã tạo ra một kiệt tác – Một phúng dụ về Venus và Cupid, một tác phẩm được coi là mang đậm chất biểu tượng của thời kỳ Phục Hưng. Nhà chính khách và chủ ngân hàng Ý Cosimo de’ Medici đã gửi tặng vua Pháp Francis I như một món quà có xu hướng để người nhận thưởng thức một cách riêng tư. Người ta thường gán ý nghĩa tính dục cho bức họa này nhưng Christopher Cook, một học trò của Michael Baum lại cho rằng có một thông điệp khác, đó là mối nguy hiểm của bệnh giang mai.
Trong công trình “An Allegory with Venus and Cupid: A story of syphilis” (Một phúng dụ với Venus và Cupid: Một câu chuyện về bệnh giang mai) xuất bản trên tạp chí Journal of the Royal Society of Medicine, Christopher Cook viết “Vào 50 năm trước khái niệm y học của bức họa thì một chứng bệnh mới đã xuất hiện ở châu Âu – giang mai. Bên trong hình ảnh thần thoại và được cách điệu hóa là thông điệp sức khỏe của Bronzino: tình yêu không đúng mực đến không chỉ đem đến niềm vui thú mà còn cả hậu quả đau đớn”.
Thông điệp này đã mất đi sau nhiều năm bởi phần lớn miêu tả về bức họa đều tập trung vào tính dục của nó nhưng nhìn về khía cạnh y học thì nó mang lại điều hoàn toàn khác. Khi nhìn vào vẻ đẹp của hai nhân vật chính là thần tình yêu Cupid và nữ thần sắc đẹp Venus, người ta có thể xao nhãng những nhân vật bên rìa. Thật khó để miêu tả họ từ cái nhìn cổ điển nhưng việc đưa vào một số giả thuyết thì có thể thấy họ đã được miêu tả với độ chính xác về sự lây nhiễm bệnh giang mai, Cook lý giải.
Hãy nhìn vào cái đầu nghiêng của người phụ nữ ở góc trái bức họa “phía sau đầu của cô ấy bị cắt. Cô ấy đã mất trí não của mình”, Baum nói. Bên dưới nhân vật này là đầu một người đàn ông không răng với đôi bàn tay ôm lấy đầu: những đầu ngón tay đỏ và mái tóc tơi tả là những triệu chứng của căn bệnh. Nếu nhìn kỹ hơn, có thể thấy một ngón tay đã bị mất móng, phù hợp với chứng bệnh. Củng mạc mắt của nhân vật này cũng màu đỏ, cặp hàm không răng chứng tỏ những dấu hiệu của việc chảy huyết thanh máu và có lẽ trong vòm miệng cũng có biểu hiện của bệnh. “Thật thú vị là việc mất răng có thể là kết quả của tình trạng nhiễm độc thủy ngân, một liệu pháp điều trị thành công căn bệnh này ở thời kỳ Phục Hưng”, Cook viết trong bài báo.
Dẫu hậu thế còn nhiều tranh cãi về thông điệp của bức họa thông qua hình thức kể chuyện tài tình và chi tiết về lâm sàng bệnh tật đáng kinh ngạc thì sự phúng dụ của Bronzino đã xứng đáng trở thành kiệt tác, Cook kết luận. □
Tô Vân tổng hợp
Nguồn: https://link.springer.com/article/10.1007/s10067-016-3291-0
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2966887