Châu Âu lập sáng kiến mới về AI để tránh nguy cơ tụt hậu

Một số nhà nghiên cứu về học máy ở châu Âu đã thiết lập “Phòng thí nghiệm về hệ thống trí tuệ và học máy châu Âu” (ELLIS) - một tổ chức nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao năng lực trong lĩnh vực này của châu Âu, và chấm dứt tình trạng chảy máu chất xám sang các doanh nghiệp ở Mỹ và Trung Quốc.


Các nhà nghiên cứu châu Âu cùng ký vào sáng kiến ELLIS. Nguồn: Viện hệ thống trí tuệ Max Planck.
Nhu cầu thành lập tổ chức này lần đầu tiên được đề cập đến trong một bức thư ngỏ của gần 200 nhà nghiên cứu hồi tháng Tư. Bức thư cảnh báo rằng đầu tư và trình độ công nghệ AI ở châu Âu đang tụt hậu so với Bắc Mỹ và Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu đứng sau sáng kiến ELLIS lo ngại: không chỉ các trường đại học châu Âu mất các nhân tài về tay các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc mà các doanh nghiệp châu Âu vẫn sử dụng AI như một lợi thế cạnh tranh cũng bị ảnh hưởng. “Nếu muốn giữ vững vị thế của mình, châu Âu cần phải có những dự án lớn. Nếu được tập hợp, chúng tôi sẽ có thể bước vào cuộc cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc”, Bernhard Schölkopf, giám đốc Viện Hệ thống trí tuệ Max Planck ở Tübingen, một trong những nhà khoa học đứng sau sáng kiến, nói.

Vì vậy, ELLIS sẽ thành lập một mạng lưới các trung tâm nghiên cứu, chương trình đào tạo tiến sĩ trên toàn châu Âu và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp với kỳ vọng sẽ giữ chân các nhà nghiên cứu làm việc ở châu Âu thay vì chuyển sang Thung lũng Silicon hoặc những nơi khác. ELLIS sẽ giám sát việc tổ chức và xây dựng các cơ sở này.

Đúng thời điểm này, Hội đồng châu Âu tuyên bố thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng AI: các doanh nghiệp đối tác của EU sẽ đầu tư 4,4 tỷ euro cho nghiên cứu AI còn EU đầu tư 1 triệu euro hỗ trợ cho các startup về AI phát triển. Nicolò Cesa-Bianchi, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Milan, Ý, nhận xét: “Chúng tôi muốn tạo ra một hệ thống để khuyến khích các nhà nghiên cứu ở lại các học viện. Về lâu dài, việc để doanh nghiệp ‘thâu tóm’ các nghiên cứu về AI sẽ không có lợi vì doanh nghiệp không thể có những nghiên cứu cơ bản tốt như trong trường, viện”.

Tuy không có khoản nào dành cho ELLIS nhưng các nhà khoa học nói ít nhất ngành công nghiệp sẽ dành một số học bổng tiến sỹ về AI. Và cuối cùng, kế hoạch của EU sẽ giúp tạo nên một cấu trúc liên chính phủ – yếu tố quan trọng để ELLIS có được kết nối tốt hơn với các đối tác ngoài trường, viện.

Nhiều người lo ngại, trong cuộc chạy đua thúc đẩy AI, nhiều công ty công nghệ giàu có như Google hay Facebook sẽ thuê các nhà khoa học máy tính ở các trường ở châu Âu. Trước tình huống này, Bernhard Schölkopf ​​cho biết: “Chắc chắn điều này sẽ xảy ra – các công ty công nghệ lớn sẽ tìm cách thu hút nhân tài ở ELLIS. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ tạo ra môi trường làm việc thuận tiện và hấp dẫn hơn ở Mỹ”. Cuộc chạy đua về AI có thể khiến tất cả các bên cùng có lợi. Thúc đẩy các công ty Mỹ đặt phòng thí nghiệm ở châu Âu cũng là một thành công, Schölkopf cho biết: “Chúng ta sẽ thua cuộc nếu tìm cách giấu nhân tài khỏi tầm mắt của các doanh nghiệp. Chúng ta cần hợp tác [với họ] và thúc đẩy họ thực hiện nhiều nghiên cứu và sử dụng phần mềm nguồn mở nhiều hơn”.

Sáng kiến ELLIS được công bố vào ngày 6/12 tại hội nghị về Hệ thống xử lý thông tin thần kinh (NeurIPS) ở Montreal, Canada – một trong những hội nghị thường niên của ngành AI – chủ trì bởi tổ chức khoa học đời sống EMBO, có hơn 1800 thành viên là các nhà khoa học, các quỹ nghiên cứu trên khắp châu Âu và có một phòng thí nghiệm hoạt động hiệu quả với 6 chi nhánh và có trụ sở tại Heidelberg, Đức.

Chưa có thông tin nào về tài trợ cho ELLIS, nhưng một số công ty như Audi, Bosch, Siemens, Amazon và Google đã cam kết tài trợ. ¨

Thanh An tổng hợp
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-07730-1
https://sciencebusiness.net/news/new-artificial-intelligence-lab-aims-keep-top-minds-europe

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)