Châu Âu với trào lưu nghiên cứu máy quét kiểm tra chất lượng thực phẩm

Liệu cái đùi gà có còn tươi ngon hay không, liệu rau xà lách không bị phun thuốc, món Joghurt thực sự không có chất laktose? Loại máy quét thực phẩm bỏ túi quần có thể giúp người mua hàng thực sự yên tâm.


Chiếc máy quét (Scanner) nhỏ gọn có thể  phát hiện các chất pha trộn trong thức ăn

Châu Âu hiện có 3,5 triệu người bị dị ứng với thực phẩm, 35 triệu người bị bệnh đái tháo đường và 43 triệu trẻ em bị béo phì. Để người dân có thể kiểm soát được hành vi ăn uống của mình được tốt hơn, Ủy ban EU đã phát động một cuộc thi phát triển máy quét thực phẩm với giá phải chăng và treo giải là 1 triệu Euro. Người ta hy vọng rằng khi con người biết ăn uống lành mạnh hơn thì chi phí điều trị y tế cũng sẽ giảm đi rõ rệt.

Sẽ rất thuận lơi khi có những thiết bị quét gọn nhẹ có thể mang theo người và xác định nhanh chất lượng, thành phần của thực phẩm, rau quả, thịt, cá hay thức ăn đã chế biến hoặc phân tích chất lượng của cả một bữa ăn trong siêu thị hay ở tiệm ăn. 

Hiện đã có hai start-up, Consumer Physics của  Israel và  Tellspec của  Canada, chào bán các thiết bị bỏ túi này trên mạng Internet  với giá 250 hoặc 450 đôla. Nhiều nhà phát triển khác, trong đó có cả Đức, đang rục rịch vào cuộc.

Từ các kết quả nghiên cứu thị trường tự thực hiện, hai nhà nghiên cứu Robin Gruna và Henning Schulte thuộc Viện Fraunhofer ở Karlsruhe (Đức) cho rằng: “Ăn uống lành mạnh đang là một xu hướng được mọi người quan tâm.” Theo một cuộc điều tra thăm dò do Viện Fraunhofer tiến hành thì  cứ ba người Đức có hai người quan tâm đến các sáng chế, phát minh ở lĩnh vực này, cao hơn nhiều nếu so sánh với các lĩnh vực khác như ô tô hay máy tính. 

Ngay cả ngành công nghiệp cũng khuyến khích sự phát triển này. Tại Mỹ, tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước này là Target từ đầu năm nay đã hợp tác với Phòng thí nghiệm Y học tại Boston của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để xây dựng một máy quét để giúp các nhân viên tại siêu thị có thể tự kiểm tra độ an toàn của các mặt hàng được bày bán. Để làm được điều này, hai bên đã và đang triển khai xây dựng một ngân hàng dữ liệu hết sức phong phú.  

Về nguyên tắc các thiết bị quét này đều có cơ chế hoạt động tương tự nhau. Cảm biến nắm bắt, thí dụ thông qua ánh sáng hồng ngoại, đặc trưng của từng chất trong một sản phẩm. Các giá trị thu được sẽ được chuyển từ smartphone cá nhân qua Internet tới các ngân hàng dữ liệu; trên màn hình hiển thị kết quả đánh giá và từ đó có những lời khuyên mua hàng tương ứng.

Những  thiết bị máy quét đầu tiên chưa phải là những thiết bị có khả năng toàn diện, có thể nắm bắt các thông tin về vấn đề dị ứng, số lượng các loài vi khuẩn, hàm lượng vitamin và độ chín cũng như về các chất độc hại có trong thực phẩm. Để làm được điều đó các nhà nghiên cứu phải tăng cường các ngân hàng cơ sở dữ liệu và trước hết phải cải thiện hơn nữa các thuật toán phân tích. Nhiều chuyên gia của viện Fraunhofer đã và đang tham gia sôi nổi vào lĩnh vực này, và họ cho rằng ít ra phải sau từ ba đến năm năm nữa các thiết bị của họ mới có thể được tung ra thị trường. 

Thực tế là các hệ thống của Tellspec và Consumer Physics trước mắt chỉ có thể cho người sử dụng biết về hàm lượng chất béo, protein, đường, các loại hydratcarbon và lượng calo trong một sản phẩm. Nhưng dù sao đây cũng là một sự mở đầu. Tuy nhiên không lâu nữa các thiết bị này cũng có khả năng phát hiện thí dụ bào tử nấm mốc  hay chất gluten mà một số người dễ bị phản ứng. 

Start-up Freshdetect ở  München (Đức) xử lý vấn đề này một cách thận trọng. Nhà sáng lập  Oliver Dietrich đang nỗ lực để sang năm có thể cung cấp cho các lò mổ, các cửa hàng thịt gia súc gia cầm và các cửa hàng bán thực phẩm một thiết bị di động, cầm tay có khả năng xác định được lượng vi khuẩn trên thịt. thậm chí ngay cả khi thịt đã được bọc trong bao bì. Nếu công nghệ này hữu dụng thì đây cũng là một cách sản xuất thiết bị máy quét cho mọi người.

Điều này sẽ làm đảo lộn các mối quan hệ trong ngành kiểm tra thực phẩm. Về cơ bản công việc này nằm trong tay nhà nước. Tuy nhà nước ban hành các luật lệ và quy định nhưng nhà nước lại không có đủ nhân sự để thực thi các luật lệ và quy định đó. Khi mà khách hàng tự kiểm tra những sản phẩm mà họ mua thì sự quản lý và giám sát của nhà nước sẽ trở nên không cần thiết. Mọi sự trí trá sẽ sớm bị phát hiện trước khi trở thành một vụ bê bối. Và ngay cả việc ghi trên nhãn mác hạn sử dụng tối thiểu đối với sản phẩm cũng không còn cần thiết nữa.  

Việc này cũng góp phần vào việc sử dụng tiết kiệm thực phẩm. Thông thường khi trái cây bị quá chín chúng sẽ bị loại bỏ, nay nhờ thiết bị quét, người ta sẽ kiểm tra trái cây ngay trong kho, những thùng trái cây quá chín sẽ không được đưa lên quầy để bán mà sẽ đươc chuyển sang xưởng ép làm nước quả.   

Hoài Nam theo Tuần Kinh Tế Đức

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)