Cháy rừng và canh tác nông nghiệp có thể góp phần làm gia tăng số người mắc sa sút trí tuệ
Theo nghiên cứu mới của Đại học Michigan, các vụ cháy rừng và hoạt động nông nghiệp có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe nhận thức.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí có nguy cơ gây sa sút trí tuệ. Và giờ đây, theo những phát hiện của Boya Zhang và Sara Adar – các nhà nghiên cứu dịch tễ học môi trường tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Michigan, các hoạt động nông nghiệp và các vụ cháy rừng – thải ra một loạt khí thải độc hại ở nồng độ cao – rất có thể sẽ cần phải được nghiên cứu và giám sát chặt chẽ hơn nữa về các nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là chứng sa sút trí tuệ.
“Trong nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng tất cả các hạt trong không khí đều làm gia tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ, tuy nhiên các hạt sinh ra từ hoạt động nông nghiệp và cháy rừng dường như đặc biệt độc hại đối với não bộ”, Adarr – Phó chủ tịch Khoa Dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng cho biết.
“Các phát hiện của chúng tôi chỉ ra, việc giảm mức độ ô nhiễm không khí dạng hạt, ngay cả ở một quốc gia tương đối sạch như Hoa Kỳ, sẽ có thể giúp giảm số người mắc chứng sa sút trí tuệ khi về già”, Adar cho biết.
Bài báo của Adar và Zhang – “So sánh ô nhiễm không khí dạng hạt từ các nguồn phát thải khác nhau và chứng mất trí nhớ có nguyên nhân ở Hoa Kỳ” – mới đây đã được xuất bản trên JAMA Internal Medicine.
Zhang – một nhà nghiên cứu tập trung vào tác động của ô nhiễm không khí đối với bệnh tim phổi và lão hóa nhận thức – cho biết: “Công trình này cho thấy rằng ô nhiễm không khí dạng hạt từ nông nghiệp và cháy rừng có thể gây độc thần kinh nhiều hơn so với các nguồn khác. Tuy nhiên, cần phải có thêm các nghiên cứu để xác nhận những tác động này, đặc biệt là tác động của hai nguồn ô nhiễm ít được chú ý hơn trong các nghiên cứu trước đây.”
“Nghiên cứu của chúng tôi chủ yếu hướng tới mục tiêu cung cấp bằng chứng cho các nhà hoạch định chính sách để giảm mức độ phơi nhiễm với các nguồn phát thải này”, Zhang nói.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của ô nhiễm không khí là chất độc cực nhỏ không thể nhìn thấy được, cụ thể là vật chất dạng hạt mịn hoặc PM2.5.
Với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron, PM2.5 nhỏ hơn chiều rộng của một sợi tóc người. Vì quá nhỏ nên nó có thể xâm nhập trực tiếp vào não qua mũi hoặc vượt qua hàng rào máu não theo những cách khác nhau. PM2.5 cũng được biết là có ảnh hưởng đến phổi, tim, và hiện nay chúng ta đã biết rằng nó còn ảnh hưởng đến não và chức năng nhận thức.
“Những phát hiện này khá kịp thời với tần suất khói cháy rừng ngày càng tăng”, Adar nói. “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng ngoài một số tác động sức khỏe rõ ràng của khói cháy rừng như gây kích ứng cổ họng và mắt, hay gây khó thở, khói cũng có thể gây tổn hại cho bộ não của chúng ta”.
Phát hiện của nhóm nhà khoa học dựa trên nghiên cứu về sự phát triển của chứng mất trí nhớ ở gần 30.000 người trưởng thành trên khắp Hoa Kỳ trong khoảng thời gian 18 năm. Dữ liệu được thu thập từ Nghiên cứu về Sức khỏe và Hưu trí – một tập hợp đại diện toàn quốc gồm các nhóm người lớn tuổi được theo dõi từ năm 1992. Ước tính ô nhiễm trong nghiên cứu của Adar và Zhang dựa trên địa chỉ nhà của những người tham gia. Những người tham gia đã được phỏng vấn hai năm một lần về nhận thức, sức khỏe tổng thể và hành vi sức khỏe của họ cho đến khi qua đời hoặc mất liên lạc trong cuộc khảo sát.
Nhóm quan sát thấy rằng mức độ ô nhiễm không khí dạng hạt cao hơn, đặc biệt là từ nông nghiệp và cháy rừng, có liên quan đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn. Những phát hiện này không thể được giải thích bởi các yếu tố khác như cá nhân, khu vực sống, tình trạng kinh tế xã hội, nghề nghiệp hay quê hương.
“Khi hiểu được nguồn ô nhiễm nào độc hại hơn những nguồn khác, chúng ta sẽ có thể thiết kế các biện pháp can thiệp cho các nguồn cụ thể như một biện pháp hiệu quả hơn để giảm gánh nặng bệnh tật của chứng mất trí nhớ”, Zhang cho biết.
Kim Dung lược dịch