Chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam: Một nỗ lực trong bối cảnh biệt lập
Cuối những năm 1970, vừa mới bước ra khỏi chiến tranh, cơm ăn không đủ no, áo không đủ mặc nhưng một nhóm kỹ sư trẻ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Pháp Alain Teissonnière và sự tin tưởng của giáo sư Phan Đình Diệu, “người anh cả” ngành công nghệ thông tin đã chế tạo thành công chiếc máy tính. Chiếc máy tính cá nhân thứ ba ra đời trên thế giới tại thời điểm đó quả thực là một kỳ tích khó tin của ngành công nghệ thông tin Việt Nam trong một bối cảnh gần như biệt lập với các nền khoa học tiên tiến.
Máy tính VT81 với màn hình là chiếc TV trắng đen.
Niềm tin từ “người anh cả” ngành CNTT để chớp lấy “cơ duyên”
Ngày đó “chúng tôi toàn là người rất trẻ, không học hàm học vị, không có vai vế trong xã hội”, “nhiều giáo sư tiến sĩ không bao giờ tin thời đó có thể làm được chiếc máy tính, cứ nói ra là các ông ấy bảo ‘điên rồ mơ mộng’”, TS Nguyễn Chí Công, một thành viên tham gia chế tạo chiếc máy tính đầu tiên đó nhớ lại. “Rất khác với mọi người, anh Phan Đình Diệu lại tin ở chúng tôi”
Điều đó cho thấy tầm nhìn vĩ mô và khả năng tiên đoán của người lãnh đạo Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (thành lập năm 1976) dù lúc đó GS Phan Đình Diệu mới trở về nước và lãnh trách nhiệm làm Viện trưởng được hai năm, như lời TS Nguyễn Chí Công kể lại “dù rất nhiều người đi học ở nước ngoài về, nhưng chỉ Anh Diệu thấy ngay tin học là tương lai”. Cũng chính GS Phan Đình Diệu là người trả lời lá thư của Alain Teissonnière gửi về việc đề nghị giúp đỡ Việt Nam, sau một thời gian dài lá thư nằm im lìm “bao nhiêu người đọc mà không một ai trả lời” – có lẽ chỉ vì tâm lý e ngại phương Tây lúc đó cũng như không đủ tin vào khả năng làm máy tính của Việt Nam.
Thế là Alain mang số tiền dành dụm cả đời, xin nghỉ không lương ở Pháp, chuẩn bị tài liệu, com cóp mua vật tư mà thực ra là đã vi phạm cả lệnh cấm vận khi mang chip của Mỹ qua hải quan để đến với Việt Nam. Có thể nói Alain là người mở ra cánh cửa hợp tác khoa học Việt – Pháp, mà rộng hơn là mở ra cánh cửa với giới khoa học phương Tây thời đó. Chính Alain sau này cũng trở thành Tổng thư ký Ủy ban vì sự Hợp tác Khoa học và kỹ thuật với Việt Nam (CCSTV) mở ra sự hợp tác khoa học và kỹ thuật Pháp-Việt. Alain sang là đã trao một “cơ duyên” cho nhóm phát triển và cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam, bởi thời điểm đó các nhóm khác như Bill Gate, Steve Job vẫn còn còn đang mày mò tìm hướng phát triển mà chưa hề được thế giới biến đến.
Điều quan trọng không kém là ông đem lại tư duy mới về máy tính, “làm thay đổi hệ hình cũ”, ông bắt nhịp với điều kiện sống trong thời bao cấp khó khăn ở Hà Nội để giảng cho cán bộ các Viện Khoa học tính toán và Điều khiển và cả một loạt viện, trường khác về bộ vi xử lý (Microprocessors), sẽ có mặt khắp nơi, thay cho những máy tính kềnh càng. Thậm chí, lúc đó GS Phan Đình Diệu và các kỹ sư vẫn còn tranh luận về việc dịch từ “vi xử lý” có chính xác hay chưa.
Không ngờ rằng những kỹ sư trẻ làm việc với Alain đều “nghèo khổ hốc hác, Alain mở cặp lồng ra thấy toàn cơm, cà hoặc dưa muối” lại ham hiểu biết, nhanh chóng nắm bắt công nghệ, kỹ thuật đến vậy. Cả nhóm gồm Nguyễn Gia Hiểu, Nguyễn Chí Công, Huỳnh Thúc Cước, Nguyễn Trung Đồng, Đặng Văn Đức, Phí Mạnh Lợi, Nghiêm Mỹ, Phạm Quang Oai, Nguyễn Văn Tam, Phan Minh Tân, Đỗ Đình Phú, Trần Bá Thái, Lê Võ Bạch Thông, Nguyễn Chí Thức, Bùi Xuân Vinh, chưa có ai từng sang phương Tây học tập (chỉ có anh Nguyễn Gia Hiểu đã bảo vệ phó tiến sĩ) và cũng chỉ một vài người đã từng được đọc tài liệu về chip máy tính.
“Thời gian nghiên cứu, lắp ráp, thử nghiệm, căn chỉnh đều rất ngắn; điện thì không ổn định, có thể bị cắt bất kỳ lúc nào, chúng tôi lại chưa từng được sờ đến những chip hiện đại như thế, chỉ sợ hỏng do tĩnh điện hoặc sốc điện. Mặt khác, phải thực hiện mấy bìa RAM mới được vỏn vẹn vài kB, ngày đó chưa có RAM động mà mỗi chip RAM tĩnh chỉ chứa mấy trăm bit”, TS Nguyễn Chí Công kể lại.
Do không có bàn phím và màn hình nên nhóm phát triển phải nhập liệu từng bit bằng các công tắc Liên Xô và hiển thị bằng các diode phát quang. Hệ phát triển cũng chưa có, phải dịch thủ công chương trình điều khiển rồi nạp trực tiếp thông tin trên mấy nghìn diode mắt muỗi và điện trở. Lập trình và sửa lỗi còn tiêu mất nhiều thời gian nữa vì phải dùng ngôn ngữ Asembly và mã máy, lại không hề có máy in nào để giúp cho mắt đọc, tay viết.
Thực chất là một “cỗ máy cái” – một hệ phát triển
Sau thời gian chạy đua với thời gian để Alain trở về nước, chiếc máy vi tính đầu tiên ra đời được đặt tên là FT8080, sau này mới được nhóm gọi là VT80 được xây dựng theo thiết kế với kỹ thuật quấn dây nối các chân cắm do ông Alain mang sang, vì lúc ấy chưa thể làm được mạch in ở Việt Nam và cũng không được phép hàn trực tiếp vào các vi mạch. Nhưng chiếc máy tính đầu tiên giúp nhóm kỹ sư trẻ hình dung thế nào là một chiếc máy tính cá nhân này cũng hết vai trò rất nhanh bởi vì các thế hệ con chip ra đời sau con chip mà Alain mang sang Việt Nam đã được cập nhật, lên 16 bit rồi 32 bit. Do đó, khi nhận được sự hỗ trợ của Alain để đi Pháp làm thực tập sinh, các kỹ sư đã săn tìm vật tư và ấp ủ ý định quay trở về Việt Nam sản xuất loạt máy tính VT tiếp theo.
GS Phan Đình Diệu và các nghiên cứu sinh, thực tập sinh tại Pháp.
“Máy tính đầu tiên không phải là máy tính, mà thực chất nó là hệ phát triển, tức là như cỗ máy cái, từ nó đẻ ra các máy khác. Nó nằm lại ở phòng thí nghiệm, còn chúng tôi làm độ gần chục chiếc như vậy để đưa cho các cơ quan khác, hướng dẫn họ tự làm ra các ứng dụng cho nó mà không cần nhờ tới mình”. Và để có đủ vật tư làm điều đó, quả thực “hồi đó chúng tôi (gồm Nguyễn Chí Công, Trần Bá Thái, Đặng Văn Đức) đều dành dụm tiền lương để mua vật tư về. Điều này có kể lại nghe cũng thật khó tin, bởi hồi đó ai đi nước ngoài cũng chỉ muốn dành dụm tiền để mua hàng hóa hoặc bất động sản”, TS Nguyễn Chí Công nhớ lại. Tinh thần chia sẻ, say mê công việc, hết lòng vì nhóm chung ấy đã đi cùng nhóm trong suốt quá trình làm các thế hệ VT, thậm chí tên tác giả của VT cũng được xếp theo thứ tự aphabet chứ không đặt nặng vai trò của ai hơn ai.
Nhưng những thực tập sinh lại trở về Hà Nội để phát triển các thế hệ sau của VT đúng vào lúc chiến tranh biên giới 1979. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, VT 81 ra đời với màn hình đầu tiên ấy chính là một chiếc TV trắng đen mang nhãn hiệu Neptune được “chuyển mục đích sử dụng”. Có sẵn mạch in, hệ phát triển và các linh kiện hiện đại hơn nên nhóm lắp ráp đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên ngành cơ khí chưa chế tạo được vỏ máy tính với độ chính xác mong muốn, vì thế nhóm phải làm bằng thủ công. Với tiền tài trợ từ phía Pháp là 500.000 franc cho 5 năm, nhóm kỹ sư vẫn tiếp tục làm những chiếc máy tính tiếp theo để gửi đi một số đơn vị, trong đó có ngành điện lực, giao thông vận tải, Học viện kỹ thuật quân sự, còn lại chính TS Nguyễn Chí Công cũng không thể nhớ hết.
Thành công với những chiếc máy tính này đã nhận được sự quan tâm của Đại tướng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng thời đó, thậm chí nhóm nghiên cứu đã báo cáo trực tiếp kết quả này với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng. Với tầm nhìn chiến lược, từ năm 1979, GS Phan Đình Diệu và Alain đã tìm hướng để phải ứng dụng tin học vào giải những bài toán đang đặt ra trong đời sống sản xuất ở Việt Nam, chẳng hạn như vào quản lý các xí nghiệp chứ không chỉ dừng ở mức tính toán khoa học kỹ thuật. Lúc này ông Vương Hữu Trường, Giám đốc Nhà máy may Sinco từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã mời Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển vào giúp đỡ nhà máy trong việc sử dụng máy tính để quản lý. Đó là bài toán đầu tiên đặt ra cho nhóm, bởi tại thời điểm đó chưa ai từng dùng máy tính nhỏ như VT để quản lý nhà máy cả.
Nhóm làm phần mềm do Vũ Duy Mẫn lãnh đạo cùng Phạm Ngọc Khôi và Ngô Trung Việt, Đỗ Việt Nga, Doãn Ngọc Liên, Giang Công Thế đã nghiên cứu viết ngôn ngữ “Basic Đồi thông” (phòng nghiên cứu và Viện nằm trong lòng Đồi Thông) và rồi đem một trong các máy VT đi vào thành phố Hồ Chí Minh, phân tích bài toán và quản lý vật tư cho Sinco.
Từ trái sang: GS Henri V. Regemorter, GS Phan Đình Diệu, TS Nguyễn Chí Công chuẩn bị kế hoạch đưa thực tập sinh Việt Nam sang Pháp thực tập. Nguồn ảnh trong bài: Nguyễn Chí Công.
Tuy nhiên, sau khi số tiền tài trợ trong 5 năm cho nhóm cạn kiệt, đất nước lâm vào khó khăn sâu hơn sau những sai lầm quản lý kinh tế trong thời bao cấp đồng thời bị cấm vận toàn diện, lãnh đạo phụ trách khoa học và công nghệ lên thay Đại tướng Võ Nguyên Giáp không quan tâm nhiều tới ngành này nữa, nhóm không thể tiếp tục phát triển các thế hệ máy tính tiếp theo. Mặc dù có tầm nhìn chiến lược của GS Phan Đình Diệu, sự giúp đỡ hào hiệp và nhiệt tình của Alain, đội ngũ kỹ sư trẻ tài năng và khao khát đổi mới, nhưng Việt Nam đã mất cơ duyên trở thành một trong những nước có thể xuất khẩu công nghệ của mình ra thế giới. Cỗ máy cái VT80 và các thế hệ VT8x đành dừng lại ở vai trò lịch sử của nó mà không trở thành một thế mạnh của Việt Nam trong bối cảnh các nước đều đã nhận ra công nghệ thông tin trở thành vũ khí hàng đầu.
Sau khi bắt đầu thời kỳ đổi mới, TS Nguyễn Chí Công đã cùng tham gia thành lập công ty FPT với chiếc máy vi tính của riêng mình còn sót lại… Nhưng các công ty tin học Việt Nam đã phải vật lộn buôn bán hàng chục năm mới có thể bắt đầu làm thuê gia công phần mềm cho nước ngoài.
Nhưng cũng không thể gia công phần mềm mãi được, và liệu làm cách nào để tạo dựng chỗ đứng riêng cho công nghệ thông tin Việt khi mà công nghệ phổ biến hiện nay đều thuộc về các hãng nước ngoài? Bằng kinh nghiệm gần cả cuộc đời gắn bó với những chiếc máy tính, TS Nguyễn Chí Công mong muốn giới làm công nghệ Việt Nam “phải có dữ liệu của Việt Nam và tự giải những bài toán đặc thù của Việt Nam. Anh đừng mong giải bài toán toàn cầu vì người ta đã làm hết rồi, mà phải giải bài toán đặc thù của mình, vì sẽ không ai làm cho mình cả, nếu nước ngoài làm cho mình thì sẽ có giá rất đắt”.
Tiếc là trong thời kỳ chuyển đổi số, để làm được điều đó, gánh nặng không chỉ ở ngành công nghệ thông tin, mà ngành này sẽ cần hợp tác chặt chẽ với các ngành khác để tạo ra bộ dữ liệu của riêng Việt Nam. “Ví dụ, thế giới họ không quan tâm nhiều tới tiếng Việt hoặc tiếng các dân tộc thiểu số thì mình phải có ngữ liệu, làm những ứng dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng của mình. Và cũng phải làm điều tương tự với dữ liệu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật dân tộc…”, TS Nguyễn Chí Công nói.
***
Những chiếc máy tính đầu tiên lần lượt bị đem bán làm đồng nát, nhóm cộng sự năm xưa mỗi người đi một phương. Đến hôm nay, TS Nguyễn Chí Công cùng những người cộng sự năm xưa vẫn đang tiếp tục thu thập tư liệu, máy móc trước đây để xây dựng bảo tàng công nghệ thông tin. Ông dành trọn căn phòng nhỏ ở tầng một để chứa những kỷ vật mà ông còn giữ hoặc đi sưu tầm lại. “Chúng tôi quyết tâm làm bảo tàng công nghệ thông tin này để cho thế hệ sau tự tin, biết rằng trí tuệ người Việt mình sẽ không thua gì các nước khác cả. ‘Thậm chí có anh người Úc khi sang đây đã phải ngạc nhiên bảo với tôi rằng thời đó người Úc chúng tôi còn chưa biết database trên máy vi tính là gì mà các anh đã nghĩ tới viết chương trình, software ư’”.