Chiến lược biển và tầm nhìn mới về CNH, HĐH
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X, 2/2007) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã ghi nhận ý kiến cho rằng thế kỷ XXI sẽ là “Thế kỷ của đại dương”. Với sự ghi nhận đó, chiến lược biển, khuôn lại trong phạm vi kinh tế biển, đã mở rộng nội hàm phát triển kinh tế, nội hàm chiến lược CNH, HĐH ở nước ta.
Nhưng tầm của chiến lược không giới hạn chỉ ở không gian địa lý của chiến lược. Nó còn phản ánh một tầm tư duy mới trong chiến lược phát triển đất nước: đó là tư duy vượt thoát khỏi “tư duy đất liền”1, mở ra “tư duy đại dương” trong thời đại kinh tế mở và hội nhập toàn cầu.
Những đặc điểm của bước chuyển tư duy này là:
– Các nguồn lực phát triển của biển là đa dạng, vô tận. Biển không chỉ có các nguồn lực vật thể – vật lý mà tài nguyên biển còn bao gồm các chiều không gian, vị thế địa – chiến lược và thế mở của nền kinh tế (biển là không gian “mặt tiền”).
– Tính bất định và độ rủi ro trên biển cao. Hoạt động trên biển để khai thác biển đòi hỏi tinh thần mạo hiểm, hơn thế, là mạo hiểm kiểu biển cả. Đây là phẩm chất thường bị thiếu đối với những chủ thể hoạt động trên đất liền. Cũng có thể nói phẩm chất này là yếu đối với đa số người Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng của văn hóa tiểu nông.
– Việc khai thác các nguồn lực biển đòi hỏi một trình độ công nghệ cao, tiềm lực tài chính mạnh, với phương thức tổ chức hoạt động đặc thù. Không thể khai thác biển với tư duy và phương thức khai thác đất liền. Chiến lược CNH, HĐH thích hợp cho đất liền không hẳn là áp dụng hiệu quả để triển khai cho biển.
Ba đặc trưng nói trên hàm nghĩa rằng việc mở rộng phạm vi và đối tượng CNH, HĐH ra biển (đại dương) đòi hỏi phải có một cách tiếp cận mới (thậm chí phải là hoàn toàn mới) đối với mô hình và chiến lược CNH, HĐH đất nước. Một điều chắc chắn là khi nội hàm CNH, HĐH được mở rộng, bao hàm cả nội dung chiến lược kinh tế biển (thực chất là CNH, HĐH biển), quá trình CNH, HĐH đó sẽ không thể thành công nếu nó được thực hiện trên cơ sở tiếp tục áp dụng tư duy “CNH trên đất liền”.
Như vậy, vấn đề đặt ra là cần xác lập mô hình CNH, HĐH có nội dung chiến lược kinh tế biển như thế nào cho phù hợp với bối cảnh hiện đại.
Xin được nêu một số quan điểm tiếp cận sơ bộ đến chiến lược CNH, HĐH – bao gồm chiến lược biển như sau:
1. Cần đánh giá tổng thể và đầy đủ tiềm năng lợi ích của biển trong khung cảnh động, gắn với thành tựu phát triển khoa học công nghệ. Chưa thể nói chúng ta đã xác định rõ và chính xác tiền đề cơ bản đầu tiên để xây dựng chiến lược này. Mà không rõ tiền đề đó, khó định vị đúng hướng khai thác tiềm năng và lợi thế do biển mang lại trên quan điểm ưu tiên. Trong điều kiện nước ta còn nghèo, biển Đông lại đang là vùng tranh chấp quốc tế, nếu không xác định được tiềm năng biển tổng thể, từ đó, định ra các ưu tiên khai thác và phát triển cụ thể, chính xác các nguồn tài nguyên trong một tầm nhìn dài hạn, kết hợp được tất cả các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng, v.v. thì khả năng rủi ro hoặc hiệu quả thấp khi xây dựng và thực thi chiến lược sẽ là lớn.
2. Mục tiêu của chiến lược biển mà Đảng đã xác định tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) vừa qua là “nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển”. Đây là một mục tiêu lớn, mang tính tổng thể. Con đường, phương thức đạt được mục tiêu đó không có gì khác hơn là thực thi thành công chiến lược CNH, HĐH biển, là khai thác các tiềm năng biển một cách hiệu quả trong một lộ trình được thiết kế tối ưu (mang tính “rút ngắn” cao).
Nhưng việc khai thác biển, dù đối tượng là loại tài nguyên gì (kể cả việc đánh bắt hải sản gần bờ), để bảo đảm tính bền vững, luôn đòi hỏi một trình độ công nghệ cao, và thường là công nghệ khác với các loại công nghệ sử dụng trên đất liền. Câu hỏi đặt ra là nguồn lực tài chính và công nghệ nào bảo đảm cho chiến lược CNH, HĐH biển của Việt Nam là khả thi (theo lộ trình)? Đây thực sự là một đại vấn đề của chiến lược biển, cũng tức là của chiến lược CNH, HĐH đất nước trong giai đoạn tới. Vấn đề đó cần được giải quyết về nguyên tắc trong mô hình CNH, HĐH đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
3. Việc giải quyết “đại vấn đề” nêu trên gắn liền với việc trả lời một câu hỏi khác: lực lượng nào có thể giúp Việt Nam triển khai CNH, HĐH trên biển một cách hiệu quả nhất theo các chức năng cụ thể? Nhà nước có thể và cần làm gì? Tư nhân làm gì? Các nhà đầu tư quốc tế, với trình độ và tiềm lực khác nhau, có thể tham gia khai thác biển ở những nội dung nào và với những phương thức nào? Và để lôi kéo các lực lượng khác nhau vào công cuộc chấn hưng vị thế quốc gia trên biển đó, cần phải có cơ chế, chính sách gì?
Đó thực sự là những vấn đề lớn và mới của CNH, HĐH của giai đoạn tới.
4. Cần lưu ý rằng việc triển khai chiến lược biển ở nước ta diễn ra trong tình trạng tranh chấp lãnh hải giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ có biển có xu hướng gia tăng. Đây là một đặc điểm lớn, chi phối nhiều mặt đến cả quá trình CNH, HĐH trên biển lẫn quá trình CNH, HĐH trên bờ. Nguồn gốc vấn đề là ở chỗ các nguồn lực phục vụ CNH của biển là rất. Giải quyết tranh chấp, xung đột trên biển đang là vấn đề rất lớn đặt ra. Mức độ gay gắt của nó có xu hướng gia tăng. Động thái chung là khó giải quyết triệt để vấn đề (theo nghĩa thỏa mãn điều kiện của tất cả các bên).
Trong khi đó, giải quyết tranh chấp trên biển là tiền đề để hợp tác và cạnh tranh phát triển bình thường; do đó, nó cũng chính là tiền đề định hướng phát triển cơ cấu trong quá trình CNH, HĐH, cả trên đất liền lẫn trên biển.
Đây là nhóm vấn đề rất lớn và hoàn toàn không dễ giải quyết. Trong khuôn khổ mô hình CNH, HĐH cho giai đoạn hội nhập, vấn đề lại càng mới khi đặt nó trong tổng thể CNH, HĐH quốc gia.
———————
1. Thực chất của cái gọi là “tư duy đất liền” này là tư duy “tiểu nông, khép kín”, giới hạn trong mảnh ruộng và sau lũy tre xanh, là “đứng trước biển”. Việc khai thác biển của nước ta hiện nay vẫn giới hạn chủ yếu ở đánh bắt thủy sản gần bờ và khai thác dầu thô. Không kể khai thác dầu thô (cũng mới chỉ là “thô”) cơ bản do vốn FDI thực hiện, khai thác biển của người dân Việt Nam vẫn mang nặng tính thủ công, kiểu “mò cua, bắt ốc” ven bờ, vẫn với tư duy “tiểu nông trên bờ”mà thôi (Trần Đình Thiên, 2007)
Cách đây hơn một thế kỷ, khi phân định các thời đại phát triển, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Hay đã chọn biển chứ không chọn lục địa làm mốc tọa độ. Ông nói: “Địa Trung hải là biển của quá khứ, Đại Tây dương là biển của hiện tại, Thái Bình dương là biển của tương lai”. (Naisbitt J. và Aburdene P., 1992). Lời tiên đoán này đang trở thành sự thực hoàn hảo. Châu Á – Thái Bình dương đang trở thành trung tâm phát triển năng động nhất và đóng góp nhiều sản lượng nhất cho thế giới.