Chiến lược chiếm lĩnh thị trường thế giới của TQ

Một bóng ma có tên Targeting đang bao trùm các quốc gia công nghiệp. Bằng cách vận dụng chiến lược chọn đích, tấn công và loại bỏ - tức Targeting - các doanh nghiệp Trung Quốc đang có tham vọng chiếm lĩnh thị trường thế giới ở nhiều lĩnh vực. Đi đầu trong chiến lược này là doanh nghiệp thiết bị mạng Huawei (Hoa Vi).

Ông Nassauer, Chủ tịch Hội đồng xí nghiệp của Nokia Siemens Networks, tiết lộ doanh nghiệp này đang phải chống chọi với cơn sóng thần dữ dội xuất phát từ Trung Quốc. Hai doanh nghiệp thuộc diện lính mới, cách đây chưa lâu hầu như không được biết đến là Huawei và ZTE đang liên kết với nhau để tấn công vào doanh nghiệp đứng đầu thị trường về trang bị mạng viễn thông của Đức và Phần Lan này.

Không riêng gì Nokia Siemens Networks, mà cả tập đoàn khổng lồ Ericsson của Thụy Điển và tập đoàn Alcatel-Lucent, liên doanh giữa Pháp và Mỹ, cũng bị lung lay, khi thì do giá hạ bất ngờ, khi thì do những khoản tín dụng cỡ bạc tỷ do Nhà nước cung cấp mà hai doanh nghiệp Huawei và ZTE nhận được. Chính nhờ những điều kiện thuận lợi này mà Huawei và ZTE liên tục thắng thầu và giành được những dự án kếch sù.

Huawei hay ZTE không phải là trường hợp cá biệt và càng không phải là trường hợp ngẫu nhiên. Phương pháp mà bộ đôi này áp dụng đánh dấu sự mở đầu của chiến lược chưa từng có trong chủ nghĩa tư bản. “Targeting” là từ tiếng Anh ngày càng được sử dụng nhiều, dịch thoáng có nghĩa là chọn đích, tấn công và loại bỏ. Chiến lược này phản ảnh ý đồ của Chính phủ Trung Quốc phấn đấu đến cuối năm 2010 xây dựng cho được từ 30 đến 50 “Global Champions” (Vô địch toàn cầu), những doanh nghiệp có tiềm năng chiếm lĩnh vị trí hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực.

Vọt lên vị trí thứ hai

Để đạt được mục tiêu này Bắc Kinh không ngần ngại chi bạc tỷ. Đi đầu chính là Huawei mà cách đây ít năm mới đạt doanh thu khoảng vài tỷ USD/năm trên thị trường nội địa về thiết bị mạng viễn thông còn trên thế giới hoàn toàn thuộc diện “vô danh tiểu tốt”. Trong lĩnh vực kinh doanh mạng lưới viễn thông cố định và di động, tới 80% nằm trong tay các tập đoàn của châu Âu như Ericsson, Nokia, Siemens và Alcatel. Phần còn lại do các doanh nghiệp của Mỹ như Lucent, Motorola và Nortel chia nhau nắm giữ.

Ngày nay, Huawei đã thực sự trở thành Global Champion đầu tiên của Trung Quốc, chiếm vị trí thứ hai thế giới về thiết bị mạng viễn thông di động và cố định, chỉ đứng sau tập đoàn Ericsson. Hầu hết các doanh nghiệp điện thoại di động cỡ lớn trên thế giới đều có tên trong danh sách khách hàng của Huawei. Thí dụ, Vodafone mua của Huawei điện thoại di động, T-Mobile nhập thẻ cắm để vào Internet không dây, Telefónica áp dụng ngày càng nhiều công nghệ của Huawei cho mạng O2 v.v.

Năm ngoái, doanh thu của Huawei đạt 22 tỷ USD, trong đó khoảng hai phần ba là do các hoạt động kinh doanh bên ngoài Trung Quốc đem lại. Ông Wei Wang thuộc Công ty Kiểm toán KPMG ở Düsseldorf, chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp Trung Quốc trong quá trình thâm nhập vào thị trường thế giới nhận xét “ngày nay Huawei có thể cung cấp sản phẩm có chất lượng cao như sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh quốc tế, chỉ có điều theo giá Trung Quốc”.

Cuộc tấn công của Huawei trong lĩnh vực viễn thông gây hậu quả nghiêm trọng. Ngành viễn thông là một trong những ngành công nghiệp tương lai quan trọng nhất của châu Âu với tổng cộng 200.000 lao động có nguy cơ bị sụp đổ. Từ năm ngoái, Ericsson, Nokia Siemens Networks và Alcatel-Lucent đã buộc phải giảm công xuất và hủy trên 10.000 chỗ làm việc. Hội đồng quản trị của Ericsson và Nokia Siemens Networks đã có nhiều cuộc họp bàn với ông José Manuel Barroso, chủ tịch Ủy ban EU, về các biện pháp bảo hộ nhưng không thành công.

Một số dự án cỡ bạc tỷ sắp được đưa ra đấu thầu. Huawei có nhiều cơ hội thắng thầu ít nhất đối với một, thậm chí hai hoặc ba dự án, vì tập đoàn có khả năng áp dụng các kỹ thuật tiên tiến như Ericsson và Nokia Siemens Networks với mức giá thấp hơn rõ rệt.
Huawei thường rao giá mà không hãng nào có thể địch nổi. Mark Natkin, Giám đốc Công ty Tư vấn Marbridge Consulting ở Bắc Kinh cho rằng người Trung Quốc áp dụng “giá khuyến mại” giảm từ 30 đến 40 %. Do đó các đối thủ phương Tây không thể cạnh tranh nổi. Bằng cách này Huawei thâm nhập từng bước, có hệ thống vào các thị trường mới và dành được thị phần mới.

Ngoài ra, Huawei được sự hỗ trợ của Nhà nước về xuất khẩu, cụ thể, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc dành cho Huawei khoản tín dụng lên đến 30 tỷ USD trong năm qua giúp tập đoàn này khá hào phóng với khách hàng về thời hạn thanh toán.

Huawei thậm chí cử chuyên gia kỹ thuật của mình tới châu Âu làm việc bằng thị thực du lịch, họ không bị ràng buộc bởi các hợp đồng thỏa ước và các quy định về bảo hộ lao động ở nước sở tại. Lao động Trung Quốc làm ngày làm đêm sau ba tháng thì rút về nước và được thay thế bằng những lao động mới từ trong nước cử sang.

Chẳng kém Nasa

Bằng giá cạnh tranh, chế độ lương thấp và sự hỗ trợ ngầm của Nhà nước, người Trung Quốc đang tìm cách chiếm lĩnh vị trí hàng đầu ở nhiều ngành công nghiệp khác. Thí dụ ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. Các doanh nghiệp năng lượng mặt trời của Trung Quốc có thể bán tế bào năng lượng rẻ hơn 30% so với sản phẩm cùng loại của châu Âu và Nhật Bản. Hiện Trung Quốc chiếm 33% thị phần thế giới. Trung Quốc sản xuất một lượng tế bào năng lượng mặt trời bằng cả Nhật Bản và Đức – hai nước đi đầu trong lĩnh vực này – cộng lại.

Đại bản doanh của Huawei ở thành phố Thâm Quyến làm người ta liên tưởng đến Trung tâm chỉ huy của Cơ quan vũ trụ Mỹ Nasa ở Houston. Qua tấm kính cỡ lớn, khách tham quan thấy một căn phòng rộng thênh thang trên tường là ba tấm bản đồ thế giới bằng điện tử. Những chiếc bóng đèn đỏ và xanh phản ánh ở thành phố nào tập đoàn có văn phòng đại diện và chi nhánh và nơi khách hàng nào có trụ sở. Khoảng 60 nhân viên khoác áo choàng trắng ngồi bên màn hình máy tính chuyên lo giải quyết các vấn đề của khách hàng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Họ làm việc ba ca liên tục trong ngày kể cả ngày cuối tuần.

Ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), cựu sĩ quan quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, là người lãnh đạo đồng thời là người sáng lập Huawei. Ông bắt đầu hoạt động với tư cách doanh nhân chuyên nhập khẩu và buôn bán thiết bị lắp đặt hệ thống điện thoại từ năm 1988. Cùng với năm người bạn ông thành lập một công ty nhỏ và từng bước phát triển nó thành tập đoàn tầm cỡ quốc tế. Ngày nay Huawei có văn phòng ở hơn 100 nước – nhiều văn phòng đặt ngay gần nhà cung cấp dịch vụ mạng nhằm liên tục tăng thị phần – với hơn 95.000 nhân viên.

Từ trên xuống: Trung tâm thử nghiệm, Trung tâm
hành chính,
Trung tâm đào tạo – tất cả đều nằm trong
khuôn viên trụ sở
của Huawei ở Thâm Quyến (ảnh: Huawei).

Tín dụng nhà nước – “kẻ mở cửa”

Khi Bắc Kinh quyết định từng bước biến quốc gia khổng lồ này thành một phòng thí nghiệm High-Tech thì ngay lập tức người ta để mắt tới Huawei. Tháng ba năm ngoái, Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng phát biểu, Trung Quốc cần xây dựng được những doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu những sản phẩm mang tính sáng tạo. Theo kế hoạch, Huawei đóng vai trò đầu tầu trong sự nghiệp bành trướng kinh tế này. Vì thế Bắc Kinh dành những khoản tiền khổng lồ để hỗ trợ tập đoàn trong đó có khoản tín dụng mới lên đến 30 tỷ USD. Với nhiều khách hàng, khoản tín dụng này có giá trị như một “kẻ mở cửa”.

Cạnh đó, còn có sự hỗ trợ gián tiếp. Để các doanh nghiệp thiết yếu không bị thiếu các nguyên liệu quan trọng làm ảnh hưởng tới đà tăng trưởng trong quá trình đi lên, Chính phủ bảo đảm bổ sung đầy đủ các nguyên liệu then chốt. Trong ngành năng lượng mặt trời là các kim loại đất hiếm, trong lĩnh vực sản xuất ô tô chạy điện là đồng để làm dây cáp và lithium để sản xuất ắc quy, và cho ngành sản xuất máy bay là kim loại như titan.
Bắc Kinh hoàn toàn không nương nhẹ khi thực hiện các biện pháp trên. Họ mua kim loại tại thị trường chứng khoán nguyên liệu, chấp nhận giá cao, tích trữ để phòng khi một nước nào đó ghim hàng tích trữ. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng không ngần ngại bắt tay làm ăn với các chính quyền độc tài, chấp nhận không chuyển một phần tiền tới nước xuất khẩu nguyên liệu mà chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng tại các ốc đảo thuế.

Tất nhiên Trung Quốc không tiết lộ tổng số tiền hỗ trợ xuất khẩu mà họ dành cho Huawei. Ngay cả nhà quản lý của Huawei cũng thừa nhận “chúng tôi được Chính phủ biệt đãi”. Theo các nhà tư vấn làm việc cho Huawei, các ngân hàng nhà nước dành cho tập đoàn này sự hỗ trợ cũng như tín dụng thuộc diện kỷ lục. Joachim Fuchs, Giám đốc hãng tư vấn Chinabrand Consulting, người đã nghiên cứu khá kỹ về Huawei, thừa nhận “tập đoàn này đã nhận được những khoản tín dụng cực kỳ hào phóng”.

Sáng tạo thay vì sao chép

Khách tới tham quan Huawei không thể không liên tưởng đến những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới ở Silicon Valley. Khuôn viên đầy mầu sắc của đại bản doanh ở Thâm Quyến có thể sánh với Google. Kiến trúc sư tầm cỡ thế giới Norman Forster là người đã thiết kế Trung tâm bồi dưỡng của Huawei.

Theo số liệu của tập đoàn này thì Huawei dành trên 10% doanh thu vào công tác nghiên cứu. Gần một nửa trong tổng số 95.000 nhân viên làm việc trong bộ phận phát triển sản phẩm. Huawei có tổng cộng 17 trung tâm nghiên cứu và 22 trung tâm đổi mới trên khắp thế giới. Người Trung Quốc tuyển các chuyên gia lập trình của Ấn Độ, chiêu mộ các kỹ sư đang làm việc cho đối thủ cạnh tranh Ericsson và thu nạp các nhà toán học Nga, mời họ sang làm việc ở Trung Quốc. Thay vì tung ra thị trường thế giới các sản phẩm sao chép rẻ tiền, về lâu dài Huawei sẽ chinh phục thị trường thế giới bằng những sản phẩm mới hoàn toàn.

Mặc dù Trung Quốc vẫn thường bị cho là theo đuổi “phương châm” vay mượn tài năng, đánh cắp thiên tài, nhưng giờ đây các doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm ra một phương án hay hơn nhiều so với công khai hoạt động gián điệp công nghiệp ở các nước phương Tây, đó là thành lập các doanh nghiệp liên doanh. Dù là sản xuất ô tô, máy bay hay tầu đệm từ, doanh nghiệp nào của phương tây muốn hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc về cơ bản phải tổ chức sản xuất tại nước này và phải có đối tác Trung Quốc cũng như sử dụng cán bộ chuyên môn người Trung Quốc. Bằng cách này, các thương gia và kỹ sư Trung Quốc có thể nắm khá sâu mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp – sau này họ có thể rời liên doanh, đứng ra thành lập doanh nghiệp riêng của mình và mang theo cả những kiến thức mà họ đã tích lũy được, đôi khi còn thủ cả tài liệu của liên doanh để dùng.

Trước mắt, chiến lược này dường như ổn thỏa. Không một doanh nghiệp nào ở Trung Quốc lại có nhiều bằng sáng chế phát minh như Huawei. Theo đánh giá thứ hạng của tạp chí kinh tế Mỹ “Fast Company” thì ngày nay Huawei thậm chí đã xếp hàng thứ năm – chỉ đứng sau các nhà khổng lồ Interrnet như Facebook, Amazon, Apple và Google.

“Văn hóa chiếu”

Theo các chuyên gia, thành công vang dội của Huawei trên thị trường thế giới ngoài yếu tố giá cả cạnh tranh còn có yếu tố tấn công ác liệt cả về bên trong lẫn bên ngoài. Ngoài ra, không thể không kể đến tinh thần “không ngừng tấn công” mà người sáng lập tập đoàn, ông Nhậm, một cựu quân nhân đã từng trui rèn khi còn ở trong quân ngũ.

Cách đây nhiều năm ông Nhậm đã giương cao khẩu hiệu “tinh thần chó sói” đối với những người xin vào làm việc tại hãng này. Theo ông thì điều này có nghĩa là phải có cái mũi nhạy bén, có bản năng sinh tồn cao và có tinh thần xả thân vì doanh nghiệp, trong đó những quy định của nhà nước nhiều khi là vật cản. Thí dụ đầu năm 2008 Luật Lao động mới của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Theo đó người sử dụng lao động phải ký hợp đồng vô thời hạn với người lao động đã làm việc trên mười năm tại doanh nghiệp. Quy định này liên quan tới 7.000 lao động ở Huawei. Để lách quy định mới, ông Nhậm buộc những lao động có thâm niên công tác hơn mười năm tại doanh nghiệp chấp nhận chấm dứt hợp đồng, sau đó ký hợp đồng có thời hạn để tiếp nhận họ trở lại. Phần lớn người lao động đã tuân thủ điều kiện của ông chủ.

Người Trung Quốc đều ái ngại về cái gọi là “văn hóa chiếu” khét tiếng ở Huawei. Những nhân viên mới đến đây làm việc đều được cấp một tấm thảm mỏng và sau một ngày làm việc dài dằng dặc họ có thể trải chiếu ngay dưới bàn làm việc để qua đêm. Năm 2006, sau vụ một chuyên gia của Huawei bị suy sụp tinh thần và chết vì bệnh viêm màng não, dẫn đến kiện cáo kéo dài, các nhà quản lý ở Huawei mới ra quyết định cấm chiếu. Tuy nhiên trong thực tế việc này vẫn tiếp diễn.

Tình trạng stress của người lao động làm việc tại Huawei càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi quy tắc vàng mà bất kỳ ai làm việc tại tập đoàn này đều không dám vi phạm. Một cán bộ quản lý lâu năm ở đây tiết lộ “nhân viên phải luôn sẵn sàng nhận điện thoại di động”. Khi mạng lưới ở Đức có vấn đề kỹ thuật viên ở đó lập tức gọi điện thoại tới Thâm Quyến ngay cả khi lúc đó ở Trung Quốc đang là ban đêm. “Những người là đầu mối có trách nhiệm của Huawei luôn sẵn sàng túc trực 24 trên 24.”

Không phải ai cũng chịu được áp lực triền miên này. Trong tháng 3/2008, nội trong ít ngày đã có hai nhân viên của Huawei nhẩy lầu tự vẫn ngay tại trung tâm tập đoàn. Kể từ ngày thành lập đã có tới 38 trường hợp tử vong vì những lí do không tự nhiên. Hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng cũng đang xét nét văn hóa doanh nghiệp vốn gây nhiều tranh cãi của Huawei.

Dường như giờ đây ông Nhậm cũng phải bận tâm về điều kiện làm việc ở tập đoàn của mình. Trong một bức thư gửi cho một cán bộ đảng, ông viết “Những người làm việc tại Huawei tiếp tục tự vẫn hoặc tự gây thương tích. Ngoài ra ngày càng có nhiều cán bộ nhân viên lâm vào tình trạng trầm cảm và sợ hãi thái quá. Chúng ta có thể làm gì để cán bộ nhân viên của Huawei có thái độ tích cực hơn, cởi mở hơn với cuộc sống. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này, nhưng hoàn toàn chưa biết phải làm thế nào.”

Những điều nội bộ như thế này bị lọt ra ngoài là chuyện cực kỳ hiếm hoi đối với Huawei bởi lẽ ông Ren là người rất kín đáo ở mọi nơi, mọi lúc. Ông chủ 65 tuổi luôn mặc bộ đồng phục kiểu Mao Trạch Đông sống trong một ngôi nhà sơn mầu tối trông giống như lô cốt ở ngay gần Trung tâm nghiên cứu. Ngôi nhà được rào dậu kín đáo bởi những bụi cây dày chi chít và cao khoảng hai mét, không ai có thể nhìn qua.

Liên quan đến hoạt động tình báo?

Một nguyên nhân làm cho Huawei rất kín tiếng là do những lời đồn thổi liên quan đến doanh nghiệp này. Theo đồn thổi, Huawei có quan hệ mật thiết với giới quân sự cũng như cơ quan tình báo Trung Quốc. Một báo cáo của Rand Corporation thuộc Không lực Hoa Kỳ cho biết, quân đội Trung Quốc là khách hàng quan trọng của Huawei, đồng thời là đối tác nghiên cứu và một sự bảo trợ chính trị cho Huawei.

Điều này về lâu dài có thể kìm hãm sự bành trướng của Huawei. Cách đây mấy năm, người Trung Quốc định chi 2,2 tỷ USD để mua hãng viễn thông 3Com của Mỹ, nhưng năm 2008 họ quyết định rút lại lời chào giá sau khi Thượng viện Hoa Kỳ coi sự kiện này đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Chính sách giá cạnh tranh của Huawei không mang lại kết quả mong muốn ở Mỹ do đó thị phần của tập đoàn này ở Mỹ vẫn chỉ ở mức một con số.

Ngay cả các nhân viên tình báo Đức cũng phải nhăn mặt mỗi khi nghe đến cái tên Huawei và họ luôn cảnh báo bên liên quan phải hết sức cảnh giác, nhất là đối với các lĩnh vực cần có độ an toàn cao. Người ta cho rằng điệp viên Trung Quốc có thể đột nhập lối cửa sau vào các công trình mà Huawei cung cấp thiết bị mạng để lấy thông tin mật của doanh nghiệp mà không sợ bị lộ. Song đây chỉ là một nghi vấn vì cho đến nay người ta chưa thu được bằng chứng nào.

Rất dễ nhận thấy là Huawei luôn chọn lựa mục tiêu hết sức cặn kẽ. Đối với những nơi có nhiều thứ cần quan tâm, rình ngó thì người Trung Quốc thường rao giá rất cạnh tranh. Một trong những đơn vị đầu tiên là Mạng lưới nghiên cứu Đức (DFN), có ý định kết nối các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu của họ với nhau bằng công nghệ của Huawei. DFN quyết tâm làm việc vì giá chào của Huawei quá hấp dẫn, mặc dù Văn phòng Chính phủ Đức đã lưu ý về vấn đề an ninh.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)