Chiến lược phát triển nông thôn bền vững

1. Mục tiêu và cũng là động lực phát triển nông thôn bền vững là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xét trên cả khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, nông dân phải là nhân vật trung tâm, người được hưởng lợi trước tiên từ những thành quả của quá trình phát triển.

Nội dung của phát triển nông thôn bền vững bao gồm 4 quá trình: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đô thị hóa; Kiểm soát dân số; Bảo vệ môi trường sinh thái.
Có thể nói về thực chất của công cuộc chấn hưng đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế là phát triển nông thôn bền vững với 4 quá trình đó.
2. Xét riêng quá trình phát triển nông nghiệp bền vững (bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, nuôi trồng, đánh bắt hải sản), yếu tố đầu tiên và căn bản là nông sản phải đảm bảo 4 yêu cầu:
– Chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, trước hết là đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời sản phẩm nông nghiệp phải đa dạng, có hàm lượng công nghệ cao.
– Giá cả nông sản hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
– Khối lượng nông sản phải có quy mô đủ lớn theo yêu cầu thị trường, cụ thể là theo từng yêu cầu của nhà phân phối, nhất là của nhà nhập khẩu nông sản từ Việt Nam.
– Thời gian cung ứng nông sản phải đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhà phân phối, nhất là của nhà nhập khẩu nông sản từ Việt Nam.
Muốn đáp ứng 4 yêu cầu trên, nền nông nghiệp phải được phát triển trên các cơ sở: thực hiện một nền nông nghiệp đa chức năng, vừa sản xuất nông phẩm hàng hóa vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái và tạo cảnh quan môi trường sống tốt đẹp cho con người; nông sản phải được sản xuất theo tiêu chuẩn và quy trình GAP (good agriculture practice), ISO.1.4000 và HCACCP; và áp dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, từ chọn, tạo, sản xuất giống đến sản xuất và chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản.
Muốn vậy cần triển khai các mô hình sản xuất:
– Các trang trại có quy mô lớn về diện tích đất, đầu con gia súc, gia cầm, chủ yếu tồn tại dưới hình thức trang trại gia đình hay trang trại cá nhân, trang trại hợp doanh có 1 cấp quản trị, phải trở thành lực lượng sản xuất nông sản hàng hóa chủ yếu kết hợp với du lịch nông thôn trên các vùng nông nghiệp sinh thái.
– Các HTX làm dịch vụ đầu vào-đầu ra cho các trang trại phải trước hết và chủ yếu là của các chủ trang trại này, được thành lập và phát triển do nhu cầu và khả năng quản lý của chính các chủ trang trại sản xuất hàng hóa nông sản có quy mô lớn. Đồng thời, việc điều hành hoạt động kinh tế của các HTX phải do những nhà quản trị chuyên nghiệp (được đào tạo và trả công xứng đáng theo giá cả sức lao động trên thị trường) đảm trách.
– Sản xuất theo hợp đồng (Contrac farming) giữa các trang trại và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, trên thị trường trong và ngoài nước, cũng như các doanh nghiệp du lịch sinh thái, phải trở thành hình thức giao dịch buôn bán nông sản phổ biến và chủ yếu. Doanh nghiệp kinh doanh chế biến, tiêu thụ nông sản và du lịch nông thôn phải là lực lượng nòng cốt tổ chức lại nền nông nghiệp hàng hóa của đất nước.
Những mô hình sản xuất kể trên là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp – cơ sở của sự phát triển bền vững đối với một nước có mức bình quân diện tích trên nhân khẩu thấp như nước ta.
Muốn thực hiện được mô hình sản xuất nói trên, thể chế quản lý vĩ mô của Nhà nước phải đảm bảo:
– Tạo khung pháp lý cho thị trường đất nông nghiệp hoạt động lành mạnh để quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra thuận lợi, hình thành các trang trại quy mô lớn.
– Đào tạo miễn phí cho con em nông dân, từ bậc tiểu học đến phổ thông trung học cơ sở và trung học cao đẳng nghề nông nghiệp, để tạo ra một đội ngũ chủ trang trại “thanh nông tri điền” và các kỹ thuật viên nông nghiệp trên tất cả các vùng nông nghiệp sinh thái.
– Đầu tư cho hoạt động khuyến nông để nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nông dân hiện hữu theo nhu cầu của nông dân và thị trường nông sản, không phân biệt chủ thể (tổ chức) hoạt động khuyến nông.
– Tài trợ 100% kinh phí cho các đề tài khoa học kỹ thuật và kinh tế-xã hội phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, không phân biệt chủ thể (tổ chức và cá nhân) thực hiện các đề tài khoa học này.
3. Quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn phải theo mô hình nhiều trung tâm trên các vùng sinh thái tự nhiên và nhân văn; mỗi trung tâm lại có nhiều “vệ tinh”, kết nối chặt chẽ với nhau về kinh tế-văn hóa, xã hội, lịch sử và sinh thái. Mô hình này cho phép tiến tới xóa bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn xét về mức sống vật chất và tinh thần. Điều khác biệt chỉ còn là ở chỗ, mật độ dân số và các công trình xây dựng ở đô thị cao hơn nông thôn, còn môi trường sinh thái tự nhiên ở nông thôn tốt hơn thành thị; Nông thôn có cảnh quan thiên nhiên thỏa mãn nhu cầu du lịch nông thôn của dân cư thành thị.
Muốn vậy, thể chế quản lý vi mô của Nhà nước cần:
– Không được hy sinh lợi ích của bất kỳ nhóm dân cư nào trong quá trình phát triển nông thôn, nhất là trong việc xây dựng các khu công nghiệp – đô thị mới, phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
– Quy hoạch hệ thống các đô thị trung tâm và vệ tinh trên cả nước và ở mỗi vùng kinh tế-sinh thái; có chính sách tài trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp, dịch vụ ở các đô thị vệ tinh, phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp và sử dụng lực lượng lao động nông nghiệp dôi dư. Nhà nước phải đứng ra tổ chức thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng khu công nghiệp – đô thị, kết cấu hạ tầng, rồi đấu thầu cho các doanh nghiệp tổ chức thực hiện quy hoạch (không để các doanh nghiệp- chủ đầu tư, trực tiếp thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng như hiện nay). Tiền lời thu được qua bán đấu giá phải ưu tiên chi cho việc “an cư, lạc nghiệp” của người dân bị giải tỏa đất đai, nhà cửa, di dời đến chỗ ở mới với công ăn việc làm tốt hơn nơi ở cũ.
– Đào tạo nghề phi nông nghiệp miễn phí cho nông dân theo yêu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ ở các đô thị, trước hết là cho các đô thị vệ tinh.
– Miễn, giảm tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các cơ sở công nghiệp, dịch vụ đóng tại nông thôn và các khu đô thị vệ tinh.
– Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật: giao thông (kể cả đường sông), cơ sở giáo dục phổ thông và dạy nghề, chăm sóc sức khỏe con người, cung cấp nước sạch, khu nhà ở cho người thu nhập thấp ở các khu công nghiệp – đô thị vệ tinh. (Không dùng ngân sách Nhà nước để đầu tư mà chỉ tài trợ lãi suất hay cho vay ưu đãi đối với việc xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật để kinh doanh, như hệ thống sản xuất, truyền tải điện, bưu chính – viễn thông, cầu – đường giao thông có thể thu phí dưới hình thức BOT).
***
Để thực thi thành công chiến lược xây dựng nông thôn phát triển bền vững, Chính phủ cần thành lập chương trình quốc gia về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững do 1 phó Thủ tướng trực tiếp điều hành; còn ở các tỉnh, Chủ tịch tỉnh phải trực tiếp điều hành chương trình này. (Chẳng lẽ vấn đề an toàn giao thông, phòng chống HIV/AID… có chương trình quốc gia, còn vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn lại không có, vì ít quan trọng hơn???).

Vũ Trọng Khải

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)