Chính bạn – Nhân vật trong năm của ‘Time’
Với Internet, ngày nay ai cũng có thể là nhà báo, phát thanh viên truyền hình, diễn viên, nhà sản xuất phim... "Truyền thông cá nhân" đã nổi lên thành đối trọng với các hãng truyền thông lớn, vốn luôn nằm trong tay thiểu số. Thêm một lần hiếm hoi thú vị, "Nhân vật của năm" do tạo chí Time bình chọn lại không trao cho cá nhân, mà lần này là cho tất cả các "bạn".
Tất nhiên vẫn có những nhân vật là nguyên nhân của nhiều rắc rối cho thế giới trong năm 2006: Xung đột ở Iraq ngày càng đẫm máu và bế tắc. Cuộc tấn công tàn khốc của Israel sang Lebanon. Chiến tranh liên miên ở Sudan… Trong khi đó, không ai giải quyết các vấn đề như trái đất ấm lên và Sony không sản xuất đủ máy Playstation3.
Nhưng nhìn lại năm 2006 từ một lăng kính khác, bạn sẽ thấy một câu chuyện khác, không phải về chiến tranh hay những chính trị gia. Đó là câu chuyện về cộng đồng, về sự hợp tác trên một quy mô chưa từng thấy trước đây. Đó là câu chuyện về kho trí tuệ khổng lồ của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, kênh kết nối hàng triệu người YouTube và “thủ đô mạng” MySpace. Đó là câu chuyện về cộng đồng đã giành lấy quyền lực từ một nhóm thiểu số và tự nguyện giúp đỡ nhau – điều đó không những thay đổi thế giới, mà còn thay đổi cả cách thay đổi thế giới.
Công cụ biến những điều đó thành hiện thực là Mạng Toàn cầu (World Wide Web). Không phải Mạng mà Tim Berners – Lee đã hack (15 năm trước, theo Wikipedia) như một cách chia sẻ thông tin giữa các nhà khoa học, cũng không phải là Mạng với cơn sốt dotcom hồi cuối thập kỷ 90. Mạng mới này hoàn toàn khác. Nó là công cụ gắn kết đóng góp của hàng triệu người bình thường và biến nó thành một thế lực. Các nhà tư vấn ở Thung lũng Silicon gọi đó là Mạng 2.0 (Web 2.0), nghe như phiên bản mới của một phần mềm. Nhưng thật ra, nó là một cuộc Cách mạng.
Và chúng ta đã sẵn sàng tham gia. Chúng ta đã “cân bằng dinh dưỡng” giữa tin tức báo chí được xào nấu kỹ lưỡng với thông tin “tươi sống” ở Baghdad, Bắc Kinh. Bạn có thể thấy rõ đời sống chân thực của người Mỹ bằng cách quan sát cảnh phòng ngủ bừa bộn trên nền các đoạn video tự tải lên mạng YouTube hơn là xem hàng nghìn giờ truyền hình cáp.
Và không chỉ ngồi xem, chúng ta còn tạo nội dung. Thỏa sức. Chúng ta lập hồ sơ trên Facebook và avatar trên Second Life(1), phê bình sách trên Amazon và thu âm podcasts(2). Chúng ta than thở trên blog vì người yêu “đá” hay ứng cử viên mình bầu bị thất cử. Chúng ta ghi hình cảnh kinh hoàng trong vụ nổ bom và viết phần mềm mã nguồn mở.
Người ta yêu mến những thiên tài đơn độc – những Einstein, những Edison, những Jobs(3) – song những người đơn độc mơ mộng đó có lẽ cũng cần đối tác. Các hãng xe hơi đang mở cuộc thi thiết kế; Reuters đăng cả những bài viết trên blog bên cạnh tin tức của mình; Microsoft phải dốc sức đua với những người dùng phần mềm mã nguồn mở tự tạo. Chúng ta đang thấy một cuộc bùng nổ sáng tạo và sức sản xuất, và nó mới chỉ bắt đầu. Vì năng lực của hàng triệu người từng suýt bị phí hoài, nay đã trở lại cho nền kinh tế tri thức toàn cầu.
Ai là những người đó? Nói nghiêm túc – là những người sau ngày làm việc đã ngồi xuống và tự nhủ: Tối nay không xem phim truyền hình nữa! Mình sẽ bật máy tính và làm một đoạn phim về con nhông của mình? Hay mình sẽ trộn giọng của 50 cent(4) với nhạc nền Queen(5)? Hay mình viết blog về tình trạng bản thân, tình trạng đất nước, tình trạng món bò nướng của quán nhậu cuối phố. Ai là người có thời gian, sức lực và say mê để làm những điều đó?
Câu trả lời là: Chính bạn. Bạn là người đã “nắm thắt lưng” giới truyền thông, là người sáng lập và dẫn đường nền dân chủ số, là kẻ nghiệp dư nhưng lại đánh bại người chuyên nghiệp trên chính sân chơi của họ. “Nhân vật của năm” năm 2006 do tạp chí Time bình chọn chính là bạn!
Dĩ nhiên, sẽ thật sai lầm nếu thi vị hóa những điều trên. Mạng 2.0 dồn tụ trí tuệ cộng đồng thì cũng đẻ ra sự ngu xuẩn của đám đông. Có những lời bình luận trên YouTube – chỉ xét về chính tả thôi – cũng khiến bạn phải dở khóc dở cười, chưa kể đến tệ khiêu dâm và kích động thù hằn.
Song chính sự hỗn độn đó mới thú vị. Mạng 2.0 là một thí nghiệm xã hội vĩ đại, và như tất cả mọi thí nghiệm khác, nó có thể thất bại. Không có một con đường vạch sẵn cho một cộng đồng hơn 6 tỷ cá thể (không phải vi khuẩn) sống và làm việc cùng nhau trên trái đất này. Năm 2006 vừa qua cho chúng ta vài ý tưởng: đó là cơ hội để xây dựng sự thông hiểu kiểu mới trên toàn thế giới – không phải giữa các nhà chính trị với nhau, cũng không phải giữa những người nổi tiếng với nhau – mà giữa công dân với công dân, từng người với từng người. Đây là lúc để người ta nhìn vào màn hình máy tính và tự hỏi: ai ở ngoài kia đang có mối liên hệ với mình. Tiếp tục nào! Hãy nói với chúng tôi bạn không chỉ là người tò mò ghé vào!
————
1. Facebook: Mạng xã hội trực tuyến với hơn gần 10 triệu người tham gia (số liệu 2005). Thành viên của Facebook tự tạo hồ sơ về mình, chia sẻ ảnh và sở thích, v.v.; SecondLife: Trò chơi tạo ra thế giới ảo, người chơi có thể gặp gỡ, kết bạn, buôn bán, .v.v. Tháng 10/2006, có 1 triệu người tham gia Second Life.
2. Podcast: Chương trình phát thanh trên internet cho phép người nghe tải về PC.
3. Có lẽ là Steve Jobs – người sáng lập hãng máy tính Apple.
4&5.Tên ca sĩ và ban nhạc