Chưa vì lợi ích người tiêu dùng

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã trao đổi với Tạp chí Tia Sáng về các vấn đề tồn tại trong cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay và những hệ lụy đối với xã hội.


Vừa qua Nhà nước thực hiện chính sách tăng giá xăng dầu với cách lý giải nhằm phản ứng lại biến động của thị trường quốc tế. Theo bà cách lý giải và cách giải quyết này của Nhà nước đã thỏa đáng hay chưa?

Các cơ quan quản lý Nhà nước thường lý giải rằng tăng giá xăng dầu lần này là do tác động của giá dầu mỏ thế giới tăng sau một thời gian dài đã dừng ở mức tương đối thấp. Nếu riêng theo góc độ đó thì việc cho phép tăng giá trong nước là hợp lý. Tuy nhiên, cách xử lý cụ thể của Nhà nước, cũng như cách phản ứng của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường lại cho thấy nhiều vấn đề bất ổn. Điển hình là việc Nhà nước cho áp dụng từ đầu tháng 7 cơ chế trao quyền cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được tự quyết định điều chỉnh giá theo biến động giá trên thị trường thế giới, với mật độ thời gian tối thiểu là 10 ngày một lần, và nếu tăng không quá 7% thì doanh nghiệp được quyền tự quyết định, chỉ phải thông báo với cơ quan quản lý của Nhà nước. Cơ chế đó được đưa ra vào tháng 7, đúng lúc giá xăng trên thế giới đang tăng, và ngay lập tức các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã vận dụng để tăng giá tới kịch ngưỡng 7% ngay lần đầu tiên. 10 ngày sau họ lại đề nghị tăng tiếp, và cứ dồn dập như vậy, riêng trong hơn 1 tháng vừa qua đã có 4 lần tăng. Động thái đó đã gây bức xúc trong xã hội, và nhiều người có cảm nhận rằng Nhà nước đã buông sự quản lý và để cho các doanh nghiệp lạm dụng cơ chế ‘10 ngày’ và ‘7%’ để thao túng giá vì lợi ích của họ, bất chấp lợi ích chung của nền kinh tế cũng như xã hội.

Có thể tổ chức một mô hình quỹ bình ổn giá xăng dầu tương tự như quỹ bảo hiểm. Nhà nước có thể giao cho một đơn vị chuyên trách quản lý quỹ này, đưa nó vào kinh doanh để nó sinh lời, nhưng tất nhiên phải đảm bảo hiệu quả và đảm bảo mọi khoản lời sinh ra đều được đưa lại về quỹ để giúp quỹ nảy nở tăng thêm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu muốn được hưởng trợ cấp từ quỹ bình ổn giá thì trước đó phải trích nộp đầy đủ, có báo cáo, giải trình rõ ràng, đồng thời quỹ sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để kiểm tra doanh thu có thực hay không, qua đó tăng khả năng kiểm soát và quản lý của Nhà nước. Nếu sử dụng tốt thì bản thân doanh nghiệp cũng được hưởng lợi vì khi giá thị trường tăng quá cao thì doanh nghiệp sẽ được quỹ hỗ trợ, tránh được cảnh tăng giá bán lẻ quá nhiều gây giảm lượng tiêu dùng trên thị trường khiến doanh nghiệp bị thiệt hại theo.

Tác động kinh tế xã hội

Giá xăng dầu tăng trong tình hình hiện nay sẽ gây hậu quả ra sao?
Trong bối cảnh nền kinh tế còn đang hết sức khó khăn, việc tăng giá xăng dầu một cách dồn dập sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Chắc chắn giá xăng dầu tăng liên tục sẽ gây ảnh hưởng dây chuyền tới hầu hết các sản phẩm vật chất và dịch vụ khác, ví dụ rõ nhất là dịch vụ của khối doanh nghiệp vận tải. Không thể nói mọi doanh nghiệp khác đều ‘té nước theo mưa’, vì giá xăng dầu tăng liên tục sẽ làm tăng chi phí đầu vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Chi phí tăng sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng lên, buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp vốn đang trong tình trạng tắc nghẽn, tồn kho nhiều, khó tiêu thụ hàng hóa. Lạm phát từ nay tới cuối năm có thể sẽ tăng trở lại, và thực tế tháng 8 vừa qua lạm phát đã bắt đầu tăng trở lại rồi, với sự “đóng góp” của giá xăng dầu cùng các nhân tố khác như tăng tín dụng và tăng giải ngân đầu tư công. 

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được coi là một công cụ được dùng để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước khi giá quốc tế tăng cao đột biến, xin bà giải thích rõ hơn về vai trò của quỹ này ở Việt Nam.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được Nhà nước cho phép thành lập từ cách đây mấy năm với mục đích hỗ trợ ổn định giá bán xăng dầu trên thị trường trong nước. Đây là một cách dự phòng để khi giá xăng dầu thế giới lên cao quá thì có thể dùng một phần quỹ đó bù đắp cho mức tăng giá xăng dầu trong nước, đỡ phải tăng giá dồn dập, hoặc giúp mức tăng không quá cao gây chấn động tới nền kinh tế và đời sống của người dân. Nhà nước yêu cầu từng doanh nghiệp đầu mối trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu từ doanh thu bán xăng dầu, mỗi lít xăng, dầu phải trích vài trăm đồng đưa vào quỹ. Quỹ đó được giao cho doanh nghiệp giữ và tự quản lý chứ Nhà nước không thu vào thành một quỹ chung, với yêu cầu là doanh nghiệp chỉ được sử dụng cho mục đích ổn định giá xăng dầu, không được sử dụng quỹ cho mục đích khác. Như vậy, quỹ này thực chất là tiền người tiêu dùng đóng vào khi mua xăng dầu, và doanh nghiệp được giữ quỹ này như một phần vốn mà không mất lãi suất.

Vậy trong thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam đã thực hiện việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu như thế nào?
Cách đây một hai năm, có thời điểm giá xăng dầu thế giới lên cao và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đòi tăng giá, khi đó Nhà nước đã yêu cầu doanh nghiệp trích quỹ ra để bớt áp lực tăng giá, thì có doanh nghiệp báo cáo là quỹ không còn bao nhiêu. Các cơ quan Nhà nước kiểm tra mới thấy có những doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn giá không đúng mục đích, hay thậm chí không lập quỹ. Khi đó đã có ý kiến cho rằng Nhà nước nên giữ quỹ này, khi nào cần thì Nhà nước trực tiếp dùng quỹ đó để hỗ trợ ổn định giá xăng dầu. Nhưng rồi không có gì thay đổi, các doanh nghiệp vẫn được tự quản lý quỹ. Và rồi khi giá xăng dầu thế giới tăng lên thì họ lại kêu lỗ và ra sức đòi tăng giá xăng dầu bán ra trong nước, mà lờ quỹ đi.

Một nguyên nhân đóng góp đáng kể vào tình trạng tăng giá xăng là sự gia tăng các định mức thuế, phí. Mỗi lít xăng đang phải cõng tới 6.200 đồng thuế. Hiện nay xăng đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như một mặt hàng xa xỉ, điều này khiến không ít người thắc mắc vì xăng dầu là nhiên liệu phục vụ cho hàng chục triệu xe máy các loại, là phương tiện đi lại, làm việc, sinh sống, chủ yếu của các hộ gia đình bình dân hoặc nghèo ở Việt Nam.

Với tình trạng của quỹ như vậy thì tình hình khai thác sử dụng vì mục đích bình ổn giá đang được tiến hành ra sao thưa bà?
Như đã đề cập trên đây, quỹ bình ổn giá xăng dầu thực chất là tiền của người tiêu dùng đóng góp vào, là phần doanh thu mà doanh nghiệp được giữ lại không phải đóng thuế, hay có thể coi là phần vốn huy động không mất lãi suất, để đến khi cần bình ổn giá thì đưa ra sử dụng. Như vậy vừa đảm bảo tốt hơn lợi ích của người tiêu dùng và nền kinh tế, vừa giúp doanh nghiệp tránh nguy cơ việc tiêu thụ sản phẩm bị biến động mạnh do những cú sốc giá cả. Về nguyên tắc và mục tiêu thì rất rõ như vậy, rất hợp lý và tốt đẹp cho cả ba bên – Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên việc thực hiện vẫn chưa thuyết phục đối với người tiêu dùng. Ví dụ như khi doanh nghiệp “chơi bài bây” trong trường hợp kể trên (mà hình như không có ai bị trừng trị), hoặc vừa rồi khi Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp trích từ quỹ 500 đồng để bình ổn giá cho mỗi lít xăng và 300 đồng cho mỗi lít dầu, thì cũng không thật rõ 500 đồng và 300 đồng đó căn cứ vào đâu, vì sao không phải nhiều hơn hay ít hơn. Khi thiếu vắng sự giải trình công khai và đầy đủ về các con số, thì người tiêu dùng vẫn có quyền nghi ngờ liệu lợi ích của họ có được đảm bảo tốt nhất, hay tương xứng với đóng góp của họ vào quỹ đó không.

Nguyên tắc chung trong kinh doanh xăng dầu mà các nước luôn đặt ra là tạo đủ sự cạnh tranh trong thị trường. Việt Nam đang đi ngược, khi đang tiến tới cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự quyết định giá thị trường trong khi lại chưa tạo ra thị trường cạnh tranh thực sự.

Trong khi đó, ai cũng biết nếu trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu một cách đầy đủ thì các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu huy động được hàng nghìn tỷ, và chỉ cần đem số tiền đó gửi ngân hàng với lãi suất những năm vừa rồi lên tới mười mấy phần trăm một năm, thì có thể thấy những doanh nghiệp này đã được hưởng một nguồn lợi không hề nhỏ. Thế nhưng đến lúc cần sử dụng quỹ để bình ổn giá thì họ vẫn thể hiện ‘một sự không biết điều’ với người tiêu dùng là những người đã bỏ tiền vào quỹ đó. Đấy là vấn đề khiến người ta thắc mắc về quỹ bình ổn xăng dầu.

Lơi lỏng trong quản lý

Việc trích lập quỹ xăng dầu tùy thuộc rất nhiều vào doanh thu của doanh nghiệp, nhưng liệu Nhà nước có kiểm soát được doanh số của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hay không, khi chúng ta biết rằng hầu hết những người đi xe máy khi đổ xăng đều không lấy hóa đơn?
Thực ra kiểm soát doanh số của từng cây xăng tôi nghĩ là khó vì hầu hết người tiêu dùng bình thường đều không lấy hóa đơn, thường chỉ có những xe công hoặc xe của các doanh nghiệp, hoặc người được thanh toán tiền xăng là có lấy hóa đơn về thanh toán. Tuy nhiên nếu căn cứ vào những chứng từ giao dịch giữa các cây xăng, các đại lý bán lẻ với các đại lý bán buôn, các công ty nhập khẩu, thì vẫn ước tính ra được doanh số bán hàng. Vì xăng dầu không phải là mặt hàng trôi nổi trên thị trường để người bán hàng muốn lấy từ nguồn nào cũng được. Kinh doanh xăng dầu là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có kiểm soát, chứ không phải ai muốn cũng có thể làm. Họ phải đáp ứng những điều kiện nhất định như quy mô, địa điểm, và các điều kiện đảm bảo chất lượng và an toàn của sản phẩm và cơ sở kinh doanh xăng dầu.

Nhưng như vậy Nhà nước mới kiểm soát được lượng hàng mua vào của các đại lý bán lẻ chứ chưa nắm được lượng hàng bán ra?
Nhà nước có thể nắm được con số mua vào và lượng hàng tồn kho, từ đó có thể tính được doanh số bán ra. Tôi không biết hệ thống báo cáo Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhưng theo tôi nếu muốn thì Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được, vì tất cả đều được thể hiện qua hệ thống hợp đồng và chứng từ giữa các đơn vị với nhau, từ đầu mối nhập khẩu về, đến những tổng đại lý bán buôn và đến đại lý bán lẻ. Ở đây, tôi nghĩ không chỉ có sự sự buông lỏng [trong quản lý Nhà nước] ở các đại lý bán lẻ, mà ở cả hệ thống đại lý phân phối xăng dầu nói chung. Cũng vì sự buông lỏng quản lý đã dẫn đến tình trạng người ta đem bán xăng ‘tạm nhập tái xuất’ vào thị trường trong nước như báo chí đã phản ánh gần đây. 

Vì sao Nhà nước không kiểm soát được tình trạng ‘tạm nhập tái xuất’ vô tội vạ này?

Việc kiểm soát xăng dầu ‘tạm nhập tái xuất’ đến nay theo báo cáo của ngành hải quan thì chỉ mới kiểm soát được đến khâu tạm nhập, còn phần tái xuất như vừa rồi Phó Tổng cục trưởng của Tổng cục Hải quan công bố là không thể kiểm soát được vì thời hạn cho ‘tạm nhập tái xuất’ là đến 180 ngày, trong vòng 180 ngày đó nếu doanh nghiệp lấy xăng dầu ‘tạm nhập’ bán vào thị trường nội địa thì hải quan cũng không thể nào phân biệt xăng nào là xăng ‘tạm nhập tái xuất’, xăng nào là nhập khẩu chính thức. Với hàng điện tử, máy móc thì doanh nghiệp chứa trong từng container riêng rẽ để biết đâu là container ‘tạm nhập tái xuất’, còn xăng dầu được để trong bồn chứa chung nên không thể biết được. Vì vậy, trong vòng 6 tháng, doanh nghiệp có thể công khai lấy xăng ‘tạm nhập tái xuất’ để bán vào trong nước, tránh được thuế nhập khẩu ở những thời điểm thuế cao, trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng dầu ở Việt Nam liên tục biến động. Hồi đầu năm chỉ là 2-3%, sau tăng thành 5-6%, đến bây giờ tăng lên thành 12%. Như vậy nếu doanh nghiệp khai rằng xăng của họ nhập vào từ cách đây 6 tháng vào lúc thuế thấp, thì họ chỉ phải trả mức thuế thấp hơn. Hệ quả là tỷ lệ xăng ‘tái xuất’ thực sự là rất nhỏ so với lượng ‘tạm nhập’. Sau mấy năm ngành hải quan kiểm tra lại mới thấy có doanh nghiệp chỉ ‘tái xuất’ 10-20% lượng ‘tạm nhập’.

Năm ngoái một số nhà quan sát đã ngạc nhiên vì sao lượng xăng dầu nhập khẩu chính thức theo báo cáo của các đầu mối nhập khẩu đều giảm xuống rất đáng kể, trong khi lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường trong nước lại tương đối bình thường, không cảm thấy có sự khan hiếm. Lúc bấy giờ người ta không biết vì sao, chỉ phán đoán rằng có lẽ là do doanh nghiệp các ngành giảm hoạt động và do chặn được xuất lậu ra ngoài nên xăng dầu trong nước không bị khan hiếm. Nhưng nay với báo cáo vừa qua của Hải quan về tình trạng ‘tạm nhập tái xuất’ thì có thể thấy rằng một lượng lớn xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối nhập về qua con đường ‘tạm nhập tái xuất’ đã được tuồn ra thị trường trong nước, mà không qua con đường nhập khẩu chính thức.

Như vậy Nhà nước cần phải có chế tài nào để xử lý?
Chắc chắn là Nhà nước sẽ phải có chế tài xử lý chứ không thể buông lỏng được, để bắt buộc những doanh nghiệp bán xăng ‘tạm nhập’ vào trong nước phải nộp thuế đầy đủ như xăng nhập khẩu chính thức thông thường, thậm chí còn phải phạt tiền thêm, và phải báo cáo giải trình đầy đủ lý do không xuất khẩu được lượng xăng ‘tạm nhập’ này để cơ quan chức năng của Nhà nước cho phép tiêu thụ ở thị trường trong nước. Nếu đã có quy định mà doanh nghiệp không tuân thủ thì có thể quy vào tội buôn lậu, và phải xử lý thật nghiêm khắc.

Hướng tới tự do cạnh tranh
Giá xăng dầu tăng cao trong bối cảnh doanh nghiệp được tăng quyền tự quyết về giá cả, và xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện khiến người ta lo ngại về khả năng các doanh nghiệp bắt tay nhau để thao túng giá. Xin bà cho biết trên thế giới người ta thường chống thao túng giá xăng dầu bằng cách nào?
Đặc thù ngành xăng dầu ở đâu cũng đòi hỏi những điều kiện nhất định và không phải ai cũng kinh doanh được. Tuy nhiên, nguyên tắc chung trong kinh doanh xăng dầu mà các nước luôn đặt ra là tạo đủ sự cạnh tranh trong thị trường. Việt Nam đang đi ngược, khi đang tiến tới cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự quyết định giá thị trường trong khi lại chưa tạo ra thị trường cạnh tranh thực sự. Vấn đề không phải là số lượng bao nhiêu, không nhất thiết phải có đến 13 doanh nghiệp đầu mối như ở Việt Nam, mà quan trọng là các doanh nghiệp trong thị trường có thực lực ngang ngửa nhau và được giám sát, ngăn chặn để không thể liên kết ngầm với nhau. Họ cũng phải thực hiện cam kết mạnh về quản trị theo những tiêu chí hiện đại cần thiết, đặc biệt là sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Họ cũng phải chấp nhận sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, trong nhiều ngành họ chỉ cần có 3 doanh nghiệp mạnh ngang ngửa nhau cùng hoạt động là đã đủ tạo sự cạnh tranh, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển và hoạt động hiệu quả.

Nếu các doanh nghiệp này đều có phần vốn chi phối của Nhà nước thì liệu có thể có sự cạnh tranh đúng nghĩa được không?
Do tính chất quan trọng của ngành xăng dầu và trong điều kiện nước ta, chắc vẫn cần có sự tham gia của DNNN trong lĩnh vực này. Theo tôi muốn có cạnh tranh thực sự thì tốt nhất nên có sự tham gia và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cả ba loại hình, là DN Nhà nước, tư nhân, và doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta đã chứng kiến điều này diễn ra ở nhiều ngành khác nhau, như trong lĩnh vực giày dép và may mặc, sở dĩ Việt Nam phát triển và trở thành nước xuất khẩu tương đối đáng kể trên thế giới là nhờ có sự tham gia cạnh tranh của cả ba thành phần. Đến nay cả ba đều đang cạnh tranh nhau một cách ngang ngửa, gần như mỗi “anh” nắm một phần ba thị phần. Đồng thời nhờ có cạnh tranh mà các doanh nghiệp Nhà nước phát triển mạnh mẽ hơn, thị phần có thể giảm nhưng doanh số lại tăng lên. Như vậy, cạnh tranh không chỉ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn tốt cho bản thân doanh nghiệp, và điều này cũng sẽ đúng với ngành xăng dầu.

Còn trong thực tế hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều ở vị thế tương đối yếu so với 3 đơn vị lớn nhất, và không phải là những doanh nghiệp thực sự có động lực cạnh tranh. Có vẻ họ đều muốn bám vào cơ chế được Nhà nước bảo hộ, che chắn, từ đấy cùng nhau hưởng lợi ích nhờ vị thế độc quyền của cả nhóm.

        PV thực hiện

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)