Chứng chỉ tiêm chủng: Lịch sử 700 năm
Cách ly, phong tỏa, đóng cửa biên giới là những công cụ phòng chống dịch bệnh đã có cách đây 700 năm. Ai muốn đi lại, khi thế giới đóng cửa, cần có một thẻ chứng minh về tình trạng sức khỏe của mình.
Năm 1611 khi Marcantonio Zezza rời Venice, một mảnh giấy trong túi có thể là một trong những tài sản quý giá nhất của ông. Tờ giấy viết tay đề tên và các dữ liệu quan trọng về ông và có chữ ký của một quan chức, chứng nhận rằng ông đã rời thành phố “với ân điển của Chúa” “và không có ‘tệ nạn’ lây nhiễm”.
Rất có thể nếu không có một tài liệu như vậy, ông ta đã bị từ chối tiếp cận tại điểm đến. thậm chí chỉ với mục đích quá cảnh – chỉ vì một lý do, người ta lo ngại ông mang theo cái chết trong hành lý của mình. Mẩu giấy là minh chứng về sức khỏe của ông, ngày nay người ta chỉ cần nói ngắn gọn: Người đàn ông này không có nguy cơ lây lan bệnh dịch.
Giấy chứng nhận không bị bệnh dịch năm 1611: Chúc ngài Zesa một chuyến đi bình an.
Từ năm 1347, các thành phố Milan và Venice của Ý đề ra các biện pháp hữu hiệu để hạn chế “cái chết đen” tràn lan bằng cách phá vỡ chuỗi lây lan. Điều này trái ngược hoàn toàn với sự khuyên dạy của nhà thờ, vốn không giải thích dịch bệnh là bệnh truyền nhiễm, mà tuyên bố chúng là sự trừng phạt của Đức Chúa Trời. Do đó, các giáo lễ về bệnh dịch hạch từ giữa thế kỷ 16 luôn coi biện pháp quan trọng nhất và đầu tiên để chống lại căn bệnh này là quỳ gối cầu nguyện nhiều lần trong ngày và luôn sốt sắng sám hối.
Ý tưởng hạn chế mầm bệnh
Nhưng thành phố Milan và Venice đã chứng minh người ta có thể tác động tích cực đến việc ngăn chặn dịch bệnh. Những vụ dịch bệnh này có khi gây chết chóc tới 30% dân số của các thành phố và các địa phương bị dịch bệnh tàn phá. “Việc cách ly người bệnh, cách ly những người bị nghi ngờ mắc bệnh, dọn dẹp hàng hóa đáng ngờ, cấm tuyệt đối tiếp xúc với thương nhân từ những nơi bị nhiễm bệnh. Mọi biện pháp này về cơ bản đã được phát triển ở miền bắc nước Ý trong thế kỷ 15”, bác sĩ đồng thời là nhà sử học y học Vera Waldis đã viết trong một tiểu luận.
Ngay từ năm 1546, Girolamo Fracastoro, một thầy thuốc, nhà thơ, triết gia và là một học giả uyên bác đến từ Verona, lần đầu tiên đưa ra một luận đề khoa học giải thích sự lây lan của bệnh dịch: Ngoài những bài thơ về bệnh giang mai, ông đã viết một chuyên luận về “hạt giống bệnh dịch hạch” có thể lây bệnh mà không cần tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
Thời đó, Nhà thờ và chính quyền chỉ đề cập đến “chướng khí”, hơi thở của bệnh dịch, phát sinh từ không khí hoặc mặt đất, coi đây có thể là nguyên nhân. Tuy nhiên, Fracastoro đã truyền đạt cho các thày thuốc và các chức dịch nhà nước phụ trách vấn đề chống dịch bệnh các hướng dẫn cụ thể nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như: cách ly người bệnh, hạn chế đi lại, ngăn chặn mọi sinh hoạt công cộng trong khu vực có dịch bệnh bằng các biện pháp “phong tỏa”. Xác chết và vật dụng của người chết đều bị hỏa thiêu.
Từ giữa thế kỷ 19 bắt đầu tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa ở Đức, đầu tiên cho trẻ em và người già. Từ đây tiêm chủng trở thành tiêu chuẩn. Nguồn ảnh: Getty Images
Ngày nay chúng ta biết cuộc đấu tranh chống dịch bệnh đã diễn ra hàng thế kỷ nay và vô vàn người bệnh vẫn bị chết. Tuy nhiên chúng ta không biết, tình hình sẽ tồi tệ như thế nào, số ca tử vong sẽ tăng lên bao nhiêu, nếu như chúng ta không có cách tiếp cận đúng đắn. Chúng ta đều biết các cách tiếp cận ngay từ hồi xa xưa là đúng đắn.
Từ thế kỷ 18 trở đi, giấy chứng nhận phục hồi và sức khỏe, những thứ được cho là đảm bảo cho du khách tự do đi lại ngay cả khi có dịch bệnh, đã phổ biến khắp châu Âu. Các báo cáo sớm nhất về việc chủng ngừa bệnh đậu mùa cũng có từ đầu thế kỷ 18: người ta dây những hạt máu khô có virus sống vào vết thương hở. Nếu người được tiêm chủng qua khỏi, người đó sẽ miễn dịch – vì khoảng 90% bệnh nhân đã thành công qua tiêm chủng kiểu này nên ngày càng có nhiều người sẵn sàng làm như vậy, bởi tỷ lệ tử vong ở bệnh đậu mùa có thể lên đến 50% nếu không thực hiện chủng ngừa.
Bác sỹ người Anh Edward Jenner đã phát triển một phương pháp, nguyên tắc của phương pháp này về cơ bản vẫn được áp dụng cho đến tận ngày nay: từ năm 1976 ông đã gây lây nhiễm sang người bệnh của mình mầm bệnh đậu ở bò, những con bò bị chết chỉ gây tác động phụ – nhưng cung cấp cho hệ thống miễn dịch tín hiệu cứu mạng sống, chống lại tất cả các mầm bệnh đang tràn lan bên ngoài. Biện pháp này tỏ ra hữu hiệu nên ít năm sau xuất hiện giấy chứng chỉ đã tiêm chủng.
Khoảng 1800 ở Đức đã xuất hiện lúc đầu là tờ rơi, sau này là sổ tay tuyên truyền cho việc tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa. Số trẻ em bị chết vì bệnh đậu mùa tràn lan, các bậc cha mẹ hoảng loạn. Lúc này nhiều trẻ em đã được tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa và được an toàn. Từ đây tiêm chủng được biết đến ngày càng nhiều hơn. Trong những năm 1820 trên địa bàn lãnh thổ nước Đức ngày nay bắt đầu có thẻ tiêm chủng được in ấn đàng hoàng và có giá trị sử dụng cho mọi khu vực.
Tuy nhiên, lúc này thế giới vẫn đang chờ một tiêu chuẩn quốc tế đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe con người. Trong khi bệnh đậu mùa ở châu Âu, do được tiêm chủng rộng rãi, không còn là nỗi kinh hoàng thì xuất hiện bệnh dịch tả, hậu quả của quá trình đô thị hóa sau cuộc cách mạng công nghiệp. Do điều kiện vệ sinh tồi tệ, nhà cửa chật chội, ẩm thấp nên bệnh dịch tả lây lan nhanh và gây tử vong cao.
Dịch tả trở thành một bệnh xuyên lục địa. Năm 1826 xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Mười năm sau lan sang khắp Trung Quốc và Nhật Bản từ đây tràn qua nước Nga rộng lớn rồi băng qua Trung Âu và Anh Quốc và lan cả tới Bắc Mỹ. Đây là đại dịch toàn cầu đầu tiên cướp đi sinh mạng nhiều triệu người. Cả thế giới bàng hoàng cũng từ đại dịch này tại các quốc gia hình thành cơ quan chăm sóc sức khỏe người dân, bộ Y tế ra đời.
Giữa thế kỷ 19 cùng thời điểm diễn ra Triển lãm Công nghiệp Thế giới lần đầu tiên ở London đã có Hội nghị Y tế Quốc tế lần thứ nhất chống lại toàn cầu hóa bệnh tật ở Pari (1851). Mục tiêu của hội nghị là tạo sự phối hợp quốc tế về kiểm dịch và áp dụng các biện pháp khác nhằm ngăn chặn “sự lây lan các bệnh truyền nhiễm và bệnh lạ”.
Chính phủ Pháp đã nhận ra sự cần thiết này ngay từ năm 1834. Chính phủ Pháp cho rằng giao thông đường sắt là nguy cơ gây đại dịch lớn nhất. Mười hai quốc gia đã chấp nhận lời mời và mỗi quốc gia cử một nhà ngoại giao và một bác sĩ tham dự hội nghị này. Hội nghị kết thúc với một danh mục chung về các biện pháp phòng chống bao gồm 137 điều. Từ 1933 sự đi lại bằng đường hàng không được đẩy mạnh và ngành du lịch bắt đầu phát triển, nguy cơ lây lan đại dịch tăng lên.
Giấy chứng nhận tiêm chủng có giá trị quốc tế
Qua Hội nghị Y tế quốc tế, người ta đã quyết định thống nhất thực hiện thẻ tiêm chủng, đến năm 1944 thẻ này được mở rộng cho cả lĩnh vực giao thông đường biển. Năm 1948 ra đời tổ chức Y tế thế giới WHO, từ đó tổ chức này quản lý, giám sát Thẻ tiêm chủng.
Ngày nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, để có thể đi lại thuận tiện trên thế giới, chúng ta cũng phải có chứng nhận tiêm chủng.
Xuân Hoài lược dịch
Nguồn bài và ảnh: https://www.spiegel.de/consent-a-?targetUrl=https%3A%2F%2Fwww.spiegel.de%2Fgeschichte%2F700-jahre-gesundheits-atteste-die-erstaunlich-lange-geschichte-des-impfpasses-a-dafcb507-2451-4f55-9148-c678e54dbae1&ref=https%3A%2F%2Fwww.google.com%2F