Chúng ta đã giàu lên như thế nào (Kỳ 5): John D. Rockefeller, một con người vĩ cuồng

John D. Rockefeller từng là người giầu nhất nước Mỹ. Ông kiếm tiền nhờ dầu mỏ với một ý tưởng đầy khôn ngoan: Kẻ nào muốn kiếm được nhiều tiền, cần có một tập đoàn khổng lồ. Ngay từ hồi xa xưa ông đã nhận thức được rằng, hoặc là lớn lên – hay là chìm xuồng.

Lối sống khắc khổ

Dầu mỏ làm cho người ta giầu có, ngày nay ai cũng hiểu điều đó là tất nhiên. Nhưng vào lúc John D. Rockefeller còn là một đứa trẻ, những năm 40 của thế kỷ 19 thì hầu hết người Mỹ không hề biết điều này. Người ta kinh hãi khi thấy dầu mỏ trồi lên khỏi mặt đất ở Pennsylvania, gây ô nhiễm nguồn nước và làm cho đất đai không thể trồng trọt được. Không ai ngờ chỉ ít lâu sau nguồn dầu này mang lại sự giầu có dường như vô tận – và John D. Rockefeller đã trở nên vô cùng giầu có nhờ dầu mỏ.

Giữa thế kỷ 19, một nhà khoa học phát hiện có thể dùng dầu mỏ để thắp đèn, từ đó diễn ra cuộc chạy đua săn tìm dầu mỏ, khi đó John D. Rockefeller còn là một thiếu niên. Ở tuổi 16, ông bắt đầu làm nghề kế toán. John say mê các con số và yêu thích sự chính xác của cái nghề này – vả lại ngay từ bé ông được rèn về kỷ luật và trật tự, ông quen với lối sống khắc khổ và tiết kiệm. Sau ba năm làm việc ông thấy tiền công mà người ta trả cho mình không tương xứng với công sức mình bỏ ra vì thế năm 1858 ở tuổi 19, ông cộng tác với Maurice Clark mở một hãng buôn riêng. Họ kinh doanh thịt và ngũ cốc và đến năm 1862 đã thu được một khoản lợi nhuận là 17.000 đôla.

Tuy nhiên khoản tiền này không là gì so với việc kinh doanh dầu mỏ mà sau đó ông bắt đầu nhập cuộc. Đầu tiên ông mua một cơ sở lọc dầu cỡ nhỏ. Tuy vậy cơ sở lọc dầu này sinh lời nhanh đến mức ông liên tục vay tín dụng để ngày càng mở rộng kinh doanh, sản xuất hơn nữa. Các ngân hàng rất chuộng người khách hàng kỹ tính, sòng phẳng luôn thanh toán cả lãi lẫn vốn rất đúng hạn. Nhưng người cộng tác cùng góp vốn với ông lại cảm thấy choáng ngợp vì mọi chuyện diễn ra quá nhanh chóng. Ông ta đòi bạn phải hãm đà tăng trưởng.

Rockefeller tuy là người rất kỹ tính và cẩn thận, nhưng ông cũng thấy đây là thời cơ vô cùng quý báu nhất thiết phải chớp lấy, ông quan niệm, hoặc là tăng trưởng hoặc bị nhấn chìm. John cắt quan hệ hợp tác với Clark, tậu một nhà máy cũ sau một cuộc đấu thầu và ở tuổi 27 ông cộng tác kinh doanh với đồng nghiệp mới là Henry Flagler. Henry không những là người mạnh bạo, can đảm mà còn rất khôn ngoan trong việc đàm phán, thương lượng. John Rockefeller đã chọn đúng người cộng tác với mình và cũng từ đây công việc kinh doanh dầu mỏ phát triển ngày một nhanh hơn, hoàn toàn đúng với mong muốn của Rockefeller.

Đối với nhà doanh nghiệp trẻ Rockefeller thì lao động là điều quan trọng nhất. Là một tín đồ Tin lành ngoan đạo ông coi việc thành đạt trong nghề nghiệp là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trước Chúa. Sau này ông từng nói “năng khiếu kiếm ra tiền là năng khiếu do Chúa ban cho, ta phải biết làm sao để đồng tiền mà ta có sinh sôi nẩy nở nhiều nhất.” Ông đã thực hiện đúng tâm nguyện này. Ông xa lánh mọi thú vui trần tục. Ông xa lạ với lối sống nhởn nhơ, lười biếng, không bao giờ khoe khoang và rất ghét thói nhậu nhẹt. Ông coi việc tham gia khiêu vũ, đi xem kịch, nghe âm nhạc hoặc các sinh hoạt, hội họp đông người khác là vô bổ, lãng phí thời gian. Đối với ông, mục đích tối thượng là làm giầu.

Đánh bật mọi đối thủ cạnh tranh

Rockefeller nhận thức rất sớm thị trường dầu mỏ là thị trường có rất nhiều cơ hội. Nhưng đây là một thị trường còn non trẻ, ở nước Mỹ hồi đó có rất nhiều cơ sở lọc dầu bé nhỏ cạnh tranh với nhau. Dầu dù ở cơ sở lọc dầu nào thì cũng vẫn là dầu và người ta có thể dễ dàng thay thế bằng một sản phẩm của một hãng lọc dầu khác. Vấn đề quyết định là: ai làm ra dầu với giá rẻ nhất, kẻ đó là người thắng cuộc.

Rockefeller sớm nhận ra rằng, đối với việc kinh doanh dầu, nếu muốn làm ăn lớn thì bản thân mình phải lớn lên. Chỉ có thế mới có thể mua vào với điều kiện tốt hơn, sản xuất thuận lợi hơn và cuối cùng mới có thể bán ra với giá thấp hơn, đó là con đường để nuốt đối thủ cạnh tranh – và qua đó lại càng lớn mạnh hơn. Rockefeller là người đã phát hiện mô hình kinh doanh cho mình và mô hình này hiện vẫn được tiếp tục sao chép và nhờ nó nhiều người đã phất lên và trở nên giầu có. Phải lớn lên thật nhanh trên các thị trường mới và đánh bật mọi đối thủ: Đây là bí quyết dẫn đến thành công. Tuy nhiên bí quyết này không phải không gây ra nhiều tranh cãi. Các tập đoàn kếch xù khác, như Microsoft, cũng áp dụng bí quyết này chỉ có điều với phương pháp ít nhiều khác nhau.

Rockefeller theo đuổi mục tiêu không ngừng lớn lên đôi khi khá tàn bạo. Tập đoàn của ông không ngần ngại sử dụng điệp viên và cũng không nề hà khi phải đút lót. Đặc biệt ngay từ rất sớm ông đã biết liên kết với các ông chủ lọc dầu khác tạo Kartell để đòi giảm giá cước vận chuyển dầu mỏ, hồi đó việc vận chuyển dầu mỏ chủ yếu thông qua đường sắt. Tất nhiên chủ trò trong các vụ thương lượng này là hãng dầu Standard Oil của Rockefeller, đương nhiên qua đó ông cũng là kẻ thu được nhiều lợi nhất. Hầu như tất cả các hãng lọc dầu lớn dần dà đều liên kết với nhau để dìm giá.

Tham lam vô độ, nhưng lại rất sùng đạo

Kartell này trở thành một tập đoàn lớn, vì Standard Oil chỉ trong một năm đã thâu tóm mọi đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Rockefeller thanh toán cho các đối tác bằng tiền mặt hoặc cổ phần, những người khôn ngoan chọn cách thứ hai. Họ sẽ cùng phất lên với Standard Oil. Ngay từ năm 1870 Standard Oil đã nắm 10% ngành lọc dầu ở Mỹ. Nhưng điều này chưa làm Rockefeller thỏa mãn. Trong những năm 70 Standard Oil liên kết với các công ty vận tải thành lập Kartell vận tải, mục đích của việc làm này là ngăn chặn mọi đối thủ cạnh tranh. Việc làm này tuy phạm luật nhưng tạm thời Standard Oil vẫn lách được và chỉ mười năm sau đó Standard Oil đã trở thành một siêu tập đoàn và thực chất trở thành tập đoàn độc quyền. Cùng với các cổ đông “lặng lẽ” cuối cùng Standard Oil đã nắm trong tay 90 % thị trường dầu mỏ ở Hoa kỳ.

Dân Mỹ cũng như chính giới Mỹ rất phẫn nộ trước cách làm thô bạo và phạm luật của siêu tập đoàn này. Những vụ kiện tụng kéo dài đến tận năm 1911, với phán quyết của tòa án Standard Oil buộc phải chia ra thành nhiều bộ phận khác nhau với những cái tên vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay như Exxon, Chevron và Amoco. Trong khi đó Rockefeller vẫn tiếp tục giầu lên. Vào những năm 1890, ông không còn tham gia kinh doanh và khoản tài sản của ông đã lên đến 200 triệu đôla (so với ngày nay khoảng 3,5 tỷ); Năm 1930 ông trở thành tỷ phú (so với ngày nay khoảng 30 tỷ). Sự giầu có kếch sù này không phải không làm lương tâm ông bị cắn rứt.

Tuy là kẻ tham lam vô độ nhưng Rockefeller lại là một tín đồ rất ngoan đạo. Vì vậy ông chỉ dành một phần tài sản của mình cho con cháu và dành hàng trăm triệu đôla cho các hoạt động từ thiện khác nhau như lập các quỹ hỗ trợ trường học, thư viện và các trường đại học. Nhờ việc làm này ông phần nào gột rửa được danh tiếng đã bị hoen ố của mình. Nhờ đó ngày nay Rockefeller không còn mang tiếng là một kẻ giầu nứt đố đổ vách với những phương thức làm ăn tàn bạo. Nói đến ông người ta nghĩ đến những hoạt động từ thiện và giờ đây gia đình ông cũng như các quỹ do ông tạo dựng vẫn tiếp tục thu được những khoản lợi nhuận to lớn.

                                                                                                         Nguyễn Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)