Chúng ta đã giàu lên như thế nào (Kỳ cuối): Cạnh tranh thúc đẩy tiến hóa

Trong kinh tế cũng như trong tự nhiên, những ý tưởng mới mẻ luôn muốn gạt bỏ những gì cổ hủ, lạc hậu. Tuy nhiên mọi sự đột biến đều phải trải qua một quá trình chọn lọc. Những ý tưởng cơ bản về sự tiến hóa có thể áp dụng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên ở đây vấn đề không xoay quanh học thuyết Darwin xã hội một cách thô thiển.

Điều gì đã tác động vào một phân tử đơn giản sau một quá trình tiến hóa đã tạo ra con người? Do một kế hoạch tổng thể? Do ngẫu nhiên? Do tất yếu? Hay tất cả các yếu tố đó cùng tác động: ngẫu nhiên và tất yếu, ở đây phải chăng sự ngẫu nhiên chịu sự điều khiển của một kế hoạch tổng thể? Biết bao nhiêu triết gia, các nhà sinh vật học, hóa học, vật lý học, thần học và các nhà khoa học nhân văn đã nghiền ngẫm và nghiên cứu vấn đề trọng tâm này. Câu trả lời ở từng khía cạnh thật vô cùng phong phú nhưng nhìn tổng thể thì thấy rằng, tiến hóa là một quá trình diễn ra liên tục, không bao giờ ngừng nghỉ, thoái lui mà chỉ tiến lên phía trước.

Trên con đường tiến hóa dài dằng dặc đó đôi khi xẩy ra những nhiễu loạn hết sức ngẫu nhiên và những biến đổi có tính tự phát. Mọi sự đột biến đều chịu tác động của quá trình chọn lọc. Sự chọn lọc này hoàn toàn không ngẫu nhiên và càng không thể tùy tiện. Nó diễn ra theo một nguyên tắc đánh giá hết sức rõ ràng, đó là khả năng tồn tại của hệ thống vĩ mô.

Trong khoảng thời gian kéo dài hàng tỷ năm từ một sinh vật đơn bào đầu tiên hình thành một tổ chức để rồi trải qua một quá trình tiến hóa rất dài con người mới ra đời. Mỗi bước ngắn ngủi trên con đường mòn dài dường như vô tận này, trạng thái vi mô lại hình thành một cách ngẫu nhiên. Tuy nhiên quá trình chọn lọc cũng có nghĩa là quá trình tiến hóa lại là một sự tất yếu không thể lảng tránh. Đây hoàn toàn không phải là một sự đấu tranh sinh tồn, như người ta thường lầm tưởng và cho rằng đó là quan niệm của Darwin. Thực ra đây là một diễn biến thầm lặng, ôn hòa, một sự cạnh tranh liên tục không ngừng nghỉ. Từ hàng tỷ đột biến diễn ra trong một khoảng thời gian dài vô tận ắt không thể không dẫn đến một sự thay đổi, và sự thay đổi này tạo nên khả năng thích nghi và tái sản xuất một cách hợp lý nhất của hệ thống vĩ mô.

“Cạnh tranh là một quá trình khám phá”

Quá trình tiến hóa là một sự tất yếu không thể lảng tránh. Đây hoàn toàn không phải là một sự đấu tranh sinh tồn, như người ta thường lầm tưởng. Thực ra đây là một diễn biến thầm lặng, ôn hòa, một sự cạnh tranh liên tục không ngừng nghỉ.

Những ý tưởng tiến hóa cơ bản về sinh vật học có thể áp dụng thành công đối với kinh tế, xã hội và doanh nghiệp. Đây đơn giản không phải là học thuyết Darwin về mặt xã hội, điều này từ lâu đã được kiểm chứng trong thực tiễn và đã bị bác bỏ. Đây là sự tiến hóa về kinh tế, đó là sự nỗ lực, sự hành động của từng cá nhân nhằm đạt được những giải pháp tốt hơn để có khả năng tồn tại đối với cả xã hội nói chung.

Mọi nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng như mỗi con đều người nhất thiết phải tìm cách để thích nghi với những điều kiện mới, phải thay đổi để có thể tồn tại. Mancur Olson khi xem xét khía cạnh kinh tế đã đề cập đến điều này trong cuốn sách của ông nhan đề “Sự thăng tiến và tàn lụi của một quốc gia” và lấy nước Anh làm ví dụ để chứng minh rằng, khi xã hội bị xơ cứng, khi các nhóm lợi ích chỉ nghĩ một cách đầy ích kỷ về nồi cơm của mình và coi mọi sự tiến bộ là sự tấn công vào cuộc sống của họ, chỉ nỗ lực dành lợi ích kinh tế vi mô sẽ dẫn đến sự tàn lụi của kinh tế vĩ mô. Đối với những xã hội ở trong tình trạng như vậy thì sự cạnh tranh có tác dụng như một sự thay máu. Nó giúp cải thiện khả năng thích nghi và qua đó tăng cường khả năng tồn tại của nền kinh tế.

Adam Smith, cha đẻ của học thuyết kinh tế hiện đại, coi tác động tiến hóa của cạnh tranh là một vấn đề trọng tâm. Smith nhận thấy cấu trúc ganh đua trên thị trường cạnh tranh là một sức mạnh hết sức năng động, nó như một cỗ máy khổng lồ thúc đẩy cả xã hội vươn lên. Bàn tay vô hình của thị trường sẽ biến những hành động ích kỷ thành những hệ quả vị tha mang lại lợi ích cho mọi người.

Ngày nay dù ai đó phê phán, chỉ trích thị trường và cạnh tranh như thế nào đi nữa – nhưng thực tế đã chứng minh, tư duy cạnh tranh xét về mặt lịch sử thì thấy, lúc đầu quá trình tăng trưởng có bị chậm lại nhưng trong thế kỷ vừa qua quá trình này ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Sự cạnh tranh đã làm cho nền kinh tế của những nước tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh trở nên giầu có. Ludwig Erhard (cựu Thủ tướng Đức) từng diễn đạt như sau: “thịnh vượng cho tất cảthịnh vượng thông qua cạnh tranh là hai yếu tố không thể tách rời nhau; định đề trước nói lên mục tiêu, định đề thứ hai chỉ ra con đường dẫn đến mục tiêu đó.”

Cạnh tranh không có mắt, nó mù tịt về chính trị, xã hội

 Sự cạnh tranh giúp phát hiện các giải pháp tiến hóa về kinh tế. Nó sàng lọc vô vàn kiến nghị về sự đổi mới để chọn ra những giải pháp tinh túy phù hợp nhất với sự tiến bộ của nhân loại.

Khi xã hội bị xơ cứng, khi các nhóm lợi ích chỉ nghĩ một cách đầy ích kỷ về nồi cơm của mình và coi mọi sự tiến bộ là sự tấn công vào cuộc sống của họ, chỉ nỗ lực dành lợi ích kinh tế vi mô sẽ dẫn đến sự tàn lụi của kinh tế vĩ mô.

“Cạnh tranh không những chỉ ra những gì có thể làm tốt hơn, mà nó còn buộc tất cả những ai có thu nhập từ thị trường, phải thực hiện những sự cải thiện này, vì thế đây là lý do chính tại sao cạnh tranh lại bị phản đối. Cạnh tranh buộc mọi người phải thay đổi hành vi của mình mà không một chỉ thị hoặc mệnh lệnh nào có thể làm được.” Friedrich August von Hayek, nhà khoa học người Đức, từng được giải thưởng Nobel đã phát biểu như vậy về sức mạnh tiến hóa của cạnh tranh trong bài phát biểu rất nổi tiếng của ông ở Kiel năm 1968.

Cũng như trong các cuộc đua thể thao con người cố gắng huy động toàn bộ sức lực của mình quyết đoạt thắng lợi, thì các nhà doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế cũng ra sức nỗ lực để dành khách hàng, tăng lợi nhuận, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và quyết tìm ra các ý tưởng, giải pháp mới mẻ. Những kẻ đi đầu và sớm phát hiện ra các xu hướng phát triển của thị trường sẽ được trả công hậu hĩnh. Những kẻ bám lấy kỹ thuật lạc hậu, chọn sai hướng đi, hay sản xuất quá đắt ắt bị thua lỗ và phải trả giá đắt và đau đớn.

Cạnh tranh không có mắt, nó mù tịt về chính trị, xã hội. Nó không thể nói trước, cái gì tốt, cái gì dở. Vì thế đối với người này nó bị coi là khó chịu, đối với kẻ khác nó bị coi là tàn bạo. Nhưng đối với toàn xã hội thì sự để ngỏ kết quả của cạnh tranh lại chính là động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế. Không có sự thay đổi nào hay đổi mới nào được hưởng sự ưu ái trước. Mọi cái đều phải trải qua sự thử thách khốc liệt của thực tế. Chỉ có những gì đứng vững được trước phản ứng của dư luận, cái đó mới có thể tồn tại.

Thị trường phải để mở và có thể bị tấn công

Nhà kinh tế người Áo Joseph Alois Schumpeter từ khá lâu đã phát hiện ra sức mạnh tiến hóa của cạnh tranh. Những nhà doanh nghiệp năng động nỗ lực hết mình vì mục đích lợi nhuận, vì ý chí quyết thắng, vì niềm vui trong quá trình phấn đấu, xây dựng để vươn lên hàng đầu. Nhờ các công nghệ mới họ có khả năng tạo vị trí độc quyền cho mình. Những đổi mới sáng tạo của họ nếu nhận được sự hâm mộ, hưởng ứng của khách hàng họ sẽ nhận được phần thưởng vì đã dũng cảm đi tiên phong. Do bị thôi thúc “bởi động cơ lợi nhuận” sẽ có nhiều người lao vào cuộc để bắt chước. Từ đó tạo ra một cú hích về sự đổi mới sáng tạo. Những nhà máy lỗi thời, kém hiệu quả sẽ biến mất. Như máy hơi nước đã bị động cơ điện làm bật bãi, máy bay cánh quạt bị thay thế bởi máy bay phản lực và điện thoại di động đa năng hạ bệ điện thoại bàn.

Cũng như quá trình tiến hóa đối với các loài sinh vật, nỗ lực dành lợi nhuận trong kinh tế vi mô của từng nhà doanh nghiệp nếu gộp lại có thể tạo nên một sự thành công về kinh tế vĩ mô dưới dạng nâng cao mức sống của người dân nói chung. Nhưng một điều kiện quyết định để có được sự may mắn đối với kinh tế vĩ mô là phải để ngỏ thị trường độc quyền và thị trường đó phải chấp nhận tranh chấp. Nếu đối thủ cạnh tranh gặp khó khăn hay không thâm nhập được thị trường thì chỉ có những kẻ dành được độc quyền là vui mừng vì thu được nhiều lợi nhuận trên cơ sở gây thiệt thòi cho khách hàng. Chính vì lí do này nước Đức thành lập Cơ quan Chống độc quyền (Kartellamt), Ủy ban Độc quyền (Monopolkommission) và Cơ quan mạng lưới Liên bang (Bundesnetzagentur) để bảo đảm cạnh tranh.

Để cạnh tranh trở thành động lực thúc đẩy tiến hóa kinh tế tối ưu nhất cần phải có một sự tương tác thành công giữa hai cấp. Một mặt xã hội cần có những nhà doanh nghiệp luôn có quyết tâm cao và không hài lòng với hiện trạng đang diễn ra và luôn tìm cách phá vỡ để vươn tới những bến bờ mới. Mặt khác cần có những điều kiện khung về chính trị, xã hội và thể chế tạo không gian mở cho phép các nhà doanh nghiệp năng động có thể phát huy khả năng sáng tạo, đổi mới của họ. Như vậy có nghĩa là khả năng thích nghi vĩ mô về kinh tế của xã hội trước những sự thay đổi và khả năng cạnh tranh vi mô về kinh tế của các nhà doanh nghiệp năng động tạo ra một sự tác động qua lại, cái này là tiền đề của cái kia. Cuối cùng thì cả hai điều kiện này đều góp phần tiếp tục phát triển nền kinh tế của đất nước trong quá trình tiến hóa về kinh tế vì sự phồn vinh của mọi thành phần trong xã hội.

                                                                                        Nguyễn Xuân Hoài dịch

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)