Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở ĐB sông Cửu Long

Cho đến tháng 6-2013, Bộ Nông nghiệp & PTNT mới trình Thủ tướng cho thực hiện chính sách chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp bền vững (QĐ 899 TTg và QĐ1348 BNN) mà chính sách mới này, đáng lẽ phải được ban hành 20 năm trước đây. Nhưng chúng tôi cảm thấy chủ trương này sẽ rất khó thực hiện vì cách đặt vấn đề và giải pháp, chương trình kế hoạch thực hiện vẫn phảng phất làm theo kiểu cũ, vẫn phân ra riêng từng ngành, không phối hợp liên ngành theo chuỗi giá trị sản xuất của từng nhóm sản phẩm nông nghiệp.


Vòng luẩn quẩn của cái nghèo

Cứ cuối mỗi vụ lúa nông dân ĐBSCL lại bội thu. Năng suất bình quân toàn vùng có thể lên đến 6-7 t/ha, nhưng cái phấn khởi của bà con nông dân vừa phụt lên rồi lại tắt ngấm vì các công ty lương thực không mua lúa. Cả thương lái ta và thương lái tây hè nhau không mua lúa, bắt buộc nông dân lại phải bán giá rẻ cho các công ty “mua tạm trữ,” nghèo lại hoàn nghèo. Vì sao cái nghèo cứ đeo đuỗi tầng lớp nông dân của chúng ta? Vì nghèo không khả năng tiết kiệm nên nông dân không có tiền đầu tư cho sản xuất. Nhà nước giải quyết tình trạng “không vốn đầu tư” của họ bằng cách cho vay tín dụng. Được tiền đầu tư cho sản xuất nhưng người nghèo vẫn lại nghèo, vì họ không có tay nghề không biết ứng dụng khoa học công nghệ. Nhà nước đào tạo cán bộ khuyến nông để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân nghèo. Nhưng các anh khuyến nông chỉ nói miệng tài, hướng dẫn xong rồi đi về, để lại anh nông dân nghèo, không có tiền để áp dụng kỹ thuật tiến bộ vừa học được. Trong khi đó, anh cán bộ tín dụng lo đi cho vay tín dụng ở nơi khác. Vì vậy người nghèo vẫn tiếp tục nghèo. Để khắc phục tình trạng này, nhà nước đã có chương trình xóa nghèo bằng cách kết hợp tín dụng với khuyến nông: người dân vừa được chuyển giao kỹ thuật vừa nhận được tín dụng để mua vật tư nông nghiệp để áp dụng kỹ thuật mới được chuyển giao. Và người nông dân sản xuất được nhiều hơn, nhưng khổ thay không biết bán ở đâu có giá tốt, đành chờ thương lái đến trả bao nhiêu hay bấy nhiêu, không có quyền mặc cả được. Trong xã hội ta tuy nhà nước công bố đạt tỷ lệ giảm nghèo cao (nhờ gộp cả cận nghèo vào tỉ lệ thoát nghèo) nhưng trong thực tế người nghèo vẫn lại nghèo, nhất là nông dân –thành phần đông nhất của xã hội—phải tự bơi trong biển cả toàn cầu hóa. Họ không nắm được kỹ thuật hiện đại, không thấy được thị trường đầu ra, không vốn sản xuất mà luôn luôn phải vay của đại lý phân thuốc trong làng. Tình huống này vẫn xảy ra với các doanh nghiệp thiếu vốn, không được đào tạo với kỹ thuật mới, không biết và không khả năng đầu tư thiết bị mới hơn, không khả năng đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, chỉ mua qua thương lái, cho nên sản phẩm làm ra kém chất lượng, không thương hiệu mạnh, tiêu thụ ít, tồn kho nhiều. Trong sản xuất, chính quyền và nông dân các địa phương thường bắt chước làm giống nhau, phần lớn chỉ tập trung vào cây lúa, thay vì tập trung đầu tư vào những lợi thế độc đáo của vùng mình. Hậu quả tổng hợp của cách phát triển như thế đã đưa đến cái nghèo triền miên của nông dân.

Như thế việc xóa nghèo bằng cách cho người nghèo vay tín dụng kèm theo chuyển giao kỹ thuật và gắn cây lúa hoặc sản phẩm đầu ra khác cho thương lái là cách làm không bền vững, mà phải được tổ chức đồng bộ một hệ thống phát triển theo chuỗi giá trị kinh doanh thế mạnh của từng vùng sinh thái đặc thù, từ khâu xác định thị trường để chọn lựa thế mạnh của vùng đó sẽ cung cấp cho thị trường đó sản phẩm gì, từ đó thiết kế các phương cách đầu tư để sản xuất ra sản phẩm ấy.

Trong hệ thống phát triển đó, vai trò của nhà doanh nghiệp năng động có đầu óc kinh doanh, thấy được những gì thị trường cần để gắn với những sản phẩm từ ĐBSCL theo một tầm nhìn thực tế và khoa học để thiết kế những hệ thống kinh doanh thế mạnh của từng vùng là tối quan trọng, từ đó chúng ta có thể xác định được các khâu mắt xích trong cả chuỗi giá trị tam nông để các thành phần tham gia một cách hiệu quả nhất trong công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam.

Những sản phẩm kinh doanh chính

Tại hầu hết các tỉnh thành của VN đều mọc lên những khu công nghiệp, thậm chí trong cùng một tỉnh các huyện xây thêm cụm công nghiệp huyện. Không cơ quan nào đứng ra điều phối và cân đối nhu cầu công nghiệp hóa để cho nông dân bị mất đất nông nghiệp ngày càng nhiều, trong khi đất dự án thì để trống. Lao động nông thôn trong thời gian vừa qua, nhất là những ai bị mất đất nông nghiệp, một phần nhỏ được vào làm ở khu công nghiệp gần nhà, phần lớn di cư lên thành phố tìm việc, vì ở nông thôn thì không việc làm. Số đông này, không được đào tạo tay nghề, mang thêm gánh nặng cho xã hội tại nơi họ mới đến, nhà nước phải tốn kém hơn. Kinh nghiệm các nước giải quyết vấn đề lao động nông thôn khá thành công, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… là nhờ chính sách tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn được tổ chức một cách có hệ thống theo chuỗi giá trị. Tại ĐBSCL, nếu chính sách đầu tư của nhà nước được tập trung thì chính lực lượng lao động nông thôn sẽ có điều kiện tốt để biến các tiềm năng mũi nhọn sau đây thành hiện thực:

Cây lúa: có diện tích lớn nhất và lực lượng lao động tham gia nhiều nhất, phải sản xuất cho được các loại lúa chất lượng cao cho thị trường cao cấp, đồng thời cũng sản xuất lúa cấp thấp cho các nước nghèo. Những loại lúa này phải được chế biến và đóng gói bao bì tại các trung tâm chế biến gạo theo tiêu chuẩn quốc tế do các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) hoặc các công ty cổ phần nông nghiệp làm chủ tại các tỉnh có trồng lúa. Đồng thời để tiêu thụ nội địa, các giống lúa năng suất cao, ngắn ngày, kháng rầy nâu, bệnh cháy lá, và bệnh đốm vằn; chịu mặn, chịu phèn; chịu úng và chịu hạn phải được tiếp tục chọn tạo để cung cấp cho nông dân ở các vùng trồng lúa khó khăn. Nông dân đồng bằng sẽ là nông dân kiểu mới, áp dụng kỹ thuật hiện đại để sản xuất lúa an toàn và giá thành thấp, không làm ô nhiễm đất, nước và không khí. Kỹ thuật sạ khô lúa hè thu, tận dụng nước mưa để canh tác sẽ được áp dụng nơi chưa có chủ động thủy lợi. Đất lúa sẽ được HTXNN dồn điền đổi thửa để áp dụng cơ giới từ khâu cày bừa, gieo sạ, bón phân, xịt thuốc BVTV, thu hoạch, phơi, sấy; chế biến gạo theo đòi hỏi của thị trường, đóng gói với thương hiệu để bán trong nước hoặc theo đơn đặt hàng xuất khẩu. Đồng ruộng sẽ được san bằng và mương thủy lợi sẽ được bê tông hóa để tiết kiệm nước tối đa vì nước ngọt tưới sẽ là một tài nguyên ngày càng hiếm. Đối với nông dân còn canh tác theo cá thể thì họ sẽ luân canh hoặc xen canh lúa với các cây trồng, vật nuôi thích hợp để dễ đưa ra thị trường.

Cần đầu tư cho cây lúa ĐBSCL theo chuỗi giá trị trong đó công nghiệp hóa các công đoạn của quá trình trồng ra cây lúa đến chế biến hạt lúa và rơm rạ (xem hình 1) phải được ứng dụng kỹ thuật mới để có sản phẩm có thương hiệu và đồng thời duy trì sự bền vững của môi trường, khắc phục nguy cơ biến đổi khí hậu.


Hình 1

Cây ăn trái nhiệt đới: ĐBSCL là xuất xứ của nhiều trái cây vùng nhiệt đới mà nhiều nước khác hoặc vùng khác không trồng được hoặc không so bì được. Nhưng lợi thế này cho đến ngày nay vẫn chưa khai thác cũng vì chưa có hệ thống chính sách “phát triển cây ăn trái cho thị trường xuất khẩu.” Các loại trái cây độc đáo nhất của ĐBSCL mà du khách rất ưa chuộng có thể kể: bưởi Năm roi, bưởi Xanh, xoài Cát Hòa Lộc, xoài Thanh Ca, Thanh long, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Chín Hóa, nhãn Xuồng, khóm Ngã Năm, v.v.

Nhà nước cần tổ chức nông dân cùng xây dựng từng vùng chuyên phù hợp với loại trái đặc sản trên đây cũng phải theo chuỗi giá trị từ cây giống rặc của loại cây cho đến thu hoạch, xử lý trái tươi nguyên vẹn đóng gói bao bì để bán tươi, chế biến trái không đạt chuẩn để ra nước trái cây hoặc mứt (xem hình 2), có phòng bảo quản ở nhiệt độ lạnh thích hợp với loại trái chờ đưa lên xe tải, xe lửa, máy bay xuất khẩu đúng vào kỳ hạn giao hàng. Điển hình cách tổ chức của Mỹ, vùng cây ăn trái Thung lũng San Joaquin (khoảng 1,5 triệu hecta) một khu nhỏ được trình bày ở hình 3a và 3b, trung tâm của vùng này phục vụ cho khoảng 400 ha. Không thể để như hiện nay cho từng hộ gia đình sản xuất vài hecta đủ loại cây tạp để thu gom xuất khẩu được. Nhà nước cho chính sách để xây dựng vùng chuyên, đất nông hộ liền canh liền thửa để dễ quản lý thủy lợi trên hàng trăm hecta thì mới có đủ sản phẩm để bán.


Hình 2


Hình 3a. Một vùng trồng nho tại thung lung San Joaquin, California (Mỹ). Chung quanh là vườn nho của các hộ nông dân, ngay giữa là nhà máy xử lý, bảo quản và chế biến trái cây, hết mùa nho đến mùa táo, v.v.

Hình 3b. Cận ảnh của Nhà Máy xử lý, bảo quản và chế biến trái cây trên đây. Vườn nho trồng thẳng tắp.

Rau cải, củ: Những vùng chuyên rau như Châu Thành (Tiền Giang), Chợ Mới (An Giang), Vĩnh Châu (Bạc Liêu), … có thể trồng nhiều chủng loại rau cao cấp như bắp cải, cà tô mát, dưa chuột, bí rợ, dưa hấu… trong điều kiện nhiệt đới. Củ khoai lang thích hợp đất lúa nhất là ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang. Mỗi khu sản xuất rau củ phải được tổ chức theo chuỗi giá trị, sản phẩm thu hoạch vào phải được phân loại theo kích cỡ, tốt xấu… để đóng gói bao bì bảo quản tình trạng tươi sống của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Hoa kiểng: Thời tiết và đất đai ĐBSCL rất phù hợp một số cây hoa kiểng xuất khẩu mạnh như phong lan, địa lan, cây tắc, mai vàng, xương rồng.

Cây thân gỗ: Trên đất phèn có thể trồng cây tràm (làm cừ, nuôi ong lấy mật), cây bạch đàn và cây keo tai tượng (làm bột giấy). Vùng ven bờ biển cần đầu tư trồng rừng đước khai thác theo định kỳ để sản xuất than cao cấp cho các nhà hàng nướng, hoặc xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thủy sản:
Các loại cá nước ngọt và nước mặn rất phong phú. Các loại tôm tép có thể nuôi ven biển hoặc trong ruộng lúa nước ngọt. Tài nguyên này cho đến nay vẫn còn do cá thể đầu tư theo khả năng tự có nên thường gặp hiểm họa bệnh thủy sản giết hại. Hệ thống nuôi cá hoặc tôm càng xanh trong ruộng lúa nên được đầu tư hệ thống tưới tiêu riêng rẽ, xây cống bọng kiên cố, sẽ rất có lợi cho nông hộ và môi trường. Cần phải tập hợp nông dân xây dựng những khu nuôi tôm, nuôi cá một cách khoa học hơn, kênh tưới riêng, kênh tiêu riêng mới mong an toàn và bền vững. Đầu tư cho sản xuất cá/tôm giống và sản xuất thức ăn thủy sản nếu cần, hoặc mua thẳng từ các xí nghiệp sản xuất thức ăn.


Điển hình 3. Một khu nuôi tôm tại Kalimantan, Indonesia, được xây dựng một cách rất khoa học, kênh tưới và kênh tiêu riêng cho mỗi vuôn tôm nên bệnh hại tôm được ngăn chận ngay từ đầu.

Gia súc: Tùy mỗi tiểu vùng của ĐBSCL, nơi thích hợp nuôi bò (Bến Tre, Trà Vinh, An Giang), nơi nuôi trâu (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) sử dụng rơm rạ và một số cây thức ăn gia súc vừa bán thịt, vừa sản xuất phân chuồng bán cho các nhà vườn, vừa góp phần giảm thiểu tác dụng biến đổi khí hậu. Vịt gà là một nguồn thu khá lớn đối với các nông hộ có đầu tư đầy đủ chuồng trại. Gà thả vườn đang là một sản phẩm được ưa chuộng, giá gấp đôi gà công nghiệp.

Những điều kiện chủ yếu nhằm chọn mũi chiến lược để tái cấu trúc

Giữ kế hoạch dân số: dân số phải được kiểm soát ở tỉ lệ dưới 2% để không vượt quá khả năng chịu đựng của đất đai sản xuất và cung cấp dịch vụ đời sống.
Cải tiến cấu trúc hạ tầng: Cần đầu tư cho nông thôn có kinh phí tạo công ăn việc làm cho dân nông thôn để xóa cầu khỉ và bê tông hóa đường nông thôn sâu. Đây là bước nhảy vọt đầu tiên để rút ngắn khoảng cách nông thôn – thành thị. Bước này quan trọng ở chỗ nó tạo điều kiện cho nông thôn dễ nhận được các dịch vụ tín dụng cũng như nhận những nguồn nhân lực đã được đào tạo về phục vụ cho nông thôn. Đầu tư trong lĩnh vực này nên hạn chế ấp dụng chính sách cũ “nhà nước và nhân dân cùng làm.”
Công nghiệp hóa các cụm/vùng qui hoạch kinh doanh nông sản: chủ yếu chế biến, và bảo quản sau thu hoạch: Mỗi cụm/vùng qui hoạch trồng một loại nông sản (lúa, trái cây, rau) cần được tổ chức lại, đầu tư nhà máy có thiết bị hiện đại để xử lý và bảo quản chất lượng nông sản.
– Đối với lúa: (a) sấy lúa đạt chuẩn 14% ẩm độ bằng máy sấy từng mẻ hoặc máy sấy liên tục;
(b) gặt lúa, xay chà, đánh bóng gạo: bằng những máy móc đa năng.
(c)  đóng gói nhãn hiệu rõ ràng.
Đối với rau quả: tổ chức qui hoạch và đầu tư nhà máy rau quả trang bị đầy đủ những dụng cụ xử lý rau quả theo đúng qui trình kỹ thuật, đóng gói bao bì trước khi đưa vào phòng bảo quản ở nhiệt độ tối hảo. Mỗi loại sản phẩm sẽ có nhiều dạng đưa ra thị trường: khóm (trái tươi, nước khóm pha hoặc cô đặc), cam quít (trái tươi, nước cam tươi hoặc cô đặc, mứt vỏ cam), xoài (trái tươi, xoài sấy khô, nước xoài), ổi (trái tươi, nước ổi), dừa (trái tươi, dừa nạo sấy khô, bột nước cốt dừa, kẹo dừa). Những trái cây tươi cần có bao bì đặc biệt: xoài Cát, vú sữa Lò Rèn, sapô, thanh long, khóm, sầu riêng…
Mía trên các vùng đất phèn: nhà máy đường chế biến đường và các sản phẩm có đường.
Heo, bò, gà, vịt: cần có Nhà máy chế biến thịt heo, thịt bò, gà, vịt và những sản phẩm chế biến từ thịt.
Thủy sản: cần có Nhà máy chế biến thủy sản, đặc biệt phải có máy cấp đông cá tôm; thiết bị chế biến những sản phẩm từ cá tôm (filet cá, mắm, khô, nước mắm có mùi, và nước mắm ngon không mùi dành xuất khẩu).
Bạch đàn, keo tai tượng, keo lai, đay bố: cần Nhà máy chế biến bột giấy từ bạch đàn, keo tai tượng, đay.
Tràm trên đất phèn: cừ xây dựng nhà, cũng là môi trường nuôi ong lấy mật.
Giảm tác hại của lũ lụt: từ hơn thập kỷ đến nay chu kỳ ngập lũ của ĐBSCL đã thay đổi bất thường vì những công trình thủy lợi dọc trên dòng sông chính đầu nguồn (Vân Nam) hoặc các sông nhánh ở Lào, Thái Lan, Tây Nguyên, và vì nạn phá rừng đầu nguồn. Trong khi các vụ lúa đông xuân và hè thu được thiết kế tránh lũ hoàn toàn, một số diện tích lúa vụ ba bị ngập lũ phải đầu tư hao tốn đắp đê ngăn lũ. Các vùng cây trồng cạn cũng thường xuyên bị ngập lũ, nhất là các diện tích vườn cây ăn trái, rau hoa. Nhưng chúng ta không chê lũ hoàn toàn vì nước lũ đem phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp cho ĐBSCL, mang theo thủy sản các loại, và rửa phèn rửa mặn cho các loại đất có vấn đề. Vì vậy, để bảo vệ an toàn sinh mạng của người và gia súc, cùng các cây trồng cạn, các biện pháp sau đây cần được chú ý đặc biệt:
(a) Trên bình diện vùng, cần nạo vét hoặc đào thêm các con kênh xả lũ ra hướng biển.
(b) Trên từng mảnh vườn cây ăn trái, hoặc vườn rau hoa, nên qui hoạch dồn lại thành từng vùng có diện tích khoảng 100 ha để bao đê kiên cố cao hơn đỉnh lũ và có cống điều tiết nước lũ.
(c) Ủy ban sông Mekong cần thường xuyên cải tiến các phương tiện của hệ thống theo dõi và báo động lũ từ thượng nguồn đến vùng ĐBSCL.
(d) Thường xuyên củng cố các đê bao, và nhất là các khu tuyến dân cư.
(e) Áp dụng nghiêm nhặt các biện pháp canh tác né lũ đã được phổ biến và củng cố đê bao các vùng tập trung cây ăn trái hoặc cây lưu niên khác.

Mô hình phát triển tam nông bằng kinh doanh nông sản theo hướng chuỗi giá trị
Thị trường nông thôn cần phải được nối chặt với thị trường thành thị và thị trường quốc tế nếu chúng ta muốn cho nông thôn làm giàu. Thị trường cạnh tranh hiện nay có 4 đòi hỏi:
1) Sản phẩm phải đạt chất lượng tối hảo theo đòi hỏi của người tiêu dùng;
2) Khối lượng sản phẩm phải đủ lớn để chuyên chở ít tốn phí;
3) Thời điểm giao hàng phải đúng theo hợp đồng;
4) Giá sản phẩm phải thật cạnh tranh.

Nông dân sản xuất cá thể sẽ không bao giờ thỏa mãn các điều kiện trên cho khách hàng. Trong khi đó các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản của Việt Nam hiện nay cũng luôn luôn gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật, và khả năng quản lý kinh doanh. Nhưng cái khó lớn nhất chính là họ không có nguồn nguyên liệu ổn định hội đủ 4 đòi hỏi trên đây.

Bà con nông dân phải tự nhận rõ là làm ăn một mình một cách tự do sẽ rất khó làm giàu, vì mình không thể chỉ bán hàng ở chợ làng mà phải bán ra khắp các tỉnh thành trong nước và vươn ra ngoài nước. Người mua hàng nông sản bây giờ trở đi là những công ty lớn, họ mua với khối lượng lớn những nông sản có chất lượng cao, an toàn vệ sinh, và giá rẻ. Chúng ta phải cung cấp khối lượng lớn đó đúng vào thời điểm khách hàng cần. Họ không thể chờ ta vì họ không bao giờ muốn lỡ kế hoạch buôn bán của họ. Do đó bà con nông dân cần kết hợp lại trong những hợp tác xã hoặc trang trại, học kỹ qui trình sản xuất bằng kỹ thuật cao (GAP), không làm theo kỹ thuật cũ mà phải theo đúng qui trình.

Nhà nước cũng phải thấy là không thể để cho nông dân tự bơi cứu lấy mình. Cần chấm dứt tình trạng Nhà nước cứ để cho nhà nông tự phát, trăm hoa đua nở, tự do trồng rồi tự do chặt, chưa trở thành một sức mạnh tập trung cho từng mũi nhọn tiến công trong thị trường tự do rộng mở. Cho nên nhà nông của ta, tuy sản xuất nhiều như thế, nhưng chất lượng không cao, lợi tức vẫn còn thấp so với quốc tế vì chưa có tay nghề hiện đại và chưa được tổ chức hữu hiệu. Trớ trêu thay, nông dân ta không có thời giờ để học nhiều loại kiến thức tay nghề; và Nhà nước cũng không có kinh phí để tổ chức đào tạo cho nông dân. Nhìn sang các bạn láng giềng -nhất là Thái Lan- Nhà nước đang làm gì để gia tăng tính cạnh tranh của nhà nông của họ? Điều cần và đủ: một hệ thống kinh doanh đồng bộ kèm theo là những chính sách khuyến khích.

Chúng ta cần một hệ thống chính sách khuyến khích có khả năng điều phối các mũi tiến công một cách nhịp nhàng, bổ trợ lẫn nhau thay cho sự triệt tiêu lẫn nhau rất phổ biến hiện nay. Hệ thống chính sách khuyến khích này, như phác họa trong hình 4 liên kết nhiều “nhà” tham gia sản xuất với kỹ thuật cao trong chuỗi giá trị gia tăng, bao gồm các bước cơ bản sau đây:


Hình 4. Hệ thống sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng cho thấy các cụm cần đầu tư tín dụng.

BƯỚC 1. Trước tiên cần xác định lợi thế tương đối của từng vùng đặc thù của lãnh thổ: cần xem lại qui hoạch tổng thể của nước ta và cụ thể cho từng vùng sản xuất của ĐBSCL, vùng nào có thế mạnh về cây gì, con gì có lợi thế hơn vùng khác hoặc quốc gia khác. Trên cơ sở rất khoa học đó, Nhà nước địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp để tạo điều kiện tốt cho nông dân sản xuất mặt hàng đó.

BƯỚC 2. Đồng thời với xác định lợi thế cây gì, con gì ở đâu, Nhà nước và doanh nghiệp cần xác định thị trường cho từng sản phẩm mũi nhọn ấy để chuẩn bị xúc tiến thương mại.

BƯỚC 3. Tổ chức tập hợp nông dân trong từng vùng sản xuất đã xác định trên đây xây dựng từng “Cụm liên kết sản xuất theo nông nghiệp kỹ thuật cao” (NNKTC) hoặc những hợp tác xã nông nghiệp, trang trại lớn, có khả năng tạo ra những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đây là bước mà nhiều người quen gọi “cánh đồng mẫu lớn,” chỉ là một khâu trong toàn chuỗi giá trị sản xuất. Chính sách về kinh tế hợp tác của Nhà nước tuy đã ban hành lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều kết quả khả quan vì thiếu nhiều yếu tố khuyến khích nông dân, vì sự do dự của nhiều địa phương, và vì phần lớn các hợp tác xã đã hình thành vẫn còn hoạt động riêng lẻ, tự bơi trong mọi mặt hoạt động, không ai lo đầu ra cho sản phẩm, phó thác cho thương lái. Trong giai đoạn tới, chúng ta cần có những nông dân xã viên của các hợp tác xã, hoặc thành viên của các cụm liên kết sản xuất NNKTC, có kiến thức và tay nghề cao nhất. Do đó Nhà nước sẽ tổ chức đào tạo (chuyển giao kỹ thuật) nông dân một cách cụ thể những kiến thức và kỹ năng cao nhất theo qui trình kỹ thuật cần thiết (xem bước 4 dưới đây) để sản xuất loại nông sản của hợp tác xã hoặc cụm liên kết sản xuất.

BƯỚC 4. Tập hợp khoa học kỹ thuật: gồm các Bộ, ngành chuyên môn, trường đại học hoăc trung tâm, viện nghiên cứu gần nhất vùng của hợp tác xã hoặc cụm liên kết, để nghiên cứu và ứng dụng:

(1) qui trình kỹ thuật (về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) thích hợp nhất để sản xuất nguyên liệu tối hảo cho doanh nghiệp liên kết chế biến ra sản phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa thích;

(2) kỹ thuật chế biến, bao bì đóng gói tốt nhất cho sản phẩm;

(3) tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm mà mỗi nông dân thành viên cần phải nghiêm khắc theo đúng. Cần chú ý việc thiết lập cơ quan uy tín quốc tế về kiểm phẩm, bám sát những tiêu chuẩn mà quốc gia khách hàng đòi hỏi.

BƯỚC 5. Tập hợp các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gồm Ngân hàng, Công ty hóa chất nông nghiệp, Công ty bảo quản, chế biến bao bì, phân phối cho mạng lưới đại lý trong nước, và xuất khẩu hàng có thương hiệu sang Nhật Bản, Úc, châu Âu, Mỹ, v.v.

Chính sách kinh tế hợp tác khi được tổ chức thành hợp tác xã hoặc cụm liên kết sản xuất NNKTC như trình bày một cách tổng quát trên đây sẽ có tác dụng quyết định đến tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam qua tác động trên cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp, và dịch vụ. Vai trò điều phối của Nhà nước sẽ quyết định sự thành bại của việc liên kết năm nội dung trên đây.

Trong thời đại WTO, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đóng vai trò rất quan trọng, vì suy ra cho cùng, sản xuất nông nghiệp chỉ phát triển khi có thị trường ổn định. Nông dân không thể tự mình bơi chiếc thuyền nan ra biển cả để tìm người mua! Phải có các DNVVN tài giỏi mới được. Các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp cần được sắp xếp lại, có vùng nguyên liệu ổn định, chấm dứt kiểu làm ăn chụp giựt như nhiều đơn vị hiện nay. Cần có các vị giám đốc được đào tạo chuyên môn cao, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, có cán bộ và công nhân được bồi dưỡng nghiệp vụ hiện đại, thiết bị được cải tiến, sao cho tăng được chất lượng hàng hóa mà chi phí sản xuất được hạ thấp nhất.

Tổ chức quản lý thực hiện

Một chính sách đồng bộ cần được ban hành để các bộ phận của chính phủ được phối hợp hành động tạo điều kiện tối hảo cho nông dân và doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm thích thú tham gia sản xuất (bao gồm các ngành tài chính – ngân hàng với tín dụng ưu đãi, thuế khuyến khích, nghiên cứu khoa học về kỹ thuật trồng và chế biến, bao bì, bảo quản, chuyên chở sản phẩm, quảng bá sản phẩm, mở thị trường cho các sản phẩm). Trong chính sách này phải có một cơ quan chuyên đi đến các nước triển vọng mở thị trường cho các hàng hóa đặc biệt trên đây.

Tạo thêm điều kiện cho tư nhân bỏ vốn đầu tư các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nhất là tiêu thụ trực tiếp tại các thị trường nước ngoài đã được mở ra, hoặc bắt đầu bằng việc liên kết với các công ty xuyên quốc gia.

Cần đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Thực hiện các nghị quyết của Trung ương về hợp tác hóa nông nghiệp, nhất là NQ26/TW7/Khóa IX về nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Đặc biệt là dựa theo NQ26, mỗi tỉnh cần thành lập một công ty cổ phần nông nghiệp cho mỗi loại sản phẩm, thí dụ Cty CPNN xoài Cát Hòa Lộc, hoặc Cty CPNN Vú sữa Lò Rèn, v.v. Mỗi công ty như thế được quản lý theo kiểu mới hoàn toàn để tạo sức mạnh cho nông dân –nhất là những nông dân nghèo, ít diện tích canh tác — trong sản xuất nguyên liệu tốt nhất và rẻ nhất, bằng cách thuê cán bộ chuyên môn điều hành (từ những người tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tài chính-tín dụng, ngoại thương, v.v.).

Đổi mới tư duy quản lý – “Chính sách nông nghiệp”

Kinh nghiệm của Nhật Bản từ năm 1946 sau khi đầu hàng quân Đồng minh cho thấy chỉ có tổ chức cho nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) mới tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân nghèo trở nên giàu có. Tại Hàn Quốc phong trào HTXNN cũng được tổ chức như là bản sao của Nhật Bản, bắt đầu từ tình trạng nông dân nghèo xơ xác. Qua các hợp tác xã, Nhà nước đã hổ trợ cho nông dân đến nơi đến chốn để nông dân phát triển sản xuất, ngày càng giàu lên. Ngày nay nông dân Nhật cũng như nông dân Hàn Quốc đều là chủ hệ thống ngân hàng lớn của quốc gia họ. Thành công của Nhật Bản và Hàn Quốc trong xóa nghèo cho nông dân của họ như trình bày trên đây là do nhà nước bao cấp và tài trợ cho các HTXNN. Đối với Việt Nam, ngày nay đã có NQ26TW được soạn thảo với một tư duy quản lý đổi mới, có thể gọi là một “chính sách nông nghiệp thời hội nhập, hướng dẫn chúng ta tổ chức lại sản xuất cho từng ngành kinh doanh nông sản để phát huy tiềm năng đất nước và con người. Mô hình phát triển kinh doanh theo chuỗi giá trị gia tăng được trình bày trên đây là cách thực hiện NQ26 trung thực nhất. Quá trình kinh doanh này cần được ngành ngân hàng đầu tư tài chính đích đáng để sự liên kết của các khâu gia tăng giá trị đạt hiệu quả tối hảo. Quan trọng nhất, là ngân hàng nên giảm bớt đầu tư cho các dự án manh mún, cục bộ, đơn ngành; trái lại cần ủng hộ các dự án phát triển kinh doanh có sự cộng tác và điều phối đa ngành trong các hợp tác xã hoặc cụm liên kết sản xuất NNKTC theo chuỗi giá trị gia tăng mới có thể phát triển nông nghiệp toàn diện và giúp nông thôn phồn thịnh. Được như vậy nông dân Việt Nam sẽ không bao giờ bị thua thiệt, lợi tức sẽ liên tục gia tăng, chấm dứt tình trạng nghèo một cách bền vững.

Chúng ta đang đứng trước ngã ba đường đi đến phồn vinh, cần mạnh dạn đổi mới hơn nữa để nắm vững cơ sở khoa học công nghệ, triển khai Đề án Tái Cơ cấu nông nghiệp nhanh chóng đưa Nghị quyết về Tam Nông của Đảng vào thực tế một cách thành công bền vững, biến tiềm năng giàu đẹp của Việt Nam thành hiện thực.

Từ sau khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo, chúng tôi thấy quán tính “an ninh lương thực” sẽ bùng dậy mạnh hơn nữa, mà kinh nghiệm thế giới đã chứng minh càng sản xuất lương thực thì người gánh tất cả hy sinh là người trồng cây lương thực, nên tại trường Đại học Cần Thơ, chúng tôi đổi tên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Lúa ĐBSCL thành Viện NC&PT Hệ thống Canh tác ĐBSCL và chúng tôi tạo điều kiện cho các trường đại học Việt Nam có Khoa Nông nghiệp tham gia Mạng lưới Hệ thống Canh tác Việt Nam do IDRC (Canada) tài trợ từ năm 1991 nhằm nghiên cứu và đào tạo cán bộ có kiến thức và kỹ năng giúp nông dân trồng lúa trên các vùng sinh thái nước ta có thể đạt lợi tức cao hơn với cây trồng, vật nuôi trong khi, hoặc trước khi và sau khi trồng lúa. Tiếp theo đó tổ chức SIDA Thụy Điển tài trợ Chương trình MEKARN tương tự nhưng lấy chăn nuôi thay vì cây lúa làm cơ bản. Cả hai chương trình này đã đào tạo nên hàng trăm cán bộ khoa học thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu đa dạng hóa cơ cấu trồng lúa. Nhưng kết quả nghiên cứu đó ít được các địa phương áp dụng. Mãi đến năm 2000 Nhà nước mới có chính sách cho đa dạng hóa cơ cấu nông nghiệp nhưng đầu tư cũng không thấm vào đâu, nên không đạt được kết quả theo tiềm năng mà khoa học đã khám phá.

————
* GS TS, Q. Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)