Chuyên gia ADB: Nợ xấu của Việt Nam rất bất định
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Dominic Mellor đã dành phần lớn thời gian để cảnh báo về vấn đề nợ xấu trong buổi công bố báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2013 vào ngày 2-10. Dưới đây là lược ghi ý kiến của ông.
– Ông Dominic Mellor: Tôi nghĩ bản thân NHNN đã thừa nhận tỷ lệ nợ xấu 4,6% chỉ là con số báo cáo mà thôi. Vì thế, con số này mà giảm xuống 3% không phải xa. Với mức dự phòng rủi ro của các ngân hàng thì họ có thể xử lý được 1,6% này. Tuy nhiên, trong Thông tư 02, NHNN yêu cầu áp dụng quy định kế toán mới, phân loại nợ và trích lập dự phòng mới. Nếu áp dụng thông tư 02 thì mức nợ xấu sẽ lên cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, các NHTM lại đang nợ lẫn nhau làm cho con số nợ xấu tăng lên nhiều.
Hơn nữa, theo quy định, các NHTM được quyền tự quyết định các khoản vay. Với các khoản vay quá hạn 1 tháng, họ sẽ vẫn coi là tài sản tốt, chứ không phải nợ xấu vì sợ sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp không có kế hoạch kinh doanh, thì theo Thông tư 02, các khoản nợ này phải được xác định là xấu.
Bên cạnh đó, hầu hết các khoản vay được đảm bảo bằng các tài sản như nhà và đất. Nhưng bất động sản đã đóng băng vài năm nay rồi. Giá các tài sản đảm bảo giảm cũng làm cho con số trích lập dự phòng không thể cao như thế đâu, mà sẽ thấp hơn.
Tóm lại, con số nợ xấu được đưa ra là bất định và không chắc chắn. Giá trị của trích lập dự phòng của các ngân hàng cũng không chắc chắn vì nó dựa trên các tài sản mà giá trị đã bị giảm nhiều so với giá trị sổ sách. Đây là vấn đề.
Trong bối cảnh đó, ông bình luận như thế nào về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đến cuối năm nay, từ mức 6% đến cuối tháng 9 vừa qua?
– Tăng trưởng tín dụng cũng rất thấp trong 9 tháng đầu năm nay so với chỉ tiêu 12%. Để đạt được chỉ tiêu thì tín dụng phải tăng trưởng rất mạnh trong quí 4-2013.
Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp xúc với các ngân hàng thương mại lớn thì họ cho biết rất khó để tìm được các đối tượng có thể cho vay, nên tín dụng mới thấp. Bên cạnh đó, bảng kế toán của các ngân hàng cũng rất yếu, nên các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là là không thể tăng trưởng tín dụng nhanh trong những tháng cuối năm. Năm ngoái cũng đã tương tự, thấp đầu năm và nhanh cuối năm.
Gần đây Thủ tướng nói rằng tỷ lệ nợ xấu khoảng 7%, ADB bình luận như thế nào?
– Chúng tôi không biết về tỷ lệ 7% này. Nhiều tổ chức quốc tế còn nói tới 15-16%. Tỷ lệ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu các NHTM áp dụng Thông tư 02 thì sẽ có thông tin nợ xấu rõ ràng hơn.
Các NHTM nói là có nhiều tài sản đảm bảo cho các khoản nợ. Nhưng giá trị tài sản này đã giảm rất nhiều so với sổ sách. Hơn nữa, một số khoản nợ xấu không có tài sản đảm bảo. Vinashin vay mà không có tài sản thế chấp và tài sản đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng tương tự như vậy. Chúng ta có thể làm gì được với những khoản nợ xấu không có tài sản đảm bảo? Vì thế, chúng tôi cho rằng, cần phải tái cơ cấu lại doanh nghiệp. Việc giải quyết nợ xấu luôn song hành với tái cơ cấu doanh nghiệp. Chính phủ phải có những sáng kiến mạnh mẽ để tái cơ cấu doanh nghiệp, song song với giải quyết nợ xấu.
Ông bình luận như thế nào về vai trò của VAMC trong xử lý nợ xấu?
– Với các khoản nợ xấu không có tài sản đảm bảo, và doanh nghiệp đã chết thì VAMC không thể làm gì. Việc thực hiện nhiệm vụ của VAMC còn cần rất nhiều hành lang pháp lý và chính sách phù hợp. Chẳng hạn, việc xử lý các tài sản thế chấp là bất động sản. Nếu doanh nghiệp phá sản thì phải trả đất cho Nhà nước, trong khi đất đó đã được dùng để thế chấp ở ngân hàng. Vậy làm sao VAMC xử lý được. Điều này liên quan đến Luật Đất đai.
Hơn nữa, phải có cơ chế rõ ràng để biết tài sản được định giá như thế nào, có sát với giá thị trường không. Nếu không, nhà đầu tư không đủ dũng cảm để mua nợ xấu.