Chuyển giao công nghệ: đường tắt xây dựng công nghiệp Việt Nam

Nếu trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thị trường 800 triệu dân và chiếm 40% GDP toàn cầu, Việt Nam nên khai thác tối đa bối cảnh thuận lợi này để tiếp thu công nghệ qua hợp tác quốc tế - con đường tắt để theo kịp công nghiệp thế giới.

Chuyển giao công nghệ: từ hoài nghi… đến tin tưởng


Sự trao đổi và chia sẻ trong lĩnh vực công nghệ giữa hai quốc gia hay hai doanh nghiệp vốn có từ lâu. Dù vậy, sự chênh lệch về trình độ kinh tế và khoa học kỹ thuật, sự khác biệt về văn hóa-xã hội và những hàng rào thương mại giữa các quốc gia là những trở ngại gây khó khăn cho quá trình này trong suốt nửa thế kỷ trước.


Sau khi giành được độc lập ở các thập niên 1950-1960, đa số các quốc gia tập trung nỗ lực vào xây dựng kinh tế và phát triển công nghiệp nội địa. Những kế hoạch này chủ yếu dựa vào hai yếu tố mâu thuẫn nhau, một mặt các nước đang phát triển được giúp đỡ hoặc chủ động mua các công nghệ từ những nước phát triển, mặt khác, xây hàng rào thuế để giúp ngành công nghiệp trong nước có lợi thế cạnh tranh về giá so với hàng nhập khẩu. Trong bối cảnh này, bên bán công nghệ không thực sự muốn chuyển giao tất cả những “know-how” mà họ giữ lại những bảo bối với mục đích để bên mua không đạt được trình độ cạnh tranh hoặc luôn luôn phải lệ thuộc.


Khi kinh tế thế giới được tổ chức theo từng vùng thương mại tự do, trong đó các hàng rào thuế từ từ được hủy bỏ, luật chơi cũng đã thay đổi. Các doanh nghiệp ngoài vùng cần liên minh với các đối tác địa phương để có cơ sở thâm nhập vào các thị trường của vùng. Mặt khác, các doanh nghiệp địa phương cần vốn và kỹ thuật của nước ngoài để tồn tại và phát triển. Sự gặp gỡ về quyền lợi này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ. Bên dạy sẽ không giấu nghề, nhưng bên nhận có đủ khả năng hấp thụ để áp dụng vào hệ thống sản xuất địa phương không? Câu trả lời thay đổi tùy theo khả năng của mỗi quốc gia.


Trong khi nhiều nước gặp thất bại, cũng trong những thập niên cuối thế kỷ 20, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông đã xây dựng được một nền công nghiệp có tầm vóc thế giới, chủ yếu dựa vào chuyển giao công nghệ. Các nhà phân tích nhận định rằng những nước này thành công vì có nền văn hóa mạnh nên khả năng hấp thụ cao và có ý chí xây dựng một nền công nghiệp tân tiến. Hơn nữa, giới lãnh đạo có tầm nhìn rộng và xa về hợp tác quốc tế, họ quan niệm chuyển giao công nghệ không phải là hấp thụ bằng cách bắt chước, nhưng  phải biết chọn lọc những cái hay để ghép với những kỹ thuật trong nước, kể cả những kỹ thuật truyền thống nhằm xây dựng một công nghệ thích hợp với những điều kiện và văn hóa quốc gia. Một nền công nghiệp xây dựng từ những cơ sở quốc gia mới thực sự có khả năng phát triển mạnh, như trường hợp nước Nhật.


Theo gương của Nhật, công nghiệp hiện đại của Hàn Quốc đã được xây dựng khởi đầu từ các công nghệ nhập khẩu. Họ đã bỏ rất nhiều vốn để mua các kỹ thuật của Nhật, Mỹ và châu Âu: từ 1 triệu đô la Mỹ năm 1967 vọt lên 90 triệu đô la Mỹ năm 1980, 141 triệu đô la Mỹ năm 1983 và 411 triệu đô la Mỹ năm 1988. Trong ngành điện tử, Hàn Quốc đã mua hàng trăm bằng sáng chế. Nhưng yếu tố quan trọng trong thành công của Hàn Quốc là sự nghiêm chỉnh trong việc chuẩn bị nhân sự và phương tiện để hấp thụ công nghệ. Bản báo cáo nội bộ của CIBA – GEIGY, một công ty sản xuất thuốc Thụy Sỹ, về kinh nghiệm hợp tác với Hàn Quốc đã chứng minh điều này:


“Trong suốt quá trình hợp tác, chúng tôi tin chắc rằng mình được dẫn trên một con đường đã vạch sẵn với những đoạn và điểm đi qua được định theo mục tiêu của họ và theo những gì mà họ biết về mình”.


Tóm lại, hợp tác công nghệ quốc tế tùy thuộc chính yếu vào hai yếu tố: độ tin cậy giữa hai đối tác và khả năng hấp thụ của bên nhận. Qua kinh nghiệm của các con rồng châu Á, khi có quyết tâm, có kế hoạch chuẩn bị cẩn thận, khả năng hấp thụ sẽ tăng và từ đó xác suất thành công tăng như được trình bày ở biểu đồ dưới đây.


Cần đưa công nghệ vào doanh nghiệp và xã hội


Với Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ tập hợp được nhiều điều kiện khách quan để phát triển một nền công nghiệp hiện đại, nhưng thực hiện được hay không tùy thuộc khả năng tiếp thu công nghệ của các doanh nghiệp và chính sách phát triển công nghiệp của Nhà nước.


Tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải là trọng điểm của chương trình công nghiệp hóa. Dù có những yếu tố ngoại sinh thuận lợi, khó khăn hiện tại của Việt Nam là đa số các doanh nghiệp còn được lãnh đạo bởi những người sáng lập, thành công nhờ khả năng thương mại hay thời cơ chứ căn bản không dựa trên kỹ thuật hiện đại, do đó kỹ thuật chưa đi vào văn hóa của doanh nghiệp. Hầu như tất cả các quốc gia ở trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa đều gặp khó khăn này. Như trường hợp Thái Lan và Brazil, khi phân tích các hợp đồng và nội dung thương thuyết của các doanh nghiệp ở hai nước này với các đối tác quốc tế năm 1980 thì thấy những tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu là chất lượng/giá, cách thanh toán, thương hiệu của đối tác, thời hạn giao hàng… Không doanh nghiệp nào đã thảo luận về điều kiện tiếp thu công nghệ vì những người lãnh đạo đã không đặt nặng vấn đề kỹ thuật. Hậu quả là các doanh nghiệp không chuẩn bị tốt về nhân lực, tổ chức và kế hoạch để học trong điều kiện tối ưu.


Tiến trình công nghiệp hóa Việt Nam còn ngổn ngang, nhưng việc ưu tiên phải làm là bỏ chiến lược hàng giá rẻ để chuyển qua hàng chất lượng cao với giá cạnh tranh tốt bằng cách liên doanh với các công ty nước ngoài. Chúng ta có điều kiện để thiết lập một sự hợp tác bình đẳng, hai bên đều có lợi: công nghệ hiện đại trao đổi với giá lao động rẻ và thị trường TPP. Nhưng sự trao đổi này chỉ có kết quả dài hạn nếu chúng ta biết thương lượng rõ ràng về những điều kiện chuyển giao công nghệ, chuẩn bị kỹ nhân lực, phương tiện và chương trình làm việc để có khả năng tiếp thu và áp dụng hiệu quả nhất trong những điều kiện và văn hóa Việt Nam.

Những yếu tố cần thiết để thực hiện thành công gồm:

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam phải chọn công nghệ là khí giới cạnh tranh chính, họ phải là động lực của chuyển giao công nghệ;

Thứ hai, Nhà nước hỗ trợ bằng cách đào tạo các chuyên viên kỹ thuật nắm rõ về các phương pháp, quy trình chuyển giao công nghệ. Cụ thể là trong chương trình dạy của các trường đại học Việt Nam cần có những khóa dạy về ngành này, cần thành lập một trung tâm “Chuyển giao công nghệ” để hỗ trợ và trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp hầu gây nên được một môi trường thuận lợi cho tiếp thu.


Nguồn:http://www.thesaigontimes.vn/128098/Chuyen-giao-cong-nghe-duong-tat-xay-dung-cong-nghiep-Viet-Nam.html

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)