CiC 2023: “Sáng tạo số – Chuyển đổi xanh”
Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2023 với chủ đề "Sáng tạo số - Chuyển đổi xanh" đã nhận được 270 ý tưởng, giải pháp sáng tạo/dự án khởi nghiệp từ 150 trường đại học, cao đẳng, trung học ở 42 tỉnh thành, với hơn 800 thí sinh đăng ký tham gia.
Cuộc thi do Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐH Quốc gia TPHCM phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phát động từ tháng 7 và nằm trong chuỗi hệ thống các chương trình khởi nghiệp của ĐH Quốc gia TPHCM.
Vòng chung kết CiC đã diễn ra ngày 25/11, trong khuôn khổ sự kiện TECHFEST – WHISE 2023 tại TPHCM.
CiC 2023 có 2 bảng thi: bảng Học sinh từ lớp 8-12 và bảng Sinh viên (từ năm Nhất đến tốt nghiệp không quá 12 tháng và không quá 23 tuổi – tính đến ngày 16/6). Ngôn ngữ dự thi là tiếng Anh hoặc tiếng Việt (bao gồm tư liệu dự án và thuyết trình). Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký tham gia 1 dự án duy nhất. Thí sinh đã trải qua 5 vòng thi, được trải nghiệm học hỏi, giao lưu, tập huấn với mentor và đội nhóm.
Kết quả chung cuộc, có 2 dự án đoạt giải Nhất, trong đó:
Fitful – Nền tảng cung cấp các bài tập vận động, rèn luyện thể chất tại nhà thông qua gamification để duy trì động lực tập luyện của người dùng (Bảng Học sinh) nhận giải thưởng 20 triệu đồng. Người dùng sẽ lần lượt hoàn thành các bài tập và nhiệm vụ để nhận được phần thưởng (coin) sử dụng các dịch vụ trên ứng dụng hoặc từ đối tác. Động lực của người dùng được duy trì nhờ môi trường cạnh tranh đến từ cộng đồng người tập thể thao trên ứng dụng, báo cáo và đo lường hiệu quả tập luyện để nắm bắt được tiến độ của bản thân, sự thú vị và lôi cuốn từ các thử thách, trò chơi vận động.
Dự án Shoes – Thiết bị hỗ trợ quy trình canh tác sản xuất lúa (Bảng Sinh viên) nhận giải thưởng 50 triệu đồng. Thiết bị dùng để bón phân, phun thuốc di chuyển bằng máng trượt với nhiều chức năng: rải hạt, bón phân, phun thuốc… hoàn toàn tự động. Thiết bị hoạt động dựa trên lực đẩy của động cơ chong chóng, được liên kết và đặt trên hệ thống máng trượt (hệ thống máng này đã được thiết kế không gây tác động đến quá trình sinh trưởng của cây lúa khi di chuyển).
2 đội đoạt giải Nhì, gồm:
Giải thưởng 15 triệu ở Bảng Học sinh thuộc về Dự án HBT – Sử dụng xơ dừa làm vật liệu chính để thực hiện các sản phẩm mỹ thuật.
Ở Bảng Sinh viên, giải thưởng 30 triệu đồng thuộc về Dự án Rebo.edu.vn về phong trào dạy và học đổi mới, nhằm đóng góp cho giáo dục tại Việt Nam và Đông Nam Á. Bằng cách tích hợp công nghệ tiên tiến và trải nghiệm sinh động, dự án tạo ra nội dung hấp dẫn gây hứng thú cho học sinh, giáo viên, trang bị cho người dạy, học kho tàng mô hình 3D và công nghệ thực tế tăng cường (AR), nhằm tạo ra môi trường học tập tương tác vượt trội so với phương pháp truyền thống.
Giải Ba, được trao cho 2 đội, gồm:
Ở Bảng Học sinh, giải thưởng 10 triệu đồng được trao cho Dự án AUXIN – Nguồn nguyên liệu mới từ phế phẩm nông nghiệp. Dự án sử dụng chất AUXIN trong cây dương xỉ, nhằm kích thích sự tăng trưởng của rễ. Khi sử dụng chất này, cây trồng sẽ được kích thích mạnh mẽ sự giãn của tế bào và sự phân chia tế bào thực vật. Ngoài ra, chất AUXIN còn có tác dụng điều chỉnh hướng quang, hướng hóa, hướng địa và hướng thủy. Thêm vào đó, có thể hỗ trợ điều chỉnh sự chín, sự hình thành và sinh trưởng của quả. Dự án đã cho ra được sản phẩm có thể thay thế các loại thuốc kích thích tăng trưởng cho cây trồng, tiết kiệm công sức và giá thành.
Ở Bảng Sinh viên, giải thưởng 15 triệu đồng thuộc về Dự án DNA Corner – tư vấn và đào tạo phát triển cá nhân cho học sinh trung học dựa trên các công cụ và phương pháp tâm lý. Với ba giá trị cốt lõi – tự chủ, chấp nhận và xác thực, dự án tập trung hỗ trợ các cá nhân và tổ chức, giúp họ nhận ra giá trị cá nhân của mình và từ đó từng bước phát triển toàn diện.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao các giải Khuyến khích (5 triệu đồng/giải) cho dự án Independence Mobility – Thiết bị hỗ trợ di chuyển cho bệnh nhân; E-Fairy – “ngón tay giả” (bảng Sinh viên) và 2 dự án ở bảng học sinh, gồm MediCopter – Máy bay không người lái vận chuyển vật tư y tế.
Với chủ đề “Sáng tạo số – Chuyển đổi xanh”, Cuộc thi hướng đến việc khám phá và khai thác tiềm năng của công nghệ số trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi xanh của xã hội. Từ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, IoT, blockchain đến các giải pháp công nghệ khác, các thí sinh được khuyến khích đem đến những ý tưởng sáng tạo, đột phá để góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững quốc gia.
Đỗ Q Ngọc