Cơ chế nào để tin người lạ?

Làm thế nào để chúng ta đưa ra đánh giá ban đầu về việc có nên tin tưởng hợp tác với một người lạ mà trước đó chưa từng gặp bao giờ?

Từ việc bước vào xe taxi hay nhờ một người hành khách lạ trông giữ hộ hành lý để đi mua cốc café, tất cả chúng ta đều có thể tin tưởng vào một người chưa từng quen biết. Giờ đây các nhà nghiên cứu đã tìm ra nguyên lý đằng sau hành động này: chúng ta thường có xu hướng tin tưởng một người lạ nếu như người đó có ngoại hình trông giống như một người mà trước đây bạn đã tin tưởng, và thường nghi ngờ nếu người đó giống như một người trước đây đã từng phản bội bạn. Nghiên cứu này được xuất bản trên tạp chí PNAS[1] của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ.

“Chúng tôi muốn tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra khi bạn tình cờ gặp ai đó lần đầu tiên”, TS. Oriel FeldmanHall, đồng tác giả của nghiên cứu, nhà thần kinh học xã hội của Đại học Brown ở Providence, Rhode Island, Mỹ cho biết. Nhóm nghiên cứu đã yêu cầu 29 người tham gia vào một thử nghiệm: những người chơi được trao một số tiền đầu tư và có quyền lựa chọn giữ lại, đầu tư tất cả hoặc đầu tư một phần số tiền cùng với một trong ba người đàn ông mà họ chưa được gặp bao giờ – nhưng có thể xem bức ảnh của ba người đó. Những người tham gia thử nghiệm đã phát hiện ra rằng trong khi một người chơi rất đáng tin cậy khi thường xuyên chia sẻ lợi nhuận từ khoản đầu tư, một người có mức độ đáng tin vừa phải, người còn lại thì hầu như không chia sẻ lợi nhuận.

Sau đó nhóm nghiên cứu thực hiện một thí nghiệm thứ hai, trong đó những người tham gia tiếp tục được yêu cầu lựa chọn một người đồng hành tham gia một trò chơi mới: có 4 gương mặt hoàn toàn mới, còn 54 bức ảnh còn lại là những hình ảnh được chỉnh sửa lại để cho giống hoặc khác đi so với những người tham gia chơi trong thí nghiệm lần một (nhóm tác giả đảm bảo rằng chúng đủ khác biệt để người chơi không nhận ra những gương mặt đó đã tham gia trong thí nghiệm đầu tiên).

Kết quả thí nghiệm cho thấy, những người chơi thường có khả năng tin tưởng vào những người trông giống khuôn mặt của những người đã tham gia chơi – và đáng tin cậy – trong lần thử nghiệm đầu, và sau đó lựa chọn họ làm đối tác trong thử nghiệm lần thứ hai. Đồng thời, họ không tin tưởng với những người có vẻ ngoài giống như những người không đáng tin cậy trong lần chơi đầu tiên.

FeldmanHall ghi nhận những phát hiện này có những điểm tương tự với nghiên cứu của nhà khoa học Nga, Ivan Petrovich Pavlov, trong đó chú chó đã hình thành phản xạ về mối liên hệ giữa tiếng chuông và bữa ăn. “Nếu Pavlov cũng rung một chiếc chuông có âm thanh tương tự [với tiếng chuông mà con chó đã quen thuộc] thì con chó vẫn tiết nước bọt, có điều nó sẽ tiết nước bọt ít hơn một chút”.

Nhóm của FeldmanHall sau đó tiến hành các thí nghiệm tương tự với 28 tình nguyện viên mới, đồng thời quét não bộ bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Và nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, khi hình ảnh của đối tác trong thí nghiệm thứ hai được điều chỉnh cho giống với những người chơi không đáng tin cậy trong thí nghiệm thứ nhất, thì họ vùng hạch hạnh nhân (amygdala – nơi xử lý cảm xúc của não bộ) của những người tham gia thí nghiệm sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn.

Bảo Như lược dịch

https://www.theguardian.com/science/2018/jan/29/study-reveals-why-we-trust-some-strangers-and-not-others


[1] http://www.pnas.org/content/early/2018/01/26/1715227115

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)