Cô độc khởi nghiệp với thực phẩm sạch

Vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam đem lại nhiều thách thức hơn là cơ hội đối với những người khởi nghiệp về nông nghiệp.


Khu nhà kính trồng cà chua của doanh nghiệp khởi nghiệp Gotula. CEO của Gotula, Trần Thái Dương, từng trả lời báo chí: “Khởi nghiệp trong nông nghiệp cần trường vốn và kiên trì” Ảnh: Gotula

Từ bỏ công việc của một kỹ sư công nghệ thông tin với mức lương 2.500 USD/tháng và công ty riêng thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, Nguyễn Minh Hậu quay trở về bán sầu riêng của cha, ông Sáu Ri, tác giả của giống sầu riêng Ri 6 “cơm vàng hạt lép” nổi tiếng Nam Bộ. Sầu riêng của anh được thu hoạch sau 95-100 ngày từ lúc ra hoa, đảm bảo không phun thuốc trước đó một tháng. Để giữ chữ tín, chỉ khi nào trái sầu riêng chín đều, anh mới dám giao cho khách. Vì trồng và chăm sóc sản phẩm của mình cẩn trọng như vậy nên không ngạc nhiên khi giá sầu riêng Ri 6 của anh đắt gấp ba lần so với sầu riêng bình thường, vốn được thu hoạch khi còn non rồi ngâm hóa chất không rõ nguồn gốc cho chín đồng loạt.
Đầu tháng 10 vừa qua, trong Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao được tổ chức tại Hà Nội, anh Nguyễn Minh Hậu có dịp chia sẻ với công chúng về quá trình chật vật bán sầu riêng của mình vì phải cạnh tranh với sầu riêng nhúng thuốc giá rẻ tràn lan trên thị trường. Ban đầu anh đưa sầu riêng của mình đến hệ thống các siêu thị tại Tp.Hồ Chí Minh nhưng vì giá cao nên khó bán. Khi mở rộng thị trường ra phía Bắc, các thương lái trả giá anh 20 nghìn đồng/kg, tính cả tiền vận chuyển từ phía Nam ra, rẻ “muốn méo mặt”.  Bây giờ, anh chỉ bán cho các đại lý “có tâm”, trân trọng và hiểu giá trị của sầu riêng. Nhưng như vậy đồng nghĩa với việc mở rộng thị trường rất chậm và khó khăn.
Nguyễn Minh Hậu không phải là trường hợp duy nhất ở thế “cô độc” đương đầu với thực phẩm không an toàn tràn lan trên thị trường. Việc quản lý thiếu chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam khiến khởi nghiệp trong nông nghiệp trở nên khó khăn hơn nhiều vì cạnh tranh thiếu công bằng. Những doanh nghiệp khởi nghiệp trong sản xuất phải bỏ ra nhiều hơn những gì họ cần để “chống chọi” với thực phẩm không an toàn và khó nhân rộng mô hình.

Xoay sở để sản xuất ở quy mô nhỏ

Gần đây, nổi lên một thế hệ nông dân kiểu mới, được đào tạo bài bản, có nhiều người đang có thu nhập cao ở các tổ chức lớn, quay trở về làm nông nghiệp với mong muốn thay đổi thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay. Kiên quyết không thỏa hiệp với những bất cập trên thị trường, họ trồng trọt theo các quy chuẩn ngặt nghèo nên số tiền đầu tư ban đầu không hề nhỏ. Người khởi nghiệp phải có vài hecta đất, chưa kể phải tìm kiếm đất ở những nơi có khí hậu phù hợp và không bị ô nhiễm nguồn nước, có thể phải xây dựng nhà kính hoặc nhà lưới, khu sơ chế tốn đến vài tỉ đồng. Ngoài ra, tuân thủ hàng chục các tiêu chí của VietGap, GlobalGap hay hữu cơ chẳng dễ dàng gì và chi phí để thuê chuyên gia đánh giá, cấp chứng nhận theo các chuẩn nước ngoài vô cùng đắt đỏ (đặc biệt là đối với các chuẩn GlobalGap và hữu cơ). Bản thân VinEco, với tiềm lực tài chính hùng mạnh, cũng chia sẻ trong buổi hội thảo “Phát triển thị trường cho gạo Việt sạch và nông sản an toàn hữu cơ” do BSA tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại Hà Nội vừa rồi là họ không thể áp dụng ngay 65 tiêu chuẩn VietGap mà phải tự đặt ra một số tiêu chuẩn dễ hơn.
Hơn nữa, việc tiêu thụ rất khó khăn vì không thể bán một cách rộng rãi trên thị trường mà chỉ khu trú trong các cửa hàng bán lẻ đã ít lại còn “nhập nhèm” tốt xấu lẫn lộn. “Ở thời điểm “tranh tối tranh sáng”, có cửa hàng giữ uy tín bán thực phẩm sạch có nguồn gốc nhưng cũng có cửa hàng vì lợi nhuận mà bán cả những sản phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc lấy hàng từ chợ đầu mối… Khách hàng cũng từ đó mất thêm niềm tin với những cửa hàng này. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng chưa thể kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của các cửa hàng thực phẩm sạch – nông sản sạch” –  chị Hoàng Thanh Mai, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Mai Organic và một trang trại rau khoảng 6 ha ở Huế cho biết. Ngoài các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị cũng là một cửa tiêu thụ nhưng sản phẩm của những nhà khởi nghiệp rất dễ bị từ chối vì không đủ sản lượng cung cấp. Trường hợp của Võ Văn Tiếng – chủ thương hiệu gạo Tâm Việt ở Đồng Tháp, là một ví dụ. Với sản lượng gạo trồng theo hướng hữu cơ khoảng 5 tấn/ha trên 20ha của bố mẹ anh và một năm hai vụ không thể đáp ứng được điều kiện của một hệ thống siêu thị là 200 tấn/tháng1.

Việc quản lý an toàn thực phẩm của Việt Nam không tốt đặt ra nhiều thách thức hơn là cơ hội đối với những người khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông sản an toàn. Từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ đều phải chi trả một kinh phí lớn cho marketing nhằm tạo lòng tin của người dùng vốn đang rơi vào giai đoạn khủng khoảng trong điều kiện hiện nay. “Chấp nhận có thực phẩm không an toàn trên thị trường đương nhiên là mình phải bỏ ra chi phí marketing nhiều hơn, phải giáo dục thị trường liên tục, không ngừng nghỉ” – TS. Nguyễn Bá Hùng, chủ thương hiệu Đà Lạt Organik, được biết đến như người đầu tiên trồng rau hữu cơ tại Việt Nam, chia sẻ. Chính vì vậy, giá thành sản phẩm vốn cao do nguồn đầu vào của các đơn vị sản xuất đã lớn (vì chỉ sản xuất trên một diện tích nhỏ với các quy định nghiêm ngặt) và chi phí cho các cửa hàng bán lẻ, giờ lại càng lớn hơn. Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu thị trường Frost & Sulivan, người dùng chỉ sẵn sàng chi trả cho sản phẩm sạch đắt hơn 12% sản phẩm thông thường.
Vì những lý do trên, mặc dù nhu cầu tiêu thụ rau ở Hà Nội hiện nay là 3.200 tấn nhưng lượng rau tiêu thụ ở các cửa hàng thực phẩm chiếm chưa đầy 1% thị phần2.

Chật vật mở rộng quy mô

Vấn đề mở rộng sản xuất và điểm bán là điều tất yếu với những người khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giảm giá thành và mở rộng số người tiêu dùng. “Đối với sản xuất nông nghiệp sạch, chi phí đầu tư thường lớn hơn sản xuất thông thường nhưng sản lượng không cao. Nếu duy trì giá bán cao để đạt doanh thu lớn thì chỉ tiếp cận được một nhóm khách hàng hạn chế (thu nhập cao), trong khi nhu cầu của khách hàng tiềm năng về thực phẩm sạch thì nhiều” – chị Hoàng Thanh Mai chia sẻ với phóng viên Tia Sáng.
Có hai cách mở rộng: Thứ nhất, tự tìm đất mở rộng vùng nguyên liệu và thứ hai là liên kết với các nhóm nông dân và hợp tác xã. Tuy nhiên, dường như cả hai cách chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đủ mạnh để triển khai hàng loạt các công đoạn tốn kém như tổ chức các hộ nông dân đơn lẻ quen lối canh tác cũ, hỗ trợ về cơ sở vật chất, đào tạo kỹ năng và có một đội ngũ kỹ sư giám sát việc canh tác đúng quy chuẩn, xây dựng kho bãi và các khu sơ chế… Chẳng hạn, trong chương trình “đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sức mạnh nông sản Việt”, Vingroup đầu tư tới 300 tỷ đồng cho 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân và 50 tỷ đồng để kiểm soát chất lượng nhằm xây dựng vùng nguyên liệu cho VinEco.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam (vài triệu hecta so với vài trăm triệu hecta). Còn lại chủ yếu là những hộ nông dân nhỏ lẻ. Chính vì vậy, sự nổi lên của thế hệ khởi nghiệp và sự thay đổi phương thức tổ chức sản xuất là cần thiết, vì nó tạo ra một lớp nông dân mới có kiến thức, nhạy bén với đổi mới công nghệ và đồng thời tạo cơ hội để các startup công nghệ trong nông nghiệp ra đời. Chẳng hạn, Startup MimosaTEK với giải pháp IoT (internet của vạn vật) –  có thể lắng nghe các thông số của cây (độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng…) để từ đó tưới nước tự động với một lượng phù hợp. Nhưng ý nghĩa của giải pháp IoT không chỉ nằm ở việc tưới nước mà ở dữ liệu hệ thống này thu thập từ cây trồng và gửi về cho người sản xuất. “Sau ba năm, những số liệu này có thể dự báo được tình hình sâu bệnh, tình hình phát triển của cây trồng. Nó rất quý nhưng chỉ có người có kiến thức sâu về nông nghiệp mới có thể sử dụng được” – TS. Nguyễn Bá Hùng nói. IoT không chỉ là cách Việt Nam có thể áp dụng nông nghiệp chính xác mà không cần hệ thống vệ tinh và sự sẵn sàng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật như ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, nhờ vào dữ liệu do hệ thống IoT thu về, nền nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi câu hỏi quanh quẩn trồng cây gì, nuôi con gì.
Vậy rốt cuộc, làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp vốn ít, nhưng vẫn mở rộng được quy mô và giảm thiểu rủi ro trong việc áp dụng đổi mới sáng tạo? Có thể tham khảo cách thức của các cơ sở phân phối thực phẩm chẳng hạn như Bác Tôm và Tâm Đạt. Họ liên kết với các nhóm nông dân trong hệ thống PGS – hệ thống đảm bảo cùng tham gia trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ do Liên đoàn phong trào hữu cơ thế giới (IFOAM) công nhận. Hệ thống PGS tổ chức và liên kết các hộ nông dân nhỏ thành các nhóm sản xuất với các bên liên quan để cùng chia sẻ rủi ro nhưng đồng thời tự giám sát và kiểm tra lẫn nhau, giảm thiểu tối đa các nguy cơ đưa sản phẩm không an toàn đến tay người tiêu dùng. Việc vận hành PGS dựa trên chia sẻ nguồn lực và rủi ro giữa các bên tham gia nên chi phí bỏ ra giữa các bên là nhỏ.

Môi trường kinh doanh tốt bắt đầu từ kiểm soát an toàn thực phẩm

Bắt đầu từ Thanh Xuân, Sóc Sơn và Lương Sơn, Hòa Bình rồi đến Trác Văn, Hà Nam, PGS sau đó được Hội An và Bến Tre áp dụng. Tuy nhiên, khi phóng viên Tia Sáng hỏi về khả năng mở rộng của PGS tại Việt Nam, chị Từ Thị Tuyết Nhung, đại diện PGS Việt Nam, cho biết, khó khăn nằm ở việc PGS hiện chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận chính thức (mặc dù họ ghi nhận những thành quả mà PGS đạt được). PGS thực chất là cách tổ chức giám sát có sự tham gia của cộng đồng. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Tổng giám đốc công ty truy xuất nguồn gốc TraceVerified, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản từng phụ trách về kiểm định chất lượng và an toàn thực phẩm, chia sẻ với phóng viên Tia Sáng, tổ chức cộng đồng, thực chất chính là tổ chức sản xuất theo chuỗi phù hợp với ngành nông nghiệp hiện đại, cũng là một cách để quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng dường như chính quyền đang coi nhẹ vai trò của công tác này.
“Quan điểm của tôi không phải là Nhà nước kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm nữa. Vấn đề ở đây là Nhà nước định hướng, hỗ trợ những cơ sở sản xuất trong việc cùng với họ giám sát chất lượng sản xuất. Hiện nay giám sát các hộ nông dân sản xuất nhỏ gần như bỏ ngỏ. Những vụ việc vi phạm bị phát giác thường không có rõ ràng trong việc thưởng phạt nghiêm minh. Mặc dù chính phủ hỗ trợ nông dân rất nhiều trong chương trình VietGap, nhưng tại sao người tiêu dùng vẫn không tin dùng? Đừng đổ lỗi tất cả cho các cơ quan chuyên môn của nhà nước trong khi họ có quá nhiều việc phải làm. Tại sao không xã hội hóa việc giám sát đấy?” – chị Từ Thị Tuyết Nhung nói. Với PGS, trước hết nông dân trong hệ thống phải tự giám sát nhau và nhắc nhở nhau thực hiện tốt các quy định. Ai cố tình không tuân thủ sẽ bị loại trừ khỏi hệ thống.
Đồng tình với chị Nhung, bà Hồng Minh cũng công nhận rằng, quan điểm của Nhà nước hiện nay là đặt nặng về kiểm tra, giám sát theo đợt, theo chỉ tiêu, với rất nhiều thủ tục và tầng nấc quản lý chứ không lấy doanh nghiệp làm vai trò trung tâm. Bà gợi ý, bên cạnh việc yêu cầu áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất như VietGap và truy xuất nguồn gốc, còn cần bắt buộc áp dụng hệ thống HACCP (Hệ thống phân tích mối nguy hiểm và các điểm kiểm soát tới hạn) cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Hệ thống này đang được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ trình bày báo cáo, đánh giá các mối nguy về an toàn thực phẩm và biện pháp khắc phục gửi các cơ quan có thẩm quyền. Việc theo dõi, kiểm tra giám sát của cơ quan có thẩm quyền chỉ cần thông qua các báo cáo định kỳ của cơ sở và khi cần thiết mới cử người đến kiểm tra cơ sở sản xuất. Điều này giúp giảm thiểu việc kiểm tra, xét nghiệm mẫu sản phẩm. HACCP đã được áp dụng thành công trong việc xuất khẩu nông và thủy sản của Việt Nam mà theo bà Hồng Minh, biến những nhà máy chế biến thủy sản điều kiện vệ sinh vô cùng thấp trong 10 năm thành những “công viên cây xanh”.
“Mình vẫn chấp nhận trên thị trường có các sản phẩm bẩn nhưng nó cần phải được lấn át bởi thực phẩm sạch và điều đấy cần Nhà nước thúc đẩy sản xuất sạch và an toàn. Như vậy thì sản phẩm mới có thể rẻ hơn và đến được nhiều người hơn” – TS. Nguyễn Bá Hùng nói.
———-
1 http://www.tienphong.vn/kinh-te/chang-nong-dan-loay-hoay-lam-nong-nghiep-sach-929376.tpo
2 http://www.vietnamplus.vn/san-luong-rau-xanh-cua-thu-do-ha-noi-chi-dap-ung-60-nhu-cau/331413.vnp.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)