Có phải chỉ là do năng suất lao động thấp?
Năng suất lao động không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta thấp và nâng cao năng suất lao động không nhất thiết phải là mục tiêu cho mọi giai đoạn phát triển của nền kinh tế, nhất là trong những giai đoạn chuyển đổi phương thức tăng trưởng chú trọng chất lượng, tính bền vững và chuyển đổi cơ cấu công nghệ, cơ cấu ngành của nền kinh tế sang các ngành có triển vọng tăng trưởng cao trong dài hạn.
Hiện nay lợi thế chủ yếu ở mức độ đáp ứng đúng thời điểm và các đặc tính riêng có của sản phẩm. Ảnh: cafef.vn
Trong những năm gần đây, trong quá trình truy xuất nguyên nhân nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng thiếu ổn định và có xu hướng giảm dần 1, nhiều ý kiến cho rằng “năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore 15 lần; thấp hơn Nhật Bản 11 lần; thấp hơn Hàn Quốc 10 lần; chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan” 2. Từ đó dẫn đến chỗ dường như coi năng suất lao động là mục tiêu của một số đề án lớn như Đề án “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Như ta đã biết, năng suất lao động theo như cách tính đưa ra các số liệu trên được tính bằng cách chia GDP cho số dân trong độ tuổi lao động. Nếu vậy, vấn đề đặt ra là liệu có phải tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thấp và giảm dần chỉ là do năng suất lao động thấp hay không và nâng cao năng suất lao động có nên và có phải là mục tiêu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới?
Theo chúng tôi, năng suất lao động không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta thấp và nâng cao năng suất lao động không nhất thiết phải là mục tiêu cho mọi giai đoạn phát triển của nền kinh tế, nhất là trong những giai đoạn chuyển đổi phương thức tăng trưởng chú trọng chất lượng, tính bền vững và chuyển đổi cơ cấu công nghệ, cơ cấu ngành của nền kinh tế sang các ngành có triển vọng tăng trưởng cao trong dài hạn.
Trong một chu kỳ phát triển triển kinh tế, khi nền kinh tế chuyển đổi từ phát triển thâm dụng lao động sang tham dụng vốn hoặc dựa nhiều vào năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) sẽ kéo theo sự thay đổi tất yếu của năng suất lao động xã hội. Khi đó năng suất lao động là kết quả của mô hình tăng trưởng đang áp dụng và là hệ quả của việc chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng này sang mô hình tăng trưởng khác, mà không nhất thiết là nguyên nhân. Thêm vào đó, bản thân chỉ tiêu năng suất lao động chỉ là biểu hiện về mặt lượng của một quá trình kinh tế, không trực tiếp phản ánh mặt chất lượng của quá trình này thí dụ như tiềm năng tăng trưởng trong tương lai dài hạn và tính bền vững của tăng trưởng. Trong khi đó, bên cạnh mục tiêu tốc độ tăng trưởng và các mục tiêu định lượng khác, nền kinh tế Việt Nam còn phải đáp ứng các mục tiêu chất lượng tăng trưởng quan trọng không kém nếu không muốn nói là quan trọng hơn như là hiệu quả, tính bền vững và tăng trưởng bao trùm (inclusive growth).
Thế giới những năm gần đây đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển từ phương thức sản xuất hàng loạt, quy mô lớn sang sản xuất loạt nhỏ theo nhu cầu đơn lẻ của khách hàng nhờ áp dụng các công nghệ mới như in 3D, sử dụng các Big Data (cơ sở dữ liệu lớn). Phương thức sản xuất mới này sẽ làm cho hiệu ứng về quy mô (economics of scale) không còn là lợi thế của các nhà sản xuất. Lợi thế không còn nằm ở số lượng hàng hóa và giá trị của sản phẩm mà chủ yếu ở mức độ đáp ứng đúng thời điểm và các đặc tính riêng có của sản phẩm, nói cách khác không bị quyết định bởi năng suất theo nghĩa truyền thống vẫn hiểu lâu nay nữa. Ở một cách nhìn khác, một số học giả Mỹ được trích dẫn cũng nhận định thế giới đang bắt đầu kỷ nguyên của xã hội hậu khoa học, theo đó, “Trong một xã hội hậu khoa học, của cải và việc làm… bị quyết định nhiều hơn bởi khả năng đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ đặc biệt được thiêt kế theo thị hiếu của cá nhân người tiêu dùng hơn là những sản phẩm có chi phí thấp và công nghệ hoàn toàn mới… Chiến lược đó đòi hỏi một mạng lưới kết nối những cá nhân có năng lực sáng tạo cao và sự cộng tác giữa các công ty để tạo ra những hệ thống mới khả dĩ có thể đáp ứng được những nhu cầu đa dạng và mới mẻ của người tiêu dùng một cách kịp thời”3. Để chuyển sang một xã hội, một nền kinh tế theo phương thức sản xuất tất yếu đó, đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải trải qua những thời kỳ chuyển đổi về mô hình, về cơ cấu với những giai đoạn tạm thời có năng suất lao động không cao do độ trễ về khả năng đào tạo lại lực lượng lao động và những khoản đầu tư chưa thể tạo ra hiệu quả trong ngắn hạn.
Tóm lại, để bảo đảm cho nền kinh tế Việt Nam một tương lai phát triển bền vững, hiệu quả bao trùm, cần có cái nhìn dài hạn, tổng thể và phù hợp hơn với xu thế phát triển khách quan của thế giới đối với vấn đề tăng năng suất lao động, mặt khác cần chú trọng đầu tư cho đổi mới công nghệ tạo tiềm năng tăng trưởng dài hạn cho nền kinh tế.
—
Chú thích:
1. Theo các số liệu chính thức, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giảm dần qua các giai đoạn: 1990-2000: 7,6%; 2001-2010: 6,8%; 2010-2015:5,8% (Số liệu của Bộ KH-ĐT)
2. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
3. Nguyễn Mạnh Quân (2010), Tạp chí Tia sáng và Vietsciences: “Xã hội hậu khoa học và những gợi suy cho Việt Nam”, 10/2010.