Cơn đau đẻ của một trật tự mới

Mỹ đã thua trong chiến tranh Iraq ngay từ khi tiếng súng đầu tiên chưa nổ... Tạp chí Mỹ The Real Truth 21-03-2007 (Sự thật thật) bình luận như vậy. Có học giả còn đem so sánh thảm bại này với phương châm của Tôn Tử không đánh mà thắng mới gọi là chiến lược để nhắc nhở sự lãng quên của Mỹ đối với những bài học đã có từ trước. Còn Pierre Hassner cho rằng nền chính trị toàn cầu hầu như chưa bao giờ được chứng kiến sự kiêu ngạo của khoảnh khắc độc tôn thế siêu cường trở thành sự bẽ bàng của thất bại nhanh chóng đến như vậy... Vậy giờ “cáo chung của thời đại Mỹ” đã điểm?

Nghĩ về sự cáo chung này trong hiện tại là sự lãng phí, thậm chí có thể là sự xa xỉ chết người. Chí ít này không kém phần hão huyền như mơ tưởng về sự cáo chung của lịch sử. Cũng như là… một thời đã được nói rất nhiều về sự giãy chết của chủ nghĩa đế quốc mà mãi nó không chết. Nó giãy để biến hóa tiếp thì đúng – như con rắn lột xác để tiến hóa! Nói lên điều này trước hết là để cho các nước nghèo yếu đừng lúc nào cũng mơ hồ về quyền lực của các đại gia, dù là đại gia nào.
 

Mỹ còn là siêu cường không có đối thủ cùng mâm cùng chiếu theo cái thế lưỡng cực trong vài ba thập kỷ tới. Sức mạnh vật chất, kỹ thuật, văn hóa, sức mạnh của thế và lực với cái kho vũ khí hơn 3000 tỷ USD cho phép Mỹ còn ngồi một mình một chiếu như thế. Còn một lý do quan trọng nữa, thậm chí có thể có là lý do quan trọng hàng đầu – mà ở điểm này có nhiều người không thích liên hệ đến Karl Marx -: Với tất cả những cái hay, dở mang trong bản thân nó, Mỹ vẫn đang phát triển theo xu thế vận động của thế giới, giữ vai trò chi phối khá lớn sự vận động của thế giới, kể cả dưới góc nhìn đơn giản và có phần thô thiển về sự phát triển lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
– Nếu thế có thể rút ra những điều gì?
– Nhiều lắm. Song có ít nhất hai điều nên ngẫm nghĩ.
Một là: Thế giới từ trật tự sau chiến tranh lạnh đang từng bước trên đường chuyển sang thế giới đa cực, “xẹt” qua bước đi quá độ là cái trật tự một siêu đa cường hiện thời. Bước đi quá độ này đã làm sa sút một phần thế và lực của Mỹ so với trước khi tiến hành chiến tranh Iraq.
Nói là “xẹt” qua, vì sự việc diễn ra nhanh lắm, Mỹ chưa kịp nhâm nhi cái thế độc tôn kiêu ngạo – nói theo Hassner – thì đã sa lầy và coi như thua ở Iraq, tiêu hao mất nhiều “chiến lợi phẩm” tích tụ được qua những cuộc thập tự chinh trước đó. Với cái cùm Iraq ở dưới chân, cái uy và sự hấp dẫn của Mỹ giảm xuống thấp nhất kể từ sau chiến tranh thế giới II – có thể đo được bằng cái tâm lý chống Mỹ tràn lan nhiều nơi trên thế giới. Vào thời điểm hiện nay, khả năng dễ bị chấn thương cũng ở mức cao nhất đối với Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới II. Trong khi đó đối thủ chiến lược hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc và Nga đang dần dần xuất hiện trở lại trên chính trường quốc tế với thế ngày càng mạnh.
Đặc biệt là Trung Quốc giành được nhiều nhất những lợi thế mới về kinh tế, chính trị, quân sự trong bối cảnh quốc tế hiện tại. Nền kinh tế khổng lồ của nó giữ tốc độ tăng trưởng năng động nhất thế giới hàng thập kỷ nay. Hàng hóa rẻ của “công xưởng thế giới” Trung Quốc tràn ngập khắp nơi, quỹ dự trữ ngoại tệ vượt qua cái ngưỡng 1000 tỷ USD, công nghiệp vũ trụ phát triển song song với xây dựng ráo riết hải quân nước xanh (blue marine – bao gồm cả tàu ngầm năng lượng hạt nhân và hàng không mẫu hạm) để vươn xa ra đại dương. Tư bản (vốn) Trung Quốc có mặt tại cả 5 châu lục để kiếm tài nguyên các loại cho một nền kinh tế vào khoảng năm 2020 sẽ phụ thuộc tới 60 – 80% vào nhập nhiên liệu từ bên ngoài – nghĩa là chỉ đứng sau Mỹ. Trung Quốc bắt đầu nói “không” với Mỹ trên không ít những vấn đề song phương và đa phương, – ví dụ vấn đề xuất khẩu, tỷ giá đồng Nhân dân tệ, vấn đề Đài Loan; bắt đầu có loại vấn đề Mỹ không thể giải quyết được nếu không cùng bắt tay với Trung Quốc, tiêu biểu là vấn đề năng lượng hạt nhân của Bắc Triều Tiên… Và đặc biệt, Trung Quốc đã tạo ra cho mình được cái thế vấn đề nào chưa đủ sức thì đối mặt tay đôi với Mỹ thì bắt tay với Nga, với các đối thủ khác của Mỹ – kể cả trong thế giới thứ 3…
Nói một cách khái quát: Trung Quốc đã ra khỏi thời kỳ giấu mặt, dần dần xuất hiện công khai là đối thủ chiến lược của Mỹ, trong khi vẫn duy trì vai trò đối tác chiến lược của Mỹ. Cuộc sống không có vùng trống: Cái uy và ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á hầu như đang ở trạng thái đông lạnh, trong khi đó cái của Trung Quốc đang trên đường trở thành xu thế ngự trị.
Còn nói theo ngôn ngữ giang hồ: Trung Quốc là nước vớ bở nhất trong thế giới hiện tại!
Trong mối tương quan giữa các đối thủ chiến lược với nhau, còn phải kể đến tình hình Mỹ đang tiếp tục gặp thêm nhiều khó khăn mới – ví dụ vấn đề Iran, sự mong manh ngày càng gia tăng của tình hình Afghanistan, đồng minh của Mỹ Pervez Musharraf ở Pakistan đang gặp nhiều khó khăn mới (nội trị nước này đang có nhiều mất ổn định mới), việc chống Al Qeda còn xa vời mục tiêu mong muốn, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân có nguy cơ vượt ra ngoài vòng kiểm soát, sự phân hóa không có lợi cho Mỹ ngày càng lớn hơn trong hàng ngũ các nước Ả Rập… Gần đây nhất là lực lượng Hamas chiếm dải đất phía Tây Gaza, làm cho kế hoạch 2 nhà nước Palestine và Do Thái cùng tồn tại đứng trước nguy cơ sụp đổ, mất ổn định ở toàn vùng Trung Đông gia tăng. Mặt khác, các đồng minh chiến lược của Mỹ (Nhật, EU…) đã cho thấy những giới hạn không thể vượt qua trong liên minh với Mỹ.
 Bước “quá độ” từ sau chiến tranh lạnh đến nay không ít máu và nước mắt. Cái hệ quả tổng hợp  nhất của tình hình đang diễn ra là: Trên thế giới xuất hiện những bất ổn định mới liên quan đến mọi quốc gia. Tuỳ nội dung vấn đề, tuỳ vị trí địa lý, tuỳ thời điểm, những bất ổn định mới này có thể là “vẫn trong phạm vi an toàn” đối với nước này, song lại có thể là nhạy cảm chết người đối  với nước khác –  đây là điều phải coi chừng, mặc dù cái xu thế chung của hòa bình ổn định trên thế giới – với nghĩa là không có đại chiến – hiện tại vẫn tiếp tục con đường của nó.
Hai là: Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết vẫn là điều muôn thuở?
Đó là quy luật muôn đời, nếu ruồi muỗi không biết lánh xa những con vật khổng lồ, kể cả khi chúng ái ân với nhau.
Câu chuyện đời thật trước mắt chúng ta là: Trong cái trò chơi tổng số bằng không (zero sum game) giữa những quyền lực khổng lồ, thường là những nước nghèo yếu bên thứ ba lãnh đủ mọi hệ quả.
Ví dụ:
Chuyện nhỏ nhất: Hiện nay Mỹ đang muốn áp dụng những biện pháp ngặt nghèo hơn để xiết lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu được thực hiện, chắc chắn những biện pháp này cũng tác động đến hàng nhập khẩu từ các nước thứ ba.
Chuyện lớn hơn: Buồn của quyền lực Mỹ là vui của Trung Quốc và ngược lại. Yếu chỗ này của quyền lực Mỹ là mạnh lên của Trung Quốc và ngược lại. Mạnh lên của quyền lực Mỹ ở chỗ kia là yếu của Trung Quốc và ngược lại. Được lòng quyền lực Mỹ là mất lòng với Trung Quốc và ngược lại…
Tính thời sự của câu chuyện là hai con vật khổng lồ này đang trên đường đi dần từ trạng thái ve vãn nhau sang trạng thái vừa ve vãn, vừa gằm ghè nhau.
Tình hình bức xúc đến mức khi Trung Quốc ra sách trắng 12-2006 về chính sách quốc phòng của mình để phân bua, trên thế giới nhao nhao bao câu hỏi lo lắng, nhất là từ các nước trong khu vực.
Về phần Mỹ, nguyên phó đô đốc hải quân Mỹ Eric A. McVadon cho rằng chỉ có thể giải thích chính sách vũ trang hiện nay của Trung Quốc là nuôi dưỡng ý đồ lâu dài đuổi Mỹ khỏi Bắc Á. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert M. Gates trong hội nghị các bộ trưởng quốc phòng với một số nước trong khu vực ngày 1-06-2007 tại Singapore đặt câu hỏi: Ai đe dọa Trung Quốc mà phải đẩy mạnh vũ trang đến như vậy? Khác với thái độ gay gắt của Don Rumsfeld – người tiền nhiệm của mình, tại đây R. M. Gates nêu vấn đề sẵn sàng tìm kiếm hợp tác xây dựng với Trung Quốc, mặc dù không giấu giếm ý đồ kiềm chế đối thủ của mình.
Trong giới nghiên cứu chiến lược Mỹ người ta đã bàn với nhau về giới hạn cuối cùng Mỹ có thể chấp nhận ở khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á: Giữ nguyên cam kết liên minh quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc, không để Trung Quốc chiếm Đài Loan bằng vũ lực, đảm bảo sự giao thông thông suốt tuyến hàng hải Malacca… và… hết? – hay là để ngỏ những thứ khác?
– Không biết. Không thấy họ nói thêm gì nữa.
Còn phải suy ngẫm thêm tính toán nói trên của giới chiến lược Mỹ có gì ẩn náu bên trong nữa không. Một sự kiện cũ trở lại trong trí nhớ: Sau nhiều lần trong suốt thời gian 1995 – 1998 hải quân Trung Quốc áp đảo hải quân Philippines, cuối cùng đã dẫn tới hợp tác Trung Quốc – Philippines cùng thăm dò chung khu vực Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa. Mỹ khoanh tay đứng nhìn, các nước ASEAN im lặng.
Sau đó Việt Nam cũng tham gia hợp tác thăm dò chung này, làm cho nó trở thành hợp tác 3 bên.
Trở lại hệ quả của zero sum game đối với các nước bên thứ ba: Thế giới lồi lõm khác nhau, nên như đã nói trên, những hệ quả cũng tuỳ nơi chốn, tuỳ thời điểm và tuỳ nội dung mà có tác động khác nhau đối với mỗi nước bên thứ ba. Cùng một hệ quả ấy, đối với nước bên thứ ba này là “sống được”, đối với nước bên thứ ba kia là “tai họa chết người”. Cái bất biến ứng vạn biến cho nước bên thứ ba vẫn là: sức mạnh tự thân bên trong, sự ứng xử thông minh với bên ngoài và ý chí vươn lên – tất cả với điều kiện cùng đi với xu thế chung của cả thế giới.
Trên thế giới chí ít là từ vài thế kỷ nay có không ít những ví dụ khẳng định cái bất biến ứng vạn biến này. Cái gì đã giữ cho những nước nhỏ xíu như Thuỵ Sỹ, Luxemburg, Monaco… bình yên trước những hùm những sói ở châu Âu trong 2 thế kỷ trước? Tại sao Singapore chỉ là một thành phố lớn mà lại hầu như không có nguy cơ bị những nước lớn bao quanh nuốt chửng? Cũng lịch sử những người tý hon này cho thấy họ không những tồn tại mà còn luôn luôn phát triển trong mọi tình huống mà loài người đã chứng kiến trong suốt 2 thế kỷ vừa qua. Họ có cái bí quyết: Làm chủ cái trật tự của sự hỗn mang trên thế giới thời nào cũng có để phát triển.
Phải, sự quá độ từ trật tự chiến tranh lạnh sang thế giới đa cực đang trải qua cơn đau đẻ đầy máu và nước mắt. Song tự than vãn với mình hay oán trách ông trời về cơn đau đẻ này hoàn toàn không giúp ích gì cho bất kỳ nước bên thứ ba nào. Còn muốn mình là mình đứng trên trái đất này thì chỉ có mỗi con đường tìm cách làm chủ cái trật tự của sự hỗn mang đang diễn ra trong thế giới quanh ta. Cái chân lý đơn giản này là điều các nước bên thứ ba, trong đó có Việt Nam ta, nên coi là lẽ sống để sống được trong thế giới hôm nay./.

———
CHÚ THÍCH ẢNH:
-anh1: Không chú
-anh2: Vậy giờ “cáo chung chung của thời đại Mỹ” đã điểm?
 -anh3: Với cái cùm Iraq ở dưới chân, cái uy và sự hấp dẫn của Mỹ giảm xuống thấp nhất kể từ sau chiến tranh thế giới II

Kim Cúc

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)