“Cơn gió mát” mới của đầu tư nước ngoài?
Những động thái liên tiếp gần đây cho thấy đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2006. Những lĩnh vực dự đoán sẽ thu hút nhiều FDI nhất sẽ là công nghệ cao, công nghệ thông tin và dịch vụ. Nhưng liệu Việt Nam sẽ tận dụng được tối đa luồng đầu tư mới này mà không bỏ lỡ những cơ hội “trời cho” như đã từng xảy ra trong quá khứ?
Xu hướng tăng trưởng FDI trở lại trên toàn cầu kể từ năm 2004 sau 3 năm liền suy giảm liên tục cùng với việc dòng đầu tư đang chảy mạnh vào các nước phát triển sẽ là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam một lần nữa khẳng định tên mình trên bản đồ đầu tư của thế giới. Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới 2005 (World Invesment Report) mới được Diễn đàn về Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCTAD) công bố vào tháng 9 vừa qua, tổng mức đầu tư FDI của toàn thế giới đã tăng khoảng 2% trong năm 2004 so với năm trước đó. Dòng đầu tư chảy vào các nước đang phát triển đã tăng 40%, đạt 233 tỉ đô la trong khi đầu tư vào các nước phát triển lại giảm 14%.
Các doanh nghiệp lớn của thế giới đang chuyển nhiều hoạt động R&D của họ ra nước ngoài và một điểm đến được ưa thích nhất chính là Châu Á trong đó Việt Nam là một trong những ứng cử viên tiềm tàng. |
Báo cáo Đầu tư của Thế giới năm nay tập trung chủ đề nghiên cứu vào lĩnh vực các tập đoàn xuyên quốc gia (transnational corporations) và việc quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu và phát triển (Internationalization of R&D). Theo đó cho thấy khả năng tích cực đổi mới công nghệ của một đất nước chính là sức thu hút đầu tư R&D đối với các tập đoàn xuyên quốc gia và là cơ hội để đất nước đó thụ hưởng thành quả của chính các đầu tư R&D này. Các tập đoàn xuyên quốc gia hiện là những đơn vị đóng vai trò chi phối trong nghiên cứu và phát triển toàn cầu. Trong 677 tỉ đô la đầu tư cho R&D trên toàn thế giới của năm 2002, các tập đoàn này chi khoảng một nửa. Riêng trong hoạt động R&D của lĩnh vực thương mại, chi phí của các tập đoàn này còn lớn hơn, chiếm 2/3 tổng số chi của toàn thế giới. Trong năm 2003, mức chi cho R&D của mỗi tập đoàn lớn trong số Ford, Plizer, DamslerChryler, Siemens, Toyota và General Motor đều vượt quá 5 tỉ đô la Mỹ. Mức chi lớn tương tự như thế này chỉ được ghi nhận ở một số ở các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Braxin.
Điều thú vị, theo báo cáo của UNCTAD, là các doanh nghiệp lớn của thế giới đang chuyển nhiều hoạt động R&D của họ ra nước ngoài và một điểm đến được ưa thích nhất chính là Châu Á. Một số quốc gia thành công nhất trong lĩnh vực thu hút các đầu tư R&D của các tập đoàn xuyên quốc gia có thể kể đến là Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Singapore. Việt Nam cũng là trong số các ứng cử viên tiềm tàng cho các đầu tư R&D của các tập đoàn đa quốc gia nhưng vẫn có vị trí đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đài Loan…
Sau chuyến thăm mới đây của đoàn xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Nhật Bản diễn ra trung tuần tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Võ Hồng Phúc tuyên bố với báo giới rằng: “Phía Nhật đã thể hiện quyết tâm tạo ra “một làn sóng mới” về đầu tư vào Việt Nam”. Ông Oka Motoyuki, Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật-Việt thuộc Nippon Keidanren (Liên hiệp các tổ chức kinh tế Nhật Bản) cũng từng phát biểu: “Chưa bao giờ ở Nhật Bản, sự quan tâm tới Việt Nam lại nóng như hiện nay”. Các tập đoàn lớn hiện đang quan tâm tới việc chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam nằm trong đủ các lĩnh vực, trong đó chủ yếu là công nghệ thông tin, công nghệ cao và dịch vụ (tài chính, bảo hiểm, ngân hàng…) với các tên tuổi như NEC, Matshushita, Canon, Toshiba, Mitsui và Sumitomo…
Lễ trao giải cho các Giám đốc Công nghệ thông tin-CIO xuất sắc nhất tại Việt Nam của tập đoàn IDG trong đó có không ít đại diện của các công ty nước ngoài ở Việt Nam. Ảnh: Thời Đại
|
Trong báo cáo của UNCTAD cũng cho thấy xu hướng đầu tư R&D ra nước ngoài hiện khá mạnh tại các công ty có trụ sở ở Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, những nơi thường không có tập quán quốc tế hoá các hoạt động R&D. 9 trong số 10 công ty Nhật được thăm dò cho biết họ có kế hoạch tăng các chi phí cho R&D ở nước ngoài trong khi chỉ có 61% các công ty ở Châu Âu có cùng ý định.
Một động thái khác là trong buổi trao đổi với báo giới diễn ra trưa 18/11 vừa qua, Thứ trưởng Thương mại Mỹ David A.Sampson cũng cho biết càng ngày càng có nhiều các công ty của Mỹ muốn tới làm ăn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, điều mà giới chuyên gia đang đặt câu hỏi là liệu Việt Nam có thực sự tận dụng và tận dụng triệt để các cơ hội thuận lợi đang nằm ở phía trước hay không?
Những trở ngại vẫn còn
Để thu hút được những “con cá mập” trong giới đầu tư nước ngoài, cụ thể là các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia, Việt Nam dường như vẫn còn khá nhiều việc phải làm.
Trong số các địa điểm (các nước) có triển vọng hấp dẫn nhất đối với hoạt động đầu tư R&D của các tập đoàn đa quốc gia giai đoạn 2005-2009, Việt Nam tuy đứng ở top 20 của thế giới (thứ 18) nhưng lại chỉ được có 1,5% các tổ chức được UNCTAD khảo sát đề cập tới. Trong khi đó, con số này của Trung Quốc, nước có triển vọng số 1 thế giới là 61,8%. |
Một trong những lý do chủ yếu mà các tập đoàn xuyên quốc gia còn ngần ngại khi đầu tư các hoạt động R&D vào Việt Nam là cơ sở hạ tầng dành cho nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện vẫn còn khá nghèo nàn, Hệ thống đổi mới quốc gia (NIS) vẫn chưa được đưa vào hoạt động và tốc độ đổi
Trong số các địa điểm (các nước) có triển vọng hấp dẫn nhất đối với hoạt động đầu tư R&D của các tập đoàn đa quốc gia giai đoạn 2005-2009, Việt Nam tuy đứng ở top 20 của thế giới (thứ 18) nhưng lại chỉ được có 1,5% các tổ chức được UNCTAD khảo sát đề cập tới.
mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn quá chậm. Theo ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Việt Nam hiện chưa sẵn sàng tiếp nhận một lượng đầu tư lớn mặc dù có rất nhiều lợi thế. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư công nghệ cao, Việt Nam đã có những chính sách tốt nhưng lại điều phối các chính sách này không tốt do đó kết quả đã không được như ý muốn. “Chính phủ Việt Nam cần phải tích cực hơn nữa, đặc biệt là trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư công nghệ cao với các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia, Singapore”, ông Pincus phát biểu trong buổi họp báo giới thiệu Báo cáo Đầu tư Thế giới 2005.
Đầu tư của các nước ASEAN vào Việt Nam cũng ngày một gia tăng. Ảnh: Thời Đại |
Cũng như vậy, mặc dù cho biết các công ty Mỹ tiếp tục muốn tới “làm ăn” với Việt Nam nhưng Thứ trưởng Thương mại Mỹ David A.Sampson vẫn nhấn mạnh: “Việt Nam nên cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, đặc biệt là mở cửa nhiều hơn nữa trong lĩnh vực viễn thông để phát huy tiềm năng trong lĩnh vực này”.
Hà Nội dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư
Từ đầu năm đến tháng11/2005, Hà Nội thu hút được 132 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đầu tư đăng ký gần 1,46 tỷ USD, trong đó có 84 dự án mới và 48 dự án bổ sung tăng vốn. Với kết quả này, Hà Nội sẽ là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong năm.
Ước tính từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ thu hút thêm được khoảng 20 dự án với số vốn đăng ký khoảng 342 triệu USD. Trong đó phải kể đến dự án khu đô thị mới Tây Hồ Tây trị giá 314 triệu USD. Như vậy, năm nay Hà Nội có thêm 152 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1,8 tỷ USD. So với 2004, số dự án đầu tư nước ngoài tăng 42%, tổng vốn đầu tư đăng ký tăng 6,2 lần. Từ nay đến cuối năm, Hà Nội dự định sẽ triển khai việc phân cấp cấp giấy phép đầu tư cho dự án đầu tư nước ngoài trị giá 40 triệu USD, đồng thời hoàn thành các dự thảo quy định mới về “một đầu mối” trong quản lý đầu tư nước ngoài trên địa bàn và cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với Pháp lệnh Thủ đô. (Nguồn: Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội) |
Theo các chuyên gia về kinh tế, để thu hút mạnh được trào lưu đầu tư R&D vào Việt Nam, các cơ sở hạ tầng cơ bản như hai khu công nghệ cao ở Hoà Lạc (Hà Nội) và TP HCM phải nhanh chóng được hoàn thiện, các thủ tục thu hút đầu tư phải cực kỳ thông thoáng và có nhiều ưu đãi… “Có rất nhiều lý do để lạc quan vì Việt Nam đang ở một vị trí rất thuận lợi trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư ở khu vực. Nhưng cũng vẫn còn một số khó khăn cần phải nhanh chóng tháo gỡ”, ông Pincus cho biết. Những khó khăn cụ thể này là các thủ tục quan liêu, rườm rà gây khó khăn cho việc xin cấp phép đầu tư trong một thời gian ngắn; ít có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, tỉnh và địa phương của Việt Nam trong việc cấp giấy phép cho các nhà đầu tư nước ngoài và chi phí trong một số lĩnh vực quan trọng như vận tải, viễn thông ở Việt Nam còn khá đắt…
Những chuyển động mới đây trong lĩnh vực công nghệ cao như nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên chính thức vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tuần lễ thu hút đầu tư vào công nghệ cao tại TP HCM, việc IDG cam kết giới thiệu và khuyếch trương hình ảnh của khu công nghệ cao Hoà Lạc đối với giới đầu tư quốc tế… đang là những tín hiệu tích cực. Nhưng thực tế đòi hỏi những hành động cụ thể và nhanh hơn nữa để không bị mất cơ hội đón nhận các luồng đầu tư nước ngoài mới.
Đầu tư ASEAN vào Việt Nam: 11,3 tỉ đô la
Sau 10 năm kể từ ngày gia nhập ASEAN, đến nay các nước ASEAN đã đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 11,3 tỷ USD, trong đó đã thực hiện được gần 5 tỷ USD.
Hầu hết các nước ASEAN (trừ Myanmar ) đều có dự án đầu tư vào Việt Nam với hơn 700 dự án còn hiệu lực, chiếm hơn 12% về số dự án, hơn 23% về vốn đăng ký và gần 20% về vốn thực hiện. Dẫn đầu trong các nhà đầu tư là Singapore, với hơn 360 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký trên 8,1 tỷ USD và đã thực hiện được gần 3,3 tỷ. Các lĩnh vực mà nhà đầu tư ASEAN tập trung vốn là công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Một số nhà đầu tư cũng quan tâm nhiều đến các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi. Trong thời gian tới, nguồn đầu tư từ các nước ASEAN sẽ tiếp tục tăng lên khi các thoả thuận về thương mại và đầu tư trong khu vực có hiệu lực, các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam ngày càng thông thoáng. (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Sau sự kiện ồn ào về “một bước lùi hay một bước tiến” của Luật đầu tư chung trước khi được Quốc hội thông qua, việc Việt Nam chủ động tiến hành hàng loạt các hoạt động xúc tiến đầu tư với Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đang chứng tỏ một chiến lược mới nhằm chủ động thu hút và hấp dẫn đầu tư nước ngoài./.