“Con voi suýt chui lọt lỗ kim”

Sau khi báo chí và dư luận lên tiếng về dự án nhà máy giấy và bột giấy của Công ty Giấy Lee & Man (nhà máy giấy có công suất 420.000 tấn và bột giấy là 330.000 tấn/năm, vốn đầu tư 628 triệu USD) tại khu Công nghiệp ven sông Hậu của tỉnh Hậu Giang, phía Công ty này mới vội vã gửi UBND tỉnh Hậu Giang công văn cam kết sẽ thực hiện xử lý môi trường tốt nhất theo Luật Môi trường của Việt Nam. Trong khi nhà máy đã khởi công gần đúng một tháng. Và cũng lúc đó, lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang mới yêu cầu nhà đầu tư thuê tư vấn lập báo cáo tác động môi trường!

Từ câu chuyện về “quy trình ngược” của dự án nhà máy giấy và bột giấy, càng thấy rõ việc công khai, minh bạch những dự án đầu tư lớn, có phạm vi ảnh hưởng đến nhiều địa phương… là điều hết sức cần thiết. Nhất là hai dự án trên- thuộc lĩnh vực sản xuất giấy và bột giấy, vốn có “truyền thống” không mấy thiện cảm với môi trường. “Một “chuyện” lớn như vậy mà không có phản biện xã hội, khiến dư luận thắc mắc cũng là điều hợp lý. Cái dở nhất của dự án này là “đốt cháy” giai đoạn nên dù tốt, nhưng làm đột ngột vẫn tạo cú sốc cho xã hội”, một nhà khoa học bức xúc. Và phải chi ngay trước lúc cấp phép, những thông tin về công nghệ, hệ thống xử lý, khối lượng và thành phần nước thải… được công bố rộng rãi thì đã không có một số công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, đề nghị điều đó.

Trong quy trình cấp phép đầu tư hiện nay không có những yêu cầu về công khai minh bạch, lấy ý kiến phản biện xã hội, để thỉnh thoảng lại phát sinh nhiều “chuyện” đã rồi, chỉ còn biết tìm cách khắc phục!
Tiếc thay, trong quy trình cấp phép đầu tư hiện nay không có những yêu cầu về công khai minh bạch, lấy ý kiến phản biện xã hội, để thỉnh thoảng lại phát sinh nhiều “chuyện” đã rồi, chỉ còn biết tìm cách khắc phục! Thậm chí, khi dư luận lên tiếng thắc mắc, còn bị đổ cho rằng đã làm tác động tư tưởng các nhà đầu tư, ảnh hưởng việc mời gọi các dự án tương lai. Giả như báo cáo tác động môi trường không được các nhà chuyên môn thông qua, dự án bị ngừng triển khai, môi trường đầu tư mới thực sự bị ảnh hưởng xấu! Còn làm đúng trình tự quy định, nhà đầu tư vừa “nể” mình, phải quan tâm hơn đến yếu tố phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và vừa tạo tiền lệ tốt cho những nhà đầu tư đến sau.
Lâu nay, một số chuyên gia kinh tế đã góp ý về chuyện các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nên phân loại những ngành nghề cần thu hút đầu tư trước khi mời gọi, thay vì chỉ chăm bẵm đến số vốn đầu tư để giải tỏa cơn “khát” vốn. Điều này hết sức hợp lý, để ĐBSCL tránh phải “hứng” những dự án xương xẩu mà các địa phương khác đã lắc đầu. Như nói có nhà máy giấy để tạo đầu ra cho cây tràm vẫn đúng, nhưng vẫn còn một số ngành nghề khác vẫn kham được, đâu phải chỉ có nhà máy giấy với lượng nước thải khổng lồ! Theo công văn số 36/2007/CV.ENTEC ngày 17-9-2007 của Trung tâm Công nghệ môi trường- ENTEC (đơn vị tư vấn làm báo cáo tác động môi trường cho nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man), lượng nước thải cần xử lý của nhà máy bột giấy sẽ là 27.000 mét khối/ngày đêm, nhà máy giấy là 29.272 mét khối/ngày đêm. Sau khi xử lý, nước thải sẽ đạt Tiêu chuẩn Môi trường Việt Nam TCVN 5945- 2005, tức BOD bằng hoặc thấp hơn 30 miligam/lít, COD bằng hoặc thấp hơn 50 miligam/lít, SS bằng hoặc thấp hơn 50 miligam/lít trước khi thải ra sông Hậu… Nếu thử tính theo lượng nước thải và nồng độ các chất độc hại (được xem là đạt chuẩn) trên, không khó để có các con số: tối đa mỗi ngày đêm thì sông Hậu sẽ “nhận” 1,68816 tấn BOD; 2,8136 tấn COD và 2,8136 tấn SS! Nhân lên theo tháng hoặc năm, số lượng chất độc hại này sẽ còn kinh khủng hơn, đúng như quan ngại!
Sai rồi thì phải sửa, phải nhìn nhận. Nhưng tốt nhất làm sao để đừng tiếp tục sai./.

Hồ Hùng

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)