Công cụ lượng giá dịch vụ hệ sinh thái
Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã giới thiệu Công cụ lượng giá và đánh giá dịch vụ hệ sinh thái (Values) tới các nhà lập kế hoạch và lãnh đạo phụ trách việc ra quyết định ở cấp địa phương và trung ương vào ngày 12 tháng 7 vừa qua tại Hà Nội.
Hệ sinh thái biển đang suy thoái nghiêm trọng Nguồn ảnh: Vietnamnet.vn
Tại hội thảo giới thiệu Values, các nhà nghiên cứu đã giới thiệu các nghiên cứu thí điểm tại Việt Nam và những quốc gia khác và chứng minh rằng ValuES là một công cụ hiệu quả cho các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định trong vấn đề bảo tồn môi trường và quy hoạch phát triển. Hội thảo có sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương và địa phương, các trường đại học và viện nghiên cứu tại Việt Nam.
Dịch vụ hệ sinh thái là các lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp mà con người được hưởng từ hệ sinh thái. ValuES được xem như một công cụ hiệu quả để tính toán các lợi ích hữu hình và vô hình đó thành giá trị tiền tệ, qua đó giúp các nhà lập kế hoạch và thực hiện chính sách nhìn nhận rõ hơn về hậu quả từ việc suy thoái và mất đi của các dịch vụ hệ sinh thái. Công cụ này cũng giúp cho các nhà lập kế hoạch và ra quyết định chính sách, thực hiện chính sách hiểu rõ hơn giá trị kinh tế của đa dạng sinh học và các loại hình dịch vụ hệ sinh thái khác nhau. Lượng giá dịch vụ hệ sinh thái cũng giúp xác định được mối tương quan giữa kinh tế-xã hội với việc sử dụng hệ sinh thái. Đối với công chúng – những người đang sử dụng hệ sinh thái, việc lượng giá các dịch vụ hệ sinh thái giúp hỗ trợ quá trình nhận thức và đánh giá, đồng thời nắm bắt được các giá trị kinh tế của các hệ sinh thái. Lượng giá kinh tế dịch vụ hệ sinh thái cũng giúp xác định các phần thưởng xứng đáng cho những người dân địa phương đang góp phần bảo vệ hệ sinh thái.
Tuy nhiên, cho đến nay, những công cụ trên vẫn chưa được phổ biến và áp dụng rộng rãi trong quá trình quy hoạch ở cả cấp địa phương lẫn trung ương. Cho đến nay, giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái vẫn chưa được đề cập trong các quyết định quy hoạch và đầu tư, các dịch vụ tự nhiên vẫn được xem như là các dịch vụ “miễn phí” hay các dịch vụ “hàng hóa công”.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) nhấn mạnh sự cần thiết của việc lồng ghép các dịch vụ hệ sinh thái vào quá trình quy hoạch. Ông nói: “Đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc việc làm thế nào để áp dụng các bài học kinh nghiệm của quốc tế và khu vực để áp dụng lượng giá hệ sinh thái ở cấp quốc gia”.
Cũng có đánh giá tương tự, ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Phát triển bền vững, UNDP phát biểu: “Hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho đời sống và sinh kế của người dân, đặc biệt là tại các cộng đồng bản địa. Tuy nhiên, giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái hiện nay vẫn chưa được xem trọng và lồng ghép một cách đầy đủ vào quy hoạch phát triển, lập ngân sách, và quá trình ra quyết định. Việc lượng giá dịch vụ hệ sinh thái là cần thiết để tăng cường nhận thức và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái”.
Hội thảo đã được tổ chức bởi ISPONRE trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực thực hiện các Công ước Rio”, do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP Việt Nam, phối hợp với “Chương trình Đa dạng sinh học rừng” của GIZ, “Dự án ValuES toàn cầu” của Bộ Hợp tác kinh tế (BMZ) và Môi trường Đức (BMUB), và “Chương trình Rừng và Đồng bằng Việt Nam” của Tổ chức Winrock International do USAID tài trợ.
Cũng trong dịp này, một khóa tập huấn 03 ngày cũng sẽ được tổ chức cho những giảng viên, những người sẽ tiếp tục giới thiệu công cụ này đến các Tỉnh và là những người sẽ đào tạo tiếp một đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp trực tiếp tính toán và thực hiện nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái cho Chính phủ và các chính quyền địa phương khi họ quyết định lồng ghép các công cụ này vào quá trình ra quyết định.