Cộng đồng Đông Á – đường còn xa!

Giấc mơ hình thành một Cộng đồng Đông Á theo kiểu EU, nhưng lớn hơn gấp bội có vẻ như tiến thêm một bước đến hiện thực khi lãnh đạo 16 quốc gia trong khu vực cam kết thúc đẩy tiến trình hình thành khu vực tự do thương mại Đông Á tại một hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra trên hòn đảo du lịch Cebu ở miền trung Philippines giữa tháng 1 vừa qua. Nếu hình thành, cộng đồng này sẽ chiếm hơn ½ dân số toàn cầu, bao gồm 10 quốc gia thành viên Asean, 3 nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, quốc gia đông dân nhất Nam Á là Ấn Độ và hai nước lớn ở châu Đại Dương là Australia và New Zealand. Đây không chỉ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới mà còn là một đối trọng về kinh tế- chính trị rất đáng kể của các khối Bắc Mỹ và EU, làm rõ tính chất đa cực của trật tự thế giới hiện đại. Tuy vậy con đường đi đến một Cộng đồng Đông Á còn rất dài và rất gập ghềnh.

Ý tưởng đầu tiên về khu vực thương mại tự do Đông Á được trình bày tại Diễn đàn cấp cao Đông Á lần thứ nhất tại Kuala Lumpur năm 2005. Thời điểm ấy, hình ảnh của Cộng đồng Đông Á tương lai được hình dung theo một trong hai công thức: Asean +3 (Trung Quốc. Nhật Bản, Hàn Quốc) và Asean+6 (Asean+3 thêm Ấn Độ, Australia và New Zealand). Điểm chung của hai mô hình là loại trừ được sự tham gia của Mỹ và EU; châu Á là của người châu Á. Trung Quốc ủng hộ mô hình Asean+3 trong khi Nhật Bản lại quảng bá mô hình Asean+6 vì một lý do không công khai nhưng ai cũng hiểu: hạn chế vai trò thống trị của Trung Quốc trong tiến trình xây dựng cộng đồng. Với mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nhật Bản lên đến đỉnh điểm trong những năm cầm quyền cuối cùng của thủ tướng Junichiro Koizumi, việc chọn lựa mô hình phát triển của khu vực thương mại tự do Đông Á tạm thời bế tắc.
Trước Kuala Lumpur, đã từng có nhiều ý tưởng đoàn kết các quốc gia trong khu vực thành một khối, liên minh hay liên hiệp gì đó, nhằm hỗ trợ nhau trong cuộc cạnh tranh với các cường quốc bên ngoài như Mỹ hoặc châu Âu. Ngay từ giữa thế kỷ 20, cuộc chiến tranh xâm lược của phát xít Nhật tại các nước Đông Á và Đông Nam Á giữa thế kỷ 20 từng diễn ra dưới chiêu bài khối “Đại Đông Á” thịnh vượng, đối lập với chủ nghĩa thực dân phương Tây. Thực chất của cái chiêu bài “thịnh vượng chung” Đại Đông Á này như thế nào nhân dân các nước trong khu vực vẫn chưa quên được. Ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của nước Nhật duy tân sau Minh Trị, đánh bại cả hạm đội Nga, các nhà yêu nước đã truyền tụng “bài ca châu Á” (Á tế á ca), kêu gọi sự hợp tác giúp đỡ giữa các nước “đồng văn đồng chủng” nhằm chống lại họa xâm lược Tây dương. Nhưng sau đó với hai triệu người chết đói năm 1945 người Việt đã rất thấm thía với Đại Đông Á.
Khi một số quốc gia Đông Á vươn vai thành rồng thành hổ vào những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, có người đã cất công đi tìm “mẫu số chung”của hiện tượng này từ những nền tảng văn hóa, đạo đức, xã hội. Ý tưởng hình thành khối thị trường chung Đông Á đã được thảo luận rất sôi nổi vào thập niên 1990. Có người xác định mẫu số chung đó là “giá trị châu Á”, khu biệt, nếu không nói là đối lập, với hệ thống giá trị của châu Âu; có người đào sâu hơn tìm thấy cái nền chung đó là đạo Khổng Mạnh! Thì Trung, Nhật, Hàn, Đài Loan… và cả Hồng Kông, Singapore nữa đều chia sẻ với nhau những nguyên tắc cơ bản về đạo đức và tổ chức xã hội theo kiểu Khổng giáo đấy thôi. Đã manh nha ý tưởng thành lập cộng đồng kinh tế Khổng giáo quy tụ cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam song ý tưởng ấy không đi đến đâu vì những mâu thuẫn khó điều hòa được giữa các nước từng theo đạo Khổng. Vả lại, xây dựng một tổ chức mới trong thời hiện đại dựa trên một học thuyết thời cổ đại là chuyện không tưởng. Ngoài yếu tố các nước nói trên đều có thời gắn bó với Khổng giáo mà nay đã trở thành quá khứ, thì không còn sợi dây ràng buộc nào đủ mạnh để níu kéo họ vào cùng một tổ chức, chung lưng đấu cật để đi tới phồn vinh.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã giáng đòn quyết định chôn vùi những nỗ lực của giới hàn lâm và các nhà hoạch định chính sách trong việc tìm kiếm một mô hình Cộng đồng Đông Á.
*
Nhưng lần này, ý tưởng Cộng đồng Đông Á được đề xướng tại Hội nghị cấp cao Cebu 2007 không phải là một sự tiếp nối khiên cưỡng những kế hoạch đã thất bại trong quá khứ mà là một hiện tượng mới về chất, rất đáng chú ý.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc cả về kinh tế, chính trị và quân sự là một thực tại hiển nhiên có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển tương lai của tất cả các quốc gia trong khu vực. Tìm kiếm phương thức ứng phó với thực tại đó đã khiến các quốc gia nhận ra cần phải nương tựa vào nhau trong một tổ chức chặt chẽ hơn, đủ sức khai thác những cơ hội mà sự phát triển của Trung Quốc đem lại nếu không muốn biến thành vật tế thần cho sự phát triển đó. Ngay một tổ chức đã có 40 năm lịch sử như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – Asean cũng phải thay đổi để thích nghi với bối cảnh mới của thế giới và khu vực, phải tăng cường sự hợp tác, hòa nhập giữa các thành viên. Sự ra đời của Cộng đồng Asean với một Hiến chương đang được dự thảo và sẽ trình lên hội nghị cấp cao Asean tháng 11 tới tại Singapore là bước tiến mới trên con đường đó. Asean đang phải chuyển từ nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp vào nội bộ của nhau, sang một cơ chế cộng đồng trách nhiệm, mỗi thành viên đều phải tuân thủ Hiến chương của Cộng đồng, trong đó cam kết củng cố các giá trị dân chủ, điều hành tốt.
 

Tuy vậy ngay trong Asean quan điểm ứng xử với sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn có nhiều khác biệt. Malaysia và Thái Lan đã có những thành công bước đầu trong việc ký kết hiệp định thương mại song phương với Trung Quốc và khai thác được thị trường đông dân nhất thế giới này để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Philippines, Việt Nam vẫn đang chật vật tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc với các đối tác thương mại khác trên trường quốc tế bằng cách cổ xúy cho một khối Đông Á rộng lớn và gắn bó hơn. Ở góc độ thương mại, các thành viên Asean đang xuất siêu và có lợi thế so sánh với Trung Quốc đều muốn tăng cường hợp tác song phương trong khi các thành viên kém phát triển hơn, đang bị cạnh tranh trực diện bởi hàng hóa Trung Quốc thì muốn hướng tới một đối trọng kinh tế mang tính khu vực. Nhưng cả hai đều thống nhất ở điểm tăng cường hợp tác và đa phương hóa các quan hệ kinh tế-thương mại.
Nhu cầu ấy làm phát sinh một thực tại khác là sự ra đời các mối liên kết song phương về kinh tế, nhất là khi các cuộc đàm phán đa phương về một hiệp định thương mại toàn cầu mới, gọi tắt là Vòng đàm phán Doha, không thể tiến triển như dự kiến. Trong vòng ba năm qua ở Đông Á đã có 18 hiệp định thương mại tự do song phương được ký kết và có hiệu lực, 32 hiệp định khác đang được đàm phán. Sự ra đời một thỏa thuận tự do thương mại khu vực mới, quy mô rộng lớn hơn và có chiều sâu hơn nhằm thay thế các hiệp định song phương và khu vực đang tồn tại, làm nền tảng để tiến tới một cộng đồng thịnh vượng chung chính là một trong các nội dung quan trọng nhất được bàn thảo trong hội nghị Cebu vừa qua.
Đã có thể tạm yên tâm rằng, công cuộc biến ý tưởng về cộng đồng Đông Á thành hiện thực chỉ còn là vấn đề thời gian.
*
Nhưng Cộng đồng Đông Á không đơn giản là tổng số 16 quốc gia cùng những hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia đó. Để là một cộng đồng đúng nghĩa, có bản sắc và giá trị thật sự, cần phải vượt qua được những dị biệt hết sức lớn lao giữa các nước trong khu vực. Bề ngoài, đó là sự khác biệt về trình độ phát triển, về thể chế chính trị nhưng bên trong là những khác biệt sâu xa, có khi là mâu thuẫn, giữa các hệ thống giá trị, văn hóa, lối sống và tín ngưỡng. Làm thế nào dung hòa được yếu tố niềm tin giữa một nước Philippines đa số dân theo Thiên chúa giáo với Indonesia theo đạo Hồi và Thái Lan theo đạo Phật, giữa nền dân chủ tự do phóng khoáng Australia với tính chất khép kín và tôn ti trật tự của Trung Quốc, Hàn Quốc? Những kết quả nghiên cứu của Asian Barometer – một cuộc khảo sát, so sánh quy mô lớn về giá trị huy động các nhóm nghiên cứu ở 17 quốc gia châu Á cho thấy rằng về mặt xã hội, các dân tộc trong khu vực quan niệm về giá trị rất khác nhau, gần như không có một bộ tiêu chuẩn chung nào có thể áp dụng cho tất cả các quốc gia. “Ý tưởng về các giá trị châu Á (theo nghĩa thuần nhất và khu biệt với các khu vực khác) tỏ ra không có căn bản vững chắc,” Takashi Inoguchi, giáo sư chính trị học trường Đại học Chuo ở Tokyo và trưởng nhóm nghiên cứu của dự án Asia Barometer tại Nhật, cho biết.
Khó khăn hơn nữa là tiến trình xây dựng niềm tin ở một khu vực đã trải qua quá nhiều xung đột đẫm máu trong lịch sử hiện đại. Tại hội nghị Cebu vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhiều lần nhắc lại rằng, trong tiến trình xây dựng Cộng đồng Đông Á tương lai, Asean là người cầm lái. Nhưng liệu các nước lân bang sẽ tin lời ông đến mức nào khi Trung Quốc vẫn duy trì một chính sách phát triển dựa trên xuất khẩu và đầu tư – nghĩa là tiếp tục làm một đối thủ cạnh tranh quyết liệt với các nước Asean về thu hút đầu tư nước ngoài và chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, cùng với những chính sách bất minh nói một đằng làm một nẻo? Liệu Ấn Độ có sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh thứ hai của Asean như Trung Quốc hiện nay không? Nhật Bản lâu nay là quốc gia khá hào phóng trong việc cung cấp viện trợ, đầu tư và chuyển giao công nghệ cho các nước trong khu vực nhưng sự chuyển hướng gần đây của Nhật Bản mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa không khỏi khiến các nước chung quanh lo ngại. Hai thành viên mới gia nhập Cộng đồng Đông Á là Australia và New Zealand cũng chưa gây được thiện cảm. “Về mặt văn hóa, Australia và New Zealand là một phần của phương Tây nên sẽ khó mà tham gia vào tiến trình xây dựng bản sắc Đông Á”, Andrew Kim, giáo sư về Hàn Quốc học tại Đại học Korea ở Seoul, nhận xét.
Trên bề mặt vẫn còn khá nhiều mâu thuẫn lộ liễu như các cuộc tranh chấp lãnh thổ chung quanh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa giữa Trung Quốc với Việt Nam và một số nước Asean khác, giữa Nhật và Hàn Quốc chung quanh đảo Takashima (Dokdo), tranh giành các nguồn tài nguyên và năng lượng cùng các con đường vận chuyển chúng… Tất cả những yếu tố trên cho thấy giữa các quốc gia Đông Á có những tương đồng nhưng rất nhiều dị biệt khiến cho con đường đi tới một cộng đồng thịnh vượng chung càng trở nên xa xôi và gian khó.
*
Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực Đông Á – cả về mặt địa lý lẫn chính trị, kinh tế. Tiến trình hình thành Cộng đồng Đông Á chắc chắn sẽ tác động đến nhiều mặt cuộc sống ở Việt Nam. Tác động đó là thuận lợi hay khó khăn, có tác dụng thúc đẩy hay cản trở, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của Việt Nam trong năm mới.

Huỳnh Hoa

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)