Công khai sử dụng AI trong công việc khiến dễ mất lòng tin 

Một khảo sát toàn cầu với 13.000 người cho thấy khoảng một nửa đã sử dụng AI trong công việc, thường cho các nhiệm vụ như viết e-mail hoặc phân tích dữ liệu. Mọi người thường cho rằng công khai việc sử dụng các công cụ này là lựa chọn đúng đắn, bởi sự thành thật và minh bạch thường khiến người khác tin tưởng bạn hơn.


Tuy nhiên, kết quả từ một nghiên cứu đã được bình duyệt của hai nhà khoa học từ ĐH Arizona (Mỹ) đã cho thấy một nghịch lý: tiết lộ việc sử dụng AI trong công việc lại khiến mọi người ít tin tưởng bạn hơn.

Hơn 5.000 người, bao gồm sinh viên, nhà phân tích pháp lý, quản lý tuyển dụng, nhà đầu tư, cùng nhiều nhóm khác, đã tham gia 13 thí nghiệm của nghiên cứu. Điều thú vị là, ngay cả những người tham gia có hiểu biết về công nghệ cũng ít tin tưởng những người nói rằng họ đã dùng AI hơn. Việc có cái nhìn tích cực về công nghệ giúp làm giảm nhẹ tác động này một chút, nhưng không loại bỏ hoàn toàn.

Điều này tạo ra một tình thế khó xử cho những người coi trọng sự thành thật nhưng cũng cần giữ được sự tin tưởng để duy trì mối quan hệ với khách hàng và đồng nghiệp. Trong những lĩnh vực mà uy tín là điều cốt yếu – như tài chính, y tế và giáo dục đại học – một việc gây mất mát niềm tin, dù nhỏ, cũng có thể gây tổn hại cho sự nghiệp hoặc thương hiệu.

Hệ quả không chỉ dừng lại ở danh tiếng cá nhân. Khi niềm tin bị lung lay, toàn bộ tổ chức có thể cảm nhận được tác động thông qua năng suất giảm, động lực suy giảm và sự gắn kết nhóm yếu đi.

Các nhà nghiên cứu gọi đây là “nghịch lý minh bạch AI”. “Dù bạn là người quản lý đang triển khai công nghệ mới hay một nghệ sĩ đang cân nhắc việc ghi công AI trong danh mục tác phẩm của mình, mức độ rủi ro đang ngày càng gia tăng”, nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Một lý giải được đưa ra trong nghiên cứu là mọi người vẫn kỳ vọng có sự nỗ lực của con người trong việc viết lách, tư duy và sáng tạo. Khi AI đảm nhận vai trò đó và bạn nhấn mạnh điều này, công việc của bạn trở nên kém chính danh hơn trong mắt người khác.

Điều này khiến người dùng AI phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: chấp nhận minh bạch và đối mặt với phản ứng tiêu cực, hoặc “mạo hiểm” giữ im lặng và bị phát hiện sau này. Nhưng nghiên cứu cũng phát hiện che giấu việc sử dụng AI trong công việc có thể còn tệ hơn việc sử dụng. Hành động che giấu có thể gây ra sự sụt giảm niềm tin nghiêm trọng nhất nếu bị phát hiện ra sau này. Vì vậy, việc chủ động thừa nhận có thể cuối cùng vẫn là “thượng sách”.

Hai nhà khoa học cũng cho rằng còn một số điều chưa được làm rõ về nghịch lý này. “Vẫn chưa rõ liệu hình phạt cho sự minh bạch này có phai nhạt theo thời gian hay không. Khi AI trở nên phổ biến hơn – và có thể là đáng tin cậy hơn – việc tiết lộ sử dụng nó có thể cuối cùng sẽ không còn dẫn đến nghi ngờ”.

Cũng chưa có sự đồng thuận về cách các tổ chức nên xử lý việc tiết lộ AI. Một lựa chọn là để việc minh bạch hoàn toàn mang tính tự nguyện, tức là cá nhân tự quyết định có công khai hay không. Một cách khác là có chính sách tiết lộ bắt buộc trên toàn hệ thống. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ bị bên thứ ba phát hiện có thể thúc đẩy sự tuân thủ nếu chính sách đó được thực thi nghiêm ngặt bằng các công cụ như trình phát hiện AI.

Cách tiếp cận thứ ba mang tính văn hóa: xây dựng một môi trường làm việc nơi việc sử dụng AI được xem là bình thường, được chấp nhận và hợp pháp. “Chúng tôi cho rằng môi trường như vậy có thể làm giảm hình phạt về niềm tin và hỗ trợ cả tính minh bạch lẫn độ tin cậy”, nhóm nghiên cứu nhận định.□

Trà My lược dịch

Nguồn: https://theconversation.com/being-honest-about-using-ai-at-work-makes-people-trust-you-less-research-finds-253590

Bài đăng Tia Sáng số 10/2025

Tác giả

(Visited 105 times, 2 visits today)