Công nghệ 4.0 trong nông nghiệp tại Việt Nam

TS Lê Đặng Trung, giám đốc công ty Real-Time Analytics (RTA) thiết kế ứng dụng điện thoại di động cho phép người nông dân có thể ghi chép nhật ký quy trình canh tác của mình theo các chuẩn của Việt Nam và các tổ chức quốc tế (như Nghị định 55 về nuôi cá tra, VietGap, Global Gap…) một cách dễ dàng dưới dạng biểu mẫu có sẵn.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ bàn giao phao quan trắc cho huyện Duyên Hải, Trà Vinh.

Tạo “dữ liệu lớn” về nông nghiệp

TS Lê Đặng Trung, giám đốc công ty Real-Time Analytics (RTA) thiết kế ứng dụng điện thoại di động cho phép người nông dân có thể ghi chép nhật ký quy trình canh tác của mình theo các chuẩn của Việt Nam và các tổ chức quốc tế (như Nghị định 55 về nuôi cá tra, VietGap, Global Gap…) một cách dễ dàng dưới dạng biểu mẫu có sẵn. Nhờ đó, thủ tục đăng ký chứng nhận với các cơ quan chức năng sẽ đơn giản và gọn nhẹ, đồng thời dễ dàng chứng minh được nguồn gốc thực phẩm với người tiêu dùng. Nhưng quan trọng hơn, dựa vào những dữ liệu về cây trồng, thời tiết, sâu bệnh, quy trình canh tác, sử dụng phân bón do người nông dân tự nguyện cung cấp trên ứng dụng, RTA sẽ phân tích để dự đoán năng suất, chất lượng nông sản, lợi nhuận thu về giúp cho người nông dân điều chỉnh cách làm của mình hợp lý. 

Tìm lời giải cho canh tác ở vùng nước nhiễm mặn

TS Nguyễn Thanh Mỹ, người sáng lập công ty Rynan Technologies đang thử nghiệm việc ứng dụng công nghệ internet để canh tác lúa trong điều kiện ngập mặn của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ông đặt phao quan trắc gắn cảm biến hóa học ở dọc bờ sông có kết nối với ứng dụng trên điện thoại thông minh để thông báo thời điểm nước ngọt trong ngày cho người nông dân, giúp họ chủ động bơm và tích trữ nước tưới. Bên cạnh đó, ông cũng nghiên cứu việc gắn cảm biến vào các container để theo dõi điều kiện và tình hình của rau quả xuất khẩu trong suốt lộ trình vận chuyển.

Canh tác tự động trên vùng nguyên liệu lớn

TS Nguyễn Ngọc Nhã Nam, Giám đốc Công ty giải pháp công nghệ Minerva đã giải quyết bài toán quản lý việc canh tác 18.000 ha vùng nguyên liệu với 20 giống mía và 1000 xe tải vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch của công ty mía đường Lasuco. Anh đã sử dụng công nghệ internet của vạn vật (gắn cảm biến trên một số mẫu đại diện cho 20 giống mía) và dữ liệu lớn nhằm thu thập và phân tích điều kiện thời tiết tương ứng với nhu cầu của cây để tưới nước và bón phân tự động, dự kiến thời gian thu hoạch. Đồng thời, công nghệ dữ liệu lớn còn được sử dụng (trong đó, bên cạnh tính toán đường đi, còn tính đến cả yếu tố dự báo thời tiết) để tự động điều phối 1000 xe chở mía từ vùng nguyên liệu nằm rải rác ở các hộ nông dân tới nơi sản xuất một cách tối ưu. Trước đây, việc lập kế hoạch canh tác và giám sát vận chuyển cần 30 cán bộ địa bàn và 40 kế toán thống kê nhưng giờ đây, Lasuco chỉ cần 6 người phụ trách công việc này. 

Theo dõi sức khỏe cây trồng bằng drone

TS. Lương Việt Quốc là người thành lập công ty đầu tiên ở Việt Nam sản xuất máy bay không người lái (drone) tại khu Công nghệ cao TPHCM, phục vụ việc đánh giá sức khỏe cây trồng trên cánh đồng lớn, mà mắt thường không thể kịp thời phát hiện, cho kết quả nhanh để can thiệp kịp thời, với chi phí thấp. Theo đó, camera chuyên dụng được gắn trên drone sẽ chụp ảnh có độ phân giải cao, bao quát tối đa diện tích canh tác. Dựa vào những tấm ảnh này, một phần mềm xử lý dữ liệu sẽ giúp phân tích độ quang hợp của cây trồng, tình hình sâu bệnh, dư hay thiếu đạm. Dự kiến, giá bán của một bộ công cụ như trên là 15-20.000 USD.

 

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)