Công nghệ lọc nước cho các vùng khai thác và chế biến khoáng sản

Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương) chế tạo thiết bị ứng dụng công nghệ vật liệu lọc nano để xử lý nước tự nhiên phục vụ ăn uống và sinh hoạt cho các vùng khai thác và chế biến khoáng sản.

Kỹ sư Đinh Văn Tôn thuộc Trung tâm Môi trường Công nghiệp của Viện chủ trì đề tài.

Trong quá trình thực địa tại các vùng khai thác khoáng sản, kỹ sư Đinh Văn Tôn nhận thấy, tình trạng khan hiếm nước sạch để dùng trong sinh hoạt hàng ngày trở nên hết sức phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người lao động cũng như chi phí đầu tư cho hoạt động cung cấp nước của doanh nghiệp. Vì vậy kỹ sư Tôn và cộng sự đã suy nghĩ và đề xuất đề tài  “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị ứng dụng công nghệ vật liệu lọc nano để xử lý nước tự nhiên phục vụ ăn uống và sinh hoạt cho các vùng khai thác và chế biến khoáng sản”. Theo đó, ông nghiên cứu chế tạo ra một thiết bị ứng dụng vật liệu lọc có khả năng xử lý nước phục vụ nhu cầu ăn uống và sinh hoạt của công nhân trên cơ sở một quy trình công nghệ và thiết kế chi tiết phù hợp.

Trên cơ sở thống kê kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước và kết quả phân tích chất lượng các mẫu nước, nhóm thực hiện đề tài đã xác định các chỉ tiêu ô nhiễm chính trong nguồn nước cần phải xử lý, bao gồm 15 thông số, qua đó đưa ra giải pháp công nghệ và chế tạo mô hình thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu khả năng xử lý bằng mô hình thí nghiệm cho thấy, tất cả các các chỉ tiêu ô nhiễm đã xác định đều được xử lý hiệu quả. Chất lượng nguồn nước đầu ra đạt QCVN 01:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống và QCVN 02:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sinh hoạt.

Từ các kết quả nghiên cứu này, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất giải pháp công nghệ xử lý và hai mô hình công nghệ xử lý nước ở quy mô công trình và quy mô thiết bị. Do hầu hết các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản đều có bể chứa nước đã qua xử lý sơ bộ bằng lọc cát, nguồn nước đầu vào đã có độ trong nhất định nên ông Tôn và cộng sự đã không tích hợp công đoạn xử lý độ đục và các tạp chất trong thiết bị nên thiết bị sẽ không bao gồm mô-đun phản ứng và mô-đun lắng. Việc xử lý này nhằm đơn giản hóa việc thiết kế và chế tạo, qua đó việc vận hành thiết bị trở nên dễ dàng hơn. 

Không chỉ dừng ở đây, để tăng độ bền và tính tối ưu trong vận hành của thiết bị, nhóm nghiên cứu đã quyết định sử dụng các vật liệu lọc truyền thống kết hợp vật liệu lọc nano. Việc kết hợp hai yếu tố vật liệu này góp phần  giảm chi phí đầu tư và phù hợp với môi trường các vùng khai thác và chế biến khoáng sản.

Qua những kết quả đã được kiểm nghiệm thực tế, kỹ sư Đinh Văn Tôn và cộng sự đã tiến hành thiết kế, chế tạo thiết bị xử lý nước với công suất 500 lít/giờ, phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản quy mô nhỏ và vừa hoặc các cụm dân cư phân tán sống tại vùng sâu, vùng xa thiếu nước sạch.

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)