Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận: Đổi mới sáng tạo là giá trị cốt lõi

Để trở thành một trong năm đại diện Việt Nam lọt vào danh sách 500 công ty bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương năm 2014 theo công bố của Retail Asia Publishing Pte Ltd và Euromonitor (Asia) Pte Ltd, công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã trải qua một quá trình dài đầu tư vào các hoạt động đổi mới sáng tạo như cải tiến công nghệ và cải tiến quản trị doanh nghiệp.  

Vào giai đoạn khởi điểm, PNJ chỉ là một cửa hàng kinh doanh nhỏ mang tên Phú Nhuận với 20 nhân sự. Năm 1992, PNJ được chính thức chính thức mang tên Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận và bắt đầu mở ra một giai đoạn mới mà theo tổng giám đốc Cao Ngọc Dung, phát triển trên những giá trị cốt lõi là “trung thực, chất lượng, trách nhiệm và đổi mới sáng tạo”.

Để đổi mới sáng tạo thực sự phát huy được hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh, bà Cao Ngọc Dung cho rằng, vấn đề phải xuất phát từ con người, bởi “bài toán đặt ra bây giờ là phải làm mới, thay đổi tư duy chính mình và tư duy của cả đội ngũ, thay đổi thực sự từ bên trong”.

Vì vậy, vấn đề nhân lực và đào tạo nhân lực đã được PNJ đặt lên hàng đầu. Ngoài việc tiên phong áp dụng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP (Enterprise Resource Planning), PNJ còn cử đội ngũ quản lý tham gia các khóa đào tạo chuyên môn ngắn hạn, dài hạn bằng nguồn vốn của công ty. Với khả năng quản trị tốt, PNJ đủ sức điều phối hệ thống phân phối, các trung tâm kim hoàn lớn ở Kiên Giang, Bình Dương, Biên Hoà, Hà Nội, Đà Nẵng cùng gần 200 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.

PNJ đã thuê một công ty tư vấn của Italia xây dựng dự án tái cấu trúc và chiến lược phát triển công ty đến năm 2020, đồng thời mời ông Richard Moore, giám đốc sáng tạo của công ty Richard Moore Asociate (Mỹ) tư vấn dịch vụ chiến lược, giúp xây dựng thương hiệu nữ trang cao cấp.

Nữ trang là một mặt hàng đặc biệt, liên quan mật thiết đến tay nghề người thợ “cho dù có công nghiệp hóa hay hiện đại hóa cỡ nào đi chăng nữa” như lời bộc bạch của bà Cao Thị Ngọc Dung. PNJ đã tự đào tạo đội ngũ thợ riêng bởi “không thể tuyển bên ngoài được vì không trường nào dạy, mà nếu có dạy thì cũng không đạt đúng chuẩn của PNJ”. Hiện tại, PNJ có gần 1.000 thợ kim hoàn lành nghề, đủ khả năng chế tác những sản phẩm nữ trang phục vụ những yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Trong quá trình học nghề và làm nghề, đội ngũ thợ PNJ vẫn thường xuyên nâng cao trình độ chế tác ở nước ngoài hoặc tham gia khoa học tại công ty dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài từ Hội đồng Vàng thế giới. Đây cũng chính là lý do để đưa các sản phẩm thiết kế của PNJ vừa nắm bắt được xu hướng hiện đại của thế giới, vừa phù hợp với gu thẩm mỹ của người Việt.

Nhằm phát triển bền vững, PNJ cũng đã đầu tư vào một phòng R&D do chính phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật phụ trách. Phòng R&D của PNJ được giao bốn nhiệm vụ cơ bản là phát triển sản phẩm thông qua cải tiến và tạo sản phẩm mới, phát triển công nghệ, phát triển bao bì và phát triển quy trình. Phòng trào phát huy sáng kiến còn được mở rộng cả bên ngoài bộ phận R&D để tìm ra những ý tưởng thiết kế, kỹ thuật chế tác mới và quan trọng hơn, đưa việc tham gia R&D trở thành văn hóa chung của công ty.

Song song với việc đẩy mạnh đổi mới kỹ thuật, PNJ còn mở rộng quy mô phát triển nhằm thực hiện mục tiêu trở thành nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2012, PNJ đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động nhà máy nữ trang lớn nhất Việt Nam sau 18 tháng thi công và tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Nhà máy của PNJ sử dụng nhiều dây chuyền công nghệ tiên tiến của thế giới theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000, đạt công suất trên bốn triệu sản phẩm một năm.

Hiện tại, các dòng sản phẩm của PNJ cũng hết sức đa dạng, phục vụ nhu cầu của nhiều phân khúc thị trường, đồng thời đủ uy tín, trình độ để “bao thầu” dịch vụ kiểm định kim cương, đá quý, kim loại quý.

Những nỗ lực này đã đưa PNJ cùng với một thương hiệu khác là Doji thống trị thị trường Việt Nam với 20% thị phần trang sức vàng và 70% thị phần trang sức bạc. Không chỉ dừng lại ở đây, PNJ còn vươn ra thị trường quốc tế, trở thành công ty sản xuất trang sức lớn thứ ba thế giới và hạng 16 trong 500 công ty trang sức lớn nhất châu Á, theo số liệu của tổ chức Plimsoll (Anh).

 

Tác giả

(Visited 52 times, 1 visits today)