Công ty cổ phần Vinamit: Sáng tạo làm nên sự khác biệt

Quá trình phát triển của công ty cổ phần Vinamit gắn liền với các hoạt động đổi mới sáng tạo. Áp lực thị trường đã buộc Vinamit không ngừng đổi mới sáng tạo từ cải tiến giống cây nguyên liệu, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại đến mở thị trường mới.  

Tổng giám đốc Vinamit Nguyễn Lâm Viên đã từng chia sẻ về vai trò của đổi mới sáng tạo trong quá trình điều hành Vinammit, đưa doanh nghiệp này trở thành số một trong lĩnh vực nông sản thực phẩm khô và trái cây sấy Việt Nam: “Đổi mới sáng tạo trong quá trình kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra nhiều ý tưởng hay, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí đầu ra” và “muốn thành công phải có sự khác biệt nhưng không có sáng tạo thì không có khác biệt”.


Đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác và chế biến nông sản

Từng tham gia lao động ở nông trường nhiều năm, ông Trần Lâm Viên đã nhìn ra được tương lai của ngành bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch ở Việ nam, khi đó “kỹ thuật là sức mạnh cốt lõi”.

Đây là lý do để Vinamit mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ mặc dù hoạt động này đòi hỏi ”thời gian dài để nghiên cứu và thử nghiệm trước khi đưa ra kết quả” và “nguồn kinh phí cho hoạt động đổi mới sáng tạo cũng là vấn đề của không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ”, như chia sẻ của ông Trần Lâm Viên.

Một trong những vấn đề quan trọng của Vinamit là khâu nguyên liệu, trong đó khoa học ứng dụng trong kỹ thuật chọn giống và canh tác được đặt lên hàng đầu. Đội ngũ cán bộ chuyên môn của Vinamit trong các phòng thí nghiệm đã bám sát các trại ươm giống để cùng nhau tìm ra những giống cây trồng mới và phân phối giống xuống những vùng sản xuất chuyên canh theo đơn đặt hàng của công ty, vốn trải rộng khắp các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ với tổng diện tích hơn 20.000 ha.

Những giống mới của Vinamit không chỉ năng suất cao mà còn đảm bảo những đặc tính nổi trội như hàm lượng dầu và đường thấp, hương vị cô đậm, màu sắc tươi tắn, trong đó nổi lên một loại mít riêng mang tên Viên Linh có đặc điểm quả đều, vỏ mỏng, múi nhiều, xơ ít, hột nhỏ.

Việc kết hợp chặt chẽ giữa Vinamit và người nông dân ở các vùng chuyên canh về lai tạo giống mới, chuyển giao công nghệ ươm trồng đã đem lại nguồn nguyên liệu ổn định, năng suất và chất lượng cao. Đây cũng là yếu tố để sản phẩm của Vinamit đạt chuẩn từ khâu đầu vào, giảm thiểu hàng kém chất lượng, có chất bảo quản, qua đó đem lại ưu thế cạnh tranh và uy tín cho Vinamit khi gia nhập thị trường trong nước và quốc tế.

Hoa trái sau khi thu mua nếu không bảo quản kịp thời sẽ bị thối hỏng. Để tránh hiện tượng đó, Vinamit đã thiết lập hệ thống trung tâm thu mua nguyên liệu là các nhà máy đông lạnh tại các vùng nguyên liệu trọng điểm như Bình Dương, Tây Ninh, Đắc Lắc, Đồng Nai. Vì vậy trái cây đã được xử lý kịp thời theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo độ tươi ngon ở mức cao nhất.

Nguồn nguyên liệu sau khi xử lý ở các hệ thống trung tâm thu mua đã được chuyển về ba nhà máy của Vinamit tại Bình Dương, Đắc Lắc và Kiên Giang. Vinamit đã trang bị cho cả ba nhà máy dây chuyền công nghệ hiện đại nhập từ Đức và Đài Loan như sấy chân không, sấy gia nhiệt và sấy khô, đảm bảo sản phẩm vẫn giữ được màu sắc và hương vị nguyên bản. Cả ba nhà máy này đáp ứng được các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng quốc tế như HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points – hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), ISO 9001:2008…, và được các cơ quan uy tín như Bureau Veritas, Cục Quản lý chất lượng dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận.

Chọn hướng mở rộng thị trường

Trong chiến lược kinh doanh của mình, Vinamit xác định bám lấy thị trường nội địa đầu tiên, trong đó chủ yếu là thành thị. Vì vậy Vinamit tập trung vào giữ chất lượng sản phẩm, bao bì và đảm bảo các sản phẩm không có hương liệu (màu, mùi) và hóa chất bảo quản trong quá trình chế biến.
 
Bên cạnh đó, Vinamit còn chịu chơi dành một khoản kinh phí lớn để đổi mới nhận diện thương hiệu. Hiện Vinamit có 10 thương hiệu thực phẩm, cà phê và trái cây sấy quan trọng, trong đó có Vinamit, V Coffee, Jack, Đức Thành, Regina, Vinatural… Từ những cố gắng này, sản phẩm của Vinamit được người tiêu dùng ưa chuộng và dần tiến tới chiếm lĩnh 90% thị phần tiêu thụ trái cây sấy.

Không chỉ sản xuất những mặt hàng mang thương hiệu riêng, Vinamit còn hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác để sản xuất gia công như hợp đồng với hai hệ thống siêu thị lớn là Co.op Mart và Big C với yêu cầu cả hai phải cùng đứng chung tên trên bao bì, cách làm mà ông Trần Lâm Viên ví von là “các doanh nghiệp ‘cõng nhau’ cùng đi”. Sau hai siêu thị này, Vinamit còn có thêm khách hàng vào năm 2014, Vinamit cũng tiếp tục làm hàng nhãn riêng cho hai tập đoàn bán lẻ quốc tế lớn ở Trung Quốc và Mỹ nhằm đẩy mạnh khả năng phân phối với “mấu chốt là cách thức và nội dung đàm phán giữa nhà sản xuất và phân phối”.

Sau thành công này, Vinamit đã tính đến chuyện mở rộng thị phần ra quốc tế với thương hiệu của mình thông qua nhiều loại sản phẩm đa dạng, ngoài dòng trái cây sấy còn có các dòng sản phẩm sấy dẻo, sấy tẩm bổ sung gia vị… Bước đầu, Vinamit đã chọn thị trường lớn là Trung Quốc, một nơi đầy tiềm năng về sức tiêu thụ và sự tương đồng về khẩu vị nhưng cũng ẩn chứa nhiều thách thức. Để vượt qua những áp lực từ thị trường này, Vinamit đã phải liên tục đổi mới để không bị làm nhái sản phẩm và thậm chí còn phải tham gia đấu tranh trong những vụ tranh chấp thương hiệu với chính đối tác phân phối ở Trung Quốc.

Những bài học kinh nghiệm này đã đem lại cho Vinamit những điều chỉnh trong quản lý điều hành và sản xuất, góp phần đưa tới kết quả 60% tổng sản phẩm Vinamit xuất khẩu ở Đông Nam Á, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và tiến tới thị trường châu Âu, Bắc Mỹ…

Tác giả

(Visited 119 times, 1 visits today)