Công ty khởi nghiệp nào sẽ làm thay đổi thế giới?
Tạp chí The Atlantic vừa thực hiện cuộc trưng cầu ý kiến thường niên lần thứ hai đối với những người lãnh đạo thế giới công nghệ (bao gồm 101 vị lãnh đạo, nhà phát minh, và nhà tư tưởng lớn trong ngành) về những vấn đề “nóng” trong công nghệ, chính trị và văn hóa hiện nay. Kết quả cuộc khảo sát đã cho thấy nhiều điều hết sức thú vị và không kém phần ngạc nhiên.
Không phải công ty nào ở Thung lũng Silicon cũng muốn làm thay đổi thế giới. Một số công ty chỉ muốn làm đơn giản hóa một quy trình, loại bỏ sự thiếu hiệu quả, hoặc (nếu chúng ta thành thật với nhau) chỉ đơn giản là họ muốn kiếm tiền.
Nhưng – nếu mọi việc đều ổn – thì công ty nào sẽ làm thay đổi thế giới?
Với câu hỏi này, có một cái tên thường được nhắc đi nhắc lại: Elon Musk.
“Bất kỳ công ty nào do Elon dựng lên đều có thể làm thay đổi thế giới,” Logan LaHive, nhà sáng lập kiêm CEO của Belly khẳng định.
Mike Olsen, nhà sáng lập kiêm giám đốc chiến lược của Cloudera, cho biết: “Khó có thể gọi Tesla Energy, công ty con mới thành lập của Tesla chuyên về công nghệ pin, là một công ty khởi nghiệp, nhưng đó là công ty thú vị nhất trên thị trường hiện nay. Nó sẽ trực tiếp làm thay đổi cách chúng ta dự trữ và phân phối năng lượng. Nhưng điều quan trọng hơn là công nghệ và lợi thế kinh tế nhờ quy mô mà nó tạo ra chắc chắn sẽ giúp hình thành nên một hệ sinh thái – và cả một thị trường hoàn toàn mới – cho phép các nhà sáng tạo khác tha hồ sáng tạo sản phẩm mới, gây dựng các công ty khởi nghiệp cũng như đóng góp thêm vào quá trình tiến hóa của năng lượng xanh.”
Một số người khác đề cử những công ty khác của Musk như SpaceX.
Tuy vậy, không phải ai cũng tập trung vào riêng mình Elon Musk. Kevin Kelly, một cây bút lâu năm cho tạp chí Wired, cho rằng hãng công nghệ tăng cường thực tế ảo Magic Leap sẽ là nhân tố làm thay đổi thế giới. Anh nói: “Thực tế ảo và tăng cường thực tế ảo sẽ là nền tảng lớn tiếp theo sau di động.”
Eric Wahlforss, nhà sáng lập Soundcloud, lại đưa ra một lựa chọn bất thường hơn. Theo anh, Inboard Skate, công ty sản xuất loại ván trượt mỏng có gắn động cơ bên trong bánh xe, mới là trào lưu bùng nổ tiếp theo. Anh nói: “Mọi người đang đánh giá thấp vai trò của những chiếc ván trượt điện trên cương vị là giải pháp cho những vấn đề cấp bách trong khi di chuyển. Suốt 5 tháng qua ngày nào tôi cũng dùng ván trượt này để đi làm, và tôi rất thích nó.”
Ngoài ra, cũng có người nhắc đến Kiva, một công ty tài chính vi mô và Patreon, công ty giúp các cá nhân gửi những khoản tiền tài trợ nhỏ định kỳ cho các nghệ sĩ.
Waldo Jaquith, giám đốc công ty Open Data, thì tỏ ra không lạc quan lắm. Anh nói: “Tôi không biết công ty nào sẽ làm thay đổi thế giới. Nhưng tôi biết rất nhiều công ty sẽ nỗ lực để giúp cuộc sống của 5% công dân Mỹ – tầng lớp được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi nhất – thêm một chút thoải mái, tiện lợi vào cuộc sống vốn đã quá tiện lợi và thoải mái của họ rồi.”
Dưới đây là một số thông tin thêm về kết quả cuộc khảo sát:
Câu hỏi: Công ty công nghệ nào được đánh giá cao quá tiềm năng thực tế nhất?
Kết quả:
– Uber: 23% (Một công ty khởi nghiệp hoàn toàn không có tài sản hiện vật! Vậy mà Uber đang được đánh giá ngang ngửa với GM và Ford! – Alok Bhanot, Giám đốc Kỹ thuật kiêm Phó Giám đốc điều hành của VeriFone).
– Twitter: 14%
– Snapchat: 9%
– Slack: 6%
Câu hỏi: Có phải chúng ta đang ở trong một quả bong bóng công nghệ?
– Không: 57% (Chắc chắn chúng ta vẫn sẽ thấy những công ty được định giá cao ngất ngưởng và họ vẫn chứng tỏ được tính hiệu quả trong các mô hình kinh doanh của mình và vẫn hoạt động tốt. – Michael A. Brown, Chủ tịch kiêm CEO của Symantec.)
– Có: 31% (Chắc chắn là thế rồi. Quả bong bóng này còn tồi tệ hơn quả bong bóng dot-com nữa. Hàng núi tiền đang bị ném vào các dự án ngắn hạn và chạy theo trào lưu nhất thời; không chỉ có thế, tiền lương thưởng cho những tài năng kỹ sư phần mềm đang cao ngất ngưởng. – Jay Rossiter, Phó Giám đốc cấp cao về khoa học và công nghệ của Yahoo.)
– Có thể: 12%
Câu hỏi: Công ty công nghệ nào sẽ làm thay đổi thế giới?
Kết quả:
– Tesla, hay bất kỳ thứ gì Elon Musk khởi tạo lên: 7%
– Theranos: 7%
– Slack: 5%
Câu hỏi: Giả sử Thung lũng Silicon có một vị Chủ tịch riêng, người đó sẽ là ai?
Kết quả:
– Elon Musk: 16%
– Sheryl Sandberg: 10%
– Marc Andreessen: 9%
Câu hỏi: Nếu có thể loại bỏ một phát minh hay sáng kiến nào đi, bạn sẽ loại bỏ cái nào?
Kết quả:
– Gậy tự sướng: 12%
– Các loại vũ khí hạt nhân và nguyên tử: 9%
– Facebook và/hoặc Twitter: 8%
Câu hỏi: Từ “hot” nhất trong làng công nghệ hiện nay là gì?
Kết quả:
– Internet của Vạn Vật: 17%
– Unicorn: 7%
Câu hỏi: Trung bình, bạn làm việc bao nhiêu tiếng mỗi tuần?
Kết quả:
– 60 – 69 tiếng: 27%
– 50 – 59 tiếng: 21%
– Quá nhiều, không tính được: 19%
– 70 – 79 tiếng: 13%
– 80 tiếng hoặc hơn: 12%
– Một số câu trả lời khác: Viết ra một con số ở đây tức là có ý rằng thực sự tồn tại một ranh giới giữa “công việc” và “đời sống cá nhân”. Bản thân tôi hiện tại không thích sự cân bằng giữa hai điều đó. – Logan LaHive, nhà sáng lập kiêm CEO của Belly. Tôi làm việc tất cả các tiếng trong tuần. – Philip Krim, đồng sáng lập kiêm CEO của Casper. Tôi làm 50 tiếng mỗi tuần. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng nếu làm việc nhiều hơn số đó, chất lượng công việc của bạn chỉ có đi xuống mà thôi. – Jerremy Howard, nhà sáng lập kiêm CEO của Enlitic.
Câu hỏi: Trong 20 năm tới, công ty nào trong số các công ty sau đây vẫn còn hoạt động?
Kết quả:
– Apple: 95%
– Google: 94%
– Amazon: 91%
– Facebook: 75%
– Microsoft: 71%
– IBM: 54%
– Uber: 52%
– LinkedIn: 48%
– PayPal: 39%
– eBay: 29%
– Twitter: 23%
– Yahoo: 16%
– Ý kiến khác: Có một câu hỏi khác thú vị hơn là trong 20 năm tới, những công ty nào sẽ xuất hiện. Trong 20 năm nữa, chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức rất khác so với bây giờ. Tôi cho rằng chúng ta sẽ ít quan tâm tới mạng xã hội hơn mà tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực như năng lượng thay thế, sinh học tổng hợp, và công nghệ địa cầu. Tôi cũng hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều công ty đa quốc gia nữa. – Kate Crawford, nhà nghiên cứu trưởng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Microsoft, Giáo sư thỉnh giảng Trung tâm Truyền thông Dân sự, Học viện Công nghệ Massachusetts. Người ta thường chỉ nhìn vào tốc độ thành công chóng mặt của các công ty mà không để ý tới sự chậm chạp của chúng trong quá trình biến mất. Lẽ ra nên hỏi về sự phù hợp với thời đại của các công ty trong tương lai thì đúng hơn. Những công ty như Yahoo đã “hấp hối” từ gần một thập kỷ nay rồi nhưng đừng mong họ sẽ nhanh chóng biến mất. – Carl Bass, Chủ tịch kiêm CEO của Autodesk.
Bùi Thu Trang dịch
Nguồn:
http://www.theatlantic.com/technology/archive/2015/10/which-new-startup-will-actually-change-the-world/412924/
http://www.theatlantic.com/magazine/archive/2015/11/do-you-fear-intelligent-robots/407860/