Cuộc “cải cách” dùng bếp ở nông thôn, miền núi

Bếp Thế Hệ Xanh thuyết phục được người dân ở nông thôn, miền núi từ bỏ bếp hở truyền thống vốn có hại cho sức khoẻ và môi trường nhưng họ vẫn “tin dùng” từ nhiều đời nay.


Gian hàng Bếp Thế Hệ Xanh trong một hội chợ hàng Việt về nông thôn ở Tuyên Quang (Ảnh Nguyễn Tuấn Anh ở bìa phải). Nguồn ảnh: Bếp Thế Hệ Xanh.

Hình ảnh người dân dựng kiềng ba chân ở góc tường, quét sạch tro trên sàn và thay vào đó là Bếp Thế Hệ Xanh đặt ngay ngắn trong bếp được anh Nguyễn Tuấn Anh, giám đốc công ty kể lại với phóng viên Tia Sáng như một niềm tự hào nho nhỏ. Với anh, đó là sự thể hiện rõ nhất sự thay đổi hành vi tiêu dùng của những người phụ nữ vùng cao, “gác lại hẳn” thói quen bao đời dùng bếp hở sang một loại bếp khác tốt cho sức khỏe và môi trường sống hơn.

Với gần một nửa dân số Việt Nam, nấu nướng là công việc “chết chóc”. Hơn 46% người dân Việt Nam đang sử dụng chất đốt rắn để đun nấu, phần lớn ở các bếp kiềng – bếp hở khiến hơn 10 nghìn người chết mỗi năm vì khí thải từ chính căn bếp của mình1. Trên thực tế, Việt Nam đã cố gắng thuyết phục người dân chuyển sang dùng các bếp sạch, chẳng hạn như Chương trình “Triển khai diện rộng bếp đun cải tiến tiết kiệm năng lượng sử dụng phụ phẩm nông, lâm nghiệp tại các hộ gia đình nông thôn ở một số tỉnh lựa chọn” của Bộ Công Thương đã cung cấp miễn phí hơn 29 nghìn bếp cải tiến cho các hộ gia đình trong ba năm 2007-2010 và tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn để người dân tự xây loại bếp này. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức phi chính phủ khác cũng nỗ lực triển khai những chương trình tương tự. Tuy nhiên, có thể nói rằng, các chương trình này đều thất bại trong việc duy trì một kết quả bền vững, người dân đều ngay lập tức quay lưng với các loại bếp này khi chương trình kết thúc.

Công ty Cổ phần Bếp Thế Hệ Xanh được sáng lập bởi hai vợ chồng Nguyễn Tuấn Anh và Đỗ Thị Thu Giang từng học quản trị kinh doanh tại Mỹ. Khi nhận lời trả lời phỏng vấn của Tia Sáng, chị Giang gọi câu chuyện của Bếp Thế Hệ Xanh là “điên điên”, có lẽ một phần vì hai người sáng lập dám dấn thân vào một con đường đầy thách thức mà không có chuyên môn về cơ khí, cơ nhiệt cũng như chưa hề có kinh nghiệm làm việc với tập khách hàng mà họ hướng đến: những người thu nhập thấp ở nông thôn và miền núi. Khi đang làm chủ một công ty về vật liệu xây dựng, anh Tuấn Anh tình cờ quan tâm đến năng lượng tái tạo và muốn làm một sản phẩm gì đó “thân thiết” với người dân. Bếp sinh khối sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp, vừa tận dụng được rác thải sẵn có, vừa bảo vệ môi trường có vẻ là một lựa chọn khả dĩ. Anh mày mò tự thiết kế và chế tạo bếp sinh khối dựa trên các thiết kế mở của các dự án nước ngoài sao cho sử dụng được đồng thời nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp (từ trấu, rơm rạ, mùn cưa đến củi). Đó là lí do Công ty Bếp Thế Hệ Xanh ra đời.

Là loại bếp sinh khối sử dụng công nghệ khí hóa (tức là nhiệt phân các nhiên liệu hữu cơ thành các khí có thể đốt cháy được), Bếp Thế Hệ Xanh có những đặc điểm ưu việt hơn so với bếp hở truyền thống về mặt tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Theo các kết quả kiểm định do công ty gửi đến các phòng thí nghiệm tại Viện Cơ – Nhiệt lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội và tại các phòng thí nghiệm nước ngoài do SNV (Tổ chức Phát triển Hà Lan) hỗ trợ, mỗi Bếp Thế Hệ Xanh tiết kiệm 50-60% củi đun, giảm một tấn khí thải CO2 mỗi năm, giảm 40% khí CO và giảm 85-90% bụi PM 2.5 (loại bụi có đường kính nhỏ hơn 2.5 µm, nếu phơi nhiễm lâu dài có thể dẫn đến viêm phế quản mãn tính và bệnh tim) so với bếp kiềng. Hơn nữa, bếp được châm lửa từ trên xuống thay vì từ dưới lên như những bếp truyền thống nên sẽ đốt khí sinh ra từ quá trình nhiệt phân sinh khối hiệu quả hơn, ít khói và còn tạo than sinh học (để có thể lưu trữ và đun cho lần sau nếu muốn).

Quảng cáo bằng truyền miệng

Những tác dụng “vượt trội” này của Bếp Thế Hệ Xanh lại không hề làm khách hàng ấn tượng. Anh Tuấn Anh kể lại lần đầu tiên giới thiệu sản phẩm ở Tuyên Quang, có một khách hàng rất “ghê gớm”, “nói câu nào độp ngay lại câu đấy”: Khi anh giới thiệu đây là bếp tiết kiệm củi, người phụ nữ đấy ngán ngẩm: “Rừng ngay sau lưng nhà tôi củi đầy, thiếu gì”; giới thiệu là bếp giảm khí thải, chị ấy phản bác: “Ông dọa chơi chứ nhà tôi đun củi bao nhiêu đời nay, có ông nào đun xong lăn ra đùng chết đâu?”; giải thích là nếu tiết kiệm củi, thay vì một tuần chị phải chặt củi một lần thì bây giờ hai tuần mới phải chặt một lần, chị ấy nói: “Ui giời, đây có việc gì làm đâu, thời gian đây đầy”. Cuối cùng, người phụ nữ thốt lên: “Ôi hay, tôi mua!” khi anh Tuấn Anh nhắc đến một tác dụng “rất phụ” của chiếc bếp: “Cái bếp này không sợ gió, chị đem ra ngoài đun cũng được, vừa trông con, trông cháu, vừa buôn chuyện với bà hàng xóm”.

Đội ngũ kinh doanh của công ty khó lòng nhìn ra điểm bất ngờ hấp dẫn khách hàng này ở chiếc bếp nếu không kiên trì trao đổi trực tiếp với họ. Thị trường người thu nhập thấp ở Việt Nam phân mảnh, không tập trung nên việc quảng bá và mở rộng kinh doanh đòi hỏi doanh nghiệp phải đi nhiều nơi, bỏ nhiều chi phí để khảo sát. Bên cạnh đó, những khách hàng tiềm năng lại khu trú ở những nơi mà giao thông và cơ sở hạ tầng là “ác mộng” đối với việc đi lại và vận chuyển. Khó khăn vì không đến tận nơi để chăm sóc khách hàng và các đại lí thường xuyên đã đành nhưng ngay cả khi có người đặt hàng, việc vận chuyển đến nơi cũng đầy thách thức. Công ty đã từng bị “lỗ te tua” khi gửi một chuyến hàng vào đại lý ở Buôn Mê Thuột vào thời điểm giá vận chuyển của xe khách tăng gấp đôi do chính sách siết chặt tải trọng của Bộ GTVT. Mỗi chiếc bếp bán ra 200 nghìn phải chịu tới 80 nghìn tiền vận chuyển. Nhưng tăng giá bếp không phải là một lựa chọn: “có khi chỉ tăng 20 – 30 nghìn một bếp là đã quá khả năng chi trả của khách hàng rồi” – anh Tuấn Anh nói.


Một số loại bếp trưng bày trong văn phòng công ty (bếp sử dụng lõi ngô có cửa ở thân bếp đứng thứ hai từ phải sang). Ảnh: Hảo Linh

Bài toán vận tải được công ty giải quyết “tạm thời” bằng cách ký hợp đồng với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để có thể đưa hàng đến tận xã. Hiện nay, Bếp Thế Hệ Xanh đã có mạng lưới phân phối ở 20 tỉnh phía Bắc với hơn 250 đại lý và cộng tác viên bán hàng ở các huyện. Cách thức quảng bá của họ? Truyền miệng! Thông qua việc kết hợp với Hội Phụ nữ ở các địa phương triển khai các chương trình, hội thảo, họ giới thiệu và demo sản phẩm của mình cho một nhóm nhỏ tập trung để rồi từ đó có những người thích thú với sản phẩm và đăng ký làm đại lý. Ngoài ra, họ “chăm chỉ” đi theo các chương trình hàng Việt về nông thôn. Anh Tuấn Anh kể lại, trong lần hội chợ ở Mộc Châu đã gặp một khách hàng người Mông đi đi về về mua mười mấy cái bếp vì lần nào mua xong cũng bị ai đó “lấy mất”. Sau đó, những trường hợp như vậy trở nên phổ biến: một người mua rồi mách nước cho gia đình, hàng xóm. Một chi tiết khác khá thú vị, việc chạy quảng cáo trên Facebook cũng có hiệu quả đối với vùng sâu vùng xa. Có những người ở vùng sâu vùng xa biết đến Bếp Thế Hệ Xanh trên mạng xã hội này và theo anh Tuấn Anh, là những người hứng thú với cái mới, họ không chỉ là người mua, họ trở thành người quảng bá.

Anh Tuấn Anh cho biết, để lấy được niềm tin của cộng đồng dân tộc thiểu số, bí quyết bán hàng của công ty là “Mình đến, mình thật, có đâu nói đấy”. Anh kể lại một câu chuyện vui rằng, có khách hàng nhất quyết chỉ mua bếp mẫu đang đốt, dù đã cũ và bẩn vì sợ bếp mới là bếp giả, không cháy được. Anh yêu cầu các nhân viên kinh doanh của mình phải “làm bài tập” trước khi bán hàng. Có nghĩa là, họ phải đun thử trước các nguyên liệu mới và đun hết xem bếp có thể đun trong thời gian ít nhất bao lâu để giới thiệu sản phẩm một cách chính xác.

Tối ưu trong thiết kế

Làm sao để người dân từ bỏ bếp hở cũ để chuyển sang bếp mới không chỉ là câu hỏi “đau đầu” với các chương trình ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới. Vấn đề của những chiếc bếp không nằm ở công nghệ mà nằm ở thiết kế. “Nếu như tôi có một cái bếp hiệu suất siêu cao, siêu sạch nhưng chưa phù hợp với nhiên liệu họ đang dùng và tập quán đun nấu thì có cho họ cũng không lấy”, anh Tuấn Anh nói. Một chi tiết nhỏ cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Thêm một chiếc cửa ở thân bếp cho phép người dùng tiếp thêm nhiên liệu bất kỳ lúc nào mới phù hợp với tập quán của cộng đồng người Thái ở Sơn La là dùng lõi ngô để đồ xôi: Người dùng không phải nhấc chõ xôi xuống để tiếp ngô (vốn là một nhiên liệu cháy rất nhanh) từ miệng bếp. Hay hộp sinh khối được bán rời, có thể tháo lắp trong lòng bếp dành cho những người sử dụng nhiều loại nhiên liệu khác nhau cùng một lúc.      

Hiện nay, công ty có 11 dòng bếp với nhiều lần cải tiến. Bếp Thế Hệ Xanh có đặc điểm là thấp (bếp thấp nhất là 30 cm, cao nhất là 50 cm) và không cần quạt thổi khi đốt. Là thành viên của Liên đoàn Bếp sạch toàn cầu, anh Tuấn Anh thường xuyên trao đổi với những nhóm thiết kế bếp trên thế giới, nhưng những ý tưởng cải tiến bếp không phải lúc nào cũng thực hiện được. Nếu thêm quạt, tăng chiều dài và giảm chiều rộng thì Bếp Thế Hệ Xanh sẽ trộn khí tốt hơn, không chỉ tăng hiệu suất mà còn giảm khí thải, nhưng họ chưa thực hiện. Lí do là bởi phần lớn người dân ở nông thôn, miền núi vẫn ngồi xổm để nấu. Những bếp cao 80 cm từng được phát miễn phí bởi những chương trình bếp sạch đều bị người dân “bỏ xó”.

Thiết kế hình vuông giúp cho bếp không chỉ không bị méo khi vận chuyển đi xa mà còn tiết kiệm chi phí trong lưu trữ và sản xuất. Trước khi xuất kho, bếp có thể được lưu trữ dưới dạng các tấm rời, tiết kiệm 20 lần diện tích kho. Khi có những lô hàng gấp, lúc nào cũng có sẵn linh kiện và có thể huy động toàn bộ nhân lực ra lắp bếp. Nguồn gốc của bếp vuông là sự tình cờ với anh Tuấn Anh do… không có tay nghề cơ khí. Quá trình mày mò tự làm bếp với điều kiện thiếu thốn máy móc khiến anh quyết định làm bếp vuông (“Dù gì thì nó cũng sẽ vuông thành sắc cạnh, chứ bếp tròn cuốn bằng tay thể nào cũng méo”).

Bếp Thế Hệ Xanh là công ty đầu tiên nhận được “phần thưởng” của chương trình “Thúc đẩy thị trường bếp sạch của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông” SNV tổ chức. Theo đó, các công ty sản xuất bếp tham gia chương trình sẽ đấu giá “phần thưởng” sau khi SNV mang sản phẩm của họ đi thử nghiệm về các tiêu chuẩn khí thải. Sau khi chiến thắng phiên đấu giá, họ sẽ đi bán bếp và với mỗi chiếc bếp bán được, họ sẽ được nhận “tiền thưởng” để tùy ý sử dụng.

Bán được 15 nghìn bếp mỗi năm, công ty có lãi nhưng “không đáng kể” và theo anh Tuấn Anh, nếu “khai phá” một thị trường mới thì thể nào cũng lỗ. Tuy nhiên, anh dùng số tiền thưởng để làm điều này: “Nhiều người có thể thu số tiền đó về bỏ túi cũng được nhưng tôi chẳng muốn thế, cái mình thực sự cần là bây giờ nhiều người dùng (bếp) hơn, nhiều người biết hơn” – anh Tuấn Anh cho biết.
—–
1Theo báo cáo của Liên đoàn Bếp sạch Toàn cầu (Global Alliance for Clean Cookstoves) với số liệu năm 2007. http://cleancookstoves.org/resources/180.html

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)