Cuộc khai quật bên dưới ngôi làng ở Israel
Bên dưới những căn nhà trong ngôi làng Mi'ilya là những tàn tích của một thời quá khứ lẫy lừng.
Bên dưới ngôi nhà của ông Eilia Arraf là một nhà thờ cổ xưa. Ảnh: Amit Elkayam / The New York Times
Chính giữa căn nhà của Eilia Arraf – giữa hai phòng khách, một khu vườn với các chậu xương rồng và một phòng tập thể dục tạm bợ – có hai hố lớn, dưới mỗi hố là tàn tích của một nhà thờ mà các nhà khảo cổ tin rằng đã được xây dựng cách đây khoảng 1.600 năm.
Ông Arraf đã tìm thấy dấu hiệu có một sàn khảm đá cổ ngay dưới căn nhà của mình vào năm 2020, khi ông cố gắng cải tạo phòng ngủ của dì ông và một kho chứa dầu ô liu thành nhà bếp mới. Kế hoạch xây nhà bếp nhanh chóng bị gác sang một bên. Thay vào đó, ông Arraf đã biến phần trung tâm của ngôi nhà thành một khu vực khai quật khảo cổ – và về sau là một điểm nhỏ thu hút khách du lịch.
“Chúng tôi đã mất một phần ngôi nhà của mình”, ông Arraf, một kỹ sư điện 69 tuổi, chia sẻ. “Nhưng những gì chúng ta có được bên dưới lớp đất kia là thứ không thể mua được bằng tiền.”
Trên thực tế, ở bất kỳ ngôi làng nào khác tại Israel, quyết định hi sinh phần đất của mình thành nơi khai quật khảo cổ – như ông Arraf đã làm – là điều chưa từng có trong tiền lệ. Nhưng ở Mi’ilya, một ngôi làng trên đỉnh đồi ở miền Bắc Isarel với khoảng 3.200 người sinh sống, chủ yếu là người Ả Rập theo đạo Kitô, ông chỉ là một trong số nhiều gia đình “quái đản” đi theo xu hướng này.
Kể từ năm 2017, bốn gia đình đã bắt đầu quá trình khai quật hòng tìm kiếm tàn tích của các cuộc Thập Tự Chinh và đế quốc Byzantine. Hàng trăm gia đình khác ở Mi’ilya đã tài trợ cho một dự án nhằm khôi phục một phần lâu đài Thập Tự Chinh đổ nát của ngôi làng.
Trong quá trình này, dân làng đã phát hiện ra nhà máy rượu vang lớn nhất từng được ghi nhận vào thời điểm diễn ra các cuộc Thập Tự Chinh, bức tường thành, bể chứa nước La Mã và công cụ nấu ăn thời kỳ đồ sắt – cũng như nhà thờ Byzantine bên dưới nhà của ông Arraf.
“Đó là hiệu ứng domino,” nhà khảo cổ học Rabei Khamisy, một trong những người dẫn dắt dự án, cho biết. “Ở Mi’ilya, khai quật đã trở thành một điều gì đó giống như truyền thống.”
Trong nhiều năm trở lại đây, dân làng đã nhận thức được rằng họ đang sống phía trên và giữa một loạt kho báu khảo cổ học quý giá, nhưng họ chưa bao giờ đào bới để tìm kiếm chúng. Các phần của ngôi làng ngày nay có niên đại từ thế kỷ 12, khi quân Thập Tự Chinh Frankish xây dựng một lâu đài ở đó, có thể là dưới thời cai trị của Baldwin III, một vị vua Kitô giáo thành Jerusalem.
Ngày nay, Mi’ilya vẫn là một trong số ít các ngôi làng có đa số người theo đạo Kitô ở Israel. Hầu hết cư dân trong vùng là những người Công giáo Hy Lạp, tổ tiên của họ bắt đầu định cư ở đây trong thời kỳ cai trị của Đế chế Ottoman vào giữa thế kỷ 18. Nhiều người sống trong những ngôi nhà được xây dựng từ đống đổ nát của lâu đài các hiệp sĩ Thập Tự Chinh, qua nhiều năm, nơi đây đã trở thành tổ ấm của nhiều thế hệ dân làng. Nhưng nó chưa bao giờ được khai quật hoặc phục hồi đúng cách.
“Hội đồng làng luôn nói ‘Chúng ta sẽ dựng lại lâu đài, chúng ta sẽ làm việc trên lâu đài”, TS Khamisy, người đã lớn lên dưới cái bóng của toà lâu đài, chia sẻ. “Nhưng rồi chẳng có gì xảy ra.”
Bước ngoặt đến vào đầu năm 2017, khi một phần của bức tường lâu đài bắt đầu sụp đổ, gây nguy hiểm cho cư dân.
TS. Khamisy khi ấy 45 tuổi, là một chuyên gia về khảo cổ học thời Thập Tự Chinh. Lúc bấy giờ ông đang khởi động nghiên cứu mới tại một trường đại học gần đó và có rất ít thời gian để tiến hành thêm bất kỳ một dự án nào. Nhưng ông nhận ra rằng việc bảo tồn pháo đài rất quan trọng, hoặc bây giờ – hoặc không bao giờ, với ông đó là bản sắc của quê hương. “Mình sẽ trùng tu lại lâu đài,” ông tự nhủ. “Nếu không làm được điều đó, mình sẽ rời khỏi làng. Mình không thể sống ở đây”. Vì vậy, ông đã bắt đầu dự án, và cũng là dự án trùng tu, khai quật đầu tiên ở Mi’ilya.
TS. Khamisy nhờ hội đồng làng tổ chức một cuộc họp, tại đó ông thỉnh cầu các gia đình quyên góp mỗi gia đình một số tiền tương đương với chi phí mua hai bao thuốc lá. Dân làng đã đáp lại lời kêu gọi, họ đóng góp khoảng 60.000 đô la, và hội đồng đã quyên góp thêm được 30.000 đô la. Cơ quan Quản lý Cổ vật Israel nhanh chóng cấp các giấy phép hợp lệ. Vài tuần sau, đoạn tường nguy hiểm nhất đã được sửa sang và cố định trở lại.
Mi’ilya, một ngôi làng trên đỉnh đồi ở miền bắc Israel, với 3.200 người sinh sống. Ảnh: Amit Elkayam / The New York Times
Từ trước đến nay, mỗi khi tìm thấy bất kỳ hiện vật hoặc tàn tích nào, cư dân của những ngôi làng như Mi’ilya luôn thận trọng cân nhắc có nên thông báo cho cơ quan quản lý cổ vật hay không. Mặc dù chủ nhà sẽ phụ trách trông giữ tàn tích, nhưng nó lại trở thành tài sản hợp pháp của nhà nước. Điều người dân lo ngại đó là chính quyền có thể chiếm tài sản của họ, hay thậm chí là yêu cầu khai quật nền nhà lên – việc này đặc biệt tiêu tốn nhiều thời gian nếu đó là một tàn tích đáng chú ý.
Đối với các công dân Palestine sống tại Israel, nỗi sợ hãi còn lớn hơn nhiều, bởi vì chính phủ đã trưng dụng đất thuộc sở hữu của người Ả Rập trên khắp Israel trong nhiều thập kỷ sau khi thành lập nhà nước.
Song dự án trùng tu bức tường đã khiến dân làng tin tưởng hơn vào chính quyền – phần lớn là nhờ TS. Khamisy, ông trở thành sợi dây trung gian kết nối dân làng và chính phủ.
“Anh ấy là đứa con thân yêu của làng này,” Salma Assaf, một cựu kế toán, người sở hữu một số mảnh đất trong và xung quanh khu di tích lâu đài, cho biết. “Anh ấy đã phá vỡ bức tường ngăn cách giữa chúng tôi và các cơ quan quản lý cổ vật.”
Chẳng bao lâu sau, các giáo sĩ trong làng cho phép nhóm chuyên gia khai quật nhà thờ làng, nhờ đó họ phát hiện ra một số đồ gốm thời kỳ đồ sắt. Nhưng khám phá ấn tượng nhất thì đang ẩn nấp bên dưới khu đất của bà Assaf – ngay bên cạnh nhà thờ.
Bà Assaf, 69 tuổi, lúc ấy đang trong quá trình biến ngôi nhà từ thời Ottoman của gia đình mình thành một nhà hàng. Khi những người thợ xây dựng làm việc trong căn hầm, họ đã phát hiện ra một công trình kiến trúc cổ bằng đá.
Bên dưới nhà hàng của gia đình bà Assaf là một chiếc máy ép rượu thời xưa. Ảnh: Amit Elkayam / The New York Times
Được truyền cảm hứng bởi những nỗ lực gần đây của TS. Khamisy, bà Assaf đã mời ông đến để kiểm tra kiến trúc cổ. Nhà khảo cổ học nhanh chóng nhận ra đây là một khu vực chưa từng được biết đến trước đây của thị trấn – có lẽ là một phần của cỗ máy ép rượu thời Trung cổ. Quá phấn khích, TS. Khamisy đã gọi điện cho cơ quan quản lý cổ vật, xin phép được đào sâu hơn. Giấy phép được cấp nhanh chóng một cách bất thường, chỉ trong vòng vài ngày.
Tương tự như việc trùng tu bức tường đã làm cho làng bớt cảnh giác với chính quyền, các nhà chức trách giờ đây đã tin tưởng hơn vào dân làng. Họ cũng yên tâm khi có sự tham gia của TS. Khamisy. “Chúng tôi hiểu rõ anh ấy, chúng tôi tin tưởng anh ấy,” Kamil Sari, một quan chức ở miền bắc Israel cho biết. “Anh ấy thực sự để tâm đến những gì mình đang làm.”
Với bay, xẻng và cuốc, TS. Khamisy và gia đình bà Assaf bắt đầu tự mình khai quật căn hầm. Sau khi đào được hai tuần, TS. Khamisy đột nhiên nhảy cẫng và hét toáng lên. Khoảng hai thước dưới sàn nhà, ông đã tìm thấy những dấu hiệu đầu tiên của hệ thống thoát nước thời Thập Tự Chinh. Các chuyên gia sau đó kết luận rằng tòa nhà của bà Assaf nằm phía trên máy ép rượu lớn nhất từng được ghi nhận trong giai đoạn diễn ra các cuộc Thập Tự Chinh. “Đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi”, Bà Assaf nhớ lại.
Như được tiếp thêm sức mạnh, bà Assaf bắt đầu mua các mảnh đất khác xung quanh lâu đài, tiến hành khai quật với sự giúp đỡ của TS. Khamisy và sau đó khôi phục chúng. Họ phát hiện ra một hệ thống cung cấp nước của quân Thập Tự Chinh và một bể chứa nước thời La Mã mà quân Thập Tự Chinh dường như đã sử dụng. Đây đều không phải là những khám phá chấn động, nhưng chúng đã giúp các nhà khảo cổ học hiểu sâu hơn về cuộc sống của quân Thập Tự Chinh vào thế kỷ 12.
“Bản thân những phát hiện này rất quan trọng đối với một nhà sử học Thập Tự Chinh và cũng là một nhà khảo cổ học như tôi”, Adrian Boas, giáo sư khảo cổ học thời Trung cổ tại Đại học Haifa, cho biết. “Người dân đang bổ khuyết thông tin vào những khoảng trống lịch sử của thời kỳ Thập tự chinh.” Nhưng có lẽ quan trọng hơn, những cuộc khai quật đã giúp dân làng “nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của quá khứ và cảm thấy gắn kết hơn với nơi họ đang sống,” Giáo sư Boas nói.
Dưới ngọn đồi, ông Arraf là người tiếp theo cảm thấy hứng thú với khảo cổ học. Vào những năm 1980, người thân của ông đã tìm thấy những bức tranh khảm Byzantine trong một hầm rượu phía sau nhà của họ. Nhưng các anh chị của ông luôn cho rằng có những sàn khảm lớn hơn và ấn tượng hơn bên dưới gian chính trong ngôi nhà – những tàn tích mà họ khẳng định là đã được phát hiện ra vào những năm 1950, nhưng rồi gia đình cứ thế im lặng để tiếp tục quá trình tu bổ căn nhà.
Sẽ thế nào nếu những lời anh chị ông kể là sự thật?
Dưới sự hướng dẫn của TS. Khamisy, gia đình Arraf đã đào trong hai tuần – xuống một feet, hai feet, ba feet. Vừa vượt quá mốc bốn feet, TS. Khamisy lại hét lên: Ông ấy đã tìm thấy thứ hóa ra là gian giữa của một nhà thờ Byzantine.
Để có một khoản nhằm trang trải chi phí khai quật, ông Arraf cho phép các nhóm du lịch đến thăm nhà của mình để thưởng lãm các bức khảm nằm bên dưới ngôi nhà hai tầng của ông.
Ông Arraf cho biết thi thoảng mình vẫn chưa tin được rằng có một nhà thờ đổ nát bên dưới phòng ngủ cũ của dì ông. “Tôi xuống xem nó mỗi ngày,” ông tâm sự. “Đó là niềm vui của riêng tôi.”
Anh Thư tổng hợp
Nguồn: Christian Village in Israel Digs Into Its Crusader Past
Rare Overlap of Holy Days Shows Jerusalem’s Promise and Problems