Cựu Thủ tướng Phần Lan khuyến nghị Việt Nam tập trung vào ecosystem cho ĐMST

Đó là một trong những khuyến nghị mấu chốt mà ông Esko Aho - cựu Thủ tướng Phần Lan - muốn truyền tải khi chia sẻ về kinh nghiệm của quốc gia Bắc Âu trong quá trình phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo.


Cựu Thủ tướng Phần Lan Esko Aho tại buổi thuyết trình diễn ra tại hội trường của Bộ KH&CN ngày 18/9/2017. Ảnh: Vũ Hiệp

Buổi thuyết trình diễn ra tại hội trường của Bộ KH&CN ngày 18/9/2017, một hoạt động trong khuôn khổ của chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) giai đoạn 2.

Trong một thế giới thay đổi nhanh và ngày càng khó dự đoán, các quốc gia và các ngành công nghiệp đều phải học cách thích nghi và liên tục tự điều chỉnh một cách linh hoạt, vì vậy ông Aho cho rằng phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo (nhà nước cũng như doanh nghiệp) không phải là xây dựng và thực hiện các chiến lược cố định, mà là lựa chọn mô hình nền tảng cho sự phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn. Theo ông, mỗi quốc gia chỉ có thể học hỏi kinh nghiệm từ bài học của người khác để từ đó tự sáng tạo nên câu chuyện riêng của chính mình, chứ không thể sao chép rập khuôn bất cứ một mô hình sẵn có nào.

Với kinh nghiệm 40 năm làm việc cho cả khu vực công lẫn tư nhân, vị cựu thủ tướng đồng thời từng có giai đoạn làm phó chủ tịch Tập đoàn Nokia, đưa ra những ví dụ sinh động minh chứng cho các nhận định của mình. Phần Lan là một quốc gia Bắc Âu có diện tích gần như tương đương với Việt Nam và quy mô dân số nhỏ hơn rất nhiều (gần 5.5 triệu dân). Sau thế chiến thứ hai, Phần Lan là quốc gia chịu nhiều thiệt hại, với một nền kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên hầu như là con số không, chưa kể điều kiện khí hậu thuộc hàng khắc nghiệt nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, chính hoàn cảnh “hầu như không có gì đó”, Phần Lan đã biết chắt chiu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực ít ỏi, và điều quan trọng là biết lựa chọn những mô hình phát triển phù hợp. Trong thập kỷ 50-60 của thế kỷ trước, Phần Lan đã tất yếu lựa chọn con đường công nghiệp hóa để hiện đại hóa đất nước, nhưng đến thập kỷ 80-90, họ đã sáng suốt nhận ra chỉ công nghiệp hóa là chưa đủ mà phải chuyển sang một nền kinh tế lấy đổi mới sáng tạo làm trụ cột. Những lựa chọn khôn ngoan đó đã giúp Phần Lan đã vươn lên cùng với Nhật Bản, Na Uy, Singapore, là những nước có thành tựu tăng trưởng ngoạn mục nhất trong vòng một thế kỷ qua. Ông Aho cũng lấy ví dụ về câu chuyện thành công của Nokia trong thập niên 1990 khi đó đang trên bờ vực phá sản, hội đồng quản trị đã mạnh dạn tái cấu trúc lại công ty, nắm bắt được xu thế của cuộc cách mạng di động đang bùng nổ, để những năm sau đó Nokia trở thành nhà sản xuất và cung cấp thiết bị di động số 1 thế giới. Tương tự như vậy, tới những năm 2000, khi nhận thấy rằng xu thế sản xuất, kinh doanh điện thoại di động đã tới giai đoạn bão hòa, Nokia đã bán lại mảng hoạt động này để tập trung hoàn toàn vào lĩnh vực thiết bị viễn thông.

Tuy nhiên, theo ông Aho, điều kiện tiên quyết cho thành công của tất cả những quyết sách về mô hình phát triển của quốc gia cũng như các doanh nghiệp chính là nền tảng khoa học – công nghệ, và giáo dục. Bên cạnh đó, ông cũng đặc biệt nhấn mạnh các yếu tố văn hóa khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Khi được hỏi Việt Nam cần làm gì để trở thành một quốc gia đổi mới sáng tạo, ông Aho cho rằng Việt Nam cần rất nhiều nỗ lực cải cách và thay đổi trong nhận thức, như xây dựng một hệ sinh thái (ecosystem) và môi trường phù hợp cho việc triển khai các ý tưởng sáng tạo vào thực tiễn; cải cách giáo dục để người học biết vận dụng và kết hợp các kỹ năng một cách sáng tạo; biết chấp nhận rủi ro bởi đó là yếu tố luôn đồng hành cùng mọi quá trình đổi mới sáng tạo.

Đối với ngành khoa học – công nghệ, kinh nghiệm Phần Lan mà ông Aho cho rằng Việt Nam có thể tham khảo là sử dụng các nguồn lực của mình một cách khôn ngoan, cân đối giữa đầu tư sâu theo chiều dọc của từng ngành với thúc đẩy liên kết liên ngành để làm ra những sản phẩm ứng dụng phù hợp. Trong tiến trình đó, vai trò của mối liên kết công – tư và hình thức đầu tư đối ứng của Nhà nước và doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Khi cần thiết, Nhà nước có thể thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, tuy nhiên, khi khu vực tư nhân đã sẵn sàng thì Nhà nước nên rút lui, ông Aho nhấn mạnh.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)