Đà Nẵng tiếp nhận mô hình sản xuất phân bón từ chất thải sinh hoạt

Sau thành công của Hà Tĩnh trong việc tái chế chất thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón vi sinh, Đà Nẵng đã nối tiếp con đường sản xuất nông nghiệp sạch bằng dự án "Tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch tại thành phố Đà Nẵng".

Dự án “Tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch tại thành phố Đà Nẵng” sẽ được triển khai trong vòng hai năm, từ 2015 đến 2017 với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong khuôn khổ Chương trình đối tác phát triển hỗ trợ của JICA năm 2014. Mức tổng đầu tư tương đương 500.000 USD (100% vốn ODA không hoàn lại).

Mục tiêu của dự án là  hỗ trợ nông dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bằng việc cung cấp phân bón lỏng phục vụ nông nghiệp từ nguyên liệu chất thải nhà vệ sinh với giá rẻ, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải từ các kênh dẫn bên dưới những công trình xử lý chất thải nhà vệ sinh gây ra.

Việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón lỏng cho thành phố Đà Nẵng  phù hợp với chủ trương chính sách “Xây dựng Đà Nẵng thành thành phố môi trường đến năm 2020” nhằm tiến tới xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị năng động, thân thiện với môi trường.

Hai nội dung chính của dự án là xây dựng cơ sở sản xuất phân bón lỏng tại địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng và đào tạo kỹ năng, đảm bảo làm chủ công nghệ sản xuất được chuyển giao từ đối tác Nhật Bản để chế tạo phân bón lỏng từ chất thải nhà vệ sinh. Dự kiến, nhà máy sẽ khởi công từ tháng 5/2015 và hoạt động thí điểm trong khuôn khổ chương trình dự án đến tháng 3/2017.

Theo chương trình hợp tác với JICA, những đơn vị phối hợp thực hiện chuyển giao công nghệ với Đà Nẵng là thị trấn Chikujo, Đại học Kyushu (thành phố Fukuoka), Đại học Saga (thành phố Saga), Công ty TNHH Giải pháp môi trường (Nhật Bản).

Mô hình dự án đã được triển khai thành công từ năm 1994 với hoạt động hiệu quả của nhà máy tái chế rác thải sinh hoạt thành phân bón dạng lỏng tại thị trấn Chikujo, góp phần thị trấn thành một nơi sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo môi trường bền vững, hài hòa giữa yếu tố phát triển và bảo tồn. Sau đó, mô hình xây dựng đã được chuyển giao tại Trung Quốc.

Trong buổi làm việc triển khai dự án với thành phố Đà Nẵng, ông Tamura Keiki, trưởng phòng Nông nghiệp, Văn phòng thị trấn Chikujo cho biết, sẽ phối hợp với thành phố Đà Nẵng xây dựng nhà máy thử nghiệm sản xuất phân bón lỏng tại quận Cẩm Lệ, đào tạo kỹ thuật cho việc vận hành nhà máy và chuyển giao công nghệ theo đúng mô hình và kinh nghiệm thực tế từ thị trấn Chikujo, Nhật Bản nhằm phát huy hiệu quả của việc phun phân bón dạng lỏng. Đồng thời thông qua dự án sẽ phối hợp tổ chức các lớp giáo dục, môi trường nhằm thúc đẩy nhận thức của người dân liên quan đến dự án và tham quan thực tế tại Nhật Bản.

Để có được dự án này, từ năm 2014, thành phố Đà Nẵng đã hợp tác với các đối tác Nhật Bản xây dựng đề án “Tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch”, đến tháng 8/2014 dự án được sự chấp thuận tài trợ từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA.

 

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)