Đan Mạch làm đảo nhân tạo, xây dựng hay hủy hoại tương lai?

Một công viên xanh có khả năng chống lại biến đổi khí hậu với việc làm chậm lại nước biển dâng và mang lại chỗ ở cho 35.000 người trên diện tích ba km2. Đó thực sự là một khu dân cư mới toanh - ngay trên bờ biển và được kết nối tốt với phần còn lại của thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.

Hiện các chính trị gia Đan Mạch đang xúc tiến dự án Lynetteholm, hòn đảo nhân tạo này sẽ được xây dựng ở cảng Copenhagen.

Đan Mạch đang bị đe dọa đặc biệt bởi biến đổi khí hậu. Quốc gia nhỏ bé nằm giữa biển Bắc và biển Baltic đã biết rằng mình phải chịu nước biển dâng từ hai phía. Các dự án bảo vệ bờ biển trị giá tiền  tỷ đã được khởi xướng trong vài năm qua. Các chuyên gia dự đoán, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục gia tăng do hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu. Do đó xây dựng Lynetteholm là để bảo vệ Copenhagen khỏi những thảm họa thời tiết khắc nghiệt như vậy trong tương lai.

Đây là một dự án khổng lồ mang lại hy vọng trong thời kỳ biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. 85% nghị sỹ Đan Mạch đã bỏ phiếu ủng hộ dự án hồi tháng 6 và công trình xây dựng đầu tiên có thể bắt đầu chỉ trong vài tuần nữa. Nhưng chính các chuyên gia về khí hậu và môi trường lại kịch liệt phản đối dự án Lynetteholm – nếu những người ủng hộ chỉ ra khả năng bảo vệ bờ biển thì những người chỉ trích lo ngại sự tàn phá của biển Baltic. Nơi các chính trị gia nhìn thấy hàng nghìn căn hộ mới được xây dựng, các đối thủ lại cho rằng công trường xây dựng khổng lồ này gây hại cho khí hậu.

Cuộc tranh cãi này đã leo thang trong vài tuần qua đến mức có thể Liên minh châu Âu cũng phải vào cuộc.

Nó cho thấy việc đối phó với biến đổi khí hậu có thể trở nên khó khăn như thế nào trong những thập kỷ tới. Tình hình này đòi hỏi phải có những câu trả lời có ý nghĩa quyết định? Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó cũng là một câu hỏi có ý nghĩa then chốt về dân chủ: Ai là người ngày nay có thể ra quyết định về những gì mà người khác phải sống trong  dăm chục năm nữa?

Theo quan điểm của Đức, tốc độ lên kế hoạch Lynetteholm rất ấn tượng:  tháng 10 năm 2018, Thủ tướng Lars Løkke Rasmussen thời đó đã trình bày những kế hoạch đầu tiên – chỉ ba năm sau, việc đắp đảo đã được bắt đầu.

Những người phụ trách ước tính, công việc việc xây dựng sẽ  hoàn tất vào năm 2070. Từng bước, các khu chung cư sẽ được xây dựng, kết nối với tàu điện ngầm và một phần bờ biển hoàn toàn mới sẽ hình thành. Đây là công trình xây dựng lớn nhất trong lịch sử Đan Mạch. Hơn một trăm triệu mét khối cát và đất đá được đào xới, di chuyển để phục vụ công trình, các tòa nhà đầu tiên sẽ ra đời sớm nhất vào năm 2035.

Frederik Sandby hy vọng sẽ góp phần ngăn chặn kế hoạch này. Anh là chủ tịch của Klimabevægelsen, tổ chức bảo trợ của phong trào khí hậu Đan Mạch, trong đó Fridays for Future là một thành viên. Sandby cảnh báo: “Nếu chúng ta thực sự nghiêm túc về các mục tiêu khí hậu của Paris, thì Lynetteholm sẽ không tồn tại dưới dạng như hiện tại. Cho đến nay, dự án này chẳng quua chỉ là rửa xanh (greenwashing) mà thôi“.

Các nhà bảo vệ môi trường và khí hậu phẫn nộ vì cho đến nay vẫn chưa có đánh giá môi trường đầy đủ về dự án. Thay vào đó, Lynetteholm được chia thành nhiều dự án phụ. Trước khi bắt đầu xây dựng, người ta chỉ điều tra hậu quả của việc xây kè trên đảo. Thành phố và nhà nước sẽ quyết định phần còn lại sau này, khi các máy móc đã vào cuộc. Khả năng phản đối của công dân và tổ chức dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 6/10. Không chỉ các nhà bảo vệ khí hậu mà các luật sư và chính trị gia đối lập cũng chỉ trích lối làm ăn này.

Ellen Margrethe Basse, giáo sư luật môi trường tại Đại học Aarhus, lo ngại hành động của chính phủ sẽ làm suy yếu hiệu lực của quyền kiểm soát dân chủ đối với dự án. Các khiếu nại, ý kiến phản kháng đã bị vô hiệu hóa với việc ra nghị quyết của Quốc hội. Peter Pagh, đồng nghiệp của Basse tại Đại học Copenhagen, cũng chia sẻ những nghi ngờ về việc liệu thủ tục này có hợp pháp hay không. “Người ta không thể kiểm tra các dự án lớn  khi chúng đang triển khai xây dựng”.

Cho đến nay, Tòa thị chính Copenhagen cũng không muốn nghe về những phản đối như vậy. “Đó là một quá trình dân chủ hoàn toàn bình thường”, Thị trưởng Lars Weiss đảm bảo trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Rõ ràng, ông không quan tâm đến đến những chỉ trích đối với các đại dự án. “Nếu bạn tuân theo logic này, chúng tôi không còn có thể lên kế hoạch cho bất kỳ dự án nào kéo dài quá thời gian bầu cử.” Chỉ tính riêng vào đầu năm, theo thị trưởng Weiss, nhà điều hành cảng đã đầu tư số tiền tương đương hơn 13 triệu euro để khắc phục khoảng 900 kháng nghị của người dân.

Giờ đây, Lynetteholm cũng nhận được những ý kiến trái chiều từ bên kia Øresund. Các nhà môi trường Thụy Điển, 13 thành phố  và vùng Skåne cảnh báo về tác động sinh thái của dự án. Người ta lo ngại, eo biển này sẽ bị ô nhiễm bởi quá trình xây dựng kéo dài nhiều nhiều thập kỷ và việc khai thác cát từ rạn san hô Kriegers Flak đang phá hủy môi trường sống quan trọng đối với cá heo, các loài cá khác và thực vật trong vùng. Vì lý do này, Đan Mạch phải phối hợp với Thụy Điển xem xét lại dự án này nghiêm túc hơn để không vi phạm luật của EU.

Trong khi đó, tại Copenhagen, mối quan tâm chính là hậu quả của những gì đang diễn ra hàng ngày. Theo tính toán của truyền thông Đan Mạch trong quá trình mở rộng hòn đảo, mỗi ngày sẽ có thêm khoảng 350 xe tải  chạy qua thành phố trong mười năm tới. “Theo quan điểm của chúng tôi, việc mở rộng hòn đảo ít nhất cũng có vấn đề như việc san lấp đất trước đó”, nhà hoạt động khí hậu Frederik Sandby nói.

Đối với các nhà hoạt động khí hậu, không chỉ là vấn đề về tác động môi trường mà còn là những cân nhắc cơ bản đằng sau dự án lớn. Sandby nói: “Chính phủ của chúng tôi đã thông báo rằng họ sẽ giảm đáng kể lượng khí thải vào năm 2030. “Nhưng ngành xây dựng là một trong những ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất. Nếu chúng ta muốn xây dựng Lynetteholm, chúng ta phải tiết kiệm ở nơi khác. Làm thế nào bạn có thể làm điều đó nếu bạn thậm chí chưa điều tra các tác động?”.

Để kêu gọi dừng công việc xây dựng, các nhà bảo vệ môi trường đã đệ trình một bản kháng nghị lên Nghị viện EU trong những tháng gần đây và tiến hành khởi kiện dân sự ở Đan Mạch. Giáo sư luật Ellen Margrethe Basse tin rằng dự định này có một cơ hội tốt: “Theo tôi  Tòa án Châu Âu sẽ tiếp nhận và xác nhận  những phản đối đối với bản đánh giá môi trường không đầy đủ. Qua các quy định điều này đã thể hiện quá rõ ràng.”

Dự án thế kỷ chống biến đổi khí hậu của Đan Mạch trước hết sẽ trở thành một trận chiến pháp lý lịch sử.

Xuân Hoài tổng hợp

NguồnLynetteholm in Dänemark: Umstrittene künstliche Insel am Öresund – DER SPIEGEL

https://de.euronews.com/2021/06/07/kunstliche-halbinsel-soll-kopenhagen-vor-uberschwemmungen-schutzen

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)