Đâu là giải pháp cho tình cảnh “sống chung với úng” của Thủ Đô?

Dự án thoát nước cho Hà Nội giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 187,36 triệu USD bao gồm vốn ODA 139 triệu từ Chính phủ Nhật Bản và 48,36 triệu USD từ nguồn vốn trong nước đã gần hoàn thành. Tuy nhiên, chỉ với những cơn mưa đầu hè đã có hàng chục điểm bị ngập úng nặng gây biết bao phiền toái và rủi ro cho người dân Thủ đô. Phải chăng có điều gì đó còn "bất ổn" về tính khả thi của kế hoạch giải thoát cho Hà Nội khỏi tình trạng sống chung với úng từ nhiều năm nay của UBND thành phố?

Hà nội: mưa  là ngập
Lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội (CTTNHN) thừa nhận “Mùa mưa năm nay Hà Nội vẫn sẽ còn nhiều điểm úng ngập. Hiện nay, hệ thống thoát nước Hà Nội vẫn chưa hoàn chỉnh”(!)
Cũng theo giải thích của CTTHN thì nguyên nhân chính của tình trạng “hễ mưa là ngập” là do hệ thống thoát nước của Hà Nội còn lộn xộn. Toàn bộ hệ thống tiêu nước của thành phố gồm 4 con sông là song Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu và sông Tô Lịch với tổng chiều dài 39 km cùng với 32 hồ chứa nước thoát ra sông Hồng qua cụm đầu mối Yên Sở (công suất 45m3/s) và sông Nhuệ qua đập Thịnh Liệt (với công suất 30m3/s). Tuy nhiên, nguồn tiêu thứ 2 còn hạn chế do cửa điều tiết  Thanh Liệt chưa thi công xong và mực nước sông Nhuệ thường dâng lên rất nhanh nên việc tiêu rất chậm, chỉ đạt 60% như CTTN HN đã thừa nhận, vì vậy đã không kịp “giải thoát” cho Hà Nội khi bị úng ngập bao vây.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là: Nếu chúng ta hoàn tất 100% cống đường phố nội thành, hoàn tất cả việc cải tạo, làm mới các cống sông Sét thì liệu Hà Nội có thoát khỏi úng khi những cái cống thoát lũ duy nhất không thể bơm kịp như nhiều chuyên gia đã tính toán?
Hơn nữa, việc chúng ta làm tốt hệ thống cống nội thành và mở rộng đường giao thông cũng như tạo không gian mới cho các hoạt động sinh sống của cộng đồng bằng việc xây cống kín trên các con sông tiêu lũ chính trong nội thành dường như cũng không giảm được úng cho nội thành bao nhiêu mà trái lại, việc này còn làm úng lan dần ra đến khu vực mà chỉ cách đây vài ba năm còn là ngoại thành thì nay đã nằm trong phạm vi “úng hóa” như khu vực Chùa Hà là một thí dụ điển hình.

Có nên đồng nhất hai hệ thống thoát nước?
Chúng ta đã sai lầm trong cách tiếp cận vấn đề về chống úng cho Hà Nội. Sai lầm cơ bản nhất của những cơ quan chịu trách nhiệm  đề ra các giải pháp chống úng cho Hà Nội là Quan niệm sai lầm về hệ thống thoát nước chống úng cho Hà Nội. Bắt đầu từ sai lầm này, mọi giải pháp chống úng cho Hà Nội đều không có kết quả và dẫn đến tình trạng cống mới cứ xây mà úng không những không giảm mà còn mở rộng về phạm vi và nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu thì sẽ đi vào bế tắc, không có lối thoát.
Các cơ quan có trách nhiệm thiết kế và thực thi công việc chống úng đã luôn đồng nhất hóa hệ thống thoát nước thải của Hà Nội với hệ thống thoát nước mưa.
Chính sai lầm về định nghĩa mang tính hệ thống này đã dẫn đến tình trạng “đánh không trúng” mục tiêu: Thay vì đi chống úng thì chúng ta lại đi mở rộng và cải tạo hệ thống thoát nước thải cho thành phố.
Trong khi bản thân hệ thống thoát nước thải của Hà Nội dường như có thể thải toàn bộ nước dùng và sinh hoạt của Hà Nội ít nhất là cho thời điểm hiện nay thì chúng ta lại cứ đi mở rộng nó, lấp cống, mở rộng đường trên đó bằng việc bê tông hóa và bắt nó làm thêm công việc thoát úng!
Chúng ta đã thừa hưởng hệ thống thoát nước cũ của Hà Nội từ những năm giữa thế kỷ trước (theo tài liệu nghiên cứu về Hà Nội, hệ thống thoát nước thải và nước mưa của Hà nội có hình rẻ quạt tính từ trung tâm thành phố). Hệ thống này vận hành không có vấn đề gì cho đến thời điểm những năm 70 của thế kỷ đã sản sinh ra nó. Song, bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ 20 trở lại đây thì hệ thống có từ thời Pháp thuộc này đã không còn đáp ứng được nhu cầu thoát úng cho Hà Nội do các con sông thoát nước cho nội thành đã bị lấn chiếm dần, trong khi đó các hồ điều hòa của thành phố bị thu hẹp đáng kể, dẫn đến việc úng ngập nhanh chóng dâng cao. Trong khi số cống tăng lên không kịp trên quan điểm mạng (số lượng) cũng như chất (kích thước) thì cư dân Hà Nội đã tăng khoảng từ 8 đến 10 lần so với thời điểm mà hệ thống này được đưa vào vận hành. Diện tích của thành phố cũng được mở rộng không ngừng theo từng năm, vẫn theo bản chất vốn có của hệ thống mà chúng ta được thừa hưởng, chỉ có đúng một hệ thống cống vừa thoát nước thải vừa thoát úng khi trời mưa thì việc phân úng của Hà Nội sẽ được mô tả  như nhiều vòng tròn đồng tâm: Vòng trong là phố cũ bị úng trầm trọng có thâm niên, vòng ngoài là các khu phát triển mới, và cứ thế, mỗi năm Hà Nội lại có thêm nhiều lớp đồng tâm mới và điều tất yếu phải xảy ra – các vòng ngoài trở nên nơi tích úng cho vòng trong  và úng  lan dần ra các khu cư dân mới. Đó là điều tất yếu phải xảy ra.
 
Đâu là hệ thống thoát nước chống úng hữu hiệu cho Hà Nội?

Những người có trách nhiệm của các công ty xây dựng có uy tín ở Hà Nôi về hệ thống thoát nước  tại các khu đô thị mới có chất lượng cao như Trung Hòa-Nhân Chính,… khẳng định: Một khi đã ra đến hệ thống thoát nước công cộng trên đường thì nước thải và nước mưa đều hòa làm Một!
Vì vậy phải xác định rằng hệ thống thoát nước chống úng cho Hà Nội phải  độc lập với hệ thống thoát nước thải cho sinh hoạt của Hà Nội hiện nay. Đó phải là một hệ thống liên hoàn mở (hoặc ngầm tùy theo điều kiện, địa hình). Hệ thống này gồm các đường thoát tổng hợp có thể trùng hoặc không trùng với hệ thống thoát nước dựa trên 4 con sông thoát nước hiện nay của Thành phố. Phải có các đường thoát nước mưa phân nhánh trước khi dẫn vào hệ thống thoát nước mưa tổng hợp. Hệ thống thoát nước mưa phân nhánh phải độc lập với hệ thống thoát nước thải và sinh hoạt hiện nay. Đó là điều kiện tiên quyết để giải thoát cho các tuyến phố thường xuyên bị ngập lụt cũng như giải quyết một cách triệt để tình trạng này trên bình diện toàn thành phố hiện nay
Chỉ khi hai hệ thống này độc lập thì việc thoát nước (sủ dụng một vài trạm bơm ngay tại khu vực Từ Liêm, khu vực cận nội thành cũ) sẽ là một điều dễ dàng mà không phải tốn nhiều tiền của để xây dựng một hệ thống thu gom, xử lý nước thải xung quanh Hồ Tây như dự án chúng ta đang làm hiện nay.
Nếu chúng ta xây dựng được một hệ thống thoát nước mưa “mở” thì, một cách tự nhiên, hệ thống thoát nước thải như hiện nay sẽ “kín”, chúng ta mới có thể phát triển các giải pháp xử lý cần thiết trước khi dẫn chúng tới các trạm bơm thoát nước hiện nay tại Yên Sở và Thanh Liệt, bên cạnh đó cũng sẽ không còn mùi hôi thối trên tất cả các vị trí miệng cống của các tuyến phố như hiện nay. Giải pháp này giúp giảm thiểu và tiến tới tránh được ô nhiễm hoàn toàn cho các vùng đệm thoát nước thải này.
Chúng ta đã tốn rất nhiều giấy mực về việc bảo vệ môi trường nước của Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây cũng như các hồ khác của Hà Nội. Một khi nước thải còn đổ ra các hồ thì chuyện ô nhiễm của nước hồ là điều không thể tránh khỏi. Hệ thống thoát nước thải phải kín và không được thoát ra các hồ. Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng chỉ có hệ thống thoát nước mưa cho thành phố là nối liền với các hồ. Trong trường hợp này, vai trò của hồ là điều hòa và điều tiết-tức là các trạm bơm thoát úng cưỡng bức chỉ hoạt động khi các hồ đã không thể tải nổi úng cho từng vùng cục bộ của Hà Nội.
Những đánh giá gần đây nhất cho thấy không phải Việt Nam thừa nước ngọt mà hiện chúng ta đang được cung cấp dưới tiêu chuẩn quốc tế về số lượng nước ngọt/đầu người. Có thể chúng ta mới chứng kiến trong mấy năm trở lại đây việc thiếu nước phát điện cho sinh hoạt và sản xuất chứ chúng ta chưa phải đặt ra vấn đề xử lý nước mưa để rồi cung cấp lại cho sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cuộc chiến tranh về nguồn Nước tại một số nước Trung Á hiện nay thì có thể thấy rằng nếu hệ thống thoát nước mưa độc lập với nước thải thì đó là điều kiện cần để chúng ta có thể dùng chính nguồn nước này cung cấp lại cho sản xuất. Singapore là một quốc gia phải mua nước ngọt về dùng. Tuy nhiên với hệ thống thoát nước mưa và giữ nước mưa như hiện nay, sau khi xử lý và lọc, đất nước đảo quốc này đã tự cấp được 40% nhu cầu nước sinh hoạt cho mình.
Hiện nay, cái chúng ta cần tránh là dẫn toàn bộ nước thải nguyên chất về 4 con sông đã kể trên. Chỉ khi chúng ta làm được việc xử lý chúng trước khi cho phép chúng đổ vào 4 con sông trên thì mới có thể xanh hóa 4 con sông rất nên thơ của Hà Nội và những dự án cải tạo mặt bằng xung quanh các con sông này mới có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng. Nếu không chúng sẽ bị người dân “ghẻ lạnh” và mong muốn bê tông kín hóa càng nhanh càng tốt. Điều này gây kích úng và tích úng cục bộ, bịt kín khả năng tạo các dòng thông úng liên hoàn và có lưu tốc lớn, làm trầm trọng thêm tình trạng úng của Hà Nội hiện nay.

Phạm Côn

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)