Dạy khởi nghiệp trong trường đại học
Bài học của Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khiến chúng ta phải đánh giá lại những nhận định thông thường về khuyến khích khởi nghiệp trong trường đại học.
Cuối năm 2017, “Cánh tay robot đút thức ăn cho người già và bệnh nhân Parkinson” của nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã đoạt giải nhất trong cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc, vượt qua hàng ngàn đề tài nghiên cứu đến từ 77 trường đại học. Sau đó, dự án này được các doanh nghiệp Singapore quan tâm, ngỏ ý mua bản quyền và đầu tư cho việc tiếp tục nghiên cứu chế tạo sản phẩm ưu việt hơn, hướng tới việc thương mại hóa.
Sản phẩm “Cánh tay robot đút thức ăn cho người già và bệnh nhân Parkinson”. Ảnh: Dân Trí
Nhưng thành công đó không phải là câu chuyện thành công bất ngờ của Khoa Cơ khí chế tạo máy, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE). Trước đó, sinh viên ở đây đã từng nổi tiếng trên các báo với hàng loạt máy bán phở, bán bánh mì, bán trà sữa…tự động. Mỗi năm, riêng khoa cơ khí chế tạo của trường đều nhận được từ 30 đến 40 đơn đặt hàng của doanh nghiệp cho những thiết bị cải tiến quy trình sản xuất và dịch vụ.
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các đại học, học viện và trung cấp cần xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp để đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn. Đây là một nội dung triển khai của Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” mới được ban hành vào cuối năm 2017. Đề án cũng đòi hỏi các trường phải có bộ phận hỗ trợ, kênh thông tin dành cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đồng thời lựa chọn, ươm tạo và tìm nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng và giới thiệu họ tham dự ngày hội khởi nghiệp quốc gia hằng năm. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải đến khi đề án ra đời các trường mới quan tâm đến khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Câu chuyện này đã hiện diện ở nhiều vườn ươm, sự kiện, các cuộc thi khởi nghiệp và các khóa đào tạo kinh doanh “mọc” lên ngày càng nhiều trong các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, kết quả của những hoạt động này khá mờ nhạt. Điều này dẫn đến câu hỏi, làm thế nào để đề án không biến khởi nghiệp hay đổi mới sáng tạo trở thành một phong trào, chỉ có vẻ bề ngoài ồn ã nhưng không tạo ra những giá trị, những dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thiết thực?
Bắt đầu từ thay đổi cách dạy
Một loạt dự án do sinh viên thực hiện thành công và trở thành sản phẩm bán trên thị trường của HCMUTE không đến từ môn học mang tên “khởi nghiệp” hay đổi mới sáng tạo hoặc các cuộc thi và sự kiện khởi nghiệp của trường mà đến từ việc phương pháp “học theo dự án” (project-based learning), theo đó, nội dung của hầu hết các môn học đều gắn liền với một sản phẩm phục vụ thực tiễn. “Hay nói cách khác, môn học sẽ hỗ trợ việc sản xuất chế tạo một sản phẩm nào đó” – TS. Nguyễn Trường Thịnh, trưởng khoa Khoa Cơ khí Chế tạo máy nói và cho rằng đây là xu hướng toàn cầu và “chúng ta không có cách nào khác là phải đi theo”.
Ngay từ năm thứ nhất đại học, sinh viên đã được làm quen với phương thức giảng dạy này trong môn học nhập môn. Môn học này được xây dựng xoay quanh việc sinh viên phải tự lập nhóm và triển khai một sản phẩm tự động hóa đơn giản, chẳng hạn như “tập làm múa rối nước tự động” (thay thế cho các nghệ nhân dưới nước). Các môn chuyên ngành về sau sẽ hướng tới các dự án phức tạp hơn, nhiều khi gắn liền với đặt hàng của doanh nghiệp thành sản phẩm hoàn chỉnh có thể thương mại hóa được. Ngoài “máy bán phở tự động” nói trên còn có “người hùng đường Cống” – một robot dọn rác trong đường ống ngầm hay máy lau lá chuối tự động cho công ty Thọ Phát (được biết đến chủ yếu với sản phẩm bánh bao, trước đây công ty phải có một bộ phận chuyên lau lá chuối bằng tay, năng suất thấp).
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trường Thịnh, có hai khó khăn chính trong việc thực hiện phương thức giảng dạy mới này. Đó là mối quan hệ giữa doanh nghiệp và trường đại học còn lỏng lẻo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn thấp. Có rất ít cơ sở đào tạo ý thức thiết lập cơ sở dữ liệu về năng lực và các nghiên cứu của trường và nỗ lực quảng bá tới doanh nghiệp. Trách nhiệm vì thế phụ thuộc vào sự linh hoạt và năng động của giảng viên: “Các thầy cô, ngoài phải nghiên cứu và giảng dạy, họ còn kiêm luôn tiếp thị cho các sản phẩm của mình” – TS. Thịnh cho biết. Hơn nữa, các trường không kì vọng vào nguồn thu từ các phát minh và bằng sáng chế. Nên dù đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và có sản phẩm bán được như HCMUTE, trường cũng không có mấy động lực để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình mà dựa chủ yếu vào tính tự giác của doanh nghiệp.
Qua các dự án hợp tác với trường, doanh nghiệp cũng tuyển dụng được một đội ngũ kĩ sư giỏi. Thường ở các nước khác, họ sẽ có trách nhiệm đóng góp lại cho ngôi trường đó, có thể là thông qua quyên góp, đầu tư và hỗ trợ để nâng cao chất lượng đào tạo, để sau này doanh nghiệp có thể khai thác tiếp lực lượng kỹ sư có chất lượng cao. Nhưng điều đó nằm ngoài mối quan tâm của đa số các doanh nghiệp Việt Nam. “Họ nghĩ rằng, họ đã cho trường tên đề tài, một hướng nghiên cứu, và việc kỳ vọng nhiều hơn ở họ là rất khó khăn, ngay cả khi đã tận dụng nguồn nghiên cứu của khoa để ra sản phẩm, đi sản xuất hàng loạt.” – TS Thịnh nói.
Sinh viên “ngại” khởi nghiệp
Tại sao lại cần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở sinh viên và thậm chí là cả ở phổ thông? Liệu có phải chúng ta muốn tăng số lượng các sinh viên khởi nghiệp? Chúng ta muốn có ngày càng nhiều các startup bước ra từ các trường đại học? Bản thân đề án cũng kì vọng 100% các trường đại học, 50% các trường trung cấp có ít nhất hai ý tưởng được đầu tư đến năm 2020 và năm ý tưởng đến năm 2025. Nếu đúng là như thế, thì đó là một mong ước lãng mạn. Dự án “Cánh tay robot đút thức ăn cho người già và bệnh nhân Parkinson” được nhắc đến ở đầu bài viết hiện nay đã gần như không còn hoạt động. Dù đề tài có hướng phát triển xa hơn, đầy triển vọng và được ủng hộ đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, nhưng các sinh viên lại lựa chọn không tiếp tục.
Theo như suy nghĩ thông thường, vốn, sự hỗ trợ, tính khả thi của ý tưởng chính là những yếu tố ảnh hưởng nhất đến quyết định khởi nghiệp và đi theo đến cùng của sinh viên. Nhưng đó không phải là điều sinh viên ở HCMUTE thiếu. Sinh viên có dự án có thể đăng ký đề tài nghiên cứu cấp trường và xin cấp vốn, nhà trường có thể hỗ trợ khoảng 50 triệu để sinh viên khởi nghiệp và nhà đầu tư có thể hỗ trợ nhiều hơn. TS. Thịnh cho biết, vấn đề nằm ở chỗ sinh viên vẫn không thấy việc đảm bảo tài chính ở đây. Với việc có giải thưởng, họ dễ dàng tìm được một công việc mơ ước với mức lương hấp dẫn ở các công ty. Nếu so sánh điều đó với việc nghiên cứu một sản phẩm mà chưa rõ kết quả với nhiều khó khăn trong ít nhất một, hai năm tới, các bạn sinh viên chọn con đường dễ dàng và chắc chắn hơn.
Vậy thì tại sao vẫn cần đưa tinh thần đổi mới sáng tạo hay kĩ năng khởi nghiệp vào trong các cơ sở đào tạo? Không phải là để có ngày càng nhiều sinh viên startup hơn mà là bởi những kĩ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, quản lý tài chính, tư duy một cách tổng quan, kĩ năng giao tiếp – lắng nghe người khác, tinh thần dám chấp nhận thất bại, kiên trì thử và sai, đo lường học hỏi để có được kết quả tốt nhất, đón nhận những ý tưởng khác biệt…cần thiết đối với mọi vị trí công việc, mọi lĩnh vực ngành nghề và chúng chỉ có thể “học qua hành”, “học qua trải nghiệm” chứ không phải chỉ qua nghe giảng. Để làm được điều đó, không nhất thiết phải tổ chức ngày càng nhiều nhiều lớp dạy khởi nghiệp mà cần tạo ra một môi trường giảng dạy sáng tạo, liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cho các em “không gian” để thử nghiệm những kiến thức đã học trong việc giải quyết những bài toán thực tế trên giảng đường.